Học cách không quan tâm tới áp lực đồng trang lứa

  1. Phong cách sống

  2. Tâm lý học

  3. Chuyện tuổi 20s

  4. Tâm sự cuộc sống

Tụi mình thường được nghe những bài học về vượt qua khó khăn ngoại cảnh, nhưng ít ai chỉ cho tụi mình cần làm gì khi sự nghi hoặc và mông lung về bản thân đang dâng đầy. Trong khi chiến thắng nghịch cảnh là một điều được tuyên dương, thì kiểm soát được những xung đột nội tâm thường được cho là lẽ tất yếu. “Vì mình đã có mọi thứ rồi, nên mình phải trở nên xuất sắc.”

Nhưng “xuất sắc” là thế nào cơ? Là có được một công việc mơ ước, một điểm số đáng tự hào, và đặc biệt, phải là một trong những người giỏi nhất. Tụi mình thường xuyên so sánh bản thân với người khác, và nghĩ cách làm sao để trở nên tốt hơn họ. Việc đó không có gì sai, chỉ là, một hồi quay lại, bạn sẽ thấy cuộc đời của mình chỉ quan tâm tới những người lạ bước qua. Học cách “không quan tâm” tới người khác, để dành thời gian và nỗ lực nuôi dưỡng bản thân nhiều hơn.

1. Nhận diện những cảm xúc

Trong một thế giới không ngừng chạy đua, dường như có thật ít chỗ cho những cảm xúc. Nói mình nghe, lần gần đây nhất bạn được nghe từ người khác về việc họ đạt được công việc/điểm số/học bổng danh giá, là khi nào? Bạn cảm thấy ra sao khi biết những thông tin ấy: ngưỡng mộ, ngạc nhiên, vui mừng, ghen tị, hay là tự ti và lo lắng? Bạn đối diện ra sao với những cảm xúc ấy: coi chúng như một nguồn động lực, chối bỏ nỗ lực của người kia và cho rằng họ chỉ may mắn, hay không ngừng nghĩ bản thân là một người kém cỏi và chậm chạp?

2. Hiểu được vì sao bạn lại quan tâm tới người khác

So sánh là một bản năng tất yếu của con người. Tụi mình so sánh bản thân ở hiện tại với trong quá khứ, so sánh bản thân với bạn học/đồng nghiệp, so sánh bản thân với những người cùng ngành, thậm chí là một người lạ trên mạng xã hội. So sánh giúp tụi mình định hình được giá trị của bản thân – dựa theo những tiêu chuẩn ở người khác, và nỗ lực phấn đấu trở thành người mình muốn là. Nhưng nhiều khi, sự so sánh quá mức có thể làm tạo ra những tổn thương. Không phải khi nào so sánh cũng mang lại động lực tốt đẹp. Nhiều khi, nó để lại sự đố kị và cảm giác tự ti.

3. Hợp lý hóa những cảm xúc

Khi không kiểm soát được thói quen so sánh, bạn có thể vô tình tạo nên thói quen không tốt cho não bộ. Giả sử, mấy tháng trước thôi, mình còn lục lọi LinkedIn và Facebook của mấy người quen, để xem “họ có gì hơn mình không”, và rồi thấy thất vọng khi bạn bè mình làm ở Big4 này kia. Nhưng mà, mình không làm việc trong lĩnh vực ấy, cũng chưa từng nghĩ các công ty lớn là nơi mình muốn gắn bó.

Giống như một con thuyền, cảm xúc của bạn cần một cái mỏ neo để cố định lại. Nếu không, bạn có thể chìm ngập trong vô vàn những ý nghĩ tự ti một cách vô lí về bản thân, hay là bất mãn với sự thành công của người khác. Mỏ neo ấy chính là bạn.

Đầu tiên, hãy nghĩ về giá trị của bạn. Đó là danh sách những yếu tố mà bạn muốn có trong con người mình. Dưới đây là một vài câu hỏi gợi mở:

  • Điều gì thật sự quan trọng với bạn?

  • Bạn muốn cuộc đời mình sẽ như thế nào?

  • Khi biết rằng cuộc đời là hữu hạn, bạn sẽ tận dụng nó ra sao?

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo

bài tập Bull’s Eye
để định hình giá trị của bản thân. Đây là một phương pháp được phát triển bởi Nhà trị liệu tâm lý người Thụy Điển Tobias Lundgren.

Trong khi giá trị là thứ bạn sẽ khám phá và mang theo trong suốt cuộc đời, thì mục tiêu là những đoạn đường ngắn để bạn đạt được giá trị ấy. Có nhiều chia sẻ về nguyên tắc SMART, bạn có thể tham khảo thêm. Nhưng nhìn chung, hãy đặt ra những mục tiêu cụ thể, đo lường được, khả thi, thực tế, và trong một khoảng thời gian. Ví dụ, thay vì đặt mục tiêu giỏi tiếng Anh, hãy lên kế hoạch để đạt được 7.5 IELTS trong vòng 3 tháng, khi hiện tại bạn đang ở mức 5.5 IELTS.

Khi đã hiểu về giá trị và mục tiêu của bản thân, bạn sẽ bớt được khả năng bị rơi vào bẫy so sánh. Lần tới, khi cảm thấy mình kém cỏi, hãy tự hỏi bản thân: “Đây có phải là điều mình muốn không?”

