Hoạt động học và biện pháp tạo dựng động cơ học tập cho người học (học sinh THPT)
kiến thức chung
1. Một số khái niệm về hoạt động và hoạt động học
1.1. Hoạt động
Theo sinh lý học, hoạt động là sự tiêu hao năng lượng thần kinh và cơ bắp của con người khi tác động vào hiện thực khách quan, nhằm thỏa mãn những nhu cầu của mình. Về phương diện triết học, hoạt động là phương thức tồn tại của con người trong thế giới. Về phương diện tâm lý học, hoạt động là mối quan hệ tác động qua lại giữa con người và thế giới (khách thể) để tạo ra sản phẩm cả về phía thế giới, cả về phía con người. Qua quá trình hoạt động, con người phát triển bản thân mình, đồng thời tạo sự thay đổi ở thế giới khách quan. Như vậy, trong quá trình hoạt động có hai quá trình diễn ra: quá trình chủ thể hóa và quá trình khách thể hóa.
Chủ thể hóa là quá trình con người tác động vào thế giới khách quan để tách những thuộc tính, những đặc điểm của sự vật hiện tượng và tách những năng lực của loài người, kinh nghiệm xã hội lịch sử “nằm” trong thế giới khách quan ấy để chuyển vào đầu (não) con người, làm cho con người tăng thêm vốn kinh nghiệm, vốn sống, vốn tri thức và để phát triển đời sống tâm lý của chính mình.
Khách thể hóa là quá trình con người sử dụng năng lực trí tuệ và cơ bắp để tác động vào thế giới khách quan, biến đổi thế giới khách quan tạo ra sản phẩm. Như vậy, mỗi một sản phẩm sẽ chứa đựng năng lực chủ thể, thể hiện trình độ của chủ thể. Ngoài ra trong các sản phẩm này còn chứa đựng đặc điểm phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của mỗi thời đại.
Hai qua trình này luôn diễn ra trong hoạt động của chủ thể làm cho chủ thể vừa cải tạo được thế giới khách quan vừa phát triển được bản thân. Hoạt động là điều kiện để phát hình thành và phát triển tâm lý, không có hoạt động con người không thể phát triển tâm lý của chính mình và cải tạo thế giới xung quanh.
1.2. Hoạt động học
Học là một trong những hoạt động quan trọng giúp cho con người tồn tại và phát triển. Học mang những bản chất của hoạt động, và nó thể hiện hai đặc điểm cơ bản:
Thứ nhất: Học là quá trình tương tác giữa cá thể với môi trường, tức là có sự tác động qua lại, tương ứng với các kích thích từ bên ngoài với các phản ứng đáp lại của cá thể. Đây chính là điều kiện cần của việc học. Vì nếu chỉ có sự tác động của các yếu tố bên ngoài mà không có sự phản ứng của cá thể thì việc học không diễn ra.
Thứ hai: Hệ quả của tương tác dẫn đến sự biến đổi bền vững về nhận thức, thái độ, hành vi của cá thể. Nói cụ thể, tương tác phải tạo ra ở cá thể một kinh nghiệm mới (hoặc củng cố nó), mà trước đó không có trong kinh nghiệm của loài. Điều này giúp phân biệt tương tác làm thay đổi có tính sinh học (trời nắng thì cơ thể ra mồ hôi, trời rét nổi da gà, hay tương tác làm bộc lộ sự trưởng thành của cơ thể v.v…Con chim biết bay, trẻ em biết đứng, biết đi. Nói tóm lại là những tương tác gây ra phản ứng tất yếu mang tính loài) với những thay đổi tâm lý, tự tạo của cá thể. Những tương tác dẫn đến sự thay đổi có tính sinh học, bẩm sinh, mang tính loài không được coi là sự học.
Học là quá trình tương tác giữa cá thể với môi trường, kết quả là dẫn đến sự biến đổi bền vững về nhận thức, thái độ hay hành vi của cá thể đó.
