Hoàng Hậu Diễn Nghĩa (truyện): Câu chuyện về người vợ của vua Gia Long.

  1. Lịch sử


Bấy giờ cô mười bốn tuổi. Trước đây chưa từng nghĩ quãng thời gian êm đềm ở Phú Xuân rồi sẽ tan theo cùng những loạn ly của thời thế. Hơn nữa, Tống Phúc Thị Lan càng chưa một lần từng nghĩ bản thân rồi sẽ được dự phần vào một câu chuyện lớn đến như vậy. Nhưng một ngôi sao trên trời, dù có lu mờ hay rực rỡ thì vẫn cứ mãi hiện hữu và ghi dấu cho riêng mình mà thôi.


Trước khi gặp anh ít lâu, Thị Lan đã liên tục mơ một giấc mơ kỳ lạ. Cô thấy mình ở bên bờ sông Hương, gió hây hây thổi mát rượi, Thị Lan đang đứng trên một mỏm đất cao và trông ra xa như ngóng đợi một điều gì đó. Rồi từ phía chân trời, một chiếc thuyền nhẹ nhàn lướt đi trên mặt nước, tiến về phía cô. Thị Lan reo lên vui mừng rồi vẫy tay với người đang đứng trước mũi thuyền ấy…


Tới đó cô lại giật mình tỉnh giấc. Bình tâm ngẫm lại, có lẽ giấc mơ của cô mang theo một thông điệp gì đó, hình ảnh của người con trai đứng trước mũi thuyền cứ mãi thấp thoáng trong tâm trí. Khi cô đem điều này đi hỏi cha mình, vị Quốc Công lại bật cười.


-Con gái lớn thật rồi – Trong khi cô thì giận dỗi vì bị trêu đùa.


Bị ám ảnh bởi giấc mơ kỳ lạ ấy, sẵn thêm tính cách hay để ý quan sát xung quanh. Cô dần hình thành thói quen ngắm nghía những người qua kẻ lại, để tìm kiếm xem ai là người đã xuất hiện trong mơ.


Giữa khi đó, thời cuộc càng lúc càng biến động. Phía Nam thì anh em Tây Sơn chiếm giữ một dãi từ Quảng Ngãi cho tới Phú Yên, phía Bắc thì Hoàng Ngũ Phúc đang rục rịch tiến quân xuống kinh thành. Thị Lan cùng cha đi theo Nguyễn Vương vượt biển vào Gia Định. Hành trình dài và sự thiếu thốn đủ thứ khiến cho cô tạm quên đi việc tìm kiếm người trong giấc mơ.


Khi đoàn người theo Nguyễn chúa cập bến được Gia Định, họ đã rệu rã, mệt nhoài vì những gian khổ và mất mát phải trãi qua. Thị Lan theo đoàn người ấy xuống thuyền, nắng chiều lấp lánh rọi lên bọn họ. Chợt cô bất giác ngoảnh mặt đưa tay lên che nắng, tình cờ chạm mắt phải đoàn người ở chỗ thuyền ngự.


Định Vương cùng đoàn tùy tùng đang từ từ xuống khỏi thuyền. Nhưng bản thân cô lại đặc biệt chú ý đến cậu con trai lúc nào cũng tò tò theo cạnh chúa công. Cậu trai ấy chỉ cỡ trạc tuổi cô, trông gầy gò và nhỏ thó nhưng cử chỉ của cậu ta thì lại thoăn thoắt. Vương đi thì cậu ta bám theo sát gót, Vương dừng lại thì cậu ta lập tức cũng đứng ngay lại. Cảnh tượng kỳ lạ ấy khiến Thị Lan tò mò nhìn mãi. Cuối ngày cô hỏi cha về cậu con trai ấy, thì mới biết đấy là công tử Nguyễn Phúc Ánh, cháu của Vương. Chẳng trách mà họ thân mật như vậy.


