Hackathon và những điều cần biết
Hackathon là gì?
Hackathon là tên gọi một cuộc thi phát triển phần mềm, tên gọi của nó được ghép bởi hai từ “hack” và “marathon”. Hack chỉ việc giải quyết vấn đề sử dụng phương pháp tối ưu nhất, hiệu quả cao nhất trong thời gian ngắn. Marathon chỉ sự ganh đưa dành thứ tự.
Nhiều người cho rằng tên gọi hackathon được nêu ra lần đầu tại Hội thảo JavaOne 1999 khi ban tổ chức bất ngờ đề xuất cuộc thi lập trình tại chỗ, ứng dụng nền tảng Java. Sau những buổi ngồi nghe diễn giảng về cơ chế liên lạc mới của Java, nhiều người lập trình háo hức với chủ đề của cuộc thi: truyền dữ liệu giữa các máy Palm cầm tay qua cổng hồng ngoại.
Hành trình Hackathon
Tham gia cuộc thi, các đội sẽ mang đến dự án phần mền của chính mình, dự án này này có thể là một phần mềm máy tính, ứng dụng điện thoại hay là một website. Những người tham gia có thể chuẩn bị ý tưởng, hoặc chuẩn bị bản vẽ thiết kế từ trước, nhưng toàn bộ khâu lập trình phải được thực hiện trong thời gian diễn ra của cuộc thi. Giám khảo của cuộc thi là một đội ngũ chuyên gia, giàu kinh nghiệm trong nghề, bên cạnh việc đánh giá sản phẩm cuối cùng, còn đóng vai trò như cố vấn viên giúp đội tham gia định hướng và phát triển sản phẩm. Khi thời gian kết thúc, các đội sẽ thuyết trình và demo sản phẩm của mình trước ban giám khảo và những đội thi khác, sản phẩm sáng tạo, có tính thực tiễn cao sẽ trở thành người thắng cuộc.
Tại hackathon, khả năng làm việc nhóm dưới áp lực cao chính là nhân tố quyết định cho thành công của các đội tham gia.Sự giới hạn thời gian là một đặc điểm của hackathon. Mỗi sự kiện hackathon thường chỉ diễn ra trong thời gian từ một đến ba ngày, đôi khi kéo dài đến một tuần.
Mỗi cuộc thi hackathon thường có 3 vòng chính: vòng ý tưởng, code tập trung, và thuyết trình sản phẩm. Tại vòng ý tưởng, các đội thi gửi ý tưởng sản phẩm về cho ban tổ chức, sau khi đánh giá về sự sáng tạo, khả năng áp phát triển, áp dụng vào thực tiễn…Những đội đáp ứng yêu cầu sẽ được chọn để đi tiếp vào vòng 2. Tham gia vào vòng 2, các đội sẽ được tập trung tại một địa điểm, tiến hành code tập trung, và biến ý tưởng thành sản phẩm cụ thể. Thức ăn, nước uống, chỗ nghỉ ngơi sẽ được ban tổ chức chuẩn bị đầy đủ. Sau khi thời gian kết thúc, các đội lần lượt thuyết trình và demo sản phẩm trước ban giám khảo và những người tham dự.
Mục đích của các cuộc thi hackathon là để tìm kiếm những ý tưởng công nghệ mới, có thể áp dụng trong thực tế, cải thiện chất lượng cuộc sống. Đây vừa là sân chơi bổ ích cho dân công nghệ, đồng thời cũng là nơi chắp cánh cho những ý tưởng sáng tạo mới. Đôi khi hackathon cũng được tổ chức tại các trường học như một môn học đặc biệt.
Hackathon trong mắt các ông lớn
Nhiều công ty tài trợ cho hackathon để mở rộng tầm ảnh hưởng, phát hiện ý tưởng mới.Tháng 9/2011, Công ty Foursquare tổ chức hackathon quy mô lớn, diễn ra đồng thời tại bốn thành phố New York, San Francisco, Tokyo và Paris. Phần thưởng cho những người thắng cuộc là một thắt lưng mạ vàng (như thể đai vô địch của môn quyền anh), một chuyến viếng thăm New York và… một bữa tối với người sáng lập Foursquare.
Google và Facebook cũng thường tổ chức hackathon nội bộ để kích thích tư duy sáng tạo của nhân viên. Google tài trợ cho những hackathon tập trung vào hệ điều hành Android hoặc khai thác API của Google+.PayPal tài trợ cho những hackathon chuyên về giải pháp thanh toán qua mạng.Nokia, AT&T và cả Unilever nhìn thấy ở hackathon một phương thức đắc dụng để quảng bá sản phẩm và tuyển dụng tài năng.
Sản phẩm từ Hackathon trong thực tế
Nút Like, timeline và chức năng Chat của Facebook đều là sản phẩm của những cuộc thi hackathon trong nội bộ công ty. Một sản phẩm từ hackathon khác cũng rất thành công là GroupMe. Ứng dụng chat này được tạo ra từ cuộc thi TechCrunch Disrupt 2010, sau đó nhận được hơn 10 triệu USD tiền đầu tư mạo hiểm. Chỉ một năm sau, Skype đã bỏ ra hơn 80 triệu USD để mua lại GroupMe.
Nguồn: Techinsight.com