2. Khái niểm về động cơ
Động cơ trong tiếng Latin là Motiff, có nghĩa là nguyên nhân thúc đẩy con người hành động. Nguyên nhân nằm trong chủ thể có thể xuất phát từ nhu cầu sinh lý hoặc tâm lý (vì đói khát mà con người đi tìm thức ăn, nước uống; vì yêu quý thầy cô mà trẻ học hành,…)
Động cơ về mặt sinh học đó là những kích thích bản năng, ý hướng sinh vật, những hành vi của phản xạ không điều kiện, cảm xúc, trạng thái rối loạn tinh thần…
X.L. Rubinstenin đã viết: “Hành động ý chí nhất thiết bao hàm động cơ cho nên có thể phân biệt mức độ của hành động ý chí tùy thuộc vào tính chất của những động cơ chủ đạo của chúng”. Theo ông thì động cơ ý chí có thể bắt nguồn từ những ham muốn, nhu cầu, cảm xúc cũng như từ những lợi ích, tư tưởng nhận thức, những nhiệm vụ mà đời sống xã hội đã đặt ra trước con người.
V.S.Merlin xem động cơ là nhu cầu, nó biểu thị mối quan hệ giữa con người với sự vật hiện tượng. Mỗi động cơ đều có hai khía cạnh kích thích hoạt động và thái độ cảm xúc.
Quan điểm của A.N. Leontiev được phân tích sâu sắc và có sức thuyết phụ hơn cả. Theo ông đối tượng đáp ứng nhu cầu này hay nhu cầu khác nằm trong hiện thực khách quan. Khi chúng bộc lộ ra và được chủ thể nhận biết (hình dung, hiểu ra…) thì có được chức năng thúc đẩy, chức năng hướng dẫn hoạt động tức là trở thành động cơ. Theo ông động cơ có hai chức năng: thúc đẩy, hướng dẫn hoạt động và tạo cho hoạt động một ý chủ quan.
Mỗi hoạt động đều có nhiều động cơ chi phối. chúng hợp thành hệ thống thứ bậc các động cơ. Con người hướng hoạt động vào đối tượng nào điều đó phụ thuộc động cơ nào chiếm ưu thế.
Ông định nghĩa: “Động cơ là đối tượng đáp ứng nhu cầu này hay nhu cầu khác, nó thúc đẩy hay điều khiển hoạt động của con người”. Hay “Cái gì khi được phản ánh trong đầu con người, thúc đẩy con người hoạt động nhằm thỏa mãn một nhu cầu nhất định thì gọi là động cơ của hoạt động ấy”. Như vậy, khi nghiên cứu về động cơ phải xem xét cái gì phản ánh vào đầu học sinh trong lúc nó hoạt động. theo Leontiev, cái được phản ánh có thể là nhận thức, ước mơ, nguyện vọng của học sinh.
Nói tóm lại, trong tâm lý học có rất nhiều định nghĩa khác nhau về động cơ hoạt động của con người, song các nhà nghiên cứu đều thống nhất trong nhận định: động cơ là một hiện tượng tâm lý thúc đẩy, quy định sự lựa chọn và hướng của hành vi. “Động cơ là cái thúc đẩy hoạt động của con người khi nhu cầu bắt gặp đối tượng có thể thỏa mãn được nó”.
3. Một số quan niệm về động cơ học tập
Tiếp thu kiến thức là một yếu tố rất quan trọng trong quá trình học tập, là điều luôn quyết định mang đến sự thành công hay thất bại của người học. Việc tiếp thu kiến thức tốt hay không tốt phụ thuộc vào động cơ học tập. Động cơ học tập sẽ giúp duy trì sự hứng thú, sự ham muốn tìm tòi khám phá và có tinh thần vượt khó khăn, trở ngại,…
Các nhà tâm lý học phương Tây cho rằng: “Động cơ học tập bao gồm không chỉ yếu tố bên trong mang tính chủ quan mà cả những yếu tố bên ngoài mang tính khách quan. Những yếu tố này được tạo ra bởi bản thân con người với tư cách một chủ thể hoạt động, bởi tính chất của những hoàn cảnh bên ngoài cùng những kích thích bản năng bên trong”
Các nhà tâm lý học Mác-xít nghiên cứu hoạt động học tập như một quá trình, có vị trí nhất định trong cuộc sống của con người. Theo họ, động cơ học tập của con người được quan niệm như là những kích thích mà con người ý thức được, có tác dụng thúc đẩy hoạt động học tập.
