Hội An sau mùa dịch
*Trước trên Noron có bạn hỏi mình, nhân đây sáng chủ nhật dạo phố xong về viết luôn. Giới thiệu cho các bạn mà cũng nhân tiện quảng bá cho xứ sở một tý.*
Hội An, Công Nguyên tháng 02 năm 2020.
Trước thời điểm trên vài trăm năm, Hội An là 1 thương cảng sầm uất nhất nhì xứ Đại Việt, là nơi tập trung giao thương của cả khu vực với các quốc gia trên thế giới, với đủ ngôn ngữ, sắc tộc. Sau đó, do sự nổi lên của cảng Đà Nẵng ở cách đó vài chục dặm mà sự sôi nổi đó lắng xuống, để lại Hội An với một sự chững lại, ít phát triển, ít dựng xây, như hay gọi "thành phố dường già".
Nhưng núi còn đổi ngọn sông còn đổi dòng thì 1 xứ không thể cứ vĩnh viễn lãng quên.
Với việc 1 hành động mới nổi lên mà thời gian bấy giờ gọi là du lịch. Hội An lại 1 lần nữa hồi sinh.
Mấy trăm năm không phát triển, đối với người Hội An trong khoảng thời gian đó là nghèo, nhưng với con cháu họ, đó lại là phúc. "Tái Ông thất mã tri an họa". Mấy trăm năm không phát triển đó giữ lại cho Hội An 1 nét xưa mà ít nơi nào có được. Đó là cái mà Hội An thu hút bàng dân thiên hạ đến với Hội An. Cái không phát triển đó còn giúp người Hội An rèn được và giữ được cái tính hiếu khách, cái tính ôn hòa, chân chất. Điều khiến Hội An giữ chân được thiên hạ ở lại.
Trước thời điểm trên vài năm, xứ Hội An đã thu hút được rất nhiều người bằng cái việc được gọi là du lịch trên. Hội An lại sầm uất và như mọi đô thành, càng đông thì càng phải mở rộng. Và Hội An đang rộng mở. Du khách, như người ta gọi những người đi du lịch là vậy. Đến Hội An mỗi lúc 1 đông. Tiền của đổ vào nhiều, nhưng cái thu hút và giữ chân thiên hạ lại mất dần. Những người Tây dương dần biến mất thay thế vào đó là những người đến từ phương Bắc xa xôi, mang theo tiền như tuyết mùa đông nhưng cùng với đó là sự ồn ã và tàn phá như chính cái gió tuyết mùa đông. Phố cổ người tân. Phố cổ trở thành phố khổ.
Xảy, Công Nguyên tháng 02 năm 2020. Vừa ngay sau đợt Tết Cổ Truyền đầy vui vẻ. Tin dữ ập đến, quốc gia bị xâm lăng, không phải bởi địch thù mà bởi dịch thù. Những người phương Bắc không còn đến với Hội An nữa, vì chính họ là nơi dịch bệnh bùng lên đầu tiên. Nhưng dịch bệnh không chỉ tàn phá phương Bắc, nó còn theo chân người phương Bắc trên những chuyến tàu với những đôi cánh rộng vươn đến khắp nơi trong thiên hạ. Chính quyền kinh đô bế quan tỏa cảng. Người Tây dương, người bốn phương, chẳng còn ai đến được xứ Việt nữa. Hội An lại 1 lần nữa chìm vào quên lãng?
Nhưng không. Công Nguyên tháng 5 năm 2020. Sau mấy tháng cấm tiệt mọi hoạt động từ chính quyền trung ương. Các hoạt động được phép trở lại, dù chưa phải toàn thiên hạ. Nhưng cũng ngay lúc đó những "kẻ lang thang" du khách lại bắt đầu đổ về Hội An. Chỉ là người trong nội quốc thôi chứ chẳng phải cả thiên hạ. Nhưng đủ thấy sức hút của Hội An vẫn còn.
Mùa này xứ Hội An có gì mà lại còn sức hút.
Đầu tiên, thấy rõ nhất, không còn những người phương Bắc, không còn quá đông những du khách. Phố xá tuy không vắng vẻ nhưng cũng không còn cảnh "Người đông như nước, đường chật như nêm" nữa. Nó trở về đúng cái chất, cái hồn của phố Hội. Cái yên bình mà cuộc sống xô bồ của thời bấy giờ không có được. Nó như thứ thuốc giã bệnh cho những ai đang mắc "chứng bệnh thời đại" như lúc bấy giờ người ta hay kháo nhau vậy.
