Hình ảnh của Mẹ Maria được thể hiện như thế nào trong nghệ thuật?
kiến thức chung
Hình ảnh xưa nhất về Maria mà ngày nay vẫn còn chính là bức tranh ở trong khu mộ của Priscilla, đường Salaria (Rôma). Bức bích họa này đã có từ đầu thế kỷ thứ II hoặc từ cuối thế kỷ thứ nhất, trình bày Đức Maria ngồi ẵm trẻ Giêsu, bên cạnh ngài có ai đó như một vị ngôn sứ, một tay cầm cuốn sách, một tay chỉ vào ngôi sao trên đầu Đức Maria. Ba bức tranh khác cũng vẽ Đức Maria nằm trong cùng khu mộ Priscilla có niên đại khoảng từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ III: một bức ở trên mộ của một trinh nữ Kitô giáo vẽ Đức Maria ẵm Chúa Hài đồng.
Bức hình này trình bày Đức Maria như tiêu biểu và khuôn mẫu của sự đồng trinh. Một bức khác vẽ hoạt cảnh các đạo sĩ đến viếng thăm Bêlem; bức còn lại nằm trong số các tranh Truyền tin ít được biết đến hơn. Các hình ảnh tương tự khác có niên đại từ trước thế kỷ thứ V xuất hiện ở trong khu mộ Domitilla, Callistô, mộ của ba thánh Phêrô, Marcellô và thánh Anrê. Trong đó có bức có hình các mẫu tự của chữ Kitô chồng lên nhau ở cả hai mặt của bức tranh; những chữ đó được vẽ quay về phía Chúa hài đồng.
Tranh vẽ và tượng Đức Maria thời kỳ đầu tiên của Kitô giáo thường mô tả quan hệ của Đức Maria với Chúa Giêsu trong tư cách là một trinh nữ và là mẹ của người. Những quan hệ ấy thường được nói đến trong tin mừng qua nhiều hoạt cảnh từ hoạt cảnh truyền tin đến hoạt cảnh Đức Kitô bị đóng đinh hay được mai táng. Việc công đồng Êphêsô (431) định tín Đức Maria là Mẹ thiên chúa chống lại Nestoriô đã dẫn đến một hình ảnh mới của Đức Maria trong nghệ thuật. Ban đầu nó xuất hiện ở Đông phương sau đó lan sang Ý, Tây Ban Nha và xứ Gaul. Thay vì được trình bày theo những hoạt cảnh được mô tả trong tin mừng, Đức Maria thường được miêu tả như nữ hoàng thiên quốc, cao sang trong y phục dát vàng ngồi uy nghi trên ngai. Maria trong nghệ thuật Byzantin được nghệ thuật Rôma tiếp thu nhưng thay vì vẽ Đức Maria trong tư thế cầu nguyện với hai tay giơ lên cao, các họa sĩ và điêu khắc gia Tây Phương thường hay trình bày Đức Maria như "Tòa đấng khôn ngoan".
Đây không phải là cách diễn tả những tín lý mới về Đức Maria. Các nghệ sĩ Tây phương đã bỏ những đường nét Á châu lạnh lùng để trình bày hình ảnh Đức Maria một cách dịu dàng hơn, có tính con người hơn.Trong kiến trúc Gothich, người ta thường trình bày Đức Maria là "Mẹ Đấng Cứu Chuộc" cho thấy lòng thương xót của Chúa cứu thế cũng như của mẹ Người, đấng đồng công cứu chuộc. Lối nghệ thuật ấy tương ứng với thời đại đức tin, khi mà Hội thánh chăm lo canh tân đời sống và kỷ luật trong nội bộ. Đến thời kỳ Phục Hưng, chủ đề " Đức Mẹ và Chúa Hài Đồng" được khai thác đặc biệt nhờ những tên tuổi lớn như: Fra Angelico, Leonardo daVinci, Raphael, Lippi, Botticelli, Correggio, Dolci, Perugino, Titian và Verrocchio ở Ý; VanEyck, Memling và Rubens ở Flanders; hay như Holbein Trẻ và Durer ở Đức. Trong nghệ thuật Barốc, chủ đề tiêu biểu là Đức Maria "người chiến thắng Xatan". Còn trong thời hiện đại, chủ đề về Maria được khai thác chủ yếu là "đấng trung gian ân sủng", chủ đề ấy các được ưa chuộc khi người ta liên kết Đức trinh nữ với những mạc khải đã được Hội thánh công nhận ở La Salette, Lộ Đức và Fatima.
Nội dung sắp xếp theo thời gian
Trường Minh Nghi