Từ khi về Gia Định, gia đình Thị Lan được chúa công ban cho một căn nhà cũ nằm gần thành. Nó là một nơi vừa đủ rộng cho cả sáu người bao gồm nàng, phụ thân, và mấy người nô bộc trung thành đi cùng hai cha con ở. Thế là cô gái trẻ liền xắn tay vào chăm lo cho nơi chốn mới. Thân mẫu của Thị Lan đã mất từ lâu, còn cha cô thì luôn bận công vụ, cho nên từ hồi còn ở Phú Xuân thì cô tiểu thư nhỏ của nhà Quốc Công đã biết tự mình quán xuyến mọi chuyện nhà cửa.


Để bắt đầu, Thị Lan đi một vòng quan sát hết các ngóc ngách của căn nhà, sàn gỗ và mái nhà đều đã cũ kỹ, có phần bám bụi nhiều. Phía sau nhà thì có một mảnh vườn để hoang. Cô tính sau khicải thiện mảnh vườn sẽ có thể trồng được gì đó. Sau đó Thị Lan lại đi tìm hiểu về khu vực mình sống, cô bắt đầu với việc chào hỏi những cư dân quanh đó, họ là những người hiểu rõ vùng này nhất và cũng là người sẽ giúp cô phòng những khi tắt lửa tối đèn.


Sau khi đã nắm được vị trí nguồn nước, cô cùng các gia nhân đi đến đó gánh nước về trữ trong các chum lớn, chỗ nước này được cô chia ra dùng cho những công việc cụ thể như nấu nướng, tắm giặt và lau dọn. Giải quyết xong nhu cầu về nước, cô bắt đầu việc tân trang lại ngôi nhà, nó cần phải được chỉnh chu và vững chãi trước khi mùa mưa tới. Thế là cô một mặt bảo gia nhân đi kiếm gỗ và ngói về để sửa những chỗ hư hỏng, còn phần mình thì tự tay múc nước và lau chùi từng ngóc ngách.


Khi những người giúp việc đem vật liệu về và sửa chữa, Thị Lan xoay sang công việc bếp núc. Nhờ số gạo khá dư dả mà Định vương cấp cho gia đình, cô không còn sợ thiếu thốn như hồi ở trên thuyền. Nấu cơm xong, cô gọi các nô bộc nghỉ tay ra ăn cùng mình. Tuy cuộc sống hiện tại thiếu thốn đủ thứ nhưng Thị Lan không để nó làm cho nản chí, thay vào đó cô luôn giữ cho mình một niềm tin vào tương lai.


Từ khi vào Gia Định, Thị Lan đã không còn mơ giấc mơ kia nữa, có lẽ là do quá bận rộn. Chợt vào một buổi trưa, khi đang nấu cơm sau vườn thì cô nhận thấy có cậu trai gầy gò đang lấp ló dòm mình. Ban đầu cô hơi giật mình một chút, nhưng Thị Lan liền lại nhận ra đó là cậu trai mình đã thấy lúc trước, công tử Ánh. Nhớ lại những lễ giáo đã được học, cô lễ phép cúi chào cậu, rồi bằng một lời mời mọc nhã nhặn và ôn hòa cô đã mời vị công tử trẻ cùng vào dùng bữa.


Thấy chủ nhà đã nhận ra mình, cậu thiếu niên ấy không hề ngần ngại bước vào. Thị Lan xới cho cậu một chén đầy, rồi rót nước mắm từ trong lọ ra làm đồ ăn kèm. Cậu trai chỉ lặng lẽ quan sát rồi lại lặng lẽ đón lấy bát cơm từ tay cô mà ăn ngon lành. Vì không còn việc gì khác để làm nên cô chỉ ngồi ngắm cậu ăn, bấy giờ Thị Lan mới có dịp được quan sát nhiều hơn. Nguyễn Phúc Ánh thấp hơn cô tận nửa cái đầu, nhưng qua cử chỉ bạo dạn của cậu thì Thị Lan biết là ẩn bên trong người thiếu niên trông nhỏ thó này chứa một sự mạnh mẽ phi thường. Bất chợt cậu trai ngẩn mặt lên, trống ngực cô đập thình thịch khi bắt gặp phải đôi mắt đẹp đẽ mà dữ dội ấy.


