Hoàng đế Lê Thánh Tông và vương quốc Aceh?

  1. Lịch sử

[Câu chuyện dựa vào chính sử]

Một buổi chiều tháng 8 năm 1470, vua Lê Thánh Tông đang tản bộ trong ngự hoa viên thì thái giám chạy vào cấp báo. Nghe xong vua nhíu mày:

-Trà Toàn lại xâm phạm Đại Việt?

-Dạ bẩm hoàng thượng, hắn dẫn hơn 10 vạn quân Chăm đã kéo đến sát miền nam nước ta rồi ạ!

-Trẫm biết rồi, khanh cho người đi triệu tập các quan, chúng ta sẽ có một buổi thiết triều gấp.

Thái giám vâng lệnh lui ra, hớt hơ hớt hải thông báo văn võ bá quan. Lê Thánh Tông đứng lặng người trong khu vườn. Khuôn mặt tuấn tú của nhà vua hằn lên một nỗi lo lắng. Trà Toàn là kẻ hoang dâm, hung hãn, tàn bạo, nếu kỳ này không đối phó được thì không chỉ cơ nghiệp tổ tiên ta vất vả dựng nên sụp đổ, mà con dân Đại Việt sẽ chìm sâu vào một thời kỳ tăm tối chưa từng có. Trong cuộc đời ngài chưa bao giờ phải đứng giữa ngã ba đường. Chủ chiến hay làm hòa? Chịu nhục năn nỉ hắn rút quân hay đương đầu để đánh một trận phân thắng bại?

-Chúng ta sẽ đánh!

Lê Thánh Tông đập mạnh tay xuống chiếc án, chén lưu ly rơi xuống vỡ tan.

-Ta không muốn một tấc đất của ai, nhưng không một ai có thể lấy của chúng ta một tấc đất. Ta phải giữ gìn cho cẩn thận, đừng cho lấy một phân núi, một tấc đất của cha ông để lại!

Rồi ông tuyên bố nốt trước sự kinh ngạc tột cùng của toàn bộ văn võ bá quan:

-Trẫm sẽ không ngồi ở Thăng Long để chờ tin, mà sẽ đích thân chinh phạt với các khanh. Chúng ta sẽ cùng nhau ra trận!

Khi vua bãi triều và trở về cung, Trường Lạc hoàng hậu rất lo lắng. Bà nắm tay chồng khuyên can:

-Hoàng thượng đừng để long thể tổn hại, xin đừng ra trận, đó là chuyện của võ tướng chứ không phải thiên tử.

Thánh Tông cười rất hiền, ông ôm vợ vào lòng rồi nói:

-Nàng đừng lo, trẫm là dòng dõi của Bình Định Vương Lê Lợi. Ngài ở trên cao sẽ phù hộ cho trẫm. Kỳ này ra trận lành ít dữ nhiều, nhưng trẫm tin Đại Việt sẽ chiến thắng.

--

Mờ sáng ngày 28 tháng 11 năm 1470, Đại Việt đã chuẩn bị xong mọi thứ. Vua đứng ở trên đài cao dõng dạc nói trước 26 vạn quân:

-Trẫm vốn là người đứng đầu một nước, nhưng thay vì ngồi trong cung hưởng lạc để nhân dân lầm than. Nay trẫm vâng mệnh trời, cùng các khanh xuất quân chinh phạt phương nam. Chúng ta đồng cam cộng khổ, không chiến thắng không trở về!

Thánh Tông có tư chất thông minh, học vấn uyên bác, giỏi về xử lí chính trị và cả về văn học nghệ thuật. Dưới thời đại của ông Đại Việt phát triển rực rỡ về mọi mặt và trở thành một cường quốc, cũng như đã khiến Việt Nam đạt đến đỉnh cao vàng son. Chưa kể ông còn rất… đẹp trai. Thiên tư tuyệt đẹp, thần sắc khác thường, vẻ người tuấn tú, nhân hậu, rạng rỡ, nghiêm trang, thực là bậc thông minh xứng đáng làm vua, bậc trí dũng đủ để giữ nước.

Ba quân nghe vậy thì hò reo vang trời. Ai cũng ngất ngây vì có vị hoàng đế mỹ nam và thông minh kề vai sát cánh. Hôm đó 10 vạn quân đi trước mở đường. 10 ngày sau vua đi cùng với thủy quân. Bách vạn sư đồ khởi hành chinh phạt! Gió bấc và mưa nhẹ thổi xua tan cái gay gắt khắc nghiệt của miền trung. Dọc đường đi hễ qua đền thờ thần nào đều sai quan tới dâng lễ để cầu cho quân thắng trận. 

Giữa tháng 12, vua đến địa phận Chăm Pa. Ông sai quan vẽ bản đồ, còn tự mình thức đêm hôm ngồi cặm cụi viết cuốn “Bình Chiêm sách” để phân phát cho mọi người, trong đó nêu ra những bí quyết để hạ gục Chăm Pa. Cái ngày định mệnh đó cuối cùng cũng đến.

