Hành trình đi tới một tác phẩm chân chính
kiến thức chung
Nhắc đến nước Nga chúng ta không thể không nhắc đến K.G.Paustovsky_một nhà văn nổi tiếng với thể loại truyện ngắn. K.G.Paustovsky có một cuộc đời đầy bươn trải khi sống trong hai thế chiến thế giới và tận mắt chứng kiến cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga thành công. Với tất cả những kinh nghiệm ông thu lượm trong sự nghiệp sáng tác thì đến năm 1955 ông cho ra đời tập truyện “Bông hồng vàng”. Đây có lẽ là tác phẩm thành công nhất trong sự nghiệp của K.G.Paustovsky. Tác phẩm ca ngợi bản chất lao động tốt đẹp của nhà văn. Trong tác phẩm, Paustovsky đã bộc lộ suy nghĩ của mình về nghĩa vụ của một nhà văn: “Mỗi phút, mỗi lời tình cờ được nói ra và mỗi cái nhìn vô tình ta bắt gặp, mỗi ý nghĩ sâu sắc hoặc vui đùa, mỗi rung động thầm lặng của con tim, cũng như cả đến một bông xốp của hoa hướng dương đang bay hay lửa sao trong một vũng nước đêm - tất cả những cái đó đều là những hạt rất nhỏ của bụi vàng. Chúng ta, những nhà văn, chúng ta bòn đãi chúng trong hàng chục năm, hàng triệu những hạt cát đó, lặng lẽ thu góp lại cho mình, biến chúng thành một hợp kim rồi từ hợp kim đó ta đánh "Bông Hồng Vàng" của ta - truyện, tiểu thuyết hay là thơ. Bông hồng vàng của Samet! Đối với tôi có phần nào là hình tượng tương lai của hoạt động sáng tạo của chúng ta. Thật là lạ lùng khi chẳng có ai chịu bỏ sức lao động của mình ra nghiên cứu xem từ những hạt bụi quý ấy đã phát sinh ra nguồn văn học sinh động như thế nào. Nhưng cũng giống như bông hồng vàng của người thợ hót rác già kia làm ra là để cho Xuyzan được hạnh phúc, sáng tác của chúng ta là để cho cái đẹp của Trái Đất, cho lời kêu gọi đấu tranh vì hạnh phúc, vì niềm vui và tự do, cho cái cao rộng của tâm hồn và sức mạnh của trí tuệ chiến thắng bóng tối cho chúng ta rực rỡ như một mặt trời không bao giờ tắt.”
Những trang văn ông viết không chỉ dừng lại ở việc kể chuyện mà trong đó còn chưa đựng những thông điệp về văn học nghệ thuật.Từ những mẩu chuyện nhỏ Paustovsky đã khéo léo lồng ghép các thông điệp văn học nghệ thuật vào. Những thông điệp nghệ thuật đó luôn luôn được chứng minh bằng những câu chuyện có thật về cuộc đời của nhà văn.
Cả tác phẩm “Bông hồng vàng” là những thông điệp về văn học nghệ thuật, nó được chắt lọc qua ngôn ngữ khéo léo tài hoa của tác giả.Theo tôi, những thông điệp trong “Bông hồng vàng” là những thứ tất yếu để làm nên một tác phẩm nghệ thuật chân chính. Chân chính ở đây là tính nhân văn và tính nghệ thuật nằm trong tác phẩm.
Trước hết, tác phẩm “Bông hồng vàng” là sự khẳng định vai trò của nhà văn, nghề văn.
Điều đó được thể hiện qua câu chuyện nhỏ “Chữ đề trên tàng phiêu nham”: “Nhà văn không thể hàng phục, dù chỉ trong giây lát, trước những dập vùi, và không thể lùi bước trước những trở ngại. Dù thế nào đi chăng nữa, nhà văn vẫn cứ phải không ngừng làm công việc của mình, công việc do những bậc tiền bối để lại và được người đương thời ủy thác. Chẳng thế mà Xantukop Sedrin đã nói rằng nếu như văn học im tiếng trong một phút thôi, thiều đó cũng sẽ chẳng kém gì cái chết của cả một dân tộc.” “Nghề văn không phải là một nghề thủ công và cũng không phải là một thứ công việc. Nghề văn là sứ mệnh”.
