Hãy cho biết sơ lược tình hình nghiên cứu Xuân Hương truyện của Hàn Quốc tại Việt Nam?
kiến thức chung
Xuân Hương truyện là một kiệt tác của tiểu thuyết cổ điển Hàn Quốc nói riêng và của văn học Hàn Quốc nói chung, ra đời khoảng XVIII thời vua Lee Yeongjo. Bất kể người Hàn Quốc nào, từ trẻ đến già, từ trong nước hay hải ngoại đều biết và tự hào về tác phẩm nổi tiếng này.
- Cuốn sách văn học Hàn Quốc đầu tiên được giới thiệu bằng tiếng Việt tại Việt Nam là cũng chính là cuốn Truyện Xuân Hương vào năm 1994, chỉ hai năm sau khi hai nước chính thức thiết lập mối quan hệ ngoại giao.
- Trong cuốn Hàn Quốc lịch sử và văn hóa, khi giới thiệu với độc giả một cách khái quát về những đặc điểm nổi bật của văn học Hàn Quốc, Xuân Hương truyện được giới thiệu đến như là một đỉnh cao trong số các tiểu thuyết châm biếm và lãng mạn ở thời kỳ đó: “Tiểu thuyết này cùng với các bản anh hùng ca khác đã được chuyển thành các vở kịch của những người hát rong gọi là pansori, gồm có truyện kể và lời hát, một dạng của sân khấu phổ biến ngày nay” .
- Trong cuốn Văn học sử Hàn Quốc (từ cổ đại đến cuối thế kỷ XIX), Xuân Hương truyện chỉ được giới thiệu một cách hết sức sơ lược qua việc tóm tắt cốt truyện, chủ đề của tác phẩm và kết thúc với nhận định: “Vì Xuân Hương truyện bao gồm cả văn hoá của tầng lớp trên và văn hoá của tầng lớp dưới nên có thể coi là tác phẩm văn học nhân dân và cho đến ngày nay vẫn được đông đảo nhân dân Hàn Quốc ưa chuộng”.
- Trong cuốn Dạo bước vườn văn Hàn Quốc, tác giả Phan Thu Hiền đã nhìn nhận Xuân Hương truyện trên một số vấn đề về nội dung như: đề tài tình yêu, tinh thần đấu tranh, tính trào tiếu, chất bi và hài kịch của tác phẩm cũng như vị trí của tác phẩm trong kho tàng văn học Hàn Quốc: “Trong sự kết hợp giữa chất lãng mạn, lý tưởng, điển nhã với chất trào tiếu thô dã phản ánh quan niệm của cuộc sống thường ngày, Xuân Hương truyện nói riêng và tiểu thuyết pansori nói chung mang lại một thế giới quan rộng mở hơn cho văn chương cuối thời Joseon” .
- Năm 1992, Xuân Hương Truyện lần đầu tiên được nghiên cứu so sánh với Truyện Kiều của Nguyễn Du qua công trình nghiên cứu của nhà nghiên cứu văn học người nga Valenti Lý. Ở đó tác giả chỉ ra điểm gặp gỡ giữa hai tác phẩm là ở chỗ “đã hào hứng ca ngợi tình yêu, dũng cảm đi ngược lại những điều cấm đoán của văn học trung đại, thể hiện một cách độc đáo ước mơ về hạnh phúc con người, khát vọng tự do mãnh liệt, ý muốn phá tung những xiềng xích trói buộc con người trong xã hội phong kiến” .
- Trong chuyên san Văn học Hàn Quốc và giao lưu văn học Hàn – Việt đăng trên Tạp chí Văn học số 10 năm 1995 cũng giới thiệu ba bài viết giới thiệu về Xuân Hương truyện của ba tác giả Đặng Thanh Lê, Yang Soo Bae và Phạm Thị Tú.
* Như vậy có thể thấy nghiên cứu Xuân Hương truyện rất được giới nghiên cứu dành nhiều ưu ái và đánh giá cao, tuy mới chỉ dừng lại ở một số lượng sách và bài viết hạn chế. Đặc biệt là nghiên cứu đánh giá tác phẩm dưới góc nhìn văn hoá còn khá mờ nhạt.
Quỳnh Thương Hiền