Người ta cũng không phải tranh nhau từng ô cửa để giữ lại 1 khoảnh khắc rằng "ta đang ở Hội An" và đưa vào "Mặt Sách" cho bạn bè cùng trầm trồ.
Mùa tháng 5, Hội An lại có những chùm hoa giấy tím tía, nở rộ ở những góc phố, dưới những hiên nhà. Nơi làm nền cho những tấm hình nam thanh nữ tú hay lưu lại. Lại có những chùm bằng lăng tím ngắt nở rộ, bật lên giữa màu xanh của lá cây cỏ. Để rồi khi rụng xuống thành 1 cái thảm tím ngắt bên vệ đường.
Những cánh đồng lúa đang vào vụ hạ, sớm thôi sẽ xanh mơn mởn là xanh. Với những làn gió rì rào tạo nên nhưng con sóng dập dìu. Những rừng dừa xanh ngát, nơi mà những cái thúng bé tẻo chở vài người luồn lách để hòa vào thiên nhiên, trong, xanh, mát.
Và biển, không có những con sóng lớn, không có nhưng giới hạn khắc khe, mà chỉ có những con sóng hiền hòa như những người dân chân chất, bờ cát vàng, mịn, trải dài, để khi chỉ cần hít 1 hơi với hương muối vào đầy phổi là lại thấy thư thái tâm hồn.
Biển lại cấp cho người ta đủ thứ sản vật để có 1 bữa no đủ, khỏe khoắng sau khoảng bộ hành trong phố cổ.
Mấy tháng không có người. Lầu gác rêu xanh hơn, mái ngói cũ hơn, cửa nhà bạc màu hơn, như càng làm nên cái cổ kính của 1 vùng đất cổ xưa.
Nhưng tháng 5 cũng là tháng bắt đầu của cái nóng nung người của miền Trung. Rồi đây, chạm vào đâu cũng thấy nóng. Dầm mình trong nước cũng đổ mồ hôi. Nhưng ở đâu chứ xứ Hội An, 1 dòng Thu Bồn giang rộng mở, 1 dòng Hoài giang êm ả, 1 bể Đông rì rào sóng ngoài kia. Khiến Mặt Trời như chỉ tô thêm ánh vàng cho những bức tường vôi cổ kính. Để rồi khi ngày qua đi, đêm lại xuống, phố lên đèn. Hội An lại lung linh hơn bao giờ hết.
Trên sông thuyền đăng dập dìu, trên phố đèn lồng soi lối, Chùa Cầu lại in bóng xuống dòng sông.
Đem Hội An chẳng có cái ánh sáng trắng của những cái đèn dùng lôi điện mà là ánh đỏ vàng nhẹ nhàng của những cái đèn lồng treo trên cao. Những khoảnh khắc lưu lại lúc này là những khoảnh khắc nhẹ nhàng sâu lắng của phố đêm.
Những ánh nến của đèn hoa trên sông, những ánh đèn lồng trên bến, lôi người ta ra khỏi cái ánh sáng màu xanh hại đến nhãn cầu. Nhẹ nhàng vỗ khách du vào cái sâu lắng để chuẩn bị cho giấc ngủ thư thái đang đến gần.
Con dân Hội An, ông cha sống nhờ vào giao thương, cháu con sống nhờ vào du lịch. Trước kia giao thương bị người cạnh tranh chiếm mất. Giờ đây du lịch lại bị dịch họa lăm le. Nhưng hồn phố cổ vẫn còn đó, con người phố cổ vẫn chưa mất đi cái chất được rèn luyện trăm năm. Thì cháu con, sẽ cố gắng để tránh đất cha ông lại chìm vào quên lãng. Hội An, đang trở lại guồng quay, đang hồi phục. Và lúc hồi phục cũng là lúc mà cái chất, cái hồn thể hiện rõ nhất. Tiếc cho ai, bấy giờ, chẳng tận dụng cơ hội này để thưởng cái hồn Hội phố.
Xứ Hội An, đang phục hồi, nhưng rồi sẽ đi đến đâu, rồi sẽ phát triển thế nào. Hạ hồi phân giải.