Theo L.I.Bozovic: “Động cơ học tập là cái vì nó khiến trẻ học tập hay nói cách khác cái kích thích trẻ học tập”. Đây là một quan điểm đúng đắn mà đơn giản, dễ hiểu.
Ta có thể đưa ra một số nhận xét chung về động cơ học tập như sau:
Một, động cơ học tập không phải thuần túy tinh thần. Động cơ ấy phải mang một hình thức tồn tại vật chất bên ngoài. Khi ở bên ngoài, nó phải hiện thân vào một thực thể khác, là đối tượng hoạt động học, là tri thức, kĩ năng . Trên cùng một đối tượng học tập có thể bám vào nhiều động cơ khác nhau.
Hai, động cơ học tập được biểu hiện ở nhận thức, thái độ, hành động.
Ba, động cơ học tập chỉ được hình thành chính trong quá trình học sinh giải quyết những nhiệm vụ học tập.
Bốn, hoạt động học tập của học sinh được thúc đẩy bởi nhiều động cơ. Các động cơ này tạo thành cấu trúc xác định có thứ bậc của các kích thích. Trong đó có một số động cơ là chủ đạo, là cơ bản một số động cơ khác là phụ, thứ yếu.
Chương II: Hoạt động học và các vấn đề liên quan
1. Bản chất của hoạt động học
Đối tượng của hoạt động học là tri thức và những kỹ năng kỹ xảo tương ứng với nó. Còn chủ thế của hoạt động học là học sinh, người học. Có thể nói, cái đích mà hoạt động học hướng tới là chiếm lĩnh tri thức, kỹ năng kỹ xảo của xã hội thông qua sự tái tạo của cá nhân. Trong quá trình này các chức năng tâm lý của học sinh được vận dụng tích cực, tiến hành các hoạt động học tập bằng ý thức tự giác và năng lực trí tuệ của mình. Việc tái tạo này sẽ không thể thực hiện được nếu người học chỉ là khách thể bị động của những tác động sư phạm, nếu những tri thức, kỹ năng, kỹ xảo chỉ được truyền cho người học theo cơ chế “máy phát”-“máy nhận”. Muốn học có kết quả, người học phải tích cực tiến hành các hoạt động học tập bằng ý thức tự giác và năng lực trí tuệ của bản thân mình.
Hoạt động học là hoạt động hướng vào làm thay đổi chính mình. Thông thường, các hoạt động khác hướng vào làm thay đổi khách thể, trong khi đó hoạt động học lại làm cho chính chủ thể của hoạt động học này thay đổi và phát triển. Tri thức loài người khi thiết lập với chủ thể của hoạt động học thì nội dung của nó không hề biến đổi cho đến sau khi bị chủ thể chiếm lĩnh. Chính nhờ sự chiếm lĩnh này mà tâm lý của chủ thể mới được thay đổi và phát triển. Dĩ nhiên hoạt động học cũng có thể làm thay đổi khách thể. Tuy nhiên, việc làm thay đổi khách thể như thế không phải là mục đích tự thân của hoạt động học.
Hoạt động học là hoạt động được điều khiển một cách có ý thức nhằm tiếp thu tri thức, kỹ năng, kỹ xảo. Đối tượng tiếp thu trở thành mục đích của hoạt động học. Những tri thức đó đã được lựa chọn tinh tế và tổ chức lại trong hệ thống nhất định bằng cách vạch ra cái bản chất, phát hiện những mối liên hệ mang tính quy luật của sự tồn tại, vận động và phát triển của sự vật hiện tượng. Đó là con đường lý luận trong việc tiếp thu tri thức kỹ năng kỹ xảo. Những hiểu biết đó không chỉ đúng và thích hợp cho một tình huống nào đó mà nó đúng và thích hợp cho mọi hoàn cảnh tương tự. Sự tiếp thu như thế chỉ có thể diễn ra trong hoạt động học được điều khiển một cách có ý thức của con người.
