Hai nàng công chúa hòa thân- hai phong cách, hai số phận
Lưu Tế Quân và Lưu Giải Ưu là hai công chúa nhà Hán, cùng có cảnh ngộ là được gả làm dâu cho người Ô Tôn, một sắc dân sinh sống ở vùng bắc Tân Cương và đông Kazakhstan thời bấy giờ. Ô Tôn là đồng minh quan trọng với Hán trong cuộc chiến chống Hung Nô, nên những cuộc hôn nhân này là một phần trong chính sách hòa thân của nhà Hán nhằm loại trừ mối đe dọa từ dân du mục đến biên giới phía bắc. Tuy nhiên, dù chung phận làm dâu xa xứ nhưng cuộc đời của hai nàng công chúa nói trên lại khác hẳn nhau.
Lưu Tế Quân (khoảng 123-101 TCN) là tông thất nhà Hán, con gái Giang Đô vương Lưu Kiến. Năm 105 TCN, Tế Quân được Hán Vũ đế phong làm công chúa để gả cho vua Ô Tôn. Công chúa ban đầu mới tới đất bắc thì rất được sủng ái, được chồng xây nhà cho ở và mở tiệc để mua vui. Tuy nhiên vua Ô Tôn vì tuổi cao sức yếu nên dần không nói năng được nữa. Tế Quân trong cơn buồn bã tự sáng tác ra bài hát rằng:
“Nhà ta gả ta đến một phương,
Nước lạ xa xôi Ô Tôn vương.
Lều vòm làm buồng, len làm vách,
Thịt làm thức ăn, sữa làm tương.
Thường ngày nhớ quê đến da diết,
Nguyện làm hoàng hộc về cố hương.”
Sau khi người chồng đầu của Tế Quân chết, vua mới của Ô Tôn muốn công chúa tái giá với mình theo tục nối dây của dân du mục. Tế Quân ban đầu còn phản đối, nhưng khi có lệnh từ Vũ đế thì bất đắc dĩ phải chấp nhận vì đại sự của đất nước. Công chúa qua đời không lâu sau đó. Ngoài bài hát than vãn số phận trên thì có sách đời sau cho rằng Lưu Tế Quân đã phát minh ra đàn tỳ bà, nhưng không có bằng chứng chắc chắn cho việc này.
Khi Tế Quân chết, nhà Hán lại đưa một công chúa khác là Lưu Giải Ưu (121-49 TCN) sang làm dâu Ô Tôn. Nhưng thay vì an phận thủ thường như những nàng công chúa Hán từng được gả đến cõi bắc trước kia, Lưu Giải Ưu lại để lại dấu ấn rất lớn trong sử sách. Ở Ô Tôn 50 năm, kết hôn ba lần với ba đời vua, bà không ít lần chủ động can thiệp vào tình hình chính trị nơi đây: sai thị nữ thay mặt mình cầm cờ Hán đi giao hảo với các thành bang Tây Vực, nhằm củng cố liên hệ giữa các nước này với Hán; gửi thư cho Hán Tuyên đế xin phát binh giúp đánh Hung Nô, dẫn đến chiến thắng lớn cho liên minh Hán-Ô Tôn vào năm 72 TCN và gián tiếp phá vỡ ảnh hưởng của Hung Nô với các tộc du mục phương bắc; và cùng sứ giả Hán âm mưu giết hại người chồng thứ ba của mình là vua Ni Mĩ của Ô Tôn. Mặc dù kế hoạch này thất bại và công chúa may mắn lắm mới giữ được toàn mạng, hành động của bà đã trực tiếp dẫn đến sự chia rẽ trong nội bộ Ô Tôn: con trai Giải Ưu là Nguyên Quý Mĩ về sau được nhà Hán lập làm Đại côn mi (“côn mi” là danh hiệu của thủ lĩnh Ô Tôn), cai trị một nửa dân chúng; trong khi người anh hoặc em khác mẹ của Nguyên Quý Mĩ là Ô Tựu Đồ làm Tiểu côn mi, nương cậy vào thế lực của Hung Nô. Ở tuổi 70, công chúa Giải Ưu xin nhà Hán cho mình trở về quê hương. Bà được Hán Tuyên đế tiếp đón rất long trọng, ban thưởng ruộng đất, nô tì để phụng dưỡng lúc cuối đời, nhằm bù đắp cho những năm tháng đã phụng sự mệnh vua ở cõi bắc.
Nguồn: Hán thư – Tây Vực truyện (lichdaitangthu.blogspot.co m)
lịch sử
Nội dung liên quan