Hướng nghiệp đúng là gì?

  1. Hướng nghiệp

Hướng nghiệp đúng là KHÔNG chọn sai ngành học, hướng học, nghề nghiệp.

Sẽ không có lựa chọn phù hợp 100% đâu, may mắn lắm cũng chỉ được 85% mà thôi!

Phụ huynh, những người đang đau đáu lo lắng cho tương lai của con cái, rất có thể sẽ thêm bồn chồn hoài nghi khi nghe chuyên viên tư vấn hướng nghiệp khẳng định chắc nịch vậy. Mà thật thế, một chọn lựa hướng học, ngành học của cá nhân với mong muốn tìm được việc làm có xác suất thành công cao nhất, hay quyết định của một bạn trẻ muốn chuyển nghề, theo đuổi đam mê dù đã lựa chọn theo tiêu chí khớp tối đa với hoàn cảnh và sở thích cá nhân cũng sẽ bị tác động liên tục bởi thị trường đào tạo đa dạng và thế giới nghề nghiệp phong phú, thị trường lao động chuyển biến liên tục như hiện nay.

Không những thế, sau thời điểm ra quyết định và hành động, cá nhân đó sẽ tiếp tục có những chuyển biến nội tại và trở nên một phiên bản tiến bộ hơn so với phiên bản đã ra quyết định ban đầu. Ví dụ, một học sinh sẽ phát triển nhiều kỹ năng mới, thu nhận kiến thức mới, thực tế hơn rất nhiều trong giai đoạn học tiếp sau THPT; đồng thời sau 2 đến 4 năm học, thị trường lao động chắc chắn đã có nhiều chuyển biến khác biệt, sự ‘phù hợp’ trước đây cũng đã đổi phần nào. Không những thế, một bạn trẻ tốt nghiệp và bắt đầu tìm việc làm sẽ dần học được từ môi trường làm việc vô vàn kỹ năng lẫn kiến thức không được dạy trong trường, nên có thể sẽ cảm thấy quyết định trước kia của bản thân là phiến diện, không còn khớp hoàn toàn với phiên bản tiến bộ hiện tại.  

Ấy là chưa kể đến bản chất phức tạp của tình huống và của chính cá nhân ấy tại thời điểm ra quyết định, với đặc tính ‘thích-đủ-thứ’ của con người nói chung và nguy cơ ‘khủng hoảng thừa thông tin’ hiện nay. Nếu các em học sinh thế hệ 9x vốn đã ít cơ hội trải nghiệm hơn thế hệ 8x vì sự bảo bọc kín kẽ của cha mẹ, thì thế hệ học sinh cấp 3 hiện tại (sinh sau năm 2000) lại càng biết rộng mà vô cùng thiếu kiên nhẫn để dấn thân sâu vào một lĩnh vực hoặc trải nghiệm chậm, đủ lâu để biết mình thật sự có thể sống với nghề đó, kiếm tiền một cách hạnh phúc và trưởng thành với trong nghề hay không.

Quan ngại nhất còn là thực trạng giới trẻ hiện tại được ưu đãi đến mức dư thừa về sự lựa chọn, nên các em có đủ thứ trước khi kịp thích một điều gì, dẫn đến các em không có khao khát tạo được điều gì mới mẻ mà thế giới chưa có, hay bản thân mình mơ ước có được. Tôi thường nghe các em sinh từ năm 2002 về sau tâm sự rằng “Cô ơi con không thiếu thứ gì, con muốn gì cũng có, nên con không thấy mình thích gì hết”, mà sự thật đau lòng tiếp sau đó là “con chỉ muốn vừa có ba vừa có mẹ, hoặc con muốn ba mẹ lắng nghe con, hiểu con,...”. Nỗi niềm này khiến các em học sinh sau 2000 nhìn nhận hoàn cảnh thực tế của bản thân không rõ ràng, mơ hồ hoặc sai lệch đáng kể do bị ảnh hưởng từ kỳ vọng của ba mẹ, xã hội hoặc bạn bè. Các em không kiên nhẫn đi theo lộ trình hướng nghiệp đúng để khám phá những yếu tố cốt lõi cần thiết cho một quyết định nghề nghiệp đúng đắn mà thường xuôi theo các trào lưu thịnh hành như một cách gồng lên chứng tỏ bản thân cũng ‘ngon lành như ai’, hoặc ‘du học vì học ở trường Việt Nam không xong, đi du học để được hưởng hệ thống giáo dục cấp tiến hơn’, thậm chí đi du học vì ‘crush cũng đi du học ở trường đó’.

Thế nên, làm sao để chọn đúng ngành học, hướng học và đúng nghề nghiệp phù hợp NHẤT với mình?

Xin thưa, đúng NHẤT và phù hợp NHẤT vừa không có tuyệt đối NHẤT, vừa chưa chắc khả thi NHẤt. Chỉ có cách cân nhắc và quyết định theo một lựa chọn thỏa nhiều tiêu chí đồng thời nhất, nghĩa là phải vừa say Yes vừa say No. Một cá nhân khi chọn lựa làm một điều gì, nghĩa là đồng thời chọn KHÔNG làm điều ngược lại/cản trở điều đó xảy ra. Và quyết tâm tập trung thực hiện kế hoạch hành động đã đề ra chính là góp phần tăng xác suất thành công của quyết định nghề nghiệp đã chọn.

1

Chú thích:

A.    Hướng học (education plan) - con đường học tập tiếp theo ở các bậc học, ví dụ trung cấp nghề, cao đẳng hay đại học

B.    Ngành học (major) - lĩnh vực ngành nghề được đào tạo trong trường trung cấp, cao đẳng hay đại học, ví dụ ngành kế toán, ngành xây dựng, ngành sư phạm, ngành y khoa, v.v.

C.    Nghề nghiệp (occupation) - công việc/việc làm, là quá trình một cá nhân sử dụng kiến thức và kỹ năng của bản thân để tạo ra giá trị theo yêu cầu doanh nghiệp hay khách hàng, ví dụ kế toán tổng hợp hay kế toán tiền lương, kỹ sư công trình dân dụng hay kỹ sư cầu đường, giáo viên dạy toán hay giáo viên thể dục, bác sĩ ngoại khoa hay chuyên viên xét nghiệm, v.v.

Từ khóa: 

chọn ngành chọn nghề

,

chọn trường

,

hướng nghiệp