-Cho tôi xin chén nữa… – Cậu ta nói và đưa cái chén rỗng không cho cô. Thị Lan nhỏ nhẹ “Vâng” một tiếng rồi xới cho cậu thêm một chén đầy khác. Bữa đó, cô đã nhịn phần của mình cho cậu.


Kể từ hôm ấy Thị Lan luôn nấu dư một phần cơm để dành cho cậu. Cô không rõ tại sao, chỉ đơn giản là có linh cảm rằng cậu sẽ lại tới nữa. Và hầu như lần nào cậu cũng tới thật. Có lẽ cậu ta cũng áy náy vì cứ được cô nấu cho ăn mãi nên mỗi khi tới đều mang theo một thứ gì đó, khi thì là mấy quả trứng cút, khi thì lại là con cá. Thậm chí, cậu không ngần ngại giúp sức cho việc cải tạo lại khu vườn của cô, dù cho Thị Lan đã từ chối. Cứ thế, những sự e dè của hai người bọn họ dần được gỡ bỏ và họ bắt đầu hiểu về nhau nhiều hơn.


Càng biết nhiều Thị Lan càng yêu mến con người của công tử Ánh. Một cậu thiếu niên lúc nào cũng tỏ ra xa cách trầm mặc, nhưng khi đã tin tưởng ai rồi thì cậu nói với người đó luyên thuyên không dứt. Cậu biết rất nhiều thứ, đa phần đều là do tự học và quan sát của bản thân. Hơn hết, người thiếu niên ấy không bao giờ ngần ngại khi nói về sự mến yêu mà mình dành cho Định Vương, về ý định một ngày nào đó sẽ dành lại Phú Xuân, “Nếu được thì sẽ ra Bắc, lấy luôn đất của họ Trịnh” – cậu khảng khái nói vậy. Dần dà tình cảm giữa hai người nảy nở từng chút một.


Nhưng khoảng thời gian yên ổn ở Gia Định chỉ được vỏn vẹn được ba năm thì Nguyễn Huệ lại đem quân đánh vào đây. Loạn lạc, Thị Lan phải đi lánh nạn. Cả đoàn lưu dân của cô có đến mấy chục người phải lần dò tìm đường rời khỏi vùng đất chiến sự để đến nơi an toàn.


Nhờ sự thân thiết và tin cậy đã gây dựng từ trước với cư dân ở đây, cô con gái của nhà Quốc Công lập tức giữ vai trò chịu trách nhiệm cho đám người lưu lạc. Cô sắp xếp bọn họ sao cho những người già và trẻ em được đi ở giữa đoàn. Những người trẻ khỏe sẽ đi ở đầu và cuối, như thế sẽ không sợ có ai bị bỏ rơi dọc đường. Dựa vào chênh lệch giữa số người già, trẻ em và người trưởng thành, Thị Lan ước lượng những quãng nghỉ dọc đường sao cho tối ưu, để vừa đi được nhanh vừa đảm bảo sức khỏe cho cả đoàn. Cô cũng gom hết lương thực trong đoàn lại rồi để cho những người già cất giữ, vì họ cẩn trọng và kỹ lưỡng. Đến bữa thì tự tay Thị Lan chia đều khẩu phần ra và đảm bảo cho mọi người, đặc biệt là những người trẻ tuổi, luôn có những phần bằng nhau để tránh cho họ bất hòa, cãi vã vì miếng ăn.


Phải lo cho một lúc ngần ấy người cũng gây cho cô không ít khó khăn và trọng trách, nhưng Thị Lan chưa bao giờ thấy sợ hãi. Cô tự bảo với lòng rằng mình phải cố gắng sống sót để gặp lại cha và cả… công tử Ánh. Những lúc nghỉ ngơi cô thường trăn trở “Không biết phụ thân có ăn uống đủ không, mong người đừng làm việc gắng sức để hại sức khỏe”, về phần công tử Ánh cô dành cho cậu một nỗi nhớ da diết, nếu nhỡ may cậu có bị gì thì chắc cô chết mất. Mỗi lần nghĩ như vậy, cô lại chắp tay cầu trời khấn phật cho những người mình yêu quý được bình an.