Muốn có một tác phẩm chân chính thì tác phẩm đó phải được tạo ra từ những nhà văn chân chính. Một nhà văn chân chính thì trước hết phải ý thức được sứ mệnh của mình đó là giáo dục con người. Mà sự nghiệp giáo dục con người thì không bao giờ dừng lại và “nhà văn vẫn cứ phải làm công việc của mình”dù cho công việc đó đầy khó khăn và trở ngại”.
“Bông hồng vàng” mang nguồn động lực đến với nhà văn đó là tiếng gọi của trái tim mình: “ Tiếng gọi của lương tâm và lòng tin ở tương lai không cho phép một nhà văn chân chính sống trên trái đất như một bông hoa điếc và không truyền đạt cho người khác một cách hào phóng nhất tất cả cái phong phú của tư tưởng và tình cảm tràn ngập trong chính tâm hồn nhà văn.”
Để có được cái phong phú trong tư tưởng và tình cảm thì bắt buộc nhà văn phải có sự trải nghiệm, tích lũy từng ngày, từng giờ , từng chuyến đi. Nhưng đó sẽ mãi mãi là của riêng nhà văn nếu nhà văn đó không truyền đạt cho người đọc. Đó không phải là một nhà văn chân chính và tác phẩm đó cũng không phải là tác phẩm chân chính.
Không chỉ có tiếng gọi của trái tim mà còn cần phải có “ tiếng gọi của thời đại ta đang sống và của nhân dân ta, của nhân loại”. Nghệ thuật mà không găn liền với thời đại thì đó chỉ là nghệ thuật chết.
Nhà văn ý thức được sứ mệnh cao cả của mình chưa đủ để trở thành một nhà văn chân chính. Chính vì vậy tác phẩm “Bông hồng vàng” ra đời không những thức tỉnh về vai trò của mỗi nhà văn mà nó còn nâng cao giá trị nhà văn bằng cách khiêm nhường:“ Trong quan niệm đúng đắn về sứ mệnh của nhà văn hoàn toàn không có những cái mà bọn hoài nghi rẻ tiền cố gán ghép cho nó cái nhiệt tình giả dối, không có cái quan niệm thôi phồng của những nhà văn về vai trò đặc biệt của mình”. Đúng vậy, mặc dù nhà văn ghánh trọng trách quan trọng đó là giáo dục nhận thức con người nhưng không vì thế mà họ “tự coi mình là người đặc biệt, một người cô độc” mà một nhà văn chân chính muốn sống mãi ở đời thì phải “là một người như những người khác”. “Bông hồng vàng” không chỉ chứa những thông điệp về văn học nghệ thuật mà tác phẩm còn mang ý nghĩa giáo dục nhận thức các nhà văn, nhất là các nhà văn trẻ hiện nay.
Một nhà văn chân chính phải có cái tầm quan sát rộng lớn, nhìn thấu từng ngóc ngách của cuộc đời để thể hiện hết mình trong đứa con tinh thần của họ..Đó là những thông điệp mà “Bông hồng vàng” nhà văn: “Đối với nhà văn điều căn bản nhất là phải thể hiện mình một cách đầy đủ nhất và rộng rãi nhất trong bất cứ tác phẩm nào, dủ chỉ là trong một truyện ngắn nhỏ như vậy và bằng cách đó thể hiện thời đại mình đang sống và nhân dân. Trong việc thể hiện mình này không có gì đáng làm nhà văn phải chùn bước: không có cả sự hổ thẹn rởm trước độc giả, không cả nỗi lo sợ phải nhắc lại những điều mà nhà văn khác đã nói (nhưng nó một cách khác), không cả sự e ngại các nhà phê bình lẫn ông chủ bút” .Nhà văn chân chính thì sẽ không e ngại trước những thử thách, họ không được phép “chùn bước” và phải không ngừng tiến lên để đem cái đẹp, cái nhân văn cho mọi người.
Hành trình tạo ra một tác phẩm chân chính đầu tiên bắt nguồn từ ý sáng tác. Để viết một tác phẩm bao giờ cũng phải có ý sáng tác và cái để phân loại tác phẩm hay hay dở nằm ở chỗ ý sáng tác của nhà văn có độc đáo không, gắn liền với thực tại không. Trong “Bông hồng vàng” thông điệp về ý sáng tác rất rõ ràng: “ Muốn nung nấu ý sáng tác cho chín, nhà văn không bao giờ được tách khỏi đời sống và đắm đuối trong thế giới nội tâm. Ngược lại sự cọ sát thường xuyên với thực tại, ý sáng tác sẽ nở hoa và cứ mọng như nhựa sống của trái đất”. Đây là thông điệp không chỉ hữu ích với nhà văn mà nó còn hữu ích với tất cả những người làm nghệ thuật.