Hoạt động học không chỉ hướng vào việc tiếp thu tri thức kỹ năng kỹ xảo mà còn hướng vào việc tiếp thu cả những tri thức của chính bản thân hoạt động, thực chất là học cách học, xây dựng phương pháp học tập của mỗi cá nhân giúp người học tiến hành hoạt động học để chiếm lĩnh đối tượng mới.
Như vậy, hoạt động học là một hoạt động khá riêng biệt của con người và mang tính chủ định, tự giác cao. Hoạt động học không chỉ hướng vào việc tiếp thu những tri thức mà còn hướng vào việc tiếp thu cả phương pháp giành lấy tri thức đó (cách học).
Muốn cho hoạt động học, đặc biệt là việc tự học diễn ra có kết quả cao, người ta phải biết cách học, nghĩa là phải có những tri thức về bản thân hoạt động học, cụ thể là phải biết kiểu học tập của mình như thế nào để có cách học phù hợp. Nếu chúng ta có kiểu học tập phù hợp với thói quen hoạt động trí óc của mình thì sẽ lĩnh hội được nhiều kiến thức và hoạt động học tập trở nên có hiệu quả hơn. Ở phần tiếp theo chúng ta sẽ tìm hiểu về kiểu học là cơ sở cho việc chọn lựa và tổ chức các phương pháp học tập phù hợp.
Con người có thể học bằng nhiều phương thức khác nhau: tự học một cách ngẫu nhiên trong đời sông hằng ngày (học không chủ định) và học theo phương thức bài bản tại nhà trường.
Học một cách ngẫu nhiên trong cuộc sống hằng ngày (học không chủ định) là việc nắm được tri thức kinh nghiệm, hình thành kỹ năng, kỹ xảo, cũng như các phương thức hành vi thông qua việc thực hiện một hoạt động khác trong cuộc sống hằng ngày. Ví dụ như việc trẻ con biết không được cho tay vào nước nóng không phải vì trước đó nó đã ý thức tìm hiểu tri thức nước nóng nguy hiểm có thể làm bỏng, gây đau cho bản thân mà đó là kết quả của hành vi ngẫu nhiên chẳng hạn khi vô tình chạm vào nước nóng từ trước đó. Kết quả của hành động này đem lại những tri thức, kinh nghiệm nhưng không trùng với mục đích trực tiếp của hoạt động và chỉ lĩnh hội những gì liên quan trực tiếp đến nhu cầu, mục tiêu trước mắt. Bên cạnh đó nó chỉ đem lại cho con người những kiến thức khoa học rời rạc không hệ thống và chỉ hình thành những năng lực thực tiễn do kinh nghiệm hằng ngày trực tiếp đem lại.
Học theo phương thức chuyên biệt, phương thức nhà trường (học có chủ định) là hành động có chủ định. Có thể thấy việc lĩnh hội tri thức, kỹ năng của nhân loại không chỉ dựa vào một mình kiểu học ngẫu nhiên mà cần có một hoạt động đặc biệt mà mục đích chính cơ bản của nó là bản thân sự học, hoạt động học. Hoạt động học chỉ có thể đạt hiệu quả và phát huy tác dụng cao nhất khi con người điều khiển hành động của mình bằng một mục đích tinh thần đặt ra trước một cách có ý thức. Theo nhiều nghiên cứu khả năng này chỉ xuất hiện bắt đàu từ 4-5 tuổi dựa trên cơ sở những hành vi và hoạt động trước đó – các trò chơi, lời nói, hành vi thực tiễn. Điều này làm nên sự khác biệt giữa việc học của con người và động vật. Như khi báo con học cách săn mồi từ báo mẹ đó chỉ là hành động học một cách bản năng, không có chủ đích.
2. Sự hình thành động cơ học tập
1. Động cơ học tập
Các yếu tố của hoạt động học được hình thành trong chính hoạt động học. Nói đến hình thành hoạt động học, trước hết phải nói đến sự hình thành động cơ học tập.
