Hai bà Trưng- minh chứng cho bản lĩnh của người phụ nữ Việt Nam xưa và nay!
“Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục bắc nam cũng khác
Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần
Đã bao đời gây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên
Mỗi bên xưng đế một phương
Tuy mạnh, yếu từng lúc khác nhau
Song hào kiệt đời nào cũng có!”
(Bình Ngô đại cáo)
Thật vậy, nước Nam ta tuy nhỏ bé hơn nhiều so với đất nước Trung Hoa, nhưng tự bao đời nay vẫn luôn hãnh diện vì có vô số “thiên nam nữ kiệt” như những vì sao sáng trong dải ngân hà hội tụ về dựng xây non sông gấm vóc đẹp xinh. Nếu như Trung Quốc từng có một Võ Tắc Thiên là nữ hoàng đế duy nhất trong lịch sử các triều đại phong kiến thì phụ nữ Việt Nam chúng ta cũng rất đỗi tự hào có Bà Trưng Trắc là nữ vương đầu tiên của đất nước!
Nhắc đến Bà Trưng Trắc là nhắc đến câu chuyện “Nợ nước thù nhà” của Hai bà Trưng. Câu chuyện này đã tiếp lửa cho lòng yêu nước của dân tộc Việt âm ỉ cháy qua ngàn năm vĩnh cửu. Chuyện về Hai bà Trưng đánh đuổi thái Thú Tô Định và giặc phương Bắc giành độc lập cho nước Nam ta thì có lẽ không người con nào của đất Việt mà chưa từng nghe qua. Tôi không muốn bàn thêm về công trạng của Hai bà Trưng trong công cuộc đấu tranh giành độc lập và khơi dậy tinh thần yêu nước của một dân tộc bấy lâu nay vẫn ngủ vùi trong màn đêm u tối. Tôi chỉ muốn nói thêm một chút về sự cảm hóa mạnh mẽ của hai bà đối với dân chúng lầm than lúc bấy giờ và những giá trị riêng của câu chuyện hai bà Trưng giết giặc cứu nước đối với bao thế hệ phụ nữ Việt Nam từ xưa đến nay!
Tóm tắt câu chuyện Hai Bà Trưng giành lại đất nước từ giặc Hán.
Thủa nhỏ, chúng tôi thường được ông bà của mình kể lại rằng: Hai bà Trưng thuộc dòng dõi Lạc tướng ở Mê Linh, cha mất sớm, từ nhỏ hai bà đã được mẹ nuôi dạy cẩn thận, sớm có lòng yêu nước và tinh thần thượng võ. Khi lớn lên chứng kiến cảnh nước mất nhà tan, nhân dân lầm than cơ cực. Sự tàn bạo độc đoán của lũ giặc phương Bắc càng làm dấy lên trong Hai bà lòng căm thù sâu sắc. Hai bà đã nung nấu ý chí giết giặc cứu nước, tập hợp lực lượng ngày đêm tập luyện, mài đao mài kiếm, định ngày phất cờ khởi nghĩa.
Hai bà Trưng vốn giàu chí khí. Chứng kiến cảnh người dân mình bị đánh đập, hai bà đau xót, càng quyết làm việc lớn. Chị cả Trưng Trắc nói: “Trong cảnh nước mất nhà tan, giặc Hán gây bao nỗi đau thương, tang tóc cho dân ta. Chị chỉ muốn đập tan ngay mọi nỗi bất bằng, diệt hết loài giặc Hán để cứu lấy muôn dân ra khỏi cảnh lầm than chứ không thể ngồi yên chốn phòng the được”. Nghiệp lớn càng vững vàng hơn khi nàng Trưng Trắc nên duyên cùng chàng Thi Sách, con trai Lạc tướng Chu Diên. Từ đấy, sức mạnh hai nhà được tập hợp lại, lực lượng càng đông đảo, tiếng tăm lừng lẫy khắp một vùng.
Tô Định là Thái Thú quận Giao Chỉ khi ấy lo sợ trước sự lớn mạnh của nghĩa quân, bèn lập mưu mời Thi Sách về dự yến tiệc rồi hãm hại chàng. Có lẽ lúc này Tô Định đã có ý xem thường người phụ nữ phương Nam chúng ta. Hắn nghĩ rằng kẻ đứng đầu chỉ đạo là Thi Sách, vậy nếu tiêu diệt Thi Sách, đội quân ô hợp của Hai bà Trưng sẽ như “rắn mất đầu”, không đánh mà tự tan. Những người phụ nữ làm việc lớn như Trưng Trắc, Trưng nhị xưa nay chưa từng có tiền lệ trong lịch sử. Bởi vậy, sự tồn tại của hai bà xem ra chẳng đáng lo ngại cho âm mưu thôn tính Đại Việt của chúng. Trưng Trắc, Trưng Nhị chỉ là phận nữ nhi, xưa nay chưa từng cầm quân đánh trận, ắt không thể làm nên trò trống gì đe dọa được chúng.
