Hai mô hình tự đánh giá năng lực - Khi chọn nghề chưa bao giờ là điều dễ dàng
Để trả lời cho câu hỏi Bạn sử dụng những mô hình nào để đánh giá năng lực của bản thân?, mình có tìm hiểu 2 mô hình hiệu quả được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam.
Đến năm 2016, có hơn 225.000 thạc sĩ và cử nhân thất nghiệp? Nhiều lí do được vạch ra từ các chuyên gia đầu ngành như đào tạo ồ ạt, sinh viên thiếu kinh nghiệm thực tiễn và không có điểm chung giữa trường học và nhà tuyển dụng. Thế nhưng có một điều được số đông thừa nhận, rằng người trẻ đang THIẾU ĐỊNH HƯỚNG nghề nghiệp trong môi trường luôn biến đổi từng ngày.
Nhiều bạn trẻ gặp rắc rối trong việc định hướng nghề nghiệp. Ảnh: Pinterest
Chẳng phải tự dưng gần sát đến ngày thi đại học, thầy cô lại ráo riết những bài giảng về chọn trường chọn nghề. Trường lớp suy cho cùng chỉ là phương tiện giúp bạn chạm đến ước mơ. Có người chọn đại học vì ĐAM MÊ, sở thích, nhưng số còn lại chạy theo vì danh tiếng, bạn bè hay chỉ đơn giản muốn có một nơi để tiếp tục NGHĨA VỤ trường lớp? Điều đáng nói là sau 4 năm, điều xã hội quan tâm không phải là tấm bằng mà chính là việc bạn đã thật sự trưởng thành và tự tin bước vào đời?
Chính vì vậy, theo cá nhân mình, ngay khi còn trên ghế nhà trường, chúng ta phải định vị bản thân để tìm ra hướng đi đúng đắng. Dưới đây là 2 mô hình giúp bạn tự đánh giá năng lực hiệu quả và được áp dụng đông đảo tại Việt Nam.
1. Mô hình ASK:
ASK (viết tắt của Attitude - Skill - Knowledge) là mô hình tiêu chuẩn nghề nghiệp được sử dụng nhiều nhất thế giới dựa trên những ý tưởng của nhà tâm lý học người Mỹ Benjamin Bloom. Đến nay mô hình này được chủ yếu dùng để đánh giá nhân sự đầy đủ và chuẩn hóa thành 3 nhóm chính: Knowledge (Kiến thức), Skill (Kỹ năng) và Attitude (Thái độ).
Theo đó KIẾN THỨC thuộc về năng lực tư duy, là những hiểu biết mà bản thân có được sau quá trình giáo dục, đào tạo, phân tích và ứng dụng. KỸ NĂNG thuộc về năng lực thao tác hay còn được biết đến như các hành động cụ thể và thực tế trong quá trình làm việc của cá nhân, chẳng hạn như kỹ năng quản lý thời gian, giải quyết mâu thuẫn với khách hàng, đồng nghiệp. Cuối cùng là THÁI ĐỘ thuộc về phạm trù cảm xúc, tình cảm và là cách thể hiện của cá nhân với thực tế công việc lẫn cuộc sống.
Ảnh: Base.vn
Hãy lưu ý đây là mô hình được các doanh nghiệp dùng để đánh giá năng lực nhân sự. Chí vì vậy ASK được xem như bộ từ điển mà mỗi người phải hướng đến những yêu cầu cơ bản của một công ty. Ví dụ mô hình ASK đơn giản dành cho một vị trí copywriter bao gồm:
Kiến thức: Trình đồ ngôn ngữ (Tiếng Anh), các hiểu biết chung về tự nhiên, xã hội và chuyên môn ở vài lĩnh vực cụ thể
Kỹ năng: Kỹ năng làm việc tập thể, kỹ năng giao tiếp, trình bày ý tưởng, quản lý thời gian
Thái độ: Cầu tiến, trung thực, thẳng thắn
Ảnh: Pinterest
Với những bạn trẻ, mô hình ASK có thể được áp dụng một cách dễ dàng hơn và chính bạn sẽ là người vạch ra những khả năng hiện tại của chính mình. Chẳng hạn với một học sinh lớp 12 chuyên Toán sẽ có sơ đồ ASK như sau:
Kiến thức: Toán chuyên sâu, Lý-Hóa chuyên sâu, Sinh học cơ bản, Tiếng Anh cơ bản
Kỹ năng: Làm việc nhóm, thuyết trình, tư duy chiến lược
Thái độ: Quyết đoán, cởi mở, sáng tạo, chân thành
Càng liệt kê chi tiết về năng lực bản thân, bạn càng có khả năng định vị được chính mình và chọn ra con đường đúng đắn cho tương lai. Dù có ưu điểm là dễ thực hiện, nhanh chóng và tiện lợi nhưng nhìn chung mô hình này vẫn còn mang tính chủ quan khá cao khi tự áp dụng.
