Gốm cây mai Sài Gòn xưa
Tác phẩm Gốm Cây Mai Đề Ngạn - Sài Gòn xưa của tác giả Huỳnh Ngọc Trảng và Nguyễn Đại Phúc là một nghiên cứu công phu về sản phẩm gốm Cây Mai, loại hình sản phẩm gốm mang đặc trưng Nam Bộ đã có mặt từ rất lâu nơi đất Sài Gòn xưa, được bản đồ Trần Văn Học năm 1815 ghi nhận với địa danh xóm Lò Gốm. Còn trong Phú cổ Gia Định phong cảnh vịnh ra đời đầu thế kỷ 19 đã có câu nhắc tới: "Cắc cớ chợ Lò Rèn,/Chạc chạc nghe nhà Ban đánh búa;/Lạ lùng xóm Lò Gốm,/Chơn vò vò Bàn Cổ xây trời".
Khung cảnh lò gốm Cây Mai được ghi nhận qua bưu ảnh của người Pháp. Theo tìm hiểu của Đại úy công binh Derbès dạo năm 1882, ở Chợ Lớn có khoảng 30 lò gốm tại Hòa Lục, Phú Định, Cây Mai... Đến năm 1898 vùng Chợ Lớn có hơn 10 lò gốm có tên tuổi: Hòa Hợp Diêu, Đạt Thành Diêu, Đồng Hòa Diêu... với chủng loại sản phẩm đa dạng, phong phú như đôn, rồng cho đến lu, chậu...
Sản phẩm gốm Cây Mai được trưng bày tại Bảo tàng Sài Gòn (nay là Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh) từ trước 1975, lưu giữ, giới thiệu tới công chúng một thương hiệu gốm cổ danh tiếng của đất Sài Gòn. Theo Trương Vĩnh Ký cũng như trên thực tế bản đồ Trần Văn Học, xóm Lò Gốm nơi có thương hiệu gốm Cây Mai nằm ở phía ngoài bến Bình Đông hai bên kinh Ruột Ngựa gồm làng Hòa Lục (Quận 8) và Phú Định (Quận 6), tức là trải dài theo rạch Lò Gốm - bến Lò Gốm đến tận Phú Lâm (Quận 6 ngày nay)
Sản phẩm gốm Cây Mai đa dạng về loại hình. Trong đó có gốm gia dụng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt gia đình như siêu, nồi, hũ, khạp...; gốm xây dựng có nhiều loại để trang trí nội thất như gạch tráng men, ngói âm dương, ô thông gió...; gốm gia dụng bài trí như bình hoa, đôn, chậu cảnh... Trong ảnh là mặt trước đôn với đề tài đắp quần thể điển tích (hai hình bên trái) của lò gốm Đồng Hòa, và mặt trước, mặt sau đôn với đề tài tam sư hí cầu, hoa chim (hai hình bên phải) của lò gốm Nam Lợi An.
Gốm Cây Mai còn có loại gốm thờ tự với những chân đèn hình chim phụng, sư tử, bộ tam sự... Bên cạnh đó còn một số lượng lớn là tượng thờ tại gia với kích thước nhỏ như tượng ông Địa, Quân Âm Bồ tát... Đồng thời còn có tượng gốm trang trí chiếm số lượng lớn trong dòng sản phẩm gốm Cây Mai. Trong ảnh từ trái qua là tượng Đông Phương Sóc, tượng Lý Thiết Quải, tượng dâng tước và tượng Gia quan tấn tước.
Trong sản phẩm gốm Cây Mai, "ngõa tích hãng" là những sản phẩm có hoa văn và điêu khắc tượng người, được dùng để trang trí trên sườn mái bờ nóc, đền miếu... làm cho quần thể công trình trở nên sống động, có hồn. Hình trên là quần thể tiểu tượng của lò Bửu Nguyên trang trí công trình Tuệ Thành hội quán thuộc Quận 5, có niên đại năm 1908 với điển tích thầy trò Đường Tăng trong "Tây du ký" (bên trái) và điển tích "Thất cầm Mạnh Hoạch" trong "Tam quốc diễn nghĩa" (bên phải).
Ảnh trên là quần thể tiểu tượng cũng tại Tuệ Thành hội quán, Quận 5 thuộc giai đoạn 1865-1875 của dòng gốm Thạch Loan ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Điều đó cho thấy gốm trang trí các cơ sở thờ tự, tôn giáo không chỉ của dòng gốm Cây Mai, mà còn có cả tiểu tượng được nhập từ Trung Quốc sang.
