Học sinh cần phải làm gì để có kiến thức Hán Nôm ?
kiến thức chung
Để có thể giúp học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học có được mặt bằng Hán Nôm cần thiết, mà trước hết là mặt bằng hiểu biết về vốn từ Hán Việt trong tiếng Việt, học sinh phổ thông cần nắm được lượng chữ Hán - yếu tố gốc Hán tối thiểu. Theo thống kê trong tiếng Việt hiện có trên dưới một ngàn yếu tố gốc Hán có khả năng hoạt động tự do thường xuất hiện trong giao tiếp nói và viết(2). Trong số đó, có khoảng hơn nửa yếu tố tần số hoạt động cao(3), có khả năng tạo từ trong tiếng Việt khi kết hợp các yếu tố, bởi những phương thức khác nhau sẽ tạo nên những từ Hán Việt mới, ghi lại những khái niệm mới xuất hiện.
Nên chăng ở mỗi cấp học cần định lượng một số chữ Hán tương ứng với yếu tố Hán Việt, gốc Hán nhất định. Cấp học cao hơn, nâng dần số lượng chữ Hán, yếu tố Hán mới, phù hợp với khả năng tư duy của học sinh theo lứa tuổi. Sự kết hợp chặt chẽ giữa việc dạy chữ Hán và tiếng Việt, là một quá trình thống nhất, tạo khả năng so sánh, liên hệ và khu biệt về cách hiểu từ và sử dụng từ trong khi viết, nói của học sinh tốt hơn. Vấn đề ở chỗ dạy chữ Hán - yếu tố Hán việc đơn âm, được cụ thể hóa như thế nào, nhằm đem lại hiệu quả cao nhất.
Nếu coi việc dạy chữ Hán đối với hệ phổ thông lấy tiêu chí âm Hán Việt của từng yếu tố gốc Hán và nghĩa của những từ tố đó làm mục đích chính, thì phần viết chữ Hán chỉ là nền khuyến khích, tạo sự hứng thú cho học sinh trong quá trình học. Quá trình tích luỹ vốn từ Hán Việt qua việc học chữ Hán đối với học sinh phổ thông, đồng nghĩa với việc hiểu và cảm thụ văn học, nhất là văn học trung đại của hai cấp học phổ thông cơ sở và phổ thông trung học. Đồng thời giúp học sinh hiểu hơn những khái niệm thuộc các môn học tự nhiên, được phiên âm qua từ Hán Việt.
Vấn đề Hán Nôm đặt ra trong nhà trường ở các bậc học, tuỳ mức độ khác nhau, mới chỉ là những nét chấm phá, nhằm nhấn mạnh vai trò của Hán Nôm trong sự nghiệp cải cách giáo dục thời kỳ đổi mới. Trên cơ sở đó, để từng bước xã hội hóa Hán Nôm, nâng cao mặt bằng hiểu biết về từ Hán Việt nói riêng và tiếng Việt nói chung, góp phần thực hiện công cuộc chấn hưng truyền thống văn hóa dân tộc.
Nội dung liên quan
Yến Vĩ