Đến tháng 12 năm ấy, tin công tử Nguyễn Phúc Ánh tập hợp binh tướng tái chiếm Gia Định lan truyền khắp miền Nam Bộ. Ở những nơi tản cư, các lưu dân đều vui mừng vì sắp sửa được trở về cố hương…


Về lại Gia Định, Thị Lan cùng mọi người bắt tay sửa lại những nhà cửa bị hư hại do chiến tranh. Cô, cũng như những người phụ nữ khác, lo phần giặt giũ và cơm nước trong khi cánh đàn ông lo việc lát ngói hoặc xẻ gỗ. Đến lúc này Thị Lan đã tạm thấy an lòng, cha cô vẫn bình an, chỉ có điều cô vẫn chưa thể gặp được công tử Ánh. Dù bản thân cô rất muốn đi gặp cậu, trong lòng không lúc nào yên. Nhưng nghĩ cậu vẫn còn bộn bề việc chính sự như thế, nên cô cũng không dám làm phiền.


Mãi cho đến tháng 2 năm sau, đấy là vào một buổi trưa, khi Thị Lan đang nấu cơm sau nhà. Bất chợt có một chàng trai ghé vào, cậu ta nhỏ người nhưng rắn rỏi, đôi mắt của cậu đẹp đẽ và u buồn. Người đó mạnh dạn hỏi cô.


-Tôi bị lỡ đường, xin ăn nhờ tiểu thư một bữa.


-Cơm tôi luôn có sẵn. Muốn ăn bao nhiêu cũng được. – Cô đáp mà tim đập rộn ràng.


Có nằm mơ Thị Lan cũng không ngờ người ấy lại chủ động đến tìm cô nhanh như vậy, đôi trẻ vui mừng vì cuộc tái ngộ. Cô kể cho anh nghe rất nhiều chuyện, về cuộc hành trình đi cùng đoàn người lưu lạc, về cuộc sống ở nơi tản cư. Về nỗi nhớ anh, có lẽ là do xấu hổ, Thị Lan chỉ dám nói một cách bân quơ. Cô cũng lắng nghe anh kể về những câu chuyện chinh chiến của mình, cô đã thấy ngượng ngùng và hạnh phúc khi anh nói là mình nhớ món cơm cô nấu. Nhưng khi nhắc đến Định Vương, người con trai ấy lại không thể kiềm nén nổi.


-Chú đã cưu mang tôi như vậy. Tôi lại để Người bị hại mất… – công tử Ánh nghẹn ngào, trong dây lát, nước mắt chảy dài trên khuôn mặt anh. Thị Lan để cho anh gục đầu vào lòng mình mà khóc như một đứa trẻ. Hôm ấy, cô lại biết thêm một điều khác về người con trai này. Anh dù có mạnh mẽ, nhưng luôn cần một ai đó làm chỗ dựa tinh thần.


Rồi ít lâu sau đó, cả một góc thành Gia Định rộn ràng kèn trống. Người ta kháo nhau rằng tân chúa đã tự thân đem lễ đi hỏi vợ. Người tin kẻ ngờ, bảo là bậc một bậc quân vương cao quý thì làm gì có chuyện tự mình đi rước phi.


Năm ấy là năm Mậu Tuất (1778).


Từ ngày theo về bên Nguyễn Vương, Thị Lan đã góp phần chia sẽ gánh nặng với chồng. Khi Vương đón mẹ mình vào Gia Định, cô là người đứng ra đảm đương việc phụng dưỡng mẹ chồng, cô xem bà như mẹ ruột, hết lòng kính trọng và cung phụng. Thái hậu thấy con dâu là người vừa hiền thục, vừa đảm đang như vậy thì càng đẹp lòng. Tình cảm giữa mẹ chồng và nàng dâu khi nào cũng hòa hợp, yên ổn.