1.1. Phân loại động cơ học tập
Trong các công trình nghiên cứu của mình, nhiều nhà tâm lí học đều khẳng định rằng: hoạt động học tập của học sinh được thúc đẩy bằng một hệ thống các động cơ. TRong đó có những động cơ mạnh, giữ vai trò chủ đạo và cũng có những động cơ khác giữu vai trò thứ yếu. Tùy theo tiêu chí phân loại mà các nhà tâm lí học chia động cơ học tập thành các loại khác nhau.
Theo L.I.Bzovic, A.K. Pusaviki,…động cơ học tập được chia thành hai loại: động cơ mang tính xã hội và động cơ mang tính nhận thức. Động cơ quan hệ xã hội đó là sự thưởng phạt hoặc đe doạ, những áp lực gia đình, nhà trường, công việc, sự hiếu danh hoặc mong đợi sự hạnh phúc..ở mức độ nào đó động cơ này mang tính cưỡng bách, và có lúc xuất hiện như một vật cản cần khắc phục để vượt qua đạt được mục đích của mình.
Đa số các nhà khoa học đều cho tằng động cơ học tập gồm hai loại.
Một là những động cơ hoàn thiện tri thức. Thuộc về loại động cơ hoàn thiện tri thức ở đây là lòng ham mê, khát khao mở rộng tri thức, say mê với những môn học…Tất cả những biểu hiện này đều do sự hấp dẫn, lôi cuốn của bản thân tri thức cũng như phương pháp giành lấy tri thức đó (phương pháp giảng dạy, truyền đạt của giáo viên, hay giáo trình sách vở). Mỗi lần thu được kiến thức mới ở đối tượng học thì học sinh cảm thấy vui mừng, phấn khởi, thỏa mãn phần nào nguyện vọng hoàn thiện tri thức. Hoạt động được thúc đẩy bởi động cơ hoàn thiện tri thức thường không xung đột bên trong. Nó cũng có thể khắc phục những trở ngại bên ngoài để đạt được nguyện vọng đã đặt ra. Do đó, chủ thể của hoạt động học tập (học sinh) được thúc đẩy bởi động cơ hoàn thiện tri thức thường không có những căng thẳng tâm lí. Hoạt động học được thức đẩy bởi động cơ này là tối ưu theo quan điểm sư phạm.
Hai là động cơ quan hệ xã hội. Học sinh học bởi sự lôi cuốn của các yếu tố khác như: đáp ứng sự mong đợi của bố mẹ, cần có bằng cấp vì lợi ích tương lai, để chứng tỏ bản thân, vì các phần thưởng hình phạt,…đây là mối quan hệ giữa xã hội và cá nhân được thực hiện ở hoạt động học. Hoạt động học tập được thúc đẩy bởi những động cơ quan hệ xã hội phần nào mang tính cưỡng bức, có những lực lượng chống đối nhau (kết quả học tập, bằng cấp không đáp ứng được nhu cầu của xã hội). Vì vậy nó gắn với sự căng thẳng tâm lý, đòi hỏi phải đấu tranh với chính bản thân, học sinh dễ vi phạm nội quy quay cóp, lơ là việc học,…
Một số nghiên cứu cho rằng động cơ học tập là do bản năng hay do cá tính bẩm sinh để thỏa mãn nhu cầu học tập gọi là “động lực thúc đẩy nội tâm – intrinsic motivation”. Bên cạnh đó, một số nhà nghiên cứu lại cho rằng động cơ học tập của học sinh là do những yếu tố ngoại lai như sự khuyến khích của cha mẹ, thầy cô áp lực xã hội, tương lai nghề nghiệp…được gọi là “động lực thúc đẩy ngoại thức- extrinsic motivation”. Học sinh đến lớp mà chuẩn bị bài một cách tự giác sẽ có động lực thúc đẩy nội tâm. Ngược lại nếu học sinh phải có sự nhắc nhở của giáo viên hoặc đến hạn mới học bài, làm bài tập thì đó là động lực ngoại thức. Giáo viên cần quan tâm thúc đẩy, phát triển những động lực nội tâm và ngoài thức này. Có thể tạo ra nhiều hoạt động trên lớp khích thích sự hứng thú, khuyến khích sự tò mò, óc sáng tạo để khơi dậy động thực thúc đẩy nội tâm của học sinh. Hay tạo ra các phần thưởng, điểm cao, sự vui lòng của bố mẹ thầy cô làm chất xúc tác để tạo dựng động cơ ngoại thức. Về cơ bản cách phân loại này giống với cách phân loại động cơ ở trên, nó chỉ khác nhau về tên gọi.