“Nợ nước thù nhà” ngày càng đè nặng đôi vai. Hai bà Trưng phất cờ khởi nghĩa. Lũ giặc phương Bắc cuối cùng đã phải trả giá cho sự ngông cuồng tàn bạo của chúng.
“Một xin rửa sạch thù nhà
Hai xin nối lại nghiệp xưa họ Hùng
Ba kêu oan ức lòng chồng
Bốn xin vỏn vẻn sở công lênh này”
Tiếng trống trận rền vang khắp một vùng trời. Được sự đồng lòng ủng hộ và hưởng ứng nhiệt tình của dân chúng khắp vùng, Hai bà Trưng đánh đâu thắng đó. Thái Thú Tô Định khiếp sợ mà tự cạo trọc đầu, thay đồ thường dân lẻn vào đám tàn quân chạy trốn về nước. Nước Việt ta giành độc lập sau hơn hai trăm năm bị xiềng xích gông cùm, muôn dân vui mừng khôn xiết, liền tôn bà Trưng Trắc lên làm vua, đóng đô ở Mê Linh, chiếm giữ 65 thành trì trên khắp cả nước!
Hai bà Trưng và sự cảm hóa sâu sắc lòng dân, làm lay động lòng người!
Chỉ là hai người phụ nữ bình thường nhưng… thật phi thường! Cái phi thường ở đây không chỉ là cái tài văn võ, tài quân sự, tài thao lược cầm quân đánh trận! Mà còn là cái tài làm lay động lòng người! Bởi trong thời buổi loạn lạc, nước mất nhà tan, nhân dân lầm than cơ cực, bởi khi bọn nam nhân của nước Việt dường như cam chịu luồn cúi mong được yên thân thì Hai bà Trưng đã gánh vác cả sứ mệnh của lịch sử giao phó, gánh vác trên đôi vai mỏng manh của người nữ nhi trọng trách lớn lao là độc lập dân tộc, tự chủ tự cường, là no ấm cho muôn dân, là một đất nước thái bình thịnh trị! Sử gia Lê Văn Hưu viết trong Đại Việt sử ký toàn thư : “Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà, hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố, cùng 65 thành ở Lĩnh Ngoại đều hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay, có thể thấy hình thế đất Việt ta đủ dựng được nghiệp bá vương”. Vì sao Hai bà Trưng có sức mạnh ghê gớm vậy? Các nhà sử học đánh giá rằng, việc Hai bà Trưng phất cờ khởi nghĩa vào thời điểm đó đã thức tỉnh cả dân tộc Việt dường như còn đang ngủ vùi trong màn đêm u tối. Nhưng tôi nghĩ, không đơn thuần là sự thức tỉnh mà là cảm hóa- một sự cảm hóa lòng người sâu sắc? Con dân đất Việt ta lúc bấy giờ đã khốn khổ đến tận cùng. Họ mong muốn thoát khỏi kiếp lầm than nhưng lại không có một ai dẫn lối chỉ đường! Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đối với họ giống như “một tia sáng cuối đường hầm”! Không gì sung sướng hơn khi họ được vùng lên giành lại tự do cho chính mình! Đó là sự cảm hóa sâu sắc lòng dân, làm lay động lòng người mà không phải một nam nhân, nữ nhân thời đại nào cũng làm được! Nếu không phải là sự cảm hóa thì làm sao Hai bà Trưng lại dễ dàng phục thù cứu quốc? Làm sao được tôn Vương?
Hai bà Trưng- minh chứng hùng hồn cho bản lĩnh của người phụ nữ Việt Nam tự bao đời nay!
