Hai chiến tuyến trong một gia đình

  1. Lịch sử

Trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập từ Nhật, Pháp, Mỹ và Trung Quốc, có nhiều trường hợp người trong cùng gia đình đứng ở 2 chiến tuyến đối lập nhau. Bài viết này sẽ kể tên vài trường hợp thú vị trong lịch sử. Xin lưu ý là mình không đề cao hay ca ngợi bất kỳ một lực lượng ngoại bang hoặc bù nhìn nào cả! Hãy đơn giản xem đây là một thông tin thú vị về lịch sử nước nhà!

Trần Văn Dõi - Trần Văn Hương

Trần Văn Dõi, còn có bí danh là Lưu Vĩnh Châu, sinh năm 1924 tại Vĩnh Long. Ông là con trai trưởng của Trần Văn Hương – cựu Tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Lưu Vĩnh Châu tham gia phong trào Thanh niên Tiền phong năm 1944, rồi gia nhập Vệ Quốc Đoàn của Việt Minh chống quân Pháp tái xâm lược. Giữa năm 1946 quân Pháp tấn công Tây Ninh, ông được lệnh ra bắc xin chi viện cho tiền tuyến miền nam. Tuy nhiên lúc đó tình hình ngoài bắc cũng căng thẳng không kém nên ông không trở về nam nữa.

Ông tham gia chiến đấu trong đội tự vệ Bạch Mai trong ngày Toàn quốc Kháng chiến vào ngày 19 tháng 12 năm 1946. Sau này ông là một trong số ít những người Nam Bộ trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, ông ở lại miền bắc và được phong quân hàm Đại úy Quân đội Nhân dân Việt Nam, làm việc tại Tổng cục Hậu cần cho đến ngày đất nước thống nhất. Lưu Vĩnh Châu mất năm 2011 tại Thành phố Hồ Chí Minh

Trần Văn Hương sinh năm 1902 tại Vĩnh Long. Ông từng là thầy giáo tại Trường College Le Myre De Villers tại Mỹ Tho (nay là trường THPT Nguyễn Đình Chiểu). Ông từng giữ chức Đốc học Tây Ninh một thời gian. Sau Cách mạng tháng Tám ông có tham gia Việt Minh một thời gian nhưng rồi bỏ. Sau khi Ngô Đình Diệm lên nắm quyền năm 1955, Trần Văn Hương được bổ nhiệm là Đô trưởng Sài Gòn. Tuy vậy sau đó ông bất mãn với chính quyền Diệm và bày tỏ sự ủng hộ với lực lượng đảo chính năm 1963.

Trần Văn Hương từng giữ chức Thủ tướng VNCH thời gian ngắn (1964) rồi Phó Tổng thống (1971-1975). Ông cũng giữ chức Tổng thống trong 7 ngày sau khi Nguyễn Văn Thiệu từ chức, trước khi trao quyền lại cho Dương Văn Minh.

Sau năm 1975, con trai Lưu Vĩnh Châu trở về gặp ông, lúc này ông mới biết con mình còn sống (trước đó ông Hương nghĩ con mình đã chết). Gia đình ông được hội ngộ và sống cùng nhau tại TP HCM. Trần Văn Hương mất năm 1982 tại TP HCM. Ngoài ra ông Hương còn có một người con út là Trần Văn Đính (sinh năm 1925), từng là phụ tá của ông. Hiện ông Đính đang sống tại Mỹ.

Thông tin thêm: con gái của ông Lưu Vĩnh Châu lấy chồng Hungary và sinh sống tại đó. Họ có một người con trai là Sztancsek Trần Szilard Việt – một huấn luyện viên bóng đá tại Hungary. Năm 2018 Szilard đã về Việt Nam theo lời hứa với ông ngoại và hiện đang công tác tại Học viện Juventus Thành phố Hồ Chí Minh.

Trần Văn Dõi vs Trần Văn Hương

Lưu Vĩnh Châu cùng người con gái (trái), Trần Văn Hương khi là thủ tướng (dưới) và Trần Văn Đính ở Mỹ (phải)

Dương Văn Nhựt - Dương Văn Minh

Dương Văn Nhựt, còn gọi là Dương Thanh Nhựt hoặc Mười Ty, sinh năm 1918 tại Mỹ Tho. Ông là Thiếu tướng QDNDVN đã trải qua 2 cuộc kháng chiến. Anh trai của ông chính là Dương Văn Minh – Tổng thống cuối cùng của VNCH. Ông được Ban Binh vận Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam cử đi bí mật gặp gỡ và tác động lên các quyết định của anh trai mình. Dương Văn Nhựt mất năm 1999 tại TP HCM. Thông tin về ông khá ít ỏi.