1.2. Vai trò của động cơ học tập
Tâm lý học hoạt động quan niệm rằng: Đã là hoạt động tâm lý thì phải có động cơ phù hợp. “Không thể có một hoạt động nào không có động cơ, hoạt động “không động cơ” không phải là hoạt động thiếu động cơ mà là hoạt động với một động cơ ẩn giấu về mặt chủ quan và về mặt khách quan”.
Động cơ có hai chức năng là thúc đẩy và hướng dẫn hoạt động, tạo cho hoạt động có ý thức chủ thể. Hoạt động học tập của học sinh được thúc đẩy bằng một hệ thống động cơ khác nhau. Động cơ học tập là một bộ phận không thể thiếu và hơn nó gần như là nguồn gốc của cấu trúc hoạt động. Động cơ học tập giúp chủ thể xác định những mục đích và phương tiện để rồi có những thao tác, hành động cho đúng. Thiếu động cơ thì hoạt động học tập không thể diễn ra được. Có nhiều loại động cơ và mỗi loại sẽ có vai trò nhất định trong hoạt động học tập của con người.
Tóm lại, động cơ học tập có vai trò rất quan trọng nó là nguồn động lực và là kim chỉ nam cho hoạt động học. Vậy thì ta phải làm gì để hình thành và kích thích động cơ học tập cho học sinh đặc biệt là học sinh trung học?
2.1.3 Những yếu tố ảnh hưởng đến động cơ học tập của học sinh THPT
2.1.3.1Đặc điểm tâm- sinh lý của học sinh THPT
Những năm học THPT được gọi là thời kì đầu lứa tuổi thanh niên. Đây là lứa tuổi phức tạp với các vấn đề về tâm- sinh lý.
a. Đặc điểm về sự phát triển thể chất
Đặc điểm cơ bản của tuổi thanh niên học sinh về thể chất là cơ thể của các em đã trải qua thời kì phát triển nhiều biến động, căng thẳng, mất cân đối mà bước vào giai đoạn phát triển ổn định, hài hòa.
Cơ thể của các em đã đạt tới mức phát triển của người trưởng thành. Ở lứa tuổi này, quá trình phát triển đã hoàn thành về cơ bản, các bộ phận, các cơ quan của cơ thể, cũng như chức năng của nó dần trở nên cân đối, hoàn thiện.
Ví dụ như về trọng lượng, chiều cao, hệ xương phát triển hoàn thiện,…Đặc biệt là trọng lượng của não và chức năng của nó đã tới mức phát triển như người lớn. Do đó trí tuệ các em có thể phát triển tới mức cao.
b. Một số đặc điểm về nhân cách
Thế giới quan lý tưởng
Tuổi thanh niên học sinh THPT là giai đoạn hình thành thế giới quan. Lứa tuổi này đã có một quá trình tích lũy một hệ thống tri thức, kỹ năng, lối sống hành vi,..trong nhiều năm, nên đã có khả năng đúc kết những suy nghĩ của mình trong việc nhìn nhận thế giới. Nội dung học tập ở trường, quan hệ xã hội rộng rãi, điều kiện sống phong phú, đa dạng đã giúp cho các em hình thành thế giới quan, nhân sinh quan ở một mức khá cao, nhất quán và khái quát. Tuy nhiên thế giới quan này vẫn chưa thực sự bền vững và sâu sắc.
