Hình tượng người lính Tây Tiến
kiến thức chung
Thơ ca kháng chiến chống Pháp viết về người lính ái quốc có nhiều. Cảm hứng về những con người thời chiến ấy luôn vẫy gọi những hồn thơ cách mạng. Đó là hình ảnh chân thực của anh bộ đội cụ Hồ trong bài thơ Đồng Chí của Chính Hữu, hay cũng chính là người chiến sĩ đầy lòng dũng cảm, đánh giặc bằng những vũ khí thô sơ nhất trong Nhớ của Hồng Nguyên “ Lội sắt đường tàu/ Rèn thêm dao kiếm/ Áo vải chân không/ Đi lùng đánh giặc.’’,.. Riêng nhà thơ Quang Dũng, người chiến sĩ của xứ Đoài mây trắng ấy cũng góp vào đề tài này một giọng điệu riêng bởi sự khắc họa tài hoa những chàng trai Thăng Long- Hà Nội của một thời trận mạc. Chân dung người lính Tây Tiến mang trọn cả vẻ đẹp hào hùng và hào hoa, mang cả trái tim người đọc cuốn theo bóng các anh hành quân trên đường mặt trận
1. Giới thiệu khái quát tác giả, tác phẩm
Quang Dũng là một nghệ sĩ đa tài. Thơ ông hào hoa, lãng mạn nhất là khi viết về quê hương xứ Đoài và người lính Tây Tiến.
Tây Tiến là bài thơ được Quang Dũng sáng tác năm 1948, ở Phù Lưu Chanh khi nhà thơ nhớ về đơn vị của mình. Sau nỗi nhớ khái quát về cảnh Tây Bắc hùng vĩ, dữ dội, về đoàn quân Tây Tiến với những kỷ niệm không bao giờ quên thì sang đến đoạn 3 của tác phẩm, nhà thơ dành trọn vẹn để tái hiện lại, để lại cho muôn đời bức chân dung người lính, bức chân dung hoàn thiện cả vẻ đẹp diện mạo lẫn vẻ đẹp tâm hồn của các anh.
2. Chân dung ngoại hình
Trên cái nền hùng vĩ,hiểm trở,dữ dội của núi rừng và duyên dáng thơ mộng,mỹ lệ của Tây Bắc,Quang Dũng đã khắc họa thành công hình tượng tập thể những người lính Tây tiến với một vẻ đẹp đầy tính chất bi tráng; NHỮNG NGƯỜI LÍNH ỐM NHƯNG KHÔNG YẾU. Bút pháp bi tráng ấy không né tránh cái bi mà nhìn thẳng vào những gian khổ, hy sinh của người lính Tây Tiến:
“ Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá giữ oai hùm ”
Người lính ốm
Những gian khổ kia đâu chỉ là đối diện với thiên nhiên hiểm trở : đèo cao, vực sâu, dốc thẳm; đâu chỉ là đối diện với những hiểm nguy đe dọa đến tính mạng người lính: thác gầm, cọp dữ mà đó còn là căn bệnh sốt rét hiểm nghèo. Chính trong bài thơ Đồng Chí, nhà thơ Chính Hữu có viết:
“ Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh
Sốt rung người vầng trán ướt mồ hôi ”
Người lính Tây Tiến ở đây cũng vậy, đối mặt với cơn sốt rét rừng, mái tóc xanh đã rụng gần hết, làn da cũng trở nên xanh xao vàng vọt “ quân xanh màu lá”. Những anh vệ trọc thời ấy hiện lên trên nền hiện thực trần trụi và khắc nghiệt.
Nhưng không yếu
Người lính có tiều tụy song vẫn hiện lên một phẩm chất đẹp đẽ, kiêu hùng: “ không mọc tóc” chứ không phải là “ tóc không mọc “. “ Không mọc tóc” có vẻ như là không thèm mọc tóc, không cần mọc tóc,.. thể hiện thái độ coi thường gian nguy, vượt lên trên hoàn cảnh của người lính Tây Tiến.
Ba chữ “Dữ oai hùm” đặt cuối câu giống như tiếng dằn rất mạnh, khẳng định sức mạnh của một trang nam nhi hổ tướng, nêu cao tinh thần chiến đấu sôi sục của người lính. Câu thơ giống như cái hất đầu đầy kiêu hãnh, ngạo nghễ của người lính Tây Tiến thách thức gian khổ, chiến thắng gian khổ, trở thành một “ đoàn binh” hết sức hùng hậu và hùng mạnh.