Lê Thánh Tông chỉ huy quân mai phục đầy đủ và dựng trại để chặn đường về của giặc. Sau đó vua thân hành đem hơn 1000 chiếc thuyền và hàng chục vạn quân ra hai cửa biển dựng cao ngọn cờ thiên tử, vừa đánh trống vừa gầm thét, tiến thẳng về phía trước. Mặc dù người Chăm là những chiến binh dũng cảm, nhưng thấy khí thế quân Việt quá kinh khủng thì chùn tay cả.

Nhìn lại thì thấy đội hình team mình tan vỡ, giày xéo lẫn nhau bỏ chạy về phía nam. Vua Lê đắc thắng: “Trúng kế rồi! Ta đã tính toán đúng.”

Quân Chăm đang bỏ chạy thì gặp quân Việt mai phục chờ sẵn tại núi Mạc Nô. Quân Chăm cuống cuồng sợ hãi, trèo qua chân núi cao, xác người ngựa bỏ lại đầy núi đầy đường. Đại Việt tung quân ra đánh, chém được một đại tướng và thu được rất nhiều chiến lợi phẩm.

Vua Lê Thánh Tông đang có đà thắng nên chơi tới cùng, hạ luôn thành Thi Nại. Khí thế đại quân hừng hực như sóng thần tiến về sào huyệt cuối cùng: kinh thành Trà Bàn. Vua Chăm Trà Toàn trong tình thế cùng quẫn, hằng ngày nộp tờ cam kết đầu hàng: "Đại ca tha em, em xin lỗi rất nhiều". Vua Lê Thánh Tông lạnh lùng phẩy tay: “Giặc đã tan rã chí chiến đấu, thời khắc đánh thành đã tới!”

Ông cho một nhóm thích khách trèo vào thành, sau đó bắn luôn ba phát pháo hiệu nổ tung trời, quân Đại Việt tràn vào phá tan tành cửa đông thành Trà Bàn. Thủ đô vĩ đại của Chăm Pa hùng cường sụp đổ. Quân Đại Việt bắt được hơn ba vạn tù binh và chém được hơn bốn vạn thủ cấp. Trà Toàn bị dẫn đến trước vua Lê Thánh Tông nhưng nhà vua cho hắn được sống. Cờ Việt Nam dựng nườm nượp tung bay phấp phới trên kinh thành một thời từng là niềm tự hào của dân tộc Chăm. Từ nay thiên hạ thái bình.

-Khanh mệt mỏi chưa? Phấn chấn lên đi, đại tiệc đang chờ chúng ta tại Thăng Long.

Vua cười lớn vỗ vai Đinh Liệt, rồi chắp tay sau lưng, dạo bước thưởng ngoạn vùng đất mới mẻ này. Ông thái sư lẩm bẩm:

-Hoàng thượng không những tinh thông kim cổ, mà võ công cũng xuất chúng. So với Lê Thái Tổ thì đâu thua kém.

Cuộc tấn công của Đại Việt đã gây ra cái chết cho 60 ngàn quân dân Chăm Pa và khoảng 30 ngàn người bị bắt làm nô lệ. Kinh đô Vijaya bị phá hủy. Do mất nước, rất nhiều người Chăm đã phải di cư sang Khmer và bán đảo Malacca. Miền bắc của Chăm Pa từ đèo Hải Vân - Đà Nẵng đến đèo Cù Mông - Phú Yên được sát nhập vào lãnh thổ Đại Việt.

Tuy nhiên, lịch sử Malaysia nói rằng, có người con của Trà Toàn chạy thoát khỏi cuộc thảm sát Trà Bàn 1471 và lên đường đến Mã Lai để thành lập nên một quốc gia mới tên Aceh. Vào thời đỉnh cao, nó là một Hồi quốc hùng mạnh, đủ sức cạnh tranh với Johor hay Malacca. Ba thằng này đều cố gắng kiểm soát eo biển Malacca để xuất khẩu tiêu và thiếc. Aceh cũng là trung tâm thương mại và tri thức đáng nể của thế giới Hồi giáo. Nó tồn tại lâu hơn cả nhà Lê, từ 1496 đến tận 1903 mới sụp đổ.

Nếu bạn thấy hay, hãy bấm vào đây để ủng hộ Lộc: 

https://docs.google.com/forms/d/e/1FAIpQLSfCcdauYrZq66bcZ2LR8vyYoYDllFdVpJ8sSC_MFmQHyNa7-g/viewform

Từ khóa: 

,

lịch sử

chắc cũng 1 phần là đánh phuong nam để dằn mặt phuong bắc

Trả lời

chắc cũng 1 phần là đánh phuong nam để dằn mặt phuong bắc

thần tượng của e vừa trị nước giỏi vừa đánh nhau giỏi