Dương Văn Minh sinh năm 1916 tại Mỹ Tho. Ông gia nhập Quân đội Thuộc địa Pháp năm 1939. Ông từng bị quân Nhật bắt sau khi đảo chính Pháp năm 1945, và có tham gia Việt Minh một thời gian. Sau khi Pháp chiếm được Nam Bộ, ông tái phục vụ trong quân đội Pháp. Dương Văn Minh là một trong số những sĩ quan ủng hộ Ngô Đình Diệm phế truất Bảo Đại. Và trớ trêu thay chính ông về sau là người chủ mưu đảo chính phế truất lại Ngô Đình Diệm. Sau đảo chính ông giữ chức Quốc trưởng từ 1963 đến 1964, được thăng cấp Đại tướng năm 1964. Trong giai đoạn biến động của VNCH ông bị ép lưu vong ra nước ngoài vài năm.

Với sự tan vỡ nhanh chóng của VNCH năm 1975, Dương Văn Minh cùng các thành phần thứ 3 chủ trương thương thuyết với phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để chấm dứt chiến tranh. Theo hồi ký một số tướng tá VNCH thì ngày 28/4/1975 tướng tình báo Pháp Francois Vanusseme tới gặp Dương Văn Minh và đề nghị ông kêu gọi Trung Quốc đem quân tấn công miền bắc để giải cứu VNCH. Lúc đó ông đã được em trai là Dương Văn Nhựt (lúc này là Đại tá Quân Giải phóng) thuyết phục từ trước nên đã từ chối và nói:

“Tôi cảm ơn thiện chí của ông, nhưng trong đời tôi, tôi đã từng làm tay sai cho Pháp, rồi tay sai cho Mỹ, đã quá đủ rồi. Tôi không thể tiếp tục làm tay sai cho Trung Quốc.”

Dương Văn Minh trở thành Tổng thống cuối cùng của VNCH vào ngày 28/4/1975. Trưa ngày 30/4/1975 ông đợi Quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập để bàn giao chính quyền và lên Đài phát thanh Sài Gòn đọc tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Ông được đánh giá là đã góp phần chấp dứt chiến tranh và ngăn đổ máu vào những giờ phút cuối cùng. Sau này ông xuất cảnh sang Pháp và sang Mỹ định cư. Dương Văn Minh mất năm 2001 tại Mỹ.

Dương Văn Minh

Dương Văn Minh cùng Quân Giải Phóng tại Dinh Độc Lập. Riêng người em trai Dương Văn Nhựt thì không tìm được ảnh

Bùi Kỷ - Bùi Diễm

Bùi Kỷ sinh năm 1888 tại Hà Nam. Ông là nhà giáo Nho học và nhà nghiên cứu văn hóa quan trọng của Việt Nam trong thế kỷ 20. Từ nhỏ ông đã được tiếp cận nhiền nền giáo dục khác nhau của Nho giáo, Việt Nam, Trung Quốc, Pháp… Ông từng gặp gỡ nhiều nhà cách mạng yêu nước như Phan Châu Trinh, vì lẽ đó mà ông từ chối lời mời cộng tác từ Pháp và triều đình Nhà Nguyễn. Từ năm 1932 Bùi Kỷ dạy học tại Trường tư thục Thăng Long, một trong những học trò của ông chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Sau Cách mạng tháng Tám, Bùi Kỷ được chính phủ VNDCCH mời tham gia giúp nước. Ông giữ các chức vụ quan trong trong phong trào xóa nạn mù chữ. Ngoài ra ông còn là Ủy viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ông có nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa và ngữ văn, nổi bật nhất là “Quốc văn cụ thể”. Bùi Kỷ mất năm 1960 tại Hà Nội. Người con trai duy nhất của ông là Bùi Diễm, cựu Đại sứ VNCH tại Mỹ.

Bùi Diễm sinh năm 1923 tại Hà Nam. Ông hoạt động chính trị khi học tại Trường Bưởi ở Hà Nội (nay là Trường THPT Chu Văn An) và là người ủng hộ nhiệt tình Đại Việt Quốc dân Đảng. Ông vận động ủng hộ chính phủ thân Nhật của Trần Trọng Kiêm. Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, ông chống lại Việt Minh. Ông di cư vào nam nhưng không tham gia chế độ Ngô Đình Diệm vì bất đồng.