Ý sáng tác đã tỏ nhưng nếu không có cảm hứng sáng tác thì cũng không thể làm nên tác phẩm nghệ thuật.Cảm hứng chỉ đến với những nhà văn có con tim rung cảm với hiện thực cuộc sống. Cuộc sống chính là động lực kích thích cảm hứng cho nhà văn.Tác phẩm “Bông hồng vàng” cũng dành một chương nhỏ để nói về cảm hứng sáng tác: “Dù ta có định nghĩa cảm hứng là gì đi nữa thì ta cũng vẫn biết rằng nó bao giờ cũng màu mỡ và không được phép mất đi vô ích nếu nó chưa tự hiến dâng nó-cảm hứng-cho con người”. Cảm hứng đến với nhà văn theo những cách khác nhau tuy nhiên cảm hứng đó phải dành cho con người, hướng tới hiện thực cuộc sống thì tự khắc đó là cảm hứng nghệ thuật chân chính.
Ý sáng tác và cảm hứng sáng tác là bước đầu để hình thành tác phẩm nhưng để viết tác phẩm với khối lượng lớn thì nên có đề cương. Đề cương có thể “chi tiết tỉ mỉ”, có thể “đại khái”, cũng có thể chỉ “vạch ra vài chữ” thậm chí “ không cần đề cương”. Chỉ có nhà văn thiên tài mới không câng đến đề cương vì trong họ “ vốn đã tự giàu có từ bên trong đến nỗi bất cứ một đề tài, một ý nghĩa, một trường hợp hay một vật nào cũng gợi lên trong nhà văn một dòng liên tưởng vô tận”. Tuy nhiên không phải nhà văn nào cũng là thiên tài chính vì vậy lập ra đề cương rõ ràng rành mạch cũng khiến các nhà văn viết dễ dàng hơn và độc giả cũng dễ dàng hiểu được thông điệp mà nhà văn muốn truyền tải. Tuy nhiên trong “Bông hồng vàng” đề cương lại không quá quan trọng, nó không quyết định sự thành bại của tác phẩm : “Tác phẩm chỉ bắt đầu sống thực sự một cách hết sức mạnh mẽ trong ý thức của nhà văn trong lúc nhà văn viết nó ra. Cho nên sự đổ vỡ của đề cương cũng chẳng có gì là lạ và cũng chẳng có gì là bi đát. Ngược lại cái đó rất tự nhiên và chỉ chứng minh thêm rằng cuộc sống chân chính đã xông vào, tràn đầy giản đồ sáng tác mở rộng nó ra, dùng áp lực sinh động của mình bẻ gãy cái khuôn khổ đầu tiên của nhà văn”. Đề cương chính là thứ mà ông chủ bút nào cũng muốn nhà văn phải có chính điều này đã tạo nên sự dập dập khuôn. Nhà văn phải làm theo cái khuôn mẫu mà mình đề ra tuy nhiên quá trình sáng tác nghệ thuật thì không cần đến cái gọi là khuôn mẫu, nó được hình thành dựa trên cảm xúc tự nhiên của tác giả. Nghệ thuật là sự phóng túng trong cảm xúc chính vì vậy việc có đề cương hay không không quyết định đến chất lượng tác phẩm.
Trong cả cuốn “Bồng hồng vàng” luôn nhắc đi nhắc lại một thông điệp “Tác phẩm hay phải chứa nội dung hiện thực” , những người viết truyện “ phải hướng tới sự thật, tin tưởng vào sức mạnh của trí tuệ, vào quyền lực đáng tin cậy của trái tim và phải yêu mến đất đai” .Đất đai ở đây đó chính là quê hương đất nước. Nhà văn chân chính thì phải luôn yêu thương quê hương của chính mình, yêu cái nơi mình sinh ra và lớn lên dù cho nó yên bình thơ mộng hay bị tàn phá bởi thứ lí do nào đấy. Nhà văn chân chính thì lại càng không được phớt lờ hiện thực, phải đưa hiện thực cuộc sống dù tốt hay đẹp đến với tất cả mọi người.
