Hãy cứ vô tư, vì lối sống bền vững không phải là một cuộc đua
Họp lớp cấp 3, các bạn mình rủ nhau đi uống trà sữa, mình đơn giản vẫn đi cùng mọi người và mang theo bình nước cá nhân để bảo nhân viên bỏ trà vào bình. Các bạn mình thấy thế có người hỏi:
- Mày đang thực hiện thử thách gì ở trên mạng đó hả? Tao thấy con nhỏ bạn cùng phòng tao cũng làm đó.
Thực ra đây là một câu hỏi không mang hàm ý khiêu khích, nhưng nó làm mình khó chịu với từ “thử thách”. Xin nói thêm, mình là một người khá cực đoan, vì thế từ “thử thách” đối với mình như một thứ gì đó đè chết cái “lối sống bền vững” mà mình khao khát theo đuổi.
Bền vững là gì? Bền vững (sustainability) là khả năng duy trì. Đối với con người, tính bền vững là khả năng duy trì lâu dài trạng thái sức khỏe tốt, điều này chịu ảnh hưởng bởi các mặt về môi trường, kinh tế và xã hội.
Như vậy, lối sống bền vững là khả năng duy trì lâu dài một lối sống lành mạnh, thân thiện, tích cực. Lành mạnh ở đây có nghĩa là có sự quan tâm đúng đắn đến sức khỏe bản thân, duy trì một cơ thể sống khỏe khoắn. Tích cực ở đây chính là duy trì thái độ sống lạc quan, yêu đời và mang ý nghĩa tươi vui về mặt tinh thần. Còn thân thiện chính là tác động của chủ thể con người đến với môi trường sống xung quanh.
Lối sống bền vững hiện nay đang là một chủ đề cực kì nóng bỏng ngày nay, từ những cuộc trà đá hồ Gươm cho đến những cuộc nói chuyện mang tính nghiêm túc hơn. Là đó chính là lúc phát sinh ra thêm những “sự tự xung đột”. Có thể nói, khi một lối sống mới bắt đầu hình thành, nó gây ra nhiều mâu thuẫn với lối sống cũ làm cho chủ thể cứ hoài loay hoay, hoàn toàn không biết phải làm gì, phải thế nào cho đúng.
Khi mới bắt đầu tiếp cận đến lối sống này, xin nhắc lại mình là một người khá cực đoan, mình luôn nghĩ phải chăng con người chúng ta đang mang quá nhiều tội lỗi, quá nhiều ham muốn mà nghĩ rằng mình là bậc thánh nhân, là khởi nguyên của loài người và từ đó gây sự bất cần đến với môi trường xung quanh và giá mà chúng ta chết đi, để bù đắp lại phần tội lỗi đang mang. Mình loay hoay, mình nghiêm khắc ép buộc bản thân thực hành lối sống zero waste – lối sống không rác thải, nhưng nếu thật sự là “zero” có lẽ phải lên rừng mà sống, vì những sinh hoạt hằng ngày của chúng ta, từ điện, nước, wifi cũng đều mang nguồn năng lượng tiêu cực cho môi trường mà thôi.
Sự hoài nghi luôn dẫn đến 3 con đường, thứ nhất là sự hoài nghi đến vô cực, thứ hai là sự tự chấp nhận và thứ ba là sự không – nghĩa là từ chối bàn luận thêm. Mình tự nhận ra nếu mình cứ hoài đào sâu trong vòng xoáy tội lỗi do mình tạo ra thì mãi mình chỉ mãi đơn độc và cực đoan. Trong con đường theo đuổi lối sống này, khi mình đã có những niềm xác tín rõ ràng hơn với bản thân qua thời gian, mình đã nhận ra vài điều sau, có thể hơi cực đoan nhưng hy vọng đây cũng là một vài hướng đi cho những bạn quan tâm đến môi trường sống như mình.
1. Sự mâu thuẫn luôn tồn tại, vấn đề ở đây là học cách cân bằng, học cách lựa chọn tương đối. Nếu bạn đi mua trà sữa mà quên dặn không lấy ống hút, hãy cứ vui vẻ dùng nó đi, ít ra nó đã được sử dụng và hãy nhớ đem về nhà rửa sạch cho lần sử dụng sau hoặc làm
2. Đừng nghĩ nữa, cứ làm thôi. Bạn không thể nhanh chóng chuyển hoàn toàn sang lối sống không nhựa trong ngày một ngày hai được mà thay vì đó hãy cứ thả mình thôi. Làm gì cũng được, bắt đầu từ việc mang chai nước cá nhân hay từ chối dùng ống hút và bao nilong cũng được. Những việc to to khác thì mình học từ từ.
3. Hãy làm với trái tim nhiệt thành và tự do. Nếu không thoải mái, hãy đừng làm, không ai bắt ép bạn phải thực hành lối sống zero-waste khi bạn chưa sẵn sàng và cần cảm thấy tội lỗi vì nó.
4. Bạn, không nhất thiết phải trở thành một người rao giảng nếu không muốn. Bạn, không nhất thiết phải là một người đi theo trào lưu mua cả đống đồ dùng "xanh" mà vẫn chẳng bao giờ dùng đến vì quên. Bạn, không nhất thiết phải chia sẻ hay lên tiếng với những người không hiểu. Thay vào đó hãy cứ làm, hãy chỉ chứng minh bằng những gì mình đang làm với bản thân và với mọi thứ xung quanh bạn thôi.
5. Đừng áp đặt. Nghĩ về chuyện môi trường là tốt, nhưng chúng ta cần phân tách rạch ròi trong nhiều lĩnh vực, đôi khi thật cần từ bỏ tư duy nhị nguyên thông thường, phân tách hai mặt của một vấn đề mà hướng đến cái nhất nguyên, cái chung của một bản thể để có được góc nhìn tổng quan nhất cho toàn bộ sự vật, sự việc.
Cuối cùng, lối sống bền vững không phải là một cuộc chơi có kẻ thắng người thua, có người yêu-môi-trường hơn người kia. Mình tin rằng mọi người ở đây ai cũng có ý thức tức là đã nhận thức được vấn đề này từ lâu, chỉ đơn giản là mọi người bị chi phối bởi quá nhiều thứ. Do vậy, nếu các bạn có sự lựa chọn cho riêng mình thì hãy cứ làm và chia sẻ với mình ạ.