Ở các em xuất hiện sự phát triển của hứng thú nhận thức đối với những nguyên tắc chung nhất, những quy luậy phổ biến của vũ trụ, những yếu tố tự nhiên của con người như: cấu tạo cơ thể, những hiện tượng xảy ra trong sự phát triển của cơ thể,…
Ở tuổi đầu của thanh niên, các em đã kết hợp những phẩm chất cao đẹp của những người ưu tú trong hiện thực (thần tượng, idol) để tạo nên con người lý tưởng của mình. Bên cạnh đó các em còn có khả năng tìm thấy hình ảnh con người lý tưởng từ trong cuộc sống. Qua hình mẫu lý tưởng đó thúc đẩy các em, là động lực để các em vươn lên.
Sự tự ý thức
Sự tự ý thức ở lứa tuổi này đã phát triển ở mức cao, có liên quan đến nhu cầu tìm hiểu và đánh giá những thuộc tính tâm lý, đạo đức theo quan điểm sống, ước mơ và hoài bão. Các em quan tâm sâu sắc đến đời sống tâm lý riêng, đến những phẩm chất nhân cách và năng lực của mình. Sự tự ý thức ở lứa tuổi này được xuất hiện từ nhu cầu của cuộc sống và hoạt động. Ở tuổi này các em thường đặt ra những câu hỏi: Tôi là ai? Tôi là người như thế nào? Tôi có khả năng nào?...và có những suy nghĩ về tương lai về tình yêu, sự nghiệp sau này.
Sự phát triển về ý thức nghề nghiệp và sự chuẩn bị cho cuộc sống tương lai
Học sinh THPT là những người chuẩn bị bắt đầu vào kì thi xét tuyển đại học, đứng trước sự lựa chọn nghề nghiệp. Chọn nghề là một vấn đề quan trọng trong kế hoạch tương lai của học sinh lứa tuổi này. Các em thường vạch ra những kế hoạch cho tương lai của mình, xây dựng mục tiêu để hướng tới, tìm kiếm những biện pháp để thực hiện mục tiêu ấy. Và khi ngồi trên ghế nhà trường các em phải cố gắng hết sức mình để học tập, lao động và trau dồi các phẩm chất đạo đức cao đẹp.
c. Hoạt động nhận thức
Về nhận thức, cảm giác tri giác đạt tới mức độ khá cao, có thể có cảm giác tinh tế, quan sát nhạy bén. Hoạt động ghi nhớ có ý nghĩa và có chủ định chiếm ưu thế. Trí tưởng tượng phong phú, mạnh mẽ và phù hợp với hiện thực hơn. Khả năng tư duy, nhất là khả năng trừu tượng ở mức cao, có thể giải quyết các vấn đề một cách sâu sắc,đúng hạy bén có khả năng suy luận logic, có ngôn ngữ khá mạch lạc, rõ ràng đủ sức diễn đạt một cách chính xác gợi cảm tư tưởng của mình.
Học sinh lứa tuổi này bắt đầu có sự vận dụng những phẩm chất trí tuệ của mình vào những lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là những lĩnh vực mới mẻ. Các em thích thú khi nhận thức những vấn đề gây cho mình sự khó hiểu, thắc mắc, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến cơ thể. Bên cạnh đó, học sinh còn có tính hoài nghi khoa học. Điều này ảnh hưởng lớn đến động cơ học tập của các em, tạo cho các em sự đam mê trong học tập, luôn muốn tìm tòi khám phá những tri thức của nhân loại. Tuy nhiên ở lứa tuổi này các em hơi vội vàng trong kết luận ở một số vấn đề và hành động theo cảm tính.
d. Đời sống cảm xúc
Mối quan hệ giao tiếp của học sinh lứa tuổi này được mở rộng cả về phạm vi lẫn chất lượng và ác em ngày càng được thể hiện sự bình đẳng, độc lập trong giao tiếp với người lớn và bạn bè. Các em tham gia vào các tổ chức, phong trào xã hội, đặc biệt các em bắt đầu hướng đến quan hệ bạn khác giới. Chính vì vậy đời sống xúc cảm, tình cảm ở lứa tuổi này rất phong phú, đa dạng.
Nội dung liên quan
Nội dung sắp xếp theo thời gian
Diệu Thiên Tâm