Khi Phan Huy Quát lên làm Thủ tướng VNCH, Bùi Diễm mới ra chấp chính với chức vụ Tổng trưởng Phủ Thủ tướng năm 1965 và Ủy viên ngoại giao trong Ủy ban Hành pháp Trung ương năm 1965-1967. Ngoài ra ông còn làm Đại sứ VNCH tại Washington DC, Mỹ từ 1967 đến 1972. Sau năm 1975 thì ông tị nạn tại Mỹ. Có cha là nhân sĩ của Việt Minh nên ông ít khi nào nhắc về gia đình mình. Đến tận bây giờ ông cũng chưa bao giờ về lại cố hương thăm mộ cha.

Bùi Kỷ vs Bùi Diễm

Bùi Kỷ, mặc áo dài khăn đóng, cùng các chiến sĩ Vệ Quốc Quân tại chiến khu (trái) và Bùi Diễm khi là Đại sứ tại Mỹ (phải)

Phan Huy Lê – Phan Huy Quát

Phan Huy Lê sinh năm 1934 tại Hà Tĩnh. Ông là giáo sư, nhà giáo nhân dân và nhà sử học nổi tiếng của Việt Nam. Cha ông là Phan Huy Tùng từng làm cho triều đình Nhà Nguyễn. Một người anh trai cùng cha khác mẹ với ông là Phan Huy Quát – cựu Thủ tướng VNCH. Cả 2 người thuộc dòng dõi Phan Huy nổi tiếng với Phan Huy Ích, Phan Huy Chú…

GS Phan Huy Lê tốt nghiệp ngành Sử - Địa, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1956. Ông được nhận làm Trợ lý giảng dạy tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ông được coi là “Tứ trụ Sử gia Việt Nam” (Lâm, Lê, Tấn, Vượng). Ông từng giữ chức Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam từ 1990 đến 2015. Ông cũng nhận được nhiều giải thưởng danh giá như Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học (2016), Giải thưởng Quốc tế Văn hóa Châu Á Fukuoka của Nhật Bản (1996), Huân chương Cành cọ Hàn lâm của Pháp (2002)... Phan Huy Lê mất năm 2018 tại Hà Nội.

Phan Huy Quát sinh năm 1908 tại Hà Tĩnh. Ông là đảng viên Đại Việt Quốc dân Đảng và ủng hộ giải pháp Quốc gia Việt Nam do Pháp lập ra. Trong giai đoạn loạn binh đảo chính VNCH, ông giữ chức Tổng trưởng Ngoại giao (1964) rồi Thủ tướng (1965). Khi quân đội Mỹ đổ quân lên Đà Nẵng năm 1965 mà không thông báo trước cho VNCH, ông được một sĩ quan Mỹ yêu cầu soạn thảo một thông cáo chính thức để hợp thức hóa sự xâm lược của quân Mỹ. Đến tận lúc đó ông mới biết Mỹ đã cho quân đội đặt chân lên Việt Nam. Ông chỉ đạo: "Viết càng ngắn càng tốt. Chỉ mô tả sự kiện rồi khẳng định rằng chúng ta đã đồng ý mà thôi".

Sau khi Sài Gòn sụp đổ, ông và gia đình bị kẹt lại vì không kịp lên máy bay đi di tản. Ông không ra trình diện chính quyền mới và tìm cách vượt biên. Phan Huy Quát bị bắt giam vào nhà lao Chí Hòa rồi mất tại đó năm 1979.

Phan Huy Lê vs Phan Huy Quát

Phan Huy Lê (trái) và Phan Huy Quát khi làm thủ tướng (phải)

Vũ Như Canh – Vũ Văn Mẫu

Vũ Như Canh sinh năm 1920 tại Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Ông là giáo sư, nhà giáo nhân dân và tiến sĩ toán – lý. Cha mẹ ông có cửa hàng buôn bán trên phố Hàng Nón. Nhưng ông không theo nghiệp kinh doanh mà theo đường học hành. Lúc nhỏ Vũ Như Canh rất ham chơi và bị lưu ban mấy năm. May mà được người anh trai là Vũ Văn Mẫu kèm cặp để rồi một năm học nhảy….4 lớp! Năm 1938 ông sang Pháp du học và tốt nghiệp Tiến sĩ Toán – Lý tại Trường Đại học Montpellier. Năm 1949 ông về nước tham gia giảng dạy tại Trường Đại học Khoa học Cơ bản Đông Dương ở Hà Nội.

