HÃY LUÔN LÀ MỘT NHÀ PHẢN BIỆN [Thảo luận bàn tròn – #WEGREEN]?
Trong một thế giới mở khi mà internet và mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, ngày nay, có lẽ không còn một vấn đề nào có thể được xem là cấm kị hay không thể bàn tán trên các diễn đàn và mạng xã hội. Tuy nhiên, để tìm đến một tiếng nói chung hay một nhận định đúng đắn cho mỗi vấn đề xã hội đau đầu và nhạy cảm mà ai đó đặt ra lại đòi hỏi ở con người những kĩ năng, mà hiện nay ở Việt Nam trường lớp chẳng bao giờ dạy ta. Điều đó dẫn đến một thực trạng bất đồng quan điểm gay gắt mang theo những hệ quả là chửi bới, miệt thị nhau trên các diễn đàn, hoặc qui kết cho người này, người kia là lăng loàn, hay phản động.
Những thực trạng ấy vẫn diễn ra cả ở cuộc sống thật, cũng vì thế, mối quan hệ của con người trở nên quan trọng hơn, những rạn nứt do bất đồng quan điểm không còn là những rạn nứt ảo nữa, và những đánh giá về nhân cách trở thành nghiêm túc hơn rất nhiều.
Mở đầu loạt bài về “Tư duy và phản biện”, TKN xin được thảo luận với bạn đọc một vấn đề xã hội nhạy cảm, không mới, nhưng chưa bao giờ đi đến một kết luận cuối cùng công bằng ở bất kì một diễn đàn nào (theo hiểu biết của tôi). Qua đó, hi vọng chúng ta có cơ hội trao đổi, để trở nên sáng suốt hơn trong mỗi nhận định và đánh giá của mình, mà văn vẻ có thể nói là trở nên minh triết hơn.
Vấn đề đầu tiên tôi xin được đưa ra, đó là tình dục trước hôn nhân - điều xưa nay vẫn gây ra nhiều tranh cãi, không chỉ trong xã hội Việt Nam, mà cả trên thế giới, đặc biệt là các nước Á Đông có truyền thống Khổng giáo. Nếu như phương tây bàn đến vấn đề này như một tự do cá nhân và là lựa chọn nên hay không nên của mỗi người, thì ở Việt Nam và Á Đông, đa phần chúng ta lại tranh cãi xem điều đó là “hợp đạo đức” hay “không hợp đạo đức”. Cũng như vậy, đối với nhiều người, nhân cách của một người khác lại được đánh giá qua yếu tố này.
Vậy ở đây, trên cở sở tư duy phản biện, vấn đề ấy được xem xét thế nào? Và liệu có thể đi đến một kết luận cuối cùng về nhân cách của con người dựa trên vấn đề tình dục trước hôn nhân hay không? Tôi xin được đưa ra một hướng phân tích.
***
Trong lý thuyết về tư duy phản biện, có nhiều nguyên nhân dẫn đến khó khăn tiếp cận sự phản biện mạch lạc, mà bất kì ai cũng có thể gặp phải, nếu không tự phản biện lại chính mình trong mỗi suy nghĩ. Một trong những loại rào cản ấy là TƯ DUY TƯƠNG ĐỐI (relativistic thinking), có nghĩa là mỗi nhận định không có một sự qui chiếu phổ quát, thay vào đó, người phản biện vướng vào hệ qui chiếu của riêng mình, và áp đặt nó cho sự thật khách quan, dẫn đến nhầm lẫn trong kết luận.
Đánh giá đạo đức con người, có vẻ là một đề tài muôn thuở, và cũng là cái mà người ta hay nói nhất, khi ngồi với nhau. Tuy nhiên tư duy nào trong đầu ta đã quyết định đạo đức của một người, và tư duy ấy có thật sự mạch lạc và đáng tin không, thì chưa hẳn tất cả chúng ta đã hiểu rõ. Cách suy nghĩ theo ĐẠO ĐỨC CHỦ QUAN và ĐẠO ĐỨC DỰA TRÊN NỀN VĂN HÓA là hai hình thức tư-duy-tương-đối hay gặp phải khi người ta đánh giá một hành vi đạo đức. Chúng tác động trực tiếp đến nhận định của mỗi người về vấn đề đạo đức, cách nhìn nhận phân tích hầu hết các vấn đề trong cuộc sống, xã hội. Đối với những yếu tố có xảy ra loại tư duy tương đối này, thì niềm tin của một người (hay một nhóm người – rộng hơn là một xã hội) hoàn toàn không quyết định tính đạo đức hay tính đúng đắn của một vấn đề và ngược lại. Xin được dẫn một ví dụ minh họa cho thấy rõ hơn quan điểm này.