Dưới vai trò làm vợ, Thị Lan hoàn toàn là người có nội tướng. Từ ngày có cô, quần áo của Nguyễn Vương sạch sẽ và gọn gàng hơn trước. Với một Nguyễn Phúc Ánh luôn luôn lo âu phiền muộn, thậm chí có đôi lúc gắt gỏng, cô lại đóng vai trò làm người tâm sự và khích lệ của anh. Cô hiểu rằng đảm bảo được sức khỏe cho chồng cũng là một cách giữ cho tinh thần của anh luôn ổn định, thế nên cô luôn tìm cách tẩm bổ và đảm bảo cho chồng mình ngủ đủ giấc. Đồng thời, Thị Lan cũng để ý đến các khoản chi tiêu sao cho cân đối, cô hiểu rõ từng đồng mình dùng đều lấy từ thuế của nhân dân Nam Bộ cho nên phải luôn ưu tiên cho những việc hệ trọng trước. Những việc có thể tự làm mà không cần hao tổn chi phí cho người hầu thì Thị Lan đều tự mình làm hết, bản thân cô cũng không có nhu cầu gì cho riêng mình. Nhờ thế mà chi tiêu trong Vương phủ luôn ở mức tối thiểu.


Dân Gia Định dạo ấy thường đồn đại về một vị phi tần hay đi chợ. Không ai biết chuyện đó thực hư ra sao. Các chủ sạp hàng hóa chỉ biết về một thiếu phụ vốn là khách quen của họ, cô gái này tuy trả giá rất quyết liệt nhưng lại có tính cách chan hòa và vui vẻ, cô rất hay gợi chuyện để nói với mọi người. Ai cũng thấy thoải mái khi trò chuyện với cô, và cô cũng luôn tỏ ra lắng nghe những than phiền của họ. Kỳ lạ là, mỗi lần có điều gì khiến các cư dân cùng than phiền thì Nguyễn Vương sẽ lập tức ban lệnh giải quyết ngay sau đó. Tỉ dụ như tên cai đội hay sách nhiễu, vòi tiền của các sạp buôn vừa mới bị trừng trị cách đây không lâu.


Thị Lan làm mọi cách mà mình cho là có thể để giúp chồng, cô sống đơn giản nhưng tình nghĩa và thấu đạt. Nhờ đó, danh tiếng của Nguyễn Vương ở Gia Định càng vững vàng hơn. Ngoài việc âm thầm hỗ trợ, cũng có những khi Thị Lan trực tiếp gánh vác nỗi lo của chồng. Khi nghe rằng không có đủ nhung phục cho binh sĩ, cô cùng các hầu gái liền bỏ ra nhiều đêm để may đồ quần áo. Thậm chí, tâm niệm muốn giúp sức đó còn gần đến mức liều mạng. Một lần khi Thị Lan theo Nguyễn Vương đi thuyền thị sát, đội thuyền ngự vô tình chạm tráng một toán quân của Tây Sơn. Dù số binh mang theo có phần bị lép vế, Vương vẫn bình tĩnh cầm kiếm đốc thúc binh sĩ chiến đấu. Bất chợt có mũi tên bắn gục người thúc trống trận. Thế là binh lính bắt đầu nao núng. Không chút chần chừ. Thị Lan lập tức lượm cặp dùi rồi leo lên đài dựng trống, sau đó cô liên tục đánh mặt trống với hết sức bình sinh. Binh sĩ thấy thế liền phấn chấn lại, chèo thuyền vượt khỏi vòng vây. Sau việc đó Nguyễn Vương giận lắm, nhưng Thị Lan cứng cỏi đáp rằng: “Vương cầm kiếm đánh địch, thì Phi thúc trống đốc quân có gì là sai? Thiếp cũng một lòng mong cho Người sớm lấy lại được Phú Xuân mà thôi.”


Năm Tân Tỵ (1780)…


Thị Lan hạ sinh cho Vương một bé trai kháu khỉnh. Cô đã cảm thấy nhẹ lòng khi làm tròn được nghĩa vụ của mình. Sau khi được tắm rửa, vị hoàng tử nhỏ được trao lại cho cô. Nhìn thấy bé con khóc ngay khi bắt hơi mẹ, nước mắt cô chực trào ra. Thị Lan đã tìm thấy người đàn ông quan trọng thứ hai của cuộc đời mình, cô hứa từ giờ sẽ trao cho con tất cả.