Bên trong một tác phẩm nghệ thuật chân chính đó là những tài liệu hay, chưa nhiều giá trị.“Bông hồng vàng” cũng đem đến những thông điệp về cách tích lũy tài liệu:“Người nào buộc mình tích lũy những quan sát và loay hoay với những ghi chép của mình (kẻo lại quên mất) người đo, tất nhiên sẽ vớ được hàng đống những quan sát không lựa chọn và những cái đó sẽ chẳng có sinh khí. Nói cách khác nếu những quan sát ấy được chuyển từ cuốn sổ ghi thành văn xuôi sống động thì hầu như bao giờ chúng cũng mất đi sức biểu hiện và sống như những mẩu văn lạc loài”. Tài liệu văn học là sự tích lũy gom nhặt từ cuộc sống, nó ấn định vào não mỗi nhà văn và tìm cho mình một chỗ đứng nhất định trong trí nhớ khi nào cần thiết những tài liệu đó sẽ tự khắc “đi vào tác phẩm và đứng vào vị trí đúng là của chúng .Để viết được một tác phẩm hay thì tài liệu phải phong phú. Tài liệu không thể có trong trong ngày một ngày hai mà nó là sự tích lũy từng ngày và thậm trí là cả cuộc đời.Một nhà văn thì việc có nguồn tài liệu phong phú, có giá trị là rất cần thiết: “ Đối với mỗi nhà văn, nguồn tài liệu dự trữ phải lớn hơn nhiều so với số lượng tài liệu cần dùng cho một truyện ngắn”. Thông điệp về tài liệu trong “Bông hồng vàng” không chỉ đúng với văn chương mà nó cũng đúng với tất cả những gì liên quan đến nghệ thuật. Muốn tạo nên tác phẩm nghệ thuật thì người sáng tác phải có được nguồn tài liệu phong phú.
Đối với mỗi nhà văn thì những chuyện vặt vãnh cũng có ảnh hương không nhỏ đến quá trình sáng tác đó là động lực sáng tác. “Bông hồng vàng” _một tác phẩm hướng tới sự toàn diện thì không thể bỏ qua những cái nhỏ nhặt vì bởi nó là yếu tố tinh thần giúp nhà văn tạo ra đứa con tinh thần của mình.
Động lực sáng tác là một yếu tố thôi thúc nhà văn làm việc. Động lực có thể đến từ gia đình, bạn bè, người mình yêu thương, … và đôi khi động lực đó lại rất đơn giản: “ Chỉ cần đọc lấy một vài dòng trong cuốn sách của người cổ vũ ta thế là tức khắc chính mình đã muốn viết. Tưởng như mấy cuốn sách ấy, một thứ nước cốt gây men đã bắn ra làm ta say, lây sang ta và bắt ta càm bút”. Động lực chính là trạng thái cổ vũ tinh thần cho mỗi con người khi chúng ta cảm thấy chán nản và tuyệt vọng. Nhiều nhà văn thành công cũng chính vì có nguồn động lực quý giá từ những gì nhỏ nhất và thân thuộc nhất.
Để làm nên một tác phẩm văn học cần vô vàn yếu tố và trực giác của nhà văn cũng không là điều ngoại lệ.Truyện “Bông hồng vàng” khẳng định vai trò quan trọng của trực giác đối với mỗi nhà văn: “ Trực giác giúp cho mỗi nhà văn chuyên viết truyện lịch sử tái tạo lại được không gian riêng cảnh thật về đời sống của những thời đại đã qua mà còn cả không khí, tâm trạng những con người”. Để khái quát được toàn diện không gian, thời gian thì phải biết sử dụng các chi tiết đắt giá vì bởi lẽ không phải cứ đưa thật nhiều chi tiết vào câu chuyện thì người đọc mới hình dung được. Độc giả đôi khi chỉ cần đến một chi tiết nhỏ nhưng đủ làm họ mường tượng ra câu chuyện: “ Một chi tiết tốt còn gợi lên cho người đọc biểu tượng trực giác và đúng đắn về toàn cục – hoặc về một người với tâm tình của anh ta, hoặc về một sự kiện, hoặc hơn thế nữa, cả về một thời đại”.