Nhận định của một người về đạo đức của một người trong chế độ đa thê ở các nước Ả Rập được xếp vào loại nhận định dễ bị ảnh hưởng bởi yếu tố thiên-kiến-chủ-quan-xã-hội. Trước tiên phải nói rằng, đây là một chế độ được chấp nhận ở Ả Rập, nó đúng đắn và hợp đạo đức ở nước này. Một người đàn ông Ả Rập có 2 thậm chí nhiều vợ, vẫn có thể được xem là một người đáng kính trọng trong xã hội; nhưng với quan niệm của các nước khác, đa thê là một hành vi phạm pháp, vi phạm nghiêm trọng đạo đức, một người đa thê có thể đối mặt với án tù và bị truy tố trước pháp luật. Ta có thể dễ dàng nhận ra, ở đây, nguyên nhân là, vấn đề đa thê không được dùng để xét đoán đạo đức một người nếu tách người đó ra ngoài xã hội, mà niềm tin đạo đức của họ, ở đây ta gọi là chuẩn mực đạo đức tương đối trên phương diện văn hóa của họ qui định. Chúng ta không vướng phải rào cản đó, nên có thể dễ dàng đi đến nhận định cuối cùng này. Ngoài ra, việc tấn công vào chính quan niệm đa thê của toàn xã hội Ả Rập nói chung sẽ là một việc khác, liên quan đến cách mạng và ảnh hưởng tôn giáo nhiều hơn là bản chất việc đánh giá đạo đức con người, tôi xin không bàn đến tại qui mô bài viết này.
Một vấn đề tương tự, là tình dục trước hôn nhân, được xếp vào loại đạo đức được xác định bởi quan điểm đạo đức chủ quan. Do xuất phát từ một xã hội có truyền thống Nho giáo, ở Việt Nam từ lâu đời đã qui định rằng, tình dục trước hôn nhân là một sai trái về đạo đức. Nhưng với sự du nhập của văn hóa tây phương, xã hội Nho giáo nứt vỡ và bị phá hủy, ngày nay, không còn nhiều những nhà Nho chính cống nữa. Những qui chuẩn xã hội được thay đổi theo chiều hướng cởi mở hơn. Tuy nhiên, do thay đổi này diễn ra không đồng đều ở các mặt, dẫn đến độ vênh trong thay đổi quan điểm về đạo đức ở xã hội Việt Nam. Có những người vẫn mang những nhận định của xã hội cũ, trong khi đó, có nhiều người đã cải tiến tư tưởng, thoải mái hơn trong vấn đề tự do tình dục. Như vậy, qui mô về qui chuẩn đạo đức ở đây không mang tầm xã hội (như trong ví dụ về Ả Rập), do bản thân toàn xã hội không có một sự thống nhất (ngầm) nào đó, mà mang tầm con người, nghĩa là qui chuẩn đạo đức được mỗi người tự qui định, thay vì có một chuẩn mực xã hội chung bao trùm. Vì thế, giống như việc đánh giá một người đàn ông đa thê, không thể tách người đó khỏi xã hội của ông ta, là Ả Rập hay không Ả Rập; thì ta KHÔNG THỂ xét đoán một người dựa trên việc họ có quan hệ tình dục trước hôn nhân hay không NẾU tách người đó khỏi quan niệm đạo đức của CHÍNH HỌ về tình dục trước hôn nhân. Có nghĩa là, khi một người tin rằng, tình dục trước hôn nhân mà sai trái, thì anh/cô ta sẽ là một người vô đạo đức nếu anh/cô ta quan hệ tình dục trước hôn nhân. Ngược lại, nếu một người tin rằng, tình dục trước hôn nhân không sai trái, sẽ là vô lý khi qui kết anh/cô ta là kém đạo đức chỉ vì anh/cô ta quan hệ tình dục trước hôn nhân. Một người quan niệm tình dục trước hôn nhân là đúng đắn với mình, nhưng lại sai trái với người khác (hoặc ngược lại) thì chỉ có 1 khả năng: tư duy của người đó có khiếm khuyết, khiến cho anh/cô ta không thoát được sự tương đối trong tư duy của mình.
Như vậy, khi đánh giá một vấn đề, cần thoát được tư duy tương đối, và đặt vấn đề ấy vào hệ qui chiếu của chính nó để có được một kết luận công bằng và đúng đắn.
Nói rộng ra, trong mọi trường hợp, để đến được kết luận đúng đắn sau cùng, mỗi người trên chặng đường tư duy tìm chân lý, cần nhận biết và vượt qua được những rào cản tư duy của chính mình, bằng cách tự phản biện chính mình, để đạt đến chân lý gần nhất.
***
Ngoài ra, còn có nhiều loại rào cản khác đối với tư duy phản biện, điển hình nhất là:
- Chủ nghĩa vì lợi ích nhóm (sociocentrism)
- Chủ nghĩa vì lợi ích cá nhân (egocentrism)
- Tư duy trên giả thiết thiếu cơ sở (unwarranted assumption)
- Tư duy chụp mũ (stereotypes)
- Cảm giác kì vọng (wishful thinking)
Những loại rào cản này được trình bày kỹ hơn trong tài liệu tham khảo đính kèm. Bên cạnh đó, là các câu hỏi ví dụ (mini quiz) về các trường hợp được xem là vướng phải rào cản trong tư duy. Mời quí bạn đọc download và xem thêm.
File download dưới đây là tài liệu tham khảo chúng tôi lược dịch từ cuốn “Critical Thinking: A Student's Introduction”, 4th edition của nhóm tác giả Bassham, Irwin, Nardone, và Wallace.
Những thắc mắc và thảo luận về bài viết hay vấn đề tư duy phản biện, quí độc giả có thể gửi message hoặc để lại comment dưới bài, chúng tôi rất hân hạnh được trao đổi, nhận những phê bình, đóng góp để chương trình được chất lượng hơn trong những bài viết sau.
------------------
Bài viết và hình ảnh: [Admin TKN]
Bản quyền ©