Hạnh phúc của sự học
Lâu nay mình đã dự định viết một bài viết về sự học, về câu chuyện học của bản thân nhưng mỗi lần đặt bút viết mình lại cảm thấy có cái gì đó chưa tới và mình cần phải có thời gian để chiêm nghiệm thêm. Và bài viết này được ra đời sau một khoảng thời gian dài suy ngẫm, tìm kiếm đi vào cốt lõi của sự học, trả lời cho câu hỏi luôn đau đáu, quẩn quanh trong tâm trí mình: làm thế nào để bản thân và nhiều người khác không cảm thấy sự học là áp lực? Mỗi người khi đến với sự học dù là khi bước vào hay bước ra đều có được niềm vui, hạnh phúc, sự hân hoan trên chặng đường đó.
Nếu ai hỏi điều gì gắn bó với mình nhất trong suốt gần nửa cuộc đời có lẽ đó là sự học. Mình là một người thích học và không bao giờ ngừng nghỉ việc học cho đến tận bây giờ. Cũng như bất cứ ai sự học của mình được chính thức bắt đầu từ những năm tháng đầu tiên cắp sách tới trường (tất nhiên có thể là cả trước đó) theo chương trình tiểu học, trung học cơ sở rồi trung học phổ thông. Hết những năm tháng của tuổi học trò, mình đi học đại học (2001 – 2005) rồi học thạc sĩ (2006 – 2009). Sau 3 năm hoàn thành khoá học thạc sĩ mình đã từng nghĩ “Thôi sự học có lẽ nên dừng ở đây, giờ là lúc phải lo cho sự nghiệp, kiếm tiền, chăm chồng, chăm con…”. Thế rồi không hiểu sao mấy năm sau lại vác cặp đi học nghiên cứu sinh (2012 – 2017). Hoàn thành luận án tiến sĩ tưởng chừng sự học sẽ ngừng lại, trong đầu chắc mẩm “Thôi chỉ học thế thôi nhé, học đủ rồi…”. Nhưng rồi lại mày mò đi học và thậm chí còn “hăng say” hơn trước: học các lớp về Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu trong nhân học và văn hoá, học lớp phát triển bản thân, học tiếng Anh, học về truyền thông, học về các vấn đề của xã hội, học online, offline, học làm cha mẹ…và chắc chắn một điều mình tin rằng sự học của mình sẽ còn tiếp tục trong những năm tháng tiếp theo.
Có lẽ sẽ nhiều người thắc mắc “Sao học nhiều thế, lo mà kiếm tiền đi chứ”, “Học mãi không biết mệt à?”, “Không còn niềm vui gì ngoài việc học hay sao”, “Học mà không làm ông này bà kia thì học làm gì? Sao học mãi, học hoài... Nhưng cho đến tận bây giờ mình không hề thấy ân hận vì những năm tháng vùi đầu vào sách vở, cặm cụi bên ánh đèn khuya, những buổi sáng mùa đông lạnh giá đấu tranh với bản thân, chiến thắng chính mình cho sự học bởi có một điều chắc chắn rằng sự học đã đem đến cho mình sự trưởng thành trong nhận thức, sự tự do trong tâm hồn và hơn hết là mình luôn cảm thấy được hạnh phúc trong sự học.
Ai trong chúng ta cũng đều ý thức được vai trò của sự học: là cực kỳ quan trọng, cần thiết trong cuộc đời của mỗi người. Nhưng đã mấy người xác định đúng mục đích của sự học, đến với sự học một cách tự nhiên, thực sự mong muốn được khám phá, tìm hiểu về những gì đang diễn ra xung quanh cuộc sống của chúng ta? Học trở thành niềm vui, niềm hạnh phúc tự thân hay chúng ta đang chạy theo sự học vì một mục đích nào khác?