Sau khi quân Pháp thua trận, ông từ chối di tản vào nam cùng anh trai mà ở lại Hà Nội. Vũ Như Canh trở thành một trong những giáo sư kỳ cựu của VNDCCH cùng với GS Lê Văn Thiêm, Ngụy Như Kon Tum, Dương Trọng Bái… GS Vũ Như Canh là người đặt nền móng cho Khoa Vật lý của cả 2 trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội). Nhiều học trò của ông sau này đã trở nhành những nhà khoa học lỗi lạc như PGS-TS Vũ Thanh Khiết, GS-TS Đàm Trung Đồn, GS Đào Vọng Đức…

GS Đàm Trung Đồn nhớ lại một kỷ niệm với người thầy của mình như sau: “Thời kì sắp tiếp quản Hà Nội, tôi cùng một số anh em trong Đoàn Thanh niên cứu quốc Hà Nội tổ chức đi vận động các thầy cô giáo không di cư vào Nam. Cùng với một anh nữa, tôi đến nhà thầy Vũ Như Canh, định bụng nói: Thầy ở lại đây để dạy cho chúng em. Đến nơi, chưa kịp nói gì thì thầy Canh đã nói: Tôi ở lại Hà Nội chứ tôi không đi vào Sài Gòn. Và thầy nói thêm: Chúng tôi phải ở lại. Sinh viên các anh ở lại thì chúng tôi cũng phải ở lại chứ”.

Vũ Văn Mẫu sinh năm 1914 tại Hà Đông. Ông là tiến sĩ luật và chính trị gia VNCH. Ông chính là anh trai của GS Vũ Như Canh. Ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Luật tại Pháp năm 1940 rồi về nước giảng dạy. Sau Hiệp định Geneva ông di tản vào nam trong khi người em trai ở lại miền bắc. Từ đó 2 anh em mỗi người li biệt một nơi. Vũ Văn Mẫu được bổ nhiệm làm Chánh nhất Tòa Phá án VNCH. Ông được đánh giá là một học giả uy tín và uyên bác về luật. Vũ Văn Mẫu từng làm Tổng trưởng Ngoại giao VNCH từ 1955 đến 1963. Nhưng vì phản đối chính sách kỳ thị Phật giáo của Ngô Đình Diêm nên ông tự cạo đầu và từ chức.

Vũ Văn Mẫu cũng là thượng nghị sĩ VNCH và được Dương Văn Minh đề cử làm Thủ tướng 3 ngày trước khi Sài Gòn sụp đổ. Sau giải phóng ông được phép xuất cảnh sang Pháp định cư rồi mất tại đó năm 1998.

Vũ Như Canh vs Vũ Văn Mẫu

Vũ Như Canh (trái) và Vũ Văn Mẫu lúc trẻ (phải)

Lê Văn Huấn – Lê Văn Hoạch

Lê Văn Huấn, không rõ năm sinh năm mất, là giáo sư và nhà giáo yêu nước tại Cần Thơ. Ông chính là em trai của Lê Văn Hoạch – cựu Thủ tướng Cộng hòa Tự trị Nam Kỳ do Pháp dựng lên. GS Lê Văn Huấn từng dạy học tại Trường Petrus Ký ở Sài Gòn (nay là Trường THPT Lê Hồng Phong). Ông tham gia phong trào chống Pháp cùng với các nhà cách mạng gạo cội ở miền nam như Thái Văn Lân, Nguyễn Hữu Thọ, Lưu Văn Lang, Kha Vạn Cân… Ông cũng là kỹ sư phát triển Đài Tiếng nói Nam Bộ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Thông tin về ông không nhiều, chỉ biết chức vụ sau này của ông là Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Lê Văn Hoạch sinh năm 1898 tại Cần Thơ. Ông tốt nghiệp bác sĩ tại Hà Nội năm 1923. Ông theo đạo Cao Đài. Sau khi cựu Thủ tướng Nguyễn Văn Thinh thân Pháp tự sát, ông được Pháp đưa lên làm Thủ tướng Cộng hòa Tự trị Nam Kỳ từ 1946 đến 1947. Vì chỉ là chức vụ bù nhin nên không có thực quyền. Sau khi VNCH thành lập thì ông không còn tham gia chính trường. Lê Văn Hoạch mất năm 1978 tại quê nhà.

Lê Văn Hoạch

Lê Văn Hoạch. Riêng người em trai Lê Văn Huấn thì không tìm được ảnh


Thông tin tổng hợp từ nhiều nguồn như Báo An Ninh Thế Giới, sách Nam Bộ - Những Nhân Vật Vang Bóng Một Thời của Nguyên Hùng, sách Hồi ký Tướng Tá Sài Gòn Xuất Bản Tại Hải Ngoại của Mai Nguyễn, Wikipedia, các bài phóng sự nhiều kỳ trên Báo Tuổi Trẻ và Thanh Niên v.v...

Từ khóa: 

việt nam

,

lịch sử

,

lịch sử

Polynices - Eteocles : huynh đệ tương tàn

Trả lời

Polynices - Eteocles : huynh đệ tương tàn