Hết tình cảm thì chia tay thế nào cho nhẹ nhàng và bớt đau
Một người từng hỏi mình giờ không thấy hợp nhau nữa thì làm sao nói lời chia tay cho nhẹ nhàng, đối phương đỡ bớt đau khổ vì người đó còn tình cảm với bạn rất nhiều. Bạn định sẽ tạm dừng chuyện chia tay và chờ đến khi tìm được cơ hội thích hợp mới nói.
Mình nghĩ đã là chia tay thì hiếm khi nào kết thúc mà không gây quá nhiều đau đớn hay khó xử, trừ khi cả hai đều không còn tình cảm với nhau. Dù làm gì đi nữa, ta cũng không thể kiểm soát được cảm xúc hoặc phản ứng của đối phương. Trong khi người ấy vẫn còn tình cảm rất nhiều thì khả năng cao sẽ thấy đau khổ và thất vọng nếu bạn nói lời chia tay.
Mình cũng không nghĩ chuyện tạm dừng chia tay để đợi cơ hội thích hợp là ý hay. Thật sự không công bằng cho một trong hai khi để mối quan hệ tiếp tục kéo dài nếu bạn đã chắc chắn muốn chấm dứt nó. Bạn có thể sẽ mệt mỏi khi phải giả tạo cảm xúc trong thời gian chờ đợi, và có khả năng người yêu bạn cũng lờ mờ nhận thấy điều gì đó không ổn.
Tiếp tục hẹn hò với người mà bạn chắc chắn không muốn ở bên nhau lâu dài tựa như một quả bom nổ chậm. Không sớm thì muộn nó sẽ phát nổ và đến lúc ấy, bạn có muốn chia tay trong nhẹ nhàng thì cũng khó lòng làm được.
Không có thời điểm nào là hoàn hảo để chia tay. Nhưng thường sẽ ổn áp hơn nếu bạn tránh chia tay trước những sự kiện quan trọng như kỳ thi lớn, ngày sinh nhật, ngày kỷ niệm, lễ tình nhân… Đó có thể là vào một ngày bình thường, trời xanh ngắt không gợn một bóng mây, rồi bạn tự nhiên thốt lên:
– Ôi hôm nay đúng là một ngày đẹp trời để chia tay.
(Mình xàm tí, đừng bắt chước theo nha =))).
Khi đã hạ quyết tâm, bạn nên gặp đối phương để nói trực tiếp. Đây là cách chia tay tử tế và thể hiện sự tôn trọng nhau hơn là chỉ nói qua tin nhắn hoặc điện thoại (nếu yêu xa thì nên gọi video call).
Về địa điểm, bạn có thể chọn nơi mà bạn dễ dàng rời đi khi cuộc trò chuyện kết thúc để cho người ấy không gian riêng tư. Nếu vậy thì tránh gặp nhau tại nhà của bạn trong khoảng thời gian không phải quá khuya (nếu bạn là nữ). Tất cả sẽ tùy thuộc vào nơi hai bạn sống, phương tiện đi lại và tần suất có thể gặp nhau.
Đối với một số người mà họ là bên chủ động chia tay, họ có thể vì cảm giác tội lỗi hoặc lo lắng mà dẫn đến nói nhiều lời xin lỗi, giải thích hoặc trấn an đối phương. Thực ra thì đã là chia tay thì dù có giải thích xin lỗi thế nào cũng chỉ dư thừa. Chưa kể chúng có thể khiến cho câu chuyện chia tay từ miệng bạn trở nên không rõ ràng khi vào tai đối phương.
Vì vậy, mình nghĩ điều tốt nhất ta có thể làm trong trường hợp này là nói ngắn gọn, đi thẳng vào trọng tâm. Rằng bạn đã thay đổi thế nào, hai bên không còn hợp nhau ra sao và bạn không còn muốn hẹn hò với người ta nữa.
Một điều có thể xảy ra khi chia tay là người kia sẽ không hiểu tại sao bạn lại muốn chấm dứt, có phải vì bản thân đã làm sai điều gì không. Người ấy có thể sẽ yêu cầu bạn nói rõ lý do hoặc cố gắng thuyết phục bạn suy nghĩ lại. Nhưng chia tay không phải là một cuộc tranh luận ai đúng ai sai. Đó là quyết định của một người (có khi là hai nhưng như vậy thì cuộc chia tay sẽ diễn ra nhẹ nhàng, không níu kéo). Vì vậy, khi đã ra quyết định chấm dứt, bạn nên giữ thái độ kiên định và dứt khoát. Sự thương hại, đắn đo, nước đôi chỉ gieo rắc hy vọng cho đối phương và càng khiến mọi chuyện khó kết thúc trong êm đẹp.
Cuối cùng, có một điều mà ít ai nhận ra, đó là chia tay thường gây đau khổ cho người bị “đá” nhưng bản thân người “đá” không phải lúc nào cũng thấy dễ chịu. Đôi khi bạn vẫn còn tình cảm, còn sự quan tâm nhưng bạn buộc phải chia tay vì biết đó mới là điều đúng đắn nên làm lúc này. Vậy nên sau cuộc chia tay, cả người bị “đá” lẫn người “đá” có thể đều cần dành thời gian chăm sóc vết thương trong mình để bắt đầu làm quen lại với đời sống độc thân.
Khó có cách chia tay nhẹ nhàng và bớt đau (trừ khi cả hai đều không còn tình cảm). Nhưng vẫn có cách chia tay sao tử tế và văn minh.
.Ngưn.
Sống văn hóa - Yêu văn minh - Làm tình có trách nhiệm
Akkie