Sự khác nhau cơ bản của mỗi nhà văn có lẽ nằm ở sự sáng tạo và sáng tạo chính là cái cốt lõi để tạo nên chỗ đứng của họ trên văn đàn. Trong truyện“Bông hồng vàng” cội nguồn sáng tạo đó chính là tưởng tượng :“Tưởng tượng là cội nguồn sáng tạo của nghệ thuật, là vầng thái dương vĩnh cửu và là Chúa Trởi của nó, như các nhà thơ cao hứng trong khi Latinh đã nói”. Trí tưởng tượng đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình sáng tạo, tưởng tượng có phong phú đa dạng thì mới thu lượm được nhiều ý sáng tạo hay, có giá trị
Tưởng tượng là “cội nguồn sáng tạo của nghệ thuật” và liên tưởng là “ sợi chỉ dẫn đường cho trí tưởng tượng”. “ Sự giàu có của liên tưởng chứng tỏ sự phong phú của thế giới nội tâm của nhà văn. Có cái phong phú đó, thì ý nghĩ nào, đề tài nào cũng có thể lớn phồng nên với những nét sinh động”. Điều dĩ nhiên đó là sự liên tưởng trong mỗi con người rất khác nhau nhưng nó bắt nguồn từ cuộc đời, tiểu sử, ký ức chỉ là họ nhìn vấn đề ở góc độ nào mà thôi.
Tóm lại cội nguồn của sáng tạo là trí tưởng tượng và muốn có tưởng tượng tốt thì sự liên tưởng phải phong phú đa dạng: “Nếu không có tưởng tựng thì không có văn xuôi và cũng chẳng có thơ”.
Nhà văn chân chính là người đem đến cho người đọc những giá trị tốt đẹp. Muốn thế trước nhà văn phải có được trí tưởng tượng mang mục đích hướng tới hạnh phúc cho con người. Thông điệp mà“Bông hồng vàng”mang đến hoàn toàn đề cập đến sức mạnh cao quý của trí tưởng tượng: “ Phải biết cách vận dụng trí tưởng tượng không phải để tạo ra đau buồn mà để mang lại hạnh phúc cho mọi người và cho bản thân mình”.Nếu nhà văn tưởng tượng đến những thứ đau buồn thì thì ngay đầu tiên bản thân nhà văn cũng phải chịu sự đau buồn đó rồi mới tới những độc giả. Chính vì vậy, đem lại hạnh phúc cho con người, hướng tới giá trị tốt đẹp phụ thuộc vào trí tượng tượng của nhà văn.
Một nhà văn thì cái nhìn luôn phải phong phú và mới mẻ, cái nhìn ấy phải phóng ra ngoài thế giới, tìm và tạo nên cho tác phẩm của mình thứ ánh “sáng và màu sắc của hội họa, cái tươi mát của những từ thuộc về thi ca, cái cân xứng của kiến trúc, sự rõ ràng có khối hình của đường nét trong điêu khắc và nhịp điệu, tiết tấu và tính du dương của âm nhạc”, đây chính là nhưng điều mà“Bông hồng vàng” muốn gửi gắm đến độc giả và các nhà văn.Cuộc sống biến đổi không ngừng chính vì vậy nhà văn phải không ngừng đổi mới, không ngừng học hỏi trong tất cả các lĩnh vực nghệ thuật. Nhìn ra thế giới rộng lớn nhưng không coi thường các chi tiết nhỏ nhặt, nếu nhà văn coi thường bỏ qua thì thành công sẽ không bao giờ đến: “ Nhà văn không thể khinh miệt bất cứ một cái gì có thể mở rộng nhãn quan của mình đối với thế giới, tất nhiên, nếu nhà văn đó là bậc thầy nghề nghiệp chứ không phải là một anh phó nhỏ, là người sáng tạo ra vật báu chứ không phải là một kẻ tầm thường, kiên nhẫn gặm nhấm cái may mắn trong cuộc đời như nhai kẹo cao su Mỹ”. Những kẻ ngồi chờ sự may mắn thì đầu tiên họ đã là người thất bại và tất nhiên những kẻ đó không phải là nhà văn chân chính.
Những thông điệp trong “Bông hồng vàng” là những hạt bụi rất quí giá.Những hạt bụi rơi vãi mà ít người để ý nhưng kỳ thực nó lại là những hạt bụi vàng, những yếu tố vàng để hình thành nên tác phẩm nghệ thuật chân chính. Tác phẩm đã đưa nghệ thuật chân chính đến gần hơn với độc giả và độc giả cũng hiểu được quá trình sáng táo nên tác phẩm chân chính cần vô vàn những yếu tố.Những thông điệp này như là kim chỉ nam giúp cho những nhà văn mà chưa được lối đi, con đường đến nghệ thuật chân chính. Những thông điệp đó là những triết lí , những thông điệp vàng ông muốn gửi đến đôc giả đặc biệt là những nhà văn trẻ.Những triết lí sâu sắc mà có lẽ chỉ để hiểu câu chữ cũng ngốn rất nhiều thời gian chứ đừng nói thấm được triết lí đó.
Tuyết Uyên Quỳnh