Mỗi lần khi bước vào một lớp học nào đó câu hỏi đầu tiên mà mình thường hỏi các bạn sinh viên là “Vì sao các em đi học? Các em học ngành học này/môn học này để làm gì”. Đa phần câu trả lời mà mình nhận được sẽ là “Chúng em học vì phải học, nếu không học thì không có nghề nghiệp sau này”, “Học vì cả xã hội đi học, người người nhà nhà đều đi học thế nên phải học thôi”…Có những câu trả lời đơn giản hơn là học để có điểm cao, học để có tấm bằng tốt ra trường dễ xin việc, học để không thua kém bạn bè, học để làm bố mẹ tự hào…Rồi có những mục đích ngắn hơn đi học để điểm danh nếu không nghỉ quá số buổi cho phép sẽ không được thi (thế nên nhiều em đến lớp chỉ mong đến giờ điểm danh là hoàn thành nghĩa vụ, thời gian còn lại là để ngủ, để lướt facebook hay làm việc riêng mà không cần biết nội dung buổi học đó học cái gì, thầy cô đó dạy như thế nào).
Cũng có nhiều người đi học để có đủ bằng cấp nhằm đảm bảo vị trí việc làm, được tính lương theo hệ số cao hơn, học để giải quyết tình thế, học là phương tiện để tiến thân. Mục đích này thường dễ thấy ở học viên tại chức – những người đã đi làm và giờ học để hợp lý hoá bằng cấp. Với tâm thế và suy nghĩ như vậy nên họ chỉ mong muốn học cho nhanh, học cho xong chương trình để sớm có tấm bằng coi như hoàn thiện một nhiệm vụ quan trọng và yên tâm với vị trí công tác hiện có.
Thậm chí có nhiều người còn đẩy sự học lên trở thành mục đích sống còn với những khẩu hiệu (slogan) được đưa ra “Học hay là chết” khiến họ lao vào học như một con thiêu thân, học quên ngày tháng, đặc biệt trong những giai đoạn quan trọng, mang tính quyết định đến những ngã rẻ của cuộc đời. Hiện tượng này dễ gặp thấy ở các bạn học sinh cấp ba khi xác định việc học để đỗ đại học là con đường duy nhất để bước tiếp chặng đường phía trước. Bởi vậy mục tiêu đặt ra là phải đỗ vào một trường đại học nào đó bằng mọi giá. Họ bị áp lực từ chính bản thân mình, từ bố mẹ, bạn bè và những người xung quanh. Thế nên nếu không đạt mục tiêu họ thường sẽ rơi vào cảm giác mình là đồ bỏ đi, đồ vô dụng mà đôi khi vì sự không thoả mãn mong muốn của bản thân, của bố mẹ, họ suy nghĩ quá nhiều dẫn đến trầm cảm, và đau lòng hơn là tìm đến cái chết như nhiều câu chuyện đã xảy ra trong thực tế.
Ngoài ra còn vô vàn lý do khác dẫn đến sự học: học vì sự ganh đua, học vì ghen tị, học vì bố mẹ, học để chứng tỏ là mình đang học (ngồi vào bàn học nhưng tâm hồn treo ngược cành cây, tính đến giờ để đứng lên như nhiều em học sinh khi bố mẹ bắt học bài), học để có học bổng, học để chứng tỏ mình là ai…Mình nêu ra những hiện tượng học trên không phải mang tính quy chụp (bởi không phải ai cũng đến với sự học với mục đích như vậy) hay phán xét rồi vỗ ngực ta đây mới học đúng. Bởi chính bản thân mình đã từng mắc những sai lầm như thế.
