Huyền Trân công chúa - Công chúa Việt lấy chồng ngoại quốc
Huyền Trân công chúa là một trong những người phụ nữ nổi tiếng nhất lịch sử Việt Nam. Bà là con gái của Trần Nhân Tông, em gái của Trần Anh Tông.
Bằng cuộc hôn nhân của mình với vua Chiêm là Chế Mân ( năm 1306), bà đã đem về cho Đại Việt hai châu Ô, Lý (từ đèo Hải Vân, Thừa Thiên - Huế đến phía bắc Quảng Trị ngày nay).
1 năm sau, Chế Mân chết, Huyền Trân công chúa được Trần Anh Tông (anh trai) sai Trần Khắc Chung cướp về.
Chế Mân (hay Jaya Simhavarman III), là vị vua thứ 34 của vương quốc Chiêm Thành. Ông là một vị vua hùng tài đại lược của xứ Chiêm Thành. Khi còn là thái tử, đã đứng đầu quân đội Chiêm Thành chống lại sự xâm lăng của Mông Cổ vào năm 1282, và được coi như là anh hùng dân tộc. Trị vì từ năm 1288 đến năm 1307, Chế Mân được đánh giá là một trong những vị vua giỏi nhất của lịch sử Chiêm Thành, với ngoại giao là hòa hiếu với các nước láng giềng thông qua các cuộc hôn nhân chính trị.
Năm 1306, vua Chế Mân dâng hai châu Ô và châu Lý cho Đại Việt làm của hồi môn, vì trước đó vua Trần Nhân Tông qua thăm đã hứa gả Huyền Trân công chúa cho Chế Mân. Huyền Trân vì đại cuộc mà sang làm dâu xứ người, bà trở thành hoàng hậu Paramecvari. Bà chính là người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử nước Việt đã mở cõi không phải bằng gươm đao, mà bằng hôn nhân. Ở nơi đất khách quê người, Huyền Trân sinh cho Chế Mân hoàng tử Chế Đa Đa.
Đến năm 1307, quốc vương Chế Mân qua đời. Lúc ấy, vua Trần Nhân Tông đã lên làm thượng hoàng và nhường ngôi cho vua Trần Anh Tông, là anh trai của Huyền Trân. Vua Trần Anh Tông đã đi một nước cờ sai lầm, đánh đổi bằng cả đại cục bang giao của hai nước. Đấy là sai Trần Khắc Chung vờ sang viếng tang để tìm cách cứu Huyền Trân đem về. Trần Khắc Chung đã hoàn thành nhiệm vụ khó khăn ấy, nhưng đồng thời cũng gieo một mối hận không thể liền sẹo được với Chiêm Thành. Sau đó, các vị vua Chiêm kế tiếp đã liên tục động binh đao ở biên giới, quấy rầy Đại Việt hòng lấy lại hai châu Ô, châu Lý để rửa mối quốc nhục.
Nhà Trần đưa ra lý do như sau: theo truyền thống ở Chiêm Thành thì khi vua chết, hoàng hậu cũng phải bị hỏa thiêu theo vua. Nhưng các sử liệu sau này đã phản bác lại sự vô lý này. Thực tế là gì? Nhà Trần theo truyền thống không chấp nhận các cuộc hôn nhân dị tộc. Sâu xa là vì họ đã có được thiên hạ bằng cuộc hôn nhân dị tộc Trần Cảnh-Lý Chiêu Hoàng, vì sợ chuyện này sẽ lặp lại với mình nên nhà Trần cho kết hôn cận huyết chứ không kết hôn dị tộc. Khi Huyền Trân sinh ra hoàn tử Chế Đa Đa, nhà Trần lại càng thúc đẩy việc phải kéo cho được Huyền Trân về. Đấy là lý do cho việc Huyền Trân trở lại Đại Việt. Huyền Trân khi ra đi đã vốn là quân cờ trong bàn cờ chính trị của hai nước, và khi trở về cũng là quân cờ trong suy tính của hai nước, tôn nghiêm và tính dân tộc của hai nước. Bà là người mở cõi, nhưng cũng là nguyên nhân của khói lửa binh đao ở biên giới. Do đó, khi trở về, Huyền Trân đã lên Yên Tử gặp phụ thân, rồi quyết định quy y cửa Phật, xuất gia tại núi Trâu Sơn với pháp danh Hương Tràng. Huyền Trân công chúa (tức ni sư Hương Tràng) mất năm 1340, thọ 53 tuổi. Cuộc đời bà là những nỗi buồn và sự giằng xéo của thân phận nữ nhi hoàng tộc mang trách nhiệm “hôn nhân chính trị” thời phong kiến.
Hình ảnh: Bìa sách NXB Kim Đồng