4. Yêu thương bản thân và cảm thông với người khác

Những lúc tự ti, bạn có thấy mình toàn nghĩ tới những khuyết điểm của bản thân? Não bộ rất giỏi trong việc ghi nhớ những nỗi đau, và quên đi niềm vui. Vì vậy, hãy tập cho mình một thói quen ghi lại những lời khen, lời cảm ơn, hay thành tựu nho nhỏ của bản thân, để có thể nhìn lại mỗi lúc mệt mỏi. Bạn có thể bắt đầu bằng việc viết ra ba điều mình làm được mỗi ngày, nói lời cảm ơn nhiều hơn, và xin góp ý từ mọi người.

Một mặt khác, bạn có lẽ hiểu rằng những người giỏi giang hơn mình, thật ra họ cũng không vui vẻ nhiều. “Núi cao thì lại có núi cao hơn”, bà ngoại mình bảo vậy. Để đạt được những điều như bây giờ, có lẽ các bạn ấy phải hy sinh bữa ăn, giấc ngủ, thời gian cá nhân, và cũng thật nhiều áp lực. Nếu là bạn, bạn có sẵn sàng đánh đổi sức khỏe để trở nên giỏi giang không?

5. Một vài mẹo nhỏ

  • Nếu cảm thấy căng thẳng và choáng ngợp bởi những luồng thông tin từ người khác, bạn có thể chọn cách ngắt kết nối: bỏ theo dõi Facebook mọi người, dừng truy cập LinkedIn một thời gian,…

  • Hãy cố gắng nói ra cảm xúc của bản thân mỗi lần bị choáng ngợp. Nếu là làm việc nhóm, bạn có thể chia sẻ rằng bạn đang cảm thấy thế nào, bạn muốn được hỗ trợ ra sao. Bạn cũng có thể tìm đến sự giúp đỡ của mentor, giáo viên, đồng nghiệp, hay là chuyên gia tham vấn tâm lý. Đôi khi cách tụi mình nghĩ về bản thân nó tệ hơn rất nhiều so với người khác nghĩ về mình lắm.

  • Liên tục kết nối với bản thân. Mỗi khi cảm xúc tiêu cực xảy đến, hãy tự hỏi đó là cảm xúc gì, điều này có phải thứ bạn muốn. Bạn cũng có thể tập viết lại những suy nghĩ của bản thân, và những điều mình học được. Cập nhật CV hay hồ sơ LinkedIn nếu bạn cần thấy sự tiến bộ của mình trong công việc/học tập, và cập nhật blog/chia sẻ cá nhân nếu bạn muốn thấy trải nghiệm và suy nghĩ của mình đã giàu lên thế nào.

  • Trò chuyện với những người giỏi hơn mình. Mình tin là sẽ ít ai không mở lòng chia sẻ và giúp đỡ một người lễ phép, chân thành, và cầu tiến.

Bạn không cần phải làm được hết những điều này, hay là thực hiện theo hoàn toàn. Mình tin là bạn có cách riêng để giữ bản thân “không quan tâm” tới nhiều điều xung quanh. Khi dành thời gian cho bản thân nhiều hơn, bạn dễ cảm thấy hạnh phúc và đạt được những điều mình mong muốn.

Bỗng dưng một ngày nọ, mình lướt LinkedIn và đọc được chia sẻ của một người bạn về một vị trí mà mình từng rất ao ước. Nhưng mình chẳng cảm thấy gì cả, chỉ thấy vui cho bạn. Vậy nên, đôi lúc tụi mình không cảm nhận được nỗ lực của bản thân, nhưng thực ra là tụi mình vẫn đang trở nên tốt hơn.

Bài viết có tham khảo từ:
Angela –
Why Do We Compare Ourselves to Others
Association of Psychological Science –
New Study Suggests we Remember the Bad Times Better than the Good
University of California –
SMART Goals: A How to Guide
Drexel University Counseling Center –
Bull’s Eye Values Exercise
Từ khóa: 

phong cách sống

,

tâm lý học

,

chuyện tuổi 20s

,

tâm sự cuộc sống

Cảm thấy hạnh phúc với những gì mình đang có Chắc gì người thành công hơn đã hạnh phúc hơn? Hãy tự tận hưởng niềm vui của chính mình, đừng nên tự đặt áp lực làm gì cho mệt thân

Trả lời

Cảm thấy hạnh phúc với những gì mình đang có Chắc gì người thành công hơn đã hạnh phúc hơn? Hãy tự tận hưởng niềm vui của chính mình, đừng nên tự đặt áp lực làm gì cho mệt thân

Cảm ơn bạn nha 

Áp lực đồng trang lứa không nặng nề lắm. Tới lúc đi làm và sống cuộc đời của riêng mình rồi thì quan tâm làm gì đến lời ra tiếng vào ngoài kia. Trong những năm tháng tuổi trẻ chỉ cần học cách nỗ lực là chính mình mới là điều cần thiết nhất. Thi đua chỉ làm con người dốt nát vô nhân đạo hơn. Không sống và theo dấu áp lực đồng trang lứa có nghĩa bạn là một đứa trẻ rất hạnh phúc và tương lai của bạn cũng tiếp tục hạnh phúc đi trên mọi nẻo đường êm ái. Mong rằng ai đó còn đang chạy đua thì hãy cẩn thận, đã chạy ắt sẽ té.