Mình còn nhớ ngay từ những ngày học cấp 1 mình đã luôn phấn đấu hàng năm phải đạt học lực giỏi, danh hiệu cháu ngoan Bác Hồ bởi phần thưởng của bố mẹ là nếu là học sinh giỏi sẽ được bố cho về thủ đô thăm lăng Bác Hồ và đi sở thú, rồi thì đạt điểm 9, 10 sẽ được bố mẹ cho tiền đút lợn. Lên cấp 2, cấp 3 mình luôn cố gắng học để được là tốp đầu của lớp, không chịu thua kém bạn bè. Hôm nào bị điểm thấp hơn bạn khác là cay cú lắm, kiểu gì lần sau phải phục thù. Rồi học để thi học sinh giỏi, học để đỗ đại học, học để có bằng đỏ ra trường thuận lợi khi xin việc…Nhưng giờ đây khi nhìn lại mình nhận ra rằng mình là người chăm học, đạt điểm cao, thành tích cao trong nhiều kỳ thi những vẫn cảm thấy không vui vì những kết quả đó, chưa có đủ sự tự tin để tranh luận, bày tỏ quan điểm cá nhân với người khác và thường rụt rè, tự ti trong những môi trường mới lạ. Mình học nhiều nhưng nhớ chẳng bao nhiêu, thi xong là quên hết, dường như mọi kiến thức có được lại đổ xuống sông xuống biển. Nhìn lại chặng đường của sự học đã qua có những lúc mình chột dạ bởi dường như sự học của mình chưa đúng. Sự học chưa đến từ sự thôi thúc bên trong, từ mong muốn của quá trình đi từ sự không hiểu đến hiểu. Nói vậy không có nghĩa là mình phủ định sạch trơn những gì mình đã học được trong những năm tháng qua. Quá trình học cho dù thế nào cũng đem đến cho mình sự nhìn nhận, trải nghiệm và dần nhận ra được cái nên và không nên, cái đúng và cái sai, cái được và chưa được. Đó có thể là những viên gạch đầu tiên vun đắp nên con người của mình ngày hôm nay và dẫn mình đến một sự nhận thức mới về sự học. Bởi xét cho cùng quá trình sống của con người là quá trình đi từ nhận thức này đến nhận thức khác, là sự trưởng thành về quan điểm, tư duy từ chính những trải nghiệm trong cuộc sống đến từ những va chạm hàng ngày. Và mình cũng không phủ nhận rằng đúng là ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới một trong những tiêu chí cần thiết để làm thước đo năng lực của con người chính là vấn đề bằng cấp. Bằng cấp, chứng chỉ là phương tiện, là cầu nối cho bạn khẳng định vị thế, có được những thuận lợi trong công việc và cuộc sống.
Từ sự nhìn nhận lại quá trình học của bản thân, sau nhiều năm chiêm nghiệm, quan sát, học hỏi từ những người xung quanh mình đã đúc rút ra được nhiều bài học cho sự học và cảm thấy dường như sự học của mình mới thật sự bắt đầu.
Điều đầu tiên và cũng là điều quan trọng nhất để có được hạnh phúc trong sự học đó là bạn hãy đến với nó bằng tâm thế tích cực, với câu hỏi thôi thúc bên trong, mong muốn được tìm hiểu, khám phá, giải đáp những khúc mắc chứ không phải vì những mục đích hời hợt, trước mắt hay đưa mình vào tâm thế “phải học”. Đừng làm cho sự học trở nên khô cứng, méo mó, đi học là sự khổ cực bởi những suy nghĩ tiêu cực, với mục đích học cho xong, học lấy bằng cấp, học lấy điểm số, học lấy thành tích… Ví dụ trong nhiều năm qua tại sao mình bỏ ra rất nhiều thời gian để học tiếng Anh (từ lớp 6 đến bây giờ) ở những lớp học, trung tâm khác nhau nhưng mình không giỏi, không tự tin để có thể sử dụng được tiếng Anh trong giao tiếp và công việc. Mình nhận ra rằng trước đây khi học mình thường chỉ tập trung học ngữ pháp, luyện thi, làm bài tập…đi thi để lấy điểm số cao, chứng chỉ, văn bằng. Nhưng hiện nay mình học tiếng Anh với một tâm thế hoàn toàn khác. Với sự giúp đỡ của những người bạn mình đến với tiếng Anh theo một cách tiếp cận tự nhiên nhất, coi tiếng Anh như một ngôn ngữ chứ không phải công cụ. Mình học tiếng Anh với tâm thế chủ động, say sưa tìm tòi, khai thác để hiểu được vẻ đẹp của ngôn ngữ, những sắc thái biểu cảm trong đó, không nên coi nó chỉ đơn thuần là phương tiện giao tiếp, là vỏ ngôn ngữ thuần tuý mà ngôn ngữ còn là ý nghĩa, là cảm xúc. Chính vì vậy khi tiếp cận ngôn ngữ không chỉ hiểu nội dung thông tin trên bề mặt ngôn ngữ mà cần hiểu về thông tin ẩn đằng sau đó (qua ngữ điệu, nhấn nhá, nhịp lên xuống, cao độ, tốc độ, cường độ…) của người nói. Vì vậy qua gần 4 tháng học tiếng Anh hiện nay mình vẫn luôn thấy vui, thích thú, đam mê và hứng thú với ngôn ngữ này mà không hề cảm thấy nhàm chán hay mệt mỏi.