3. Chân dung tâm hồn
Sự khắc nghiệt của núi rừng, sự hiểm nguy của thú dữ, sự đe dọa tính mạng của thiên nhiên như càng mài dũa thêm ý chí kiên cường của người lính, như càng tỏa sáng hơn tâm hồn tuyệt đẹp của các anh.
a. Vẻ đẹp hào hùng
Người lính ấy mang vẻ đẹp hào hùng, vẻ đẹp của ý chí, nghị lực phi thường, sẵn sàng vượt lên mọi thử thách gian nguy.
Thiên nhiên với đèo cao, vực sâu, dốc thẳm, với mưa rừng, sương núi, với thác gầm, cọp dữ lúc nào cũng như sẵn sàng cướp đi sinh mạng của người lính không làm họ sợ hãi. Vượt lên tất cả là nụ cười tếu táo, làm chủ hoàn cảnh : “ Heo hút cồn mây súng ngửi trời ”
Những khó khăn ấy vẫn chưa là gì, thử thách nghiệt ngã nhất đối với những người chiến sĩ tri thức Hà Nội ngày ấy có lẽ phải kể đến cái chết:
“ Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời”
Ấy vậy mà thái độ của họ lạ lùng quá! Gian khổ thế không làm họ nản chí, lùi bước mà ngược lại, càng mài thêm ý chí giúp họ vững bước hành quân, vẫn oai phong lẫm liệt kiêu hùng, vẫn hiên ngang thanh thản trong cả cái chết. Nói đến đây, lại nhớ tới hình ảnh người lính trong bài thơ Dáng đứng Việt Nam của nhà thơ Lê Anh Xuân:
“ Và anh chết trong khi đang đứng bắn
Máu anh phun theo lửa đạn cầu vồng “
Không chỉ mang trong mình ý chí, nghị lực phi thường, không chỉ là một đôi chân vững vàng trước mọi hiểm nguy, người lính Tây Tiến còn đem theo hành trang là một trái tim với lý tưởng sống cao đẹp.
Người lính Tây Tiến chủ yếu là thành phần tri thức Hà Nội, họ rời ghế nhà trường, bỏ lại sau lưng là cả khoảng trời đầy ước mơ, là dự định tương lai ngập tràn hẹn ước, họ ra đi với lyws tưởng cao đẹp:
“ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”
Người lính ý thức được “ đời xanh” chính là tuổi trẻ, chính là quãng thời gian đẹp nhất của một đời người, nhưng họ ra đi “ chẳng tiếc”, như nhà thơ Thâm Tâm trong Tống Biệt Hành có viết:
Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!
Mẹ thà coi như chiếc lá bay
Chị thà coi như là hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu say.”
Người lính ra đi với tinh thần xả thân vì chí lớn:
“ Tây Tiến người đi không hẹn ước”
Không hẹn ước, là không hẹn ngày trở về, không hẹn ngày đoàn tụ, là lỡ hẹn với ước mơ, với cả tương lai mà khi ngồi trên ghế nhà trường họ vẫn luôn ấp ủ.
Chính tình yêu quê hương đất nước sâu nặng đã giúp người lính coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Khi cần họ sẵn sàng hy sinh cho nghĩa lớn một cách thanh thản bình yên như giấc ngủ quên. Câu thơ vang lên như một lời thề đúng là cái chết của bậc trượng phu:
“áo bào thay chiếu anh về đất”
Nếu như người tráng sĩ phong kiến thuở trước coi da ngựa bọc thây là lí tưởng thì anh bộ đội cụ Hồ ngày nay chiến đấu hi sinh vì Tổ quốc một cách tự nhiên thầm lặng. Hình ảnh “áo bào” làm tăng không khí cổ kính trang trọng cho cái chết của người lính. Hai chữ “áo bào” lấy từ văn học cổ tái tạo vẻ đẹp của một tráng sĩ và nó làm mờ đi thực tại thiếu thốn gian khổ ở chiến trường. Nó cũng gợi được hào khí của chí trai “thời loạn sẵn sàng chết giữa sa trường lấy da ngựa bọc thây. Chữ “về” nói được thái độ nhẹ nhõm, ngạo nghễ của người tráng sĩ đi vào cái chết “Anh về đất” là hình ảnh đầy sức mạnh ngợi ca. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ thiêng liêng, người lính Tây Tiến trở về trong niềm chở che của đất mẹ quê hương, của đồng đội. Trở về với nơi đã sinh dưỡng ra mình. Trước những cái chết cao cả ở địa bàn xa xôi hẻo lánh sông Mã là nhân vật chứng kiến và tiễn đưa.