Nguyễn Vương thì vui mừng hết sức, đặt tên cho con mình là Cảnh. Và kể từ đó, hầu như tối nào anh cũng ngồi chơi và cưng nựng bé Cảnh. Lần đầu tiên kể từ khi gặp gỡ, Thị Lan thấy gương mặt của chồng mình thư thái hẳn ra. “Đứa bé này là một điều kỳ diệu” cô nghĩ thầm.


Nhưng rồi chỉ một thời gian sau. Nguyễn Huệ lại đem quân Tây Sơn vào đánh, thế như chẻ tre. Nguyễn Vương buộc phải mở bản đồ, cùng ngồi bàn với Thị Lan nên tạm chia nhau ra để lánh, đợi khi thuận lợi sẽ lại họp ở đảo Phú Quốc. “Mẫu thân với thái tử, nhờ nàng chăm nom dọc đường” Vương tha thiết nói. Cô lĩnh ý, ngay trong đêm cô bồng bé Cảnh, dẫn thái hậu cùng một vài cung nữ theo thị vệ giả dạng làm lưu dân trốn khỏi thành.


Hành trình này còn gian nan và nguy hiểm hơn gấp nhiều lần lúc trước. Vừa phải tìm đường đón tàu vào Phú Quốc, vừa phải tránh không để lộ thân phận, vì nhỡ may gặp phải quân Tây Sơn thì nguy. Có lúc, những toán quân áo đỏ rà soát nghiêm ngặt đến nỗi Thị Lan không cách nào đi thêm được. Đôi lần nhóm của cô còn bị chặn lại để kiểm tra. Các thị vệ lận dao trong người, khi cần sẽ sẵn sàn liều chết, nhưng Thị Lan vẫn giữ bình tĩnh. Thấy nhóm người lưu lạc này không gì khả nghi, đám quân tuần tiễu thả cho họ đi tiếp.


Nhận thấy đi đường cái quá sức nguy hiểm, Thị Lan đành phải cho mọi người đi đường vòng qua núi. Lựa chọn này chỉ càng khiến quãng đường họ đi trở nên dài và khó khăn hơn, một vài cung nữ vì chịu khổ không nổi nên đã bỏ trốn. Thỉnh thoảng trên đường, cô còn nghe thấy những tiếng gầm gừ văng vẳng xung quanh.


-Tiếng gì vậy?


-Dạ bẩm, là sói. – Một người thị vệ đáp.


Nghe thế, Thị Lan kéo Cảnh lại đi sát bên cạnh mình. Đứa trẻ này tuy chỉ mới ba tuổi nhưng đã rất biết điều, mẹ bảo gì cũng nghe. Cậu bé cũng không hề có tính khóc lóc hay ăn vạ, luôn im lặng và ngoan ngoãn đi theo những người lớn. Thấy con như vậy, đột nhiên Thị Lan lại nhớ và lo chồng mình khôn xiết. Cô biết rõ quân Tây Sơn đặt nặng việc truy sát anh ra sao.


Những bữa ăn mà các thị vệ xin được từ các nhà dân lúc nào cũng ít ỏi, chỉ vừa đủ để lo từng bữa. Nhiều lúc Thị Lan phải nhịn phần của mình để lo cho con và mẹ chồng. Thái hậu thấy thương nên không ăn mà bảo cô cứ ăn để giữ sức. Nhưng cô vẫn lắc đầu, Thị Lan là người luôn xác định rạch ròi các ưu tiên của mình. Nhiều ngày trôi qua, cô gầy rộc và hốc hác đi trông thấy. Mệt mỏi là vậy, nhưng cô chưa từng mất đi niềm tin vào tương lai và với cô thì niềm tin ấy bao giờ cũng được đền đáp.