Học tập là một quá trình đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, “mưa dầm thấm lâu”, “tích tiểu thành đại”, là quá trình tích luỹ đủ về lượng sẽ tạo ra sự thay đổi về chất hay theo một cách nói ví von “đủ nắng hoa sẽ nở”. Thế nên việc học không bao giờ là nhanh chóng, dễ dàng. Bạn nên nhớ “dục tất bất đạt”, không có cái gì là “một đập ăn quan”, là có kết quả ngay được. Mọi kết quả đều đến từ sự tích luỹ (kiến thức, kinh nghiệm, trải nghiệm, kỹ năng…) từng bước một để đến một ngày bạn nhận ra mình đã tiến bộ vượt bậc như thế nào trong nhận thức, tư duy, hành động so với chính bạn của ngày hôm qua. Do đó, học là một quá trình luôn đòi hỏi sự nỗ lực tự thân của mỗi người. Mình thường thích đọc, kết nối, quan sát hay lắng nghe câu chuyện chia sẻ của những người thành công, người giỏi, người mà mình ngưỡng mộ kể về quá trình học tập, lao động, cống hiến của họ: sự lăn lội vượt qua khó khăn, thử thách như thế nào, những bài học, kinh nghiệm…Qua đó mình nhận thấy tất cả những người thành công họ đều phải trải qua một quá trình học tập và nỗ lực không ngừng. Ví dụ như chị bạn mình đã từng chia sẻ: để hoàn thành được một luận án tiến sĩ có chất lượng và vượt qua được sự đánh giá của hội đồng các giáo sư đầu ngành chị ấy đã phải đọc hơn 300 đầu sách. Suốt những năm tháng làm nghiên cứu sinh chỉ đọc và đọc, nghiên cứu, viết…Dường như “bù đầu tóc rối” trên thư viện từ sáng đến tối, về nhà lại đọc (thậm chí đến 2 – 3 giờ sáng). Để viết được 1 chương trong luận án họ có thể phải mất hàng năm viết đi, viết lại, đọc rồi viết. Trong nghề của mình, mình đã từng biết đến nhiều bậc tiền bối, các chuyên gia rất giỏi, có những công trình nghiên cứu chuyên sâu, để đời. Bí quyết của họ thật đơn giản: đó là sự kiên trì, bền bỉ và say mê, yêu thích với công việc mà mình đang làm. Hay mình biết đến bạn Đào Thị Hằng - tác giả cuốn “Lên núi học tiếng Anh” và giờ là giáo viên dạy tiếng Anh khá nổi tiếng ở Việt Nam chia sẻ với mình để có thể nói và dạy tiếng Anh chuẩn như hôm nay Hằng đã mất đến 20 năm “vật lộn”, nỗ lực và ý chí mạnh mẽ như thế nào… Mình rút ra một điều là không có gì tự nhiên mà có, không có cái gì tự trên trời rơi xuống nếu bạn không nỗ lực, kiên trì. Do đó, nếu như bạn đang có ý nghĩ rằng vận may sẽ đến với mình, rồi một ngày nào đó mình sẽ giỏi, mình sẽ trở thành “siu nhân” mà không có sự nỗ lực thì không bao giờ có đâu nhé.