b. Vẻ đẹp hào hoa
Bên cạnh vẻ đẹp hào hùng nổi bật lên ý chí kiên cường và lý tưởng sống cao đẹp, hình tượng người lính Tây Tiến qua nét bút lãng mạn của nhà thơ Quang Dũng lại mang một tâm hồn vô cùng đẹp đẽ.
Vẻ đẹp hào hoa ấy trước tiên phải kể đến sự trẻ trung, hồn nhiên, lạc quan, yêu đời.
Hình ảnh “ súng ngửi trời” chính là minh chứng rõ ràng nhất. Thủ pháp nhân hóa táo bạo cho thấy cái nhìn tếu táo, tinh nghịch. Trong gian khó, khắc nghiệt mà các anh vẫn cùng nhau vui đùa.
Người lính ấy mang một vẻ hồn nhiên, người lính ấy còn mang trong tim cả một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế.
Đó là cách các anh cảm nhận cảnh chiều Châu Mộc, là sự hòa mình để tìm thấy nét “ hồn lau” mơ mộng giữa bạt ngàn thiên nhiên, là trái tim lung lay trước hình ảnh “ hoa đong đưa”, hay là nỗi lòng man mác buồn trước cảnh “ dáng người trên độc mộc”
Đó là khi sau một chặng đường dài vượt lên đỉnh đèo, con dốc, tạm dừng chân trên đường hành quân, người lính thả hồn mình và không khí ấm áp nghĩa tình, là hình ảnh “ nhà ai mưa xa khơi” hay chính là đêm liên hoan văn nghệ ấm áp tình quân dân với đầy đủ ánh sáng, âm thanh cùng con người.
Đó là một trái tim đầy mộng mơ, luôn khao khát rực rỡ tình cảm yêu đương:
“ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”
“ dáng kiều thơm” ấy phải chăng là dáng mẹ, dáng chị, dáng người con gái Hà Nội làm thổn thức trái tim chàng thanh niên tuổi đời còn trẻ, là tỉnh yêu đối với gia đình, là tình yêu đôi lứa thắp lên rực rỡ ngọn lửa mong nhớ.
Hay có lẽ, Hà Nội giờ đây khi xa cũng đẹp tựa như một dáng Kiều trong lòng người chiến sĩ, là nơi họ khắc khoải gửi nỗi nhớ mong, là nơi mà sau mỗi bước dừng chân, sau mỗi lần chắc tay bám súng, họ lại thầm mong ngày trở về, họ lại thèm khát quá phút giây được đoàn tụ.
Tác phẩm đã khắc họa thành công hình tượng một tập thể người lính anh hùng trong sự hài hòa giữa tự nhiên, vẻ đẹp hào hùng và vẻ đẹp hào hoa của người lính Tây Tiến.
Dựng nên chân dung người lính, về cơ bản tác giả thiên về bút pháp lãng mạn, tương phản: Thiên nhiên càng khắc nghiệt bao nhiêu, hiểm nguy càng đe dọa bao nhiêu thì hình tượng người lính lại hiện lên hào hùng, cao đẹp bấy nhiêu.
III. KẾT BÀI
Dưới ngòi bút hào hoa của Quang Dũng những hình ảnh về những người lính Tây Tiến vừa hồn hậu,giản dị lại hết sức khí phách.Qua đây ta cũng thấy được những vẻ đẹp bi tráng của những chiến binh tây tiến, cũng từ đó càng thêm yêu hơn những con người vì quê hương đất nước. Hình tượng các anh vẫn mãi sống trong lớp lớp thế hệ mai sau:
“ Tây Tiến biên cương mờ khói lửa
Quân đi lớp lớp động cây rừng
Và con người ấy bài thơ ấy
Vẫn sống muôn đời cùng núi sông.”
(Giang Nam)
Bích Minh