Gửi tiết kiệm online có thực sự an toàn?
Trong thời đại số hóa đã thay đổi mạnh mẽ hành vi mua sắm, sinh hoạt của con người. Thay vì dành thời gian di chuyển đến điểm bán, ngày càng nhiều người chọn tìm hiểu và lựa chọn các sản phẩm mình yêu thích qua internet.
Các sản phẩm tài chính ngân hàng cũng không nằm ngoại lệ xu hướng này. Bên cạnh các giao dịch phổ thông nhất như giao dịch chuyển khoản trực tuyến, sản phẩm tiết kiệm online cũng đã được nhiều ngân hàng triển khai và ngày càng được nhiều người biết tới.
Gửi tiết kiệm online là một hình thức mà thay vì phải đến quầy giao dịch, khách hàng có thể thực hiện các thao tác từ mở sổ tiết kiệm, kiểm tra thông tin lãi suất, gửi tiền, tất toán, tái tục… trên các thiết bị điện tử có kết nối internet mọi lúc mọi nơi.
Để gửi tiết kiệm online ở một ngân hàng, trước hết bạn phải có tài khoản thanh toán và đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử (Internet Banking) tại chính ngân hàng đó.
“Việc gửi tiết kiệm online như này rất tiện cho những không có nhiều thời gian, ngồi tại nhà hay ở văn phòng làm việc bạn cũng có thể thực hiện các công đoạn của việc gửi tiền tiết kiệm, không những thế lãi suất gửi tiết kiệm online có phần còn nhỉnh hơn gửi tiết kiệm tại quầy”.
Tại Việt Nam, ngân hàng điện tử cũng đang phát triển mạnh mẽ với nhiều sản phẩm được các ngân hàng tung ra thị trường, trong đó có sản phẩm tiết kiệm online (trực tuyến). Theo đó, chỉ cần một cú click chuột, trong vòng vài phút, khách hàng có thể thực hiện các thao tác từ mở sổ tiết kiệm, kiểm tra thông tin lãi suất, gửi tiền, tất toán, tái tục.
Đặc biệt, để khuyến khích khách gửi tiết kiệm điện tử, các ngân hàng đang ưu đãi lãi suất gửi online cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm thông thường 0,01 - 0,25%/năm. Theo các ngân hàng, chi phí để thực hiện giao dịch qua internet giảm rất nhiều so với chi phí giao dịch tại quầy. Hơn nữa, giao dịch qua mạng giúp ngân hàng có thể hạn chế rủi ro do cán bộ ngân hàng gây ra. Do đó, nhiều ngân hàng đang đề ra mục tiêu đẩy mạnh thu hút tiền gửi online.
Tuy nhiên, cũng còn khá nhiều người lo ngại về tính an toàn của hình thức gửi tiết kiệm này. Chẳng hạn như gửi tiết kiệm online thì không có sổ vật lý hay chứng từ làm “bằng chứng”, làm sao biết được tiền gửi đang an toàn trong sổ tiết kiệm của mình...?
Về vấn đề này, lãnh đạo các ngân hàng cho biết, gửi tiết kiệm trực tuyến thậm chí còn an toàn hơn cả gửi tiền tại quầy. Bởi lẽ lệnh giao dịch được thực hiện bởi chính khách hàng và nhân viên ngân hàng không thể can thiệp được.
Hơn nữa, khi thực hiện giao dịch gửi tiền online, hệ thống của ngân hàng đã xác thực người dùng nhiều lớp và gửi thông tin xác thực cho khách hàng qua tin nhắn điện thoại, qua email, token hoặc nhận diện bằng vân tay, khuôn mặt... Thông tin xác thực này không thể giả mạo được và không hề có sự can thiệp của con người, mà tự sinh từ hệ thống và được lưu vết trên hệ thống.
Các chuyên gia cũng cho rằng, người dùng dịch vụ tiền gửi online không cần lo lắng về tính pháp lý. Bởi những thông tin xác thực cho khách hàng qua tin nhắn điện thoại, qua email... được xem là những chứng từ điện tử hợp lệ và có giá trị pháp lý đối với hình thức gửi tiền trực tuyến. Khi có bất kì một biến động nào liên quan đến tài khoản gửi tiết kiệm, ngay lập tức hệ thống của các ngân hàng sẽ gửi tin nhắn thông báo về số điện thoại khách hàng đăng kí.
Chẳng hạn như giao dịch gửi tiền online tại Vietcombank, VIB, VPBank, Techcombank hiện nay, khách hàng sẽ được chứng thực bằng biên lai xác nhận giao dịch gửi tiền có kỳ hạn gửi vào hòm thư điện tử của khách hàng. Trên tài khoản, ngân hàng cũng có danh mục riêng cho các giao dịch online để khách hàng theo dõi xem tiền đã vào hệ thống hay chưa. Khi tất toán sổ tiết kiệm khách hàng cũng phải nhập mã OTP bằng tin nhắn hoặc mã sinh ra từ Smart OTP – là phương thức bảo mật an toàn cao hơn so với tin nhắn do được sinh ra duy nhất cho từng giao dịch.
Hay mới đây, SCB là ngân hàng tiên phong trong việc cho phép khách hàng gửi tiết kiệm online qua email khách hàng và tra cứu thông tin bằng cách quét mã QR trên sổ online. Ngân hàng cũng điều chỉnh giao diện màn hình eBanking, giúp khách hàng chủ động lựa chọn tính năng nhận sổ tiết kiệm online qua email bất kỳ lúc nào.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các ngân hàng, để tuyệt đối an toàn khi giao dịch trực tuyến thì khách hàng cần bảo quản ĐTDĐ, email và các mật khẩu đăng nhập một cách chặt chẽ. Trường hợp thất lạc điện thoại hay bị rò rỉ thông tin..., cần thực hiện thay đổi hoặc báo ngân hàng khẩn cấp.
Theo luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Đoàn luật sư TP Hà Nội), về tính pháp lý của các giao dịch trực tuyến thì không có gì phải lo lắng. Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng, vấn đề lo ngại với loại hình này là nạn hacker. Do đó, khi thực hiện giao dịch gửi tiết kiệm online, khách hàng không nên vào các trang web lạ và có tính bảo mật kém trên máy tính hoặc điện thoại.