Lần mò tới được Hà Tiên, Thị Lan bắt liên lạc với các thân tín của Nguyễn Vương. Sau đó, cả đoàn người đi nhờ thuyền của thương nhân để ra Phú Quốc. Bấy giờ cô mới thấy nhẹ lòng một chút. “Cầu trời phật phù hộ cho gia đình ta được đoàn tụ bình an, con xin nguyện ăn chay vào mỗi tháng Giêng để tỏ lòng thành” Thị Lan thắp hương, thầm khấn vái như vậy.


Ít lâu sau, Nguyễn Vương cũng tìm đến. Vợ chồng gặp nhau, gia đình đoàn tụ, mừng vui khôn kể. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang. Một tối, Vương ngồi với cô mà thái độ rất lạ, ấp úng như muốn nói điều gì đó mà không thể.


-Ta… Không… Anh có chuyện này muốn nói với em.


Ngạc nhiên trước cách xưng hô của chồng, Thị Lan cơ hồ đoán ra là có chuyện gì đó không hay. Lòng dạ cô bồn chồn.


-Xin Vương cứ nói.


-Bá Đa Lộc vừa về đến Phú Quốc hồi sáng, anh tính nhờ người Pháp giúp sức.


-Rồi họ định lấy gì làm tin? – Thị Lan dò hỏi, trong lòng cô lo sợ không yên.


-Anh đã nói với Bá Đa Lộc: ”Đời xưa giao ước cùng nhau, lấy con làm tin.”…


Thị Lan nghe mà như thấy sấm động bên tai, cô không tin được là anh lại quyết mà không hề bàn trước với cô một việc như vậy. Đầu tiên là bàng hoàng, rồi đau đớn và phẫn nộ. Cô liên tiếp dậm chân xuống sàn, hai tay đấm vào ngực. Đó con của hai người. Con của cô.


-Thái tử là người nối dõi mà sao Người lại tự quyết định? – Cô giận dữ lớn tiếng.


-Nhưng mà chúng ta binh ít thế cô. Không thể không nhờ ngoại viện.


-Cảnh là con anh, anh đẩy nó đi xa cả ngàn dặm khác nào giết nó…


-Anh đã dặn Bá Đa Lộc rồi, ông ta sẽ chăm lo cho nó. Nếu nhỡ có biến cố thì sẽ giữ Cảnh mà tránh.


Anh nói đến đây, mong là cô sẽ nguôi ngoai bớt. Nhưng trái lại, Thị Lan càng tức giận hơn nữa, ánh mắt trở nên dữ dội, cô gào lên.


-Ông nói để người ta chăm sóc nó. Vậy tôi làm mẹ lại không chăm lo cho nó được hay sao? Từ Gia Định cho tới Hà Tiên. Tôi không lo cho con tôi thì ai lo tốt hơn!


Một người mẹ vẫn là một người mẹ. Sự mãnh liệt và lòng quyết tâm bảo vệ con của cô đủ sức dọa lui được cả một bậc đế vương. Thị Lan đuổi anh ra khỏi phòng rồi sập cửa lại mà khóc. Tâm trí cô trước nay luôn minh mẫn, giờ lại rối như tơ vò.


Trong đêm đó, cô ôm bé Cảnh đang say giấc mà thao thức mãi. Rồi cô ngồi dậy, soi đèn nhìn con đang say ngủ. Đứa bé này vẫn còn hồn nhiên với thời thế xung quanh. Thị Lan lấy tay vuốt nhẹ má con, nó mềm mại và đáng yêu biết chừng nào, cô bất giác mỉm cười. Nhìn kỹ, đứa bé có những nét giống Phúc Ánh như tạc, cặp mày này, cái mũi này, cả cái miệng nhỏ xíu nữa. Ngắm thằng bé, cô như được ngắm một bản thể thu nhỏ của anh vậy. Rồi cô nghĩ về lúc ban tối, lần đầu tiên cô lỗi đạo với anh, thâm tâm cô tự trách mình sai nhiều quá. Nhưng con cô, cô không xót thì ai xót!


Nghĩ tủi thân, Thị Lan lại khóc. Tiếng thút thít làm thằng bé giật mình, nó mở mắt he hé.