Phân tích năng lực hiệu quả giúp bạn lập ra kế hoạch cuộc đời một cách chắn chắn. Nguồn: Youtube
2. Phân tích SWOT
Phương pháp phân tích SWOT do một nhóm nhà kinh tế học người Mỹ sáng lập vào những năm 1960 để tìm hiểu quá trình lập kế hoạch của các doanh nghiệp. Theo đó SWOT là viết tắt của 4 từ Strength (Thế mạnh) - Weakness (Điểm yếu) - Opportunity (Cơ hội) - Threat (Thách thức). Đây là quá trình cơ bản để mỗi người có thể tự nhìn nhận lại điểm mạnh và năng lực hiện có của bản thân cũng như những yếu tố bên ngoài sẽ tác động đến con đường thành công sau này.
Các bước phân tích này giúp bạn một lần nữa xem xét lại năng lực bản thân và tìm ra hướng đi phù hợp. Ảnh: Pngtree
Để thực hiện phân tích SWOT, hãy trả lời các câu hỏi dưới đây để nhận ra điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của bản thân:
1. Strength (Thế mạnh):
- Bạn giỏi nhất ở những điều gì?
- Bạn có năng lực cá nhân nào đặc biệt hơn những người khác?
- Thành tích nào làm bạn cảm thấy tự hào?
- Một vài điểm mạnh mà mọi người (kể cả thầy cô, ba mẹ) nhận xét về bạn?
2. Weakness (Điểm yếu)
- Những việc làm bạn đã từng từ chối vì không đủ tự tin thể hiện?
- Bạn bè, thầy cô nói gì về điểm yếu của bạn?
- Những thói quen không tốt của bạn ở nhà và ở trường?
3. Opportunity (Cơ hội)
- Bạn có nhận được sự ủng hộ từ ba mẹ không?
- Tài chính gia đình có hỗ trợ bạn trong việc học tương lai?
- Bạn có được tự do đưa ra quyết định hay phải chịu sự dẫn dắt của người khác?
4. Threat (Thách thức)
- Bạn có đang gặp trở ngại trong việc thi cử hay học hành?
- Áp lực tiền bạc có khiến bạn không được chọn trường theo đúng sở thích?
- Nếu tương lai ngành này không “hot” và không tạo được thu nhập, bạn sẽ làm cách nào?
Bí quyết để làm một bài phân tích SWOT hiệu quả chính là sự thành thật với bản thân dựa trên những câu trả lời chủ quan lẫn khách quan. Bên cạnh đó, hãy suy nghĩ THỰC TẾ với tâm lý sẵn sàng đối mặt với tất cả biến cố để bài phân tích đạt được hiệu quả. Cuối cùng hãy đặt mình trong mối quan hệ tương quan với những người xung quanh để có cái nhìn tổng quan nhất. Chẳng hạn bạn muốn học sâu ngành Ngôn ngữ Anh ở Đại học nhưng hiện tại bạn đang theo học lớp Chuyên Anh. Trên thực tế đây chỉ là một điều kiện cần để bạn tồn tại.
Ảnh: Pinterest
Lời kết:
Nếu không muốn đi sai đường hay tốn quá nhiều thời gian vấp ngã thì cuối cấp là khoảng thời gian thích hợp để bạn tự nhìn lại bản thân sau 12 năm đèn sách. Tuy nhiên hai mô hình phân tích trên đây chỉ có tác dụng nhận diện năng lực chứ không nhằm mục đích khai phá bản thân. Hãy cố gắng liệt kê mọi thứ một cách thật chi tiết và khách quan nhất, từ đó làm tiền đề vững chắc để bạn tìm ra nghề nghiệm đúng đắng trong tương lai.
Nguồn tham khảo:
Mô hình ASK là gì: Mô hình đánh giá năng lực nhân sự chuẩn quốc tế (Base.vn)
Sơ lược về phân tích SWOT (Saga.vn)