Học là quá trình nhìn nhận vấn đề một cách đa chiều, đào sâu vào cái bản chất, cái cốt lõi, cái bên trong để hiểu. Bên cạnh sự hiểu rộng mỗi người cần có sự hiểu sâu, nghĩa là có thể lựa chọn cho mình một lĩnh vực mà mình thực sự quan tâm để đào sâu vào nó, đi đến tận cùng của sự hiểu. Có như vậy mình mới có được những kiến thức bền vững và thực sự có giá trị. Nhưng kiến thức là vô cùng, vô tận. Sự hiểu của con người luôn có sự vận động và biến đổi không ngừng theo thời gian. Và con người không bao giờ có thể đủ khả năng để hiểu mọi sự vật hiện tượng trong cuộc sống. Vì vậy hãy đến với sự học một cách khiêm nhường. Đừng bao giờ tự cao, tự đại vỗ ngực là ta đây biết tuốt, khoe khoang thành tích, huênh hoang với người khác. Nhưng cũng đừng đến với sự học bởi tâm thế của kẻ trên người dưới làm giảm đi sự tự tin ở bản thân, hạn chế kỹ năng phản biện, lo lắng sợ hãi, bị kiến thức quy chụp, đón nhận kiến thức một cách bị động theo kiểu cho nhận.
Quá trình học mình nhận ra cái cần phải học trước tiên là khả năng tự học, là cảm hứng/động lực học. Mỗi người cần có khả năng tự học, tự soi chiếu việc học của bản thân. Chỉ có bạn mới hiểu được chính bạn đang cần gì, thiếu gì, phương pháp nào là phù hợp với bạn để giúp bạn tiến bộ hơn (qua cách ghi lại nhật ký hành trình học của mình để thấy được sự tiến bộ của bản thân cũng như những điểm chưa được cần thay đổi và khắc phục). Mình xác định nguyên tắc học chậm nhưng chắc còn hơn nhanh mà ẩu. Thế nên trong việc học mình học cho mình chứ không chạy đua theo ai cả. Mình có thể tụt lại phía sau nhưng mình không muốn đi trong sự hoang mang và đầy lo lắng. Đó cũng là phương châm sống và làm việc của mình.
Học không phải là sự nhồi nhét kiến thức, lưu trữ thông tin mà quan trọng hơn là việc chúng ta tiếp nhận và xử lý thông tin đó như thế nào. Hãy hình thành cho mình thói quen đặt câu hỏi trong mọi tình huống. Người họccần có tư duy phản biện, tranh luận, cách nghĩ xuôi ngược, lật đi lật lại vấn đề, tại sao lại thế này mà không phải là thế kia…rồi đi tìm câu trả lời cho những điều đó. Và điều quan trọng hơn là học nhưng phải ứng dụng vào thực tiễn: nhận thức – hành động – kết quả mới thấy được vai trò của sự học và sự cần thiết của sự học.
Mình tin rằng nếu khi bạn có được một tâm thế tích cực khi bắt đầu bước vào quá trình học hỏi, xác định được đúng mục đích của sự học và cảm nhận được niềm vui, niềm hạnh phúc, hân hoan khi tìm ra được câu trả lời cho câu hỏi của bản thân, khi hiểu được cốt lõi/bản chất của vấn đề…thì lúc này mình không cần phải nói bạn nên học như thế nào bởi tự chính bạn sẽ đến với sự học một cách tự nhiên nhất, say mê nhất và tự bạn sẽ tìm ra phương pháp học hiệu quả. Do vậy học tập là một hành trình đi từ sự không hiểu đến sự hiểu (hoặc có thể là cả sự không hiểu). Điều quan trọng là trên hành trình đó bạn như một kẻ thong dong dạo chơi tận hưởng những điều thú vị, đi từ sự ngạc nhiên này đến sự ngạc nhiên khác hoặc đôi khi là cả những thử thách phải vượt qua để đến được với hoa thơm trái ngọt.