Trong xã hội ngày nay, việc một người phụ nữ nắm quyền lãnh đạo hay hoạt động trên sân chơi chính trị, một người phụ nữ nắm giữ những trọng trách lớn lao trong bộ máy nhà nước không phải là điều gì quá xa vời. Nhưng, quá khứ thì khác! Nhìn lại lịch sử của các nước, đặc biệt các nước châu Á, việc người phụ nữ nắm giữ quyền lực được xem là một điều tối kị. Bởi theo quan điểm của con người Á Đông, mà chặt chẽ nhất là hệ tư tưởng Nho giáo thì người phụ nữ vốn là phận “nhi nữ thường tình”, phận “liễu yếu đào tơ” chỉ nên đứng nép bên cạnh đức lang quân của mình. Họ chỉ có thể là những người đứng sau chăm chút miếng ăn giấc ngủ cho chồng, “nâng khăn sửa túi” cho bậc “đại trượng phu” của lòng mình mà thôi. Mặc dù lúc này chế độ mẫu hệ vẫn còn ảnh hưởng nặng nề nhưng dường như lịch sử đã được lập trình sẵn bởi hệ tư tưởng phong kiến giáo điều và người phụ nữ phải nằm trong một khuôn mẫu nhất định do xã hội đặt ra. Vậy nhưng, kì lạ thay, chính trong cái xã hội phong kiến hà khắc, khắt khe và đầy định kiến đối với người phụ nữ ấy. Thời ách đô hộ của giặc phương Bắc đặt lên nước Việt ta, với “hàng trăm thứ thuế vô lí”, với sự tàn bạo đến cùng cực, bọn giặc dã “xem mạng người như cỏ rác”. Trong khi những nam nhân cùng thời vì khiếp sợ sự tàn bạo của quân xâm lược, cúi mình để mặc đất nước bị giày xéo suốt hơn hai trăm năm thì những người phụ nữ đã đứng lên lãnh đạo nhân dân chiến đấu bằng chính lòng căm thù và sự can đảm, bằng chính tài thao lược và bản lĩnh của mình. Đó là bản lĩnh người phụ nữ Việt Nam- bản lĩnh hai bà Trưng! Qủa là “Nữ kiệt” nước Nam ta “đời nào cũng có”! Và, những vị nữ kiệt - nữ anh hùng trong buổi ấy lại càng đáng ngợi ca biết bao lần! Dưới sự lãnh đạo của Hai bà Trưng, các nữ tướng tài ba anh dũng xuất hiện càng nhiều, đó là nữ tướng Lê Chân, Lê Thị Hoa, Vũ Thị Thục, Niết Bàn công chúa, Thánh Thiên công chúa….
Cuộc khởi nghĩa của Hai bà Trưng tuy chỉ giành độc lập cho dân ta trong ba năm ngắn ngủi, nhưng là sự mở đầu cho phong trào đấu tranh yêu nước của một dân tộc yếu ớt u mê lúc bấy giờ. Không chỉ vậy, Trưng nữ Vương còn là hình tượng cho những người phụ nữ ở thế hệ sau noi theo, là sự khởi đầu cho phong trào của những nữ nhân- nữ anh hùng nổi lên giữa thời loạn lạc giết giặc cứu nước! Đó là phong trào khởi nghĩa
Bà Triệu năm 248 chống giặc Ngô…. Và sau này, ở đất Việt ta vẫn không thiếu những bóng hồng nối gót Hai bà Trưng tiếp bước truyền thống “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh” như Chị Võ Thị Sáu, chị Nguyễn Thị Minh Khai, nữ tướng Bùi Thị Xuân, Nguyễn Thị Định…. Còn có thêm nhiều người phụ nữ vô danh nhưng luôn luôn tràn đầy tinh thần chiến đấu quả cảm như “O du kích nhỏ”:
“O du kích nhỏ dương cao súng
Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu
Ra thế! To gan hơn béo bụng
Anh hùng đâu cứ phải mày râu.”
Thật vậy, “anh hùng đâu cứ phải mày râu”! Chỉ từ một người phụ nữ vô danh, O du kích nhỏ đã làm được những điều lớn lao kì diệu! Một dân tộc Việt Nam nhỏ bé nhưng luôn giàu có những người phụ nữ “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” đã làm nên được những điều lớn lao kì diệu hơn thế! Sử lược Việt Nam ta với biết bao anh hùng hào kiệt là nữ nhân đã và đang viết tiếp những trang sử vàng chói lọi. Câu chuyện về Hai bà Trưng thay cho những lời bàn và lời khẳng định về bản lĩnh của người phụ nữ Việt Nam ta tự bao đời nay!
Trong thời bình hôm nay, thế hệ trẻ phụ nữ Việt Nam ngày càng làm tốt hơn vai trò của mình trong nhiều lĩnh vực quan trọng từ kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao….Mặc dù Hai bà Trưng thất bại trước sự tấn công ồ ạt của quân Mã Viện nhưng bấy nhiêu thôi, “ấy cũng là đủ để cái tiếng thơm về muôn đời” (Việt Nam sử lược). “Kể trong sử Việt anh hùng ai hơn”? Thế hệ trẻ chúng ta hôm nay vẫn mãi tự hào bởi trang sử vàng của dân tộc vẫn tiếp tục ghi danh những người phụ nữ Việt Nam của thời đại!
“Thiên nam nữ kiệt” của nước Việt ta “thời nào cũng có"!
(Bài viết có sự tham khảo một số nguồn từ Internet).