Hiệu sách mang tính biểu tượng của Paris đóng cửa gây nuối tiếc cho những người yêu sách tại Pháp
Bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid, cửa hàng sách nổi tiếng, mang tính biểu tượng của Paris – Gibert Jeune đang phải đóng cửa.
Cửa hàng của Gibert Jeune ở Place Saint-Michel, Paris, chụp trước đại dịch.
Thành phố của hoa lệ, của văn chương nghệ thuật đang mất đi một trong những hiệu sách nổi tiếng nhất. Đó là Gibert Jeune, chuỗi cửa hàng sách nổi tiếng đã thông báo họ sẽ đóng cửa cửa hàng hàng đầu của mình tại khu phố Latinh vào tháng 3. Đây là cửa hàng mới nhất trong một loạt các cửa hàng khác đang phải đóng cửa và kêu gọi sự giúp đỡ của những người bán sách trong thành phố.
Gibert Jeune từng thu hút bao bạn sinh viên xếp từng hàng dài để tìm kiếm những cuốn sách cũ giá rẻ trước khi bắt đầu năm học. Hầu hết các sinh viên đã học ở Paris sẽ từng ít nhất một lần ghé thăm cửa hàng sách gồm 6 tầng này để tìm kiếm những cuốn sách cho khóa học của mình. Ban đầu, một công ty quy mô gia đình được thành lập vào năm 1886 và sau đó họ kinh doanh cửa hàng sách đầu tiên bên bờ sông Seine. Nó nhanh chóng mở rộng thành một số cửa hàng ở quận 5, kinh doanh các loại sách mới và sách cũ. Những hiệu sách này có đặc điểm dễ gây ấn tượng với những mái hiên vàng tươi dọc theo Đại lộ St Michel. Về sau, chúng thành địa danh quen thuộc của Khu phố Latinh, khu phố văn học và tri thức lịch sử của Paris, và là quê hương của Sorbonne.
Hiện tại, với doanh thu giảm 60% do đại dịch, cửa hàng mang tính biểu tượng nhất của chuỗi – 5 Place Saint-Michel – sẽ đóng cửa như một phần của kế hoạch tái cấu trúc, sau khi chủ sở hữu của tòa nhà quyết định bán hiệu sách đi. Hiệu sách này đóng cửa ngay sau Boulinier, một hiệu sách được yêu thích khác, buộc phải chuyển nhượng mặt bằng do giá thuê tăng.
Đại dịch này đã khiến khu vực sầm uất, đông đúc hoàn toàn biến mất. Rodolphe Bazin de Caix, giám đốc marketing của Gibert Jeune, cho biết: “Covid đến và đột nhiên không còn khách du lịch và không có sinh viên nữa. Chúng ta đang nói đến hiệu sách mà 80% là sách giáo khoa và nhiều trong số đó là sách cũ nên bị ảnh hưởng nhiều hơn những hiệu sách khác”.
Khi Pháp cách li xã hội lần thứ hai vào tháng 10, những người bán sách đã gửi tới chính quyền mong muốn sách là một mặt hàng thiết yếu và được tiếp tục mở cửa. Shakespeare and Company, một trong những hiệu sách nổi tiếng nhất Paris bên cạnh Gibert Jeune đã kêu gọi khách hàng giúp đỡ khi họ đang đối mặt với “thời kì khó khăn”. Khách hàng và những người thông thái trên khắp thế giới đã đổ xô tới quyên góp để cứu cửa hàng.
Nhưng không chỉ virus dịch bệnh đã làm suy yếu cửa hiệu Gibert Jeune. Trước đại dịch, các cuộc biểu tình và đình công đã làm gián đoạn giao thông, làm giảm lượng khách đến Place Saint-Michel. Gibert Jeune và công ti anh em của chúng là Gibert Joseph cũng tỏ ra chậm chạp trước mối đe dọa từ công ti bán sách trực tuyến Amazon; trong khi thị trường sách cũ của Pháp đang bùng nổ (giá sách mới cao hơn nhiều so với ở Anh, khiến sách cũ rẻ hơn trung bình 63% so với sách mới), hoạt động buôn bán hầu hết đã được các nền tảng trực tuyến nắm bắt.
De Caix nói: “Gibert Jeune vẫn chưa chết, nhưng nó phải tự tái tạo lại chính mình. Hiệu sách Gibert Jeune đầu tiên, đối diện Notre-Dame, vẫn tiếp tục hoạt động. Hiện công ti đang cải tạo cửa hàng của mình ở quận 10”. Ông nói thêm: “Điều chúng tôi học được từ vụ đóng cửa là khách hàng sẽ không rời khỏi khu vực của họ. Và cửa hàng, nơi từng là điểm đến không còn phục vụ mục đích đó nữa. Đến lượt cửa hàng di chuyển đến nơi có khách hàng”.
Cửa hàng sách tại 5 Place Saint-Michel mở cửa từ năm 1971 với 50 năm hoạt động sắp đóng cửa, khiến nhiều người yêu sách bày tỏ sự tiếc nuối. Quảng trường và khu phố sẽ trở nên trống vắng khi hiệu sách biến mất.
BÌNH NGUYÊN theo The Guardian
(http://vannghequandoi.com.vn/van-hoc-nuoc-ngoai/hieu-sach-mang-tinh-bieu-tuong-cua-paris-dong-cua-gay-nuoi-tiec-cho-nhung-nguoi-yeu-sach-tai-phap_11626.html)
sách
,hiệu sách
,paris
,sách
Dù ngày nay có nhiều bạn đọc đã quen với việc dùng sách điện tử, nhưng cá nhân mình vẫn quý trọng và thích đọc sách giấy hơn.
Nguyenphuhoang Nam
Dù ngày nay có nhiều bạn đọc đã quen với việc dùng sách điện tử, nhưng cá nhân mình vẫn quý trọng và thích đọc sách giấy hơn.