-Sao mẹ khóc vậy?


-Đâu có… - Thị Lan vội lau nước mắt, rồi nói dối con – Mẹ gặp ác mộng.


Thằng bé còn nhỏ mà đã biết điều, nó nghe nói như vậy thì sáp lại ôm mẹ mình. Thị Lan có thể cảm nhận được vòng tay bé nhỏ ấy cố ôm chặt lấy mình, lòng cô nguôi đi một chút. Rồi cô cũng ôm lại con, đặt thằng bé vào lòng, cô thủ thỉ.


-Con là con ai nè?


-Con là con mẹ với lại phụ hoàng! – Thằng bé mạnh dạn đáp.


-Đúng rồi, vậy con có thương phụ hoàng không?


-Dạ có – thằng bé đáp rành rọt – Con muốn cho mau lớn để giúp phụ hoàng đánh giặc.


Hơi bất ngờ trước câu nói con trẻ, Thị Lan lại xiết chặt con vào lòng.


-Con ngoan, con lớn thì con giúp cha con đánh giặc… - Bất chợt cô lại hỏi thằng bé – Mà, con có sợ đi xa mẹ không?


Bé Cảnh hơi suy nghĩ một lát, rồi cậu bạo dạn trả lời mẹ.


-Con không sợ!


-Nếu không phải là một hai hôm mà là mấy tháng, mấy năm thì con có sợ không?


-Con cũng không sợ! – Cậu bé trả lời rành rọt – Con đi rồi con về thì không sợ.


-Ừ ừ, Nguyễn đi rồi Nguyễn lại về. Mẹ không cho con đi luôn khỏi mẹ đâu.


Cách nói chuyên của thằng bé sao mà giống anh đến lạ. Trước kia, cô xiêu lòng vì anh cũng bởi anh là một người chí khí và khảng khái. Khi cô về làm vợ anh, cô đã nguyện sẽ vì anh mà hi sinh tất cả. Ngày bé Cảnh ra đời, cô đã thấy anh hạnh phúc đến nhường nào, thằng bé đã làm được điều mà Thị Lan không thể. Nói cách khác cô yêu con là bởi cô quá yêu anh. Cô không cho anh được gì thì thôi, chẳng lẽ giờ nước này mà lại ích kỷ khiến anh vụt mất cái hoài bão của mình. Cô không cam tâm để chồng mình làm người không có hoài bão như vậy. Một lần làm vợ anh thì cả đời cũng làm vợ anh, đấy là điều không thay đổi được. Nghĩ vậy, trong lòng cô vơi đi vài phần, sáng mai cô sẽ tỏ rõ quyết định của mình với anh, Thị Lan tin rằng: “Đồng vợ đồng chồng, tát biển Đông cũng cạn.”…


Rồi hoàng tử Cảnh theo Bá Đa Lộc sang Pháp, còn Nguyễn Vương thì tìm đường sang Xiêm La, riêng cô ở lại Phú Quốc để phụng dưỡng thái hậu. Trước khi đi, hai vợ chồng chặt đôi một nén vàng ra, hẹn sau này có lưu lạc thì còn giữ vật ấy làm tin.


Rồi trãi qua bao nhiêu biến cố, cuối cùng đôi nửa thỏi vàng cũng về lại làm một. Vua Gia Long rốt cuộc đã hoàn thành được ước nguyện, ngài rước cô về Phú Xuân rồi tấn phong hoàng hậu. Nhưng cô gái ấy mang số khổ, gánh chung hoạn nạn nhưng không thể cùng chia sẻ vinh hoa với vua. Ngày bà mất, vua Gia Long đau đớn rụng rời, khóc lóc thảm thiết. Rồi sai cử lễ tang long trọng, đặt mộ bà kế bên phần mộ của mình. Thoi vàng làm tín vật năm xưa được sai khắc chữ: “Thế Tổ Đế Hậu Quý Mão Bá Thiên Thời Tín Vật”, đem để cho con cháu sau này biết.


Từ khóa: 

thiên nam nữ kiệt

,

phụ nữ việt nam

,

lịch sử