Hạnh phúc không hẳn chỉ là kết quả mà nó là cả quá trình.
Con người từ khi sinh ra đã luôn theo đuổi hạnh phúc, nhưng càng truy cầu lại càng không thấy thỏa mãn. Hạnh phúc, đôi khi không nằm ở đích đến, mà nằm ngay tại quá trình chúng ta nỗ lực, vươn lên trước nghịch cảnh.
Nói về hạnh phúc mỗi người có một lý giải khác nhau, quan điểm cũng thay đổi theo thời gian, tuổi tác. Khi còn nhỏ thì chỉ cần có cơm ngon áo đẹp đã thấy hạnh phúc; lớn lên thì quan niệm về hạnh phúc cũng lớn theo cùng, nào là công danh sự nghiệp, thành đạt hơn người, nào là vợ đẹp con ngoan, nhà cao cửa rộng sức khỏe như ý mới là hạnh phúc. Con người bỏ cả cuộc đời để theo đuổi những thứ này. Nhưng khi đạt được thứ mình muốn lúc đầu thì dần dần cảm giác hạnh phúc cũng không còn nữa.
Hạnh phúc trước nay không hề rời xa chúng ta, chỉ cần chúng ta biết đủ, biết cho đi, hạnh phúc sẽ ngay lập tức xuất hiện trước mắt, thời thời khắc khắc đều luôn đi cùng chúng ta.
Mình từng nghe được câu nói là nếu bạn cố tỏ ra bản thân đang vui vẻ thì chắc chắn bạn không hề vui, và nếu bạn cố phải nhìn thấy được hạnh phúc, thì bạn sẽ chẳng bao giờ hạnh phúc.
Hạnh phúc không phải thứ gì bạn có thể nhìn thấy, cầm nắm, nó không có hình thù vật chất mà chỉ đơn giản là trạng thái bạn đang sống và nó mang tính tạm thời.
Điều này có nghĩa hạnh phúc không phải là điểm cuối của một hành trình bạn đang cố gắng tìm kiếm. Trên thực tế, nó là cảm xúc bạn có được từ những trải nghiệm xảy ra liên tiếp trong cuộc sống. Khái niệm này bị đánh tráo rất nhiều, nhất là khi hạnh phúc bây giờ thường xuyên được quảng bá như một mục tiêu ta phải đạt được. Nhưng kỳ thực, bạn không thể đạt được hạnh phúc và cũng không thể mua nó bằng tiền. Nó chỉ tự động đến khi bạn sắp xếp được cuộc sống của chính mình.
Hạnh phúc và niềm vui không hoàn toàn giống nhau.
Khi hầu hết mọi người tìm kiếm hạnh phúc, cái chúng ta hướng tới thực ra là niềm vui: Đồ ăn ngon, quan hệ tình dục nhiều hơn, có nhiều thời gian cày phim hơn, tiệc tùng với bạn bè, giảm được cân hay trở nên nổi tiếng hơn.
Dù niềm vui mang lại cảm giác tuyệt vời, song nó không giống với hạnh phúc; dù niềm vui là cần thiết, nó vẫn chưa đủ để giúp ta hạnh phúc. Hãy hỏi một người nghiện ma túy xem việc theo đuổi niềm vui đã dẫn họ đến kết cuộc thế nào. Thử hỏi một người ngoại tình đã làm tan nát gia đình và mất quyền nuôi con xem khoái cảm rốt cuộc có khiến họ hạnh phúc không?
Nghiên cứu cho thấy những người tập trung năng lượng vào những thú vui vật chất thường lo âu hơn, cảm xúc bất ổn hơn và ít hạnh phúc hơn về lâu dài. Niềm vui là hình thức hời hợt nhất về sự thỏa mãn trong cuộc sống, vì vậy nó cũng dễ dàng đạt được nhất. Đây mới là thứ được quảng bá thường xuyên để định hình tư duy về hạnh phúc của chúng ta.
Không nên hạ thấp kỳ vọng để có thể tìm thấy hạnh phúc.
Việc không đáp ứng được kỳ vọng của bản thân không hề trái nghĩa với hạnh phúc. Nhưng trải nghiệm quá trình dù thất bại mới thực sự là nền tảng cơ bản của hạnh phúc.
Nếu bạn nghĩ bản thân chỉ cần có thật nhiều tiền, có nhà, có xe, thì tiêu chuẩn của bạn về thành công quá lệch lạc và hời hợt; bạn nhầm lẫn niềm vui của mình với hạnh phúc.
Hạ thấp kỳ vọng để có thể thấy hạnh phúc là tư duy lối mòn, hạnh phúc bắt nguồn từ thứ ta không có. Hạnh phúc của cuộc sống không phải là bạn có số tiền lớn trong tài khoản, mà là quá trình làm việc để kiếm được số tiền đó. Và khi đã có được nó thì hạnh phúc là quá trình lao động để kiếm được hơn thế nữa.
Vì vậy, hãy nâng cao kỳ vọng của bạn. Không ngừng tìm kiếm những gì bạn thích. Hãy tưởng tượng bạn là một mầm cây, thì việc để mặt đất nứt nẻ xung quanh chính là cách tuyệt vời nhất để bạn vươn lên phát triển.
Hạnh phúc và tích cực không hoàn toàn giống nhau.
Có thể bạn biết một ai đó luôn tỏ ra hạnh phúc dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhưng nhiều khả năng đây là một người bị rối loạn trầm trọng. Việc chối bỏ những cảm xúc tiêu cực sẽ chỉ dẫn đến những cảm xúc tồi tệ hơn, thậm chí là rối loạn cảm xúc. Vì cảm xúc tiêu cực là cần thiết và lành mạnh để duy trì ổn định sự hạnh phúc cơ bản trong cuộc sống mỗi người.
Hạnh phúc là cả quá trình chúng ta đang cố gắng trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.
Quá trình ấy có thể đau đớn, có đấu tranh, thậm chí có cả tức giận lẫn tuyệt vọng. Nhưng khi đã vượt qua tất cả những điều đó, ta có thể nhìn lại với ánh mắt đẫm lệ vì cảm động và tự hào.
Vì sao lại như vậy? Bởi chính những biến cố ấy giúp chúng ta trở thành phiên bản lý tưởng của chính mình. Việc theo đuổi lý tưởng hoàn thiện bản thân mỗi ngày mang lại cho ta hạnh phúc, bất kể niềm vui hay nỗi đau hời hợt bề ngoài, bất kể cảm xúc tích cực hay tiêu cực.
Đây chính là lý do việc cố gắng tỏ ra hạnh phúc chỉ khiến bạn thấy bất hạnh hơn. Sau tất cả, bạn không cần phải gồng mình để trở nên hạnh phúc.
Lời khuyên tốt nhất để có thể hạnh phúc cũng là lời khuyên đơn giản nhất: Hãy hình dung con người bạn muốn trở thành, và bước dần tới đó. Thà đi chậm còn hơn đứng yên tại chỗ. Những bước đi dù nhỏ nhưng sẽ thay đổi cảm nhận của bạn về toàn bộ quá trình.
Vui sống hay buồn sống thì hãy cứ sống. Đừng cố gắng trở nên hạnh phúc, cứ thế mà bước đi thôi, hạnh phúc chính là từng bước ta đi trên đường đời đầy thênh thang ấy.
Cảm ơn các bạn đã đồng hành cùng mình trong bài viết trên, mình rất mong nhận được thêm ý kiến đóng góp của các bạn! ❤️