Học tâm lý và làm trái ngành
Bất chợt một ngày mình tự hỏi: Những điều mình đang làm là vì gì? Nghĩ hoài không ra, mình bật khóc khi đọc lại email trao đổi về hợp đồng làm việc. Đây không phải là đam mê của mình. Không phải công việc mà mình muốn làm lâu dài. Nhưng vì sao mình vẫn tiếp tục? Mình có cần tiền không? Có, nhưng hiện tại vẫn đủ dùng. Mình có muốn học hỏi nhiều không? Có, nhưng đây không phải điều mình muốn dành nhiều năm cuộc đời để theo đuổi. Vậy rốt cuộc là vì sao?
...
Những cuộc trò chuyện gần đây nhất, mình được nghe nhiều từ những người anh chị đã từng theo học ngành Tâm lý, hiện tại đang làm trái ngành. Lễ tân khách sạn, tư vấn phòng khám nha khoa, content, design,... bất cứ điều gì đều được, miễn là có một cái nghề để sống. Mình thấy chua xót. Bước chân vào lĩnh vực này là đồng thuận với việc sẽ phải chịu áp lực cao, và sự mông lung nhiều về tương lai, nghi hoặc về những điều mình đang làm. Cái cách báo đài đang phô bày, dường như trong một ngàn người thì may ra được chục người thật sự được “sống” với đúng nghề. “Sống”, tức là làm nghề một cách đạo đức và tâm huyết, mà không phải lo nghĩ nhiều về tài chính. Khoảnh khắc từ chối những cơ hội tuyển thẳng, học bổng từ ngành học khác, mình đã thật tự tin vì cuối cùng cũng có thể sống với đam mê.
Nhưng mình đã không duy trì được sự lạc quan ấy. Học Tâm lý, có nghĩa là đọc và nghiên cứu rất nhiều; để rồi ngày càng nhận ra những gì mình biết về con người và thế giới là nhỏ bé lắm. Là vừa mông lung giữa muôn vàn các lựa chọn nghề nghiệp cho người học Tâm lý, vừa trăn trở vì có ít cơ hội việc làm quá. Học Tâm lý, không chỉ phải “cạnh tranh” với bạn học, mà còn phải tranh đấu với chính mình.
Mình không phải là một người học xuất sắc. Mình học trầy trật để đạt được mức điểm đủ tốt. Thế nên, mình đã nghĩ về những kinh nghiệm công việc như là một điểm cộng cho hồ sơ sau này. Nhưng mình cũng chưa đủ kiến thức để tham gia những phần việc chuyên sâu. Vậy nên, mình bắt đầu từ những cái rộng nhất, từ kĩ năng mềm, rồi dần dần là sự kết hợp giữa đam mê (Tâm lý học) và thế mạnh (viết lách). Mọi thứ đều ổn. Cho đến một lúc mình nhận ra, vậy là quá đủ để khám phá rồi, mình cần một trải nghiệm chuyên sâu hơn.
Quyết định ấy đến với mình không hề dễ dàng. Khi đã quen ở trong vòng an toàn, cần phải can đảm bao nhiêu để bước trở lại với thực tế đầy mông lung, nơi mà mình có thể sảy chân vấp ngã bất cứ khi nào. Mình có thể mất cơ hội được làm trong một công ty tốt, với lĩnh vực mà ngày càng hứa hẹn. Mình có thể phải đối diện với khó khăn tài chính và thách thức để tìm một công việc phù hợp. Và mình đã nghĩ thật nhiều đến những người anh người chị đã phải dứt lòng tạm gác đam mê lại, để hy sinh cho những lo âu đời thường trước.
Mình sợ.
Nỗi sợ đã cản đường mình đi.
Vì sợ nên mình buộc lòng trả lời email về việc gia hạn hợp đồng, trong nước mắt rơi vì bất lực. Mình đã từng quyết tâm đến thế kia mà?
Tuần đầu trở lại công việc, mình không thôi suy nghĩ về mục đích đi làm. Ngay cả trong lúc ăn, lúc ngủ. Mình quyết định rời đi, khi cảm thấy không thể tiếp tục sống như vậy được nữa. Mình biết bản thân có thể làm tốt hơn, nhưng, đây không phải là điều mình muốn. Thế nên, mỗi khó khăn nhỏ xíu cũng như một tảng núi mọc sừng sững chặn đường mình. Mình từ bỏ.
Đọc lại những dòng tin nhắn động viên đã lưu giữ suốt mấy năm qua, mình giật mình. Tại sao mình lại so sánh với các anh chị, trong khi bản thân đã may mắn có được xuất phát điểm tốt hơn? Tại sao mình lại cho rằng bản thân sẽ vô dụng, trong khi mình chưa từng cẩu thả trong công việc?
Mình sai rồi. Mình đã chạy theo người khác quá nhiều, mà quên mất bản thân mình là ai. Mình đã có một chỗ dựa, nhưng lại từ chối sự giúp đỡ vì sợ phải mang ơn.
Một ngày mưa râm, mình quyết định rồi. Hai năm nữa, nếu có thất nghiệp thật, mình cũng sẽ không hối hận, Mai nhé?
Hoa Tuyết