Huyền thoại 300 năm Sài Gòn - Gia Định (Phần 1)?

  1. Lịch sử

1-     Đồng Tập Trận:

Chỗ vòng xoay Dân Chủ ngay 3 tháng 2 ngày xưa là Đồng Tập Trận, nơi quân đội nhà Nguyễn farm level và diễu hành. Cánh đồng rộng lớn này nằm trên cả quận 3 và quận 10, kéo dài tới tận trường đua Phú Thọ.

Sau loạn Lê Văn Khôi thì nó thành nơi chôn xác hàng ngàn người mắc đại tội phản nghịch với vua Minh Mạng. Gần 2000 thi hài trong mọi độ tuổi và giới tính vùi xác trong cơn thịnh nộ của rồng. Sự kiện này rất ám ảnh dân Sài Gòn – Gia Định vì lúc đó dân cư cũng không đông đúc lắm, đến mức nó được đặt cho tên khác.

“Chẳng có ai đến Sài Gòn chỉ trong một ngày mà lại không nghe nói đến ít nhất về cái nghĩa địa bao la được gọi bằng tên Đồng Mả Mồ”

Người ta kháo nhau nơi đây có sương giăng, chính là oan hồn của người bị giết. Giờ thì chắc chắn không còn nữa rồi. Dân thành phố bây giờ đi làm hay tan ca kẹt xe chỗ này chửi nhau ầm ĩ thì ma nào nó chịu nổi.

Mỗi khi đến sinh nhật Nguyễn vương Phúc Ánh, Tả quân Lê Văn Duyệt tắm gội trai kỳ, ngồi kiệu đến Hành cung gần đối diện Diamond Plaza làm lễ chúc thọ vua, happy birthday to you my lovely king. Ông lệnh nã ba phát súng tiền hô hậu ủng, lên kiệu thẳng đến vòng xoay Dân Chủ rồi quẹo vào hướng siêu thị Maximark 3 tháng 2, có lẽ vượt cả hàng trà sữa và khách sạn ở Sư Vạn Hạnh để đến Đồng Tập Trận. 

Tại cánh đồng ấy, quân sĩ Gia Định bắn súng đại pháo, duyệt binh, huấn luyện voi. Sau đó ông Lê Văn Duyệt đi vòng ra phía sau thành Bát Quái, qua cả đài truyền hình HTV, qua cả Tôn Đức Thắng, đến chỗ sau này là xưởng tàu Ba Son xem đánh trận giả rồi trở về. Trong suốt cuộc rước binh đó, dân chúng gây tiếng động trong nhà, ví dụ đốt pháo xua đuổi tà thần có thể ếm hại gia đình.

2-     Nhà Bá Đa Lộc

Thời chúa Nguyễn Ánh còn bôn tẩu, đã có một vị Giám mục hết lòng phó tá, đó là Cha Cả Pigneau de Behaine hay Bá Đa Lộc. Bá Đa Lộc từng theo chân chúa Nguyễn đến tận hải đảo, những khu rừng sâu Nam Kỳ, hoặc đất Diên Khánh đầy nắng gió. Ông mắc bệnh qua đời chỉ trước khi vua Gia Long chiến thắng toàn cuộc và thống nhất Việt Nam ít năm.

Ngôi nhà ông ở 100% được xây dựng bằng gỗ quý, liên kết hoàn hảo bằng kỹ thuật ghép mộng, không sử dụng đinh của các kiến trúc sư tài ba thời Nguyễn. Bên ngoài chạm trổ tinh xảo hoa lá rồng phượng. Bên trong thiết kế vừa theo lối người Việt, vừa theo lối Công giáo. Nhà Cha Cả hiện tại là công trình cổ xưa nhất còn tồn tại ở Sài Gòn, nằm ngay trong khuôn viên Tòa Tổng Giám mục.

3-     Chợ Bình Tây:

Chính là Chợ Lớn Mới, thay cho ngôi chợ cũ bị cháy (giờ là Bưu điện Chợ Lớn). Để xây dựng chợ Bình Tây, một thương gia người Hoa rất “sộp” tên Quách Đàm đã tặng hẳn một miếng đất thiệt bự cho chính quyền, còn bự hơn chợ cũ nữa, và cũng thầu luôn ngôi chợ mới này. Qua năm 1990, chợ Bình Tây được trùng tu cải tạo, mở rộng ra hai bên hông và thêm một tầng lầu.

4-     Lăng Lê Văn Duyệt:

Ngày còn sống, Lê Văn Duyệt hai lần được cửa làm Tổng trấn Gia Định, dễ hiểu có thể xem như Phó vương cai trị một vùng lãnh thổ rộng lớn gồm Nam Kỳ và Cao Miên. Dưới thời ông, Sài Gòn – Gia Định là một “vương quốc” khác hẳn miền Trung của triều đình Huế. Năm 1832, ông mất và vua Minh Mạng truy tặng chức Tả Vạn Công Thần. Tuy nhiên, sau đó vua sai điều tra việc cũ, đoạt hết quan tước, san bằng mồ mả, xiềng lại bằng dây xích sắt theo kiểu trấn yểm.

Đến 13 năm sau, vua Tự Đức mới thương cảm cho xây lại mộ cũ, tháo bỏ xiềng xích. 20 năm tiếp theo, vua lại phục chức cho ông. Lăng Ông nằm sát cạnh chợ Bà Chiểu, bên trong có thờ cả người bạn thời chống Tây Sơn là Lê Chất, và ngài Phan Thanh Giản. Tới nay, lăng Ông vẫn là công trình đẹp và người dân Sài Gòn tôn thờ ông làm vị thần bảo hộ.

5-     Nhà thờ Huyện Sỹ:

Do chính ông ngoại Nam Phương Hoàng hậu lừng danh của chúng ta xây (gần đại học Hoa Sen quận 1 bây giờ). Ông Huyện Sỹ Lê Phát Đạt là đại gia khét tiếng Nam Kỳ, đi vào thơ ca luôn “Nhất Sỹ - Nhì Phương – Tam Xường – Tứ Hỏa”. Ông chơi đẹp tặng hẳn 5000m2 đất và tiền. Đức cha Bouttier thiết kế theo phong cách Tân Gothic, hành lang gác hoàn toàn chìm trong bóng tối. Nam Phương Hoàng hậu tuy sinh ở Gò Công nhưng chuyển lên Sài Gòn sống ở đường Nguyễn Du, có lẽ bà cũng ghé nhà thờ này rất nhiều lần trước khi về làm dâu xứ Huế.

Từ khóa: 

huyện sỹ

,

chợ lớn

,

sài gòn

,

lê văn duyệt

,

bá đa lộc

,

lịch sử

Khâm phục bác Lộc về độ uyên bác và cách viết hài hước gần gũi.

Trả lời

Khâm phục bác Lộc về độ uyên bác và cách viết hài hước gần gũi.

bài này hay vui, cám ơn bạn.

hjx, em đẻ ở sài gòn mà k rành bằng anh. :(

Hẳn nào lúc nào từ trên cao nhìn xuống cái vòng xoay Dân Chủ chỗ Dồng Mả Môd ngày ấy cũng thấy nghìn nghịt người :))