Hành trình học tập - Phần 1: Câu chuyện về phẩm chất

  1. Giáo dục

Bản thân mình cho rằng, không phải ai đều cũng đang có những trải nghiệm học thật sự, mà đa phần họ đang chật vật với những phẩm chất và cách tiếp cận cần có để làm được điều này. Đối với học sinh lớp tiếng Anh của mình, mình nghĩ rằng không ít bạn cho rằng việc học tiếng Anh (nói riêng) thật là khó. Tuy nhiên, quan sát thật kĩ những vấn đề mà học đang gặp phải được thể hiện qua sự tiến bộ còn "lấp lửng" và "e ngại", thì mình nhận ra rằng cái khó ở đây không xuất phát từ bản thân bộ môn này, mà là từ sự thiếu hụt những phẩm chất như tinh thần tự học, tự giác, phản biện (cá nhân) hay khả năng chú tâm cao độ, cũng như một thái độ cởi mở và cá nhân hóa việc học.

(1) Phẩm chất là một trò lừa đảo?

Giá trị của tinh thần tự học, tự giác thực tế đã bị lờn đi qua bao nhiêu lần được trích dẫn bởi những người làm giáo dục. Phẩm chất không tự nhiên mà có, mà đó là một sự tôi luyện và bồi tụ tính bằng tháng, bằng năm mà có được. Một lời động viên "em cố gắng siêng năng hơn nhé" không tự dưng ban cho ai đó một phẩm chất mà bao người mong muốn, cũng như một hình phạt đau đớn cũng không thể ngay lập tức "đập ra xây lại" một con người. Những phẩm chất đôi khi được lôi ra trích dẫn và trình diễn như thể nó là những sản phẩm có sẵn mà chỉ cần thông qua một vài thực hành, lời nói, hay hiện đại hơn là phần mềm mà có được. Nó thỉnh thoảng là sự ngụy biện phô trương, mà ta tự huyễn hoặc bản thân mình trong chính cạm bẫy đó.

Bất cứ phẩm chất nào, nói cho cùng, trừ phi ta nhìn thấy được nó ở ta, thì vẫn chỉ tồn tại dưới dạng khái niệm hoặc trí tưởng tượng phóng túng về một bản thể có thể không có thực. Nó không chạm được, cũng không cố định một chỗ, nên đôi khi sự linh hoạt quá trớn của những khái niệm này dễ dàng lừa lọc ta vào một cạm bẫy của sự "đơn giản hóa" và "tự mãn". Mà cũng chính vì thế, nó có thể được mang ra phơi bày bằng những ngôn từ đầy tính động viên hoặc răn đe.

Thời gian sau này, những phẩm chất dần mất đi giá trị và tính có thực của nó, bởi nó được nhắc đến, đồng thời được tự gán quá nhiều. Những thử thách cần phải vượt qua, những con đường cần phải đặt chân đến, đều bị rút gọn lại bởi những thủ thuật bắt tai. Tồn tại trong cái âm hưởng "hàng hóa hóa" (commodification) của xã hội hiện đại, kể cả những khái niệm trừu tượng cũng có thể được trao tận tay thông qua vài "giao dịch" đơn giản. Mà đâu ai biết rằng đây là một vụ lừa gạt lớn nhất lịch sử thiên hà?

Phẩm chất vốn dĩ không nên được gọi tên. Phẩm chất nên được hiểu chỉ là một màu sắc lúc đậm lúc nhạt phụ thuộc vào sự thực hành và tôi luyện của mỗi cá nhân. Và tính cá nhân ở đây nên được nhấn mạnh.

(2) Phẩm chất trong việc học.

Sự động viên trong việc học quả thật đóng vai trò không nhỏ, nhưng nó không thể được coi như là một nguồn nhiên liệu vô hạn. Đa phần học sinh đều bị phụ thuộc vào những lời động viên (bởi giáo viên, người quen, hoặc chính mình) để có được một phẩm chất "siêng năng", "tự giác cao" tạm thời. Như một quả bom hoa giấy (confetti), lời động viên cho ta cảm xúc hào hứng tột đồ, đứng ngồi không yên mà chỉ muốn lao đầu ngay vào việc học. Tuy nhiên, một khi quả bom hoa giấy đã phát nổ, đủ loại màu sắc rơi lả tả trên đầu ta, tức là khi hiệu lực của lời động viên đang trên đà biến mất, thì sau đó là một đống hổ lốn những sự cố gắng chắp ghép nhằm duy trì các phẩm chất "ngắn hạn" kia.

Đối với bất cứ hoạt động nào, đặc biệt đối với việc học vốn là một hành trình vô cùng riêng tư, cá nhân, thì những phẩm chất đều phải xuất phát từ chính bản thân người học. Nó hình thành từ những khoảnh khắc chật vật giữa cái điện thoại và cuốn sách, nó hình thành từ những nỗ lực chân thành nhằm thấu hiểu được bản thân cũng như động cơ học tập (không phải là việc tự vạch ra một tương lai tươi đẹp thái quá như một lời động viên khác), nó hình thành đồng thời từ những khao khát thực tế và niềm mơ ước nhiệm màu.

Vì vậy, khi chúng ta chật vật với việc học, thực ra chúng ta chỉ đang chật vật với việc có được những phẩm chất trong việc học.

Từ khóa: 

phẩm chất

,

học tập

,

giáo dục

,

tiếng anh

,

giáo dục

Tôi thấy đào tạo về phẩm chất tương đối quan trọng. Vậy nhưng làm thế nào để dành thời gian hướng dẫn con trẻ trong khi chúng bận rộn với lịch học thêm và xử lý các bài tập về nhà vậy?

Trả lời

Tôi thấy đào tạo về phẩm chất tương đối quan trọng. Vậy nhưng làm thế nào để dành thời gian hướng dẫn con trẻ trong khi chúng bận rộn với lịch học thêm và xử lý các bài tập về nhà vậy?

Cảm ơn bài chia sẻ của bạn!

Những điều bạn nói cũng không hẳn vô lý, vậy nhưng mục đích sau cùng của việc học là gì trong xã hội hiện nay? Liệu phẩm chất tốt có đồng nghĩa với có một việc làm với thu nhập tốt?