Học là quá trình tích luỹ “tài sản”, vốn hiểu biết cho bản thân, xây dựng “bộ rễ vững chắc” để có thể đón nhận những “sự thực” ở đời. Bạn hãy hình dung bạn như một cái cây. Cái cây muốn lớn lên, phát triển, cành lá xum xuê, toả bóng xanh mát, che chở cho các cây bên cạnh, không phải dựa dẫm vào bất cứ cây nào khác và có thể đứng thẳng, vươn mình hiên ngang trước giông bão bập bùng, mưa to gió lớn bạn sẽ cần một bộ rễ chắc khoẻ, bám sâu vào lòng đất. Đây là hình ảnh mình thường lấy làm ví dụ để giúp sinh viên trả lời cho câu hỏi tại sao phải học và định hướng việc học. Do vậy, hãy đến với sự học bằng sự nhiệt thành, học vì mình, học đến nơi đến chốn, học để có được sự tự tin – tự chủ - tự do trong cuộc sống và làm chủ chính mình. Hãy cảm nhận niềm vui, niềm hạnh phúc, sự hân hoan khi tìm ra câu trả lời, khám phá ra những điều mới mẻ qua sự học, ngạc nhiên khi chính bản thân mình biết thêm nhiều cái mới. “Càng học càng thấy thích vì như kiểu người mù nhìn thấy ánh sáng, kiểu người chưa biết chữ giờ biết chữ” (trích Nhật ký học tiếng Anh).
Học tập là một quá trình dài và con đường phía trước của mình sẽ còn có nhiều thứ cần học và thay đổi. Nhưng mình luôn hân hoan với nó và tin rằng con đường mình đang đi sẽ có nhiều điều mới lạ, thú vị cho mình trải nghiệm. Bởi mình tin rằng sự học là quá trình khám phá bản thân, khám phá thế giới xung quanh, đối diện và cảm nhận quá trình vận động của cuộc sống, đón nhận nó một cách nhiệt thành nhất. Chúc các bạn luôn enjoy và happy với sự học của mình!
kỹ năng
,học tập
,kỹ năng mềm
Chúc mừng chị vì đã có một trải nghiệm vô cùng thú vị và ý nghĩa.
Solitary
Chúc mừng chị vì đã có một trải nghiệm vô cùng thú vị và ý nghĩa.
Độc Cô Cầu Bại
The Librarian Người Thủ Thư
Mình nghĩ là định nghĩa về chữ "học" có thể mở rộng ra thêm một tí, ngay thời điểm chúng ta bắt đầu thành hình, là những thai nhi trong bụng mẹ thì việc học đã bắt đầu rồi. Thai nhi học cách đạp như một cách giao tiếp với thế giới bên ngoài, sinh ra rồi thì phải học thở, học đi, học ăn, học nói và ti tỉ thứ khác trên đời nữa. "Học" không phải chỉ là những kiến thức trong trường lớp, sách vở hoặc giáo trình thôi đâu. Có lần mình đọc được một ý kiến cho rằng các bạn trẻ đừng nhìn thấy Bill Gates ngừng đến trường thì bảo là ông ngừng học, ông vẫn tiếp tục học đó, chỉ là học từ thực tế mà thôi.
Vậy nên để mọi người có hứng thú hơn với việc học, mình nghĩ xã hội nên có cái nhìn đúng đắn hơn về vấn đề này. Người thợ mộc giỏi cũng phải bỏ rất nhiều thời gian ra học hỏi mà, ca sĩ hát hay cũng trải qua quá trình học mà, vận động viên đâu phải chỉ cần vai u thịt bắp cơ thể cường tráng là được, họ vẫn phải học kỹ năng, học luật, học chiến thuật các kiểu mà. Nôm na là, chúng ta thay đổi quan điểm "học" không phải là thứ gì đó rất hàn lâm, chúng ta nên khuyến khích mọi người học những thứ họ có tiềm năng, có ưu thế để họ tối ưu hóa khả năng của mình. Cũng như câu đừng ép con cá đi học leo cây đó. Người khéo tay chưa chắc học toán sẽ tốt, học văn sẽ giỏi, học ngoại ngữ sẽ okie. Hy vọng mọi người sẽ tìm được cách "học" phù hợp với mình, và "học" được thứ mình muốn học. Bài viết này càng làm mình có thêm động lực để viết một bài giới thiệu về thuyết đa thông minh và VAK á. Cảm ơn tác giả.