Trong ảnh trên là quần thể tiểu tượng của lò Đồng Hòa tại Phước An hội quán thuộc Quận 5. Trang trí hình sư tử và cá hóa rồng là sản phẩm gốm Lái Thiêu được trang trí ở giai đoạn sau.
Xóm Lò Gốm là một địa danh được nhắc đến trong sách Gia Định Thành thông chí và được ghi trên bản đồ Gia Định - Sài Gòn do Trần Văn Học vẽ vào năm 1815. Hoạt động của xóm Lò Gốm này cũng được nói đến trong bài Phú cổ Gia Định phong cảnh vịnh, sáng tác vào đầu thế kỷ XIX: Cắc cớ chợ Lò Rèn,/Chạc chạc nghe nhà Ban đánh búa;/Lạ lùng xóm Lò Gốm/Chơn vò vò Bàn Cổ xây trời. Đây là những cứ liệu cổ xưa nhất nói về xóm Lò Gốm, xác định sự hiện hữu của nghề làm gốm ở xứ Đề Ngạn/Sài Gòn xưa. Cũng có thể kể thêm là tấm biển "Đào Lư hội quán" (Hội quán Lò gốm) được tạo tác vào năm Giáp Thân (1884) hiện tồn ở đình Phú Hòa (phường 11, quận 6, TP. Hồ Chí Minh) và danh mục các lò gốm được liệt kê trong tấm bia Xưởng thiết cơ khí thủy xa bi ký ở Hội quán Tuệ Thành (1898).
Cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, tình hình sản xuất gốm ở Nam kỳ được một số tác giả người Pháp đề cập đến trong các tạp chí nghiên cứu và trong các địa phương chí các tỉnh ở Nam kỳ. Đặc biệt tường tận là bài khảo cứu về kỹ nghệ làm đồ đất nung ở Nam kỳ của đại úy công binh Derbès cho biết ở Chợ Lớn, hồi cuối thế kỷ XIX, có 30 lò ở Hòa Lục, Phú Định, Cây Mai, Vĩnh Hội và Liêng Thanh (?). Song đến năm 1898, tức 16 năm sau ghi nhận của Derbès, đã có hơn mười lò gốm ở vùng Chợ Lớn: Hòa Hợp Diêu, Đạt Thành Diêu, Hiệu Bửu Nguyên, Đồng Hòa Diêu, Phú Nhuận Diêu, Quảng Tứ Thuận Diêu, Quảng Hợp Thành Diêu, Hiệp Hưng Diêu, Chính Long Diêu, Đào Xương Diêu.
Về chủng loại sản phẩm gốm, theo tài liệu dẫn trên, có các loại gạch, ngói, đồ gia dụng và gốm mỹ thuật. Gạch ngói được sản xuất ở hầu hết các tỉnh; đồ gia dụng như lu, mái, chậu (đủ các hình dáng và kích cỡ), nồi niêu, trã trách, siêu, cà ràng (bàn lò) chủ yếu sản xuất ở Chợ Lớn và kế đó là Châu Đốc (làng Nam Qui), Rạch Giá (làng Thổ Sơn), Biên Hòa, Bà Rịa. Gốm gia dụng ở Đề Ngạn do người Hoa sản xuất. Gốm Châu Đốc và Rạch Giá là gốm của người Khmer. Gốm Biên Hòa - Bà Rịa là gốm có nguồn gốc Trung bộ.
Về đồ gốm mỹ thuật (đất nung và sành), đỉnh cao của gốm Cây Mai, Derbes cho chúng ta những thông tin sau đây: Ở khu Cây Mai có một lò gốm sản xuất đồ sành (céramiques) mà trình độ chế tác cao, sản phẩm được gia công kỹ lưỡng hơn. Lò này tọa lạc ở "phía bắc đồn Cây Mai, đường vào Đồng Mả Ngụy". Đồn Cây Mai nay ở góc đường Hùng Vương - Nguyễn Thị Nhỏ. Đồ sành Cây Mai sử dụng nguyên liệu đất có chứa nhiều nước, việc tô men màu không kỹ lưỡng, không có lò nung riêng cho loại sản phẩm đặc biệt, sản phẩm nung không có hộp, nhưng đây là "một khám phá cách sử dụng thông minh đất Thủ Đức và Biên Hòa - những tài nguyên quý báu mà nó đã lợi dụng được".
Mười ba năm sau Derbes, M. Péralle với cái nhìn của một nhà giáo đã tường thuật chuyến tham quan ngắn ngủi lò gốm Cây Mai trên tạp chí của Hội Nghiên cứu Đông Dương. Lò gốm Cây Mai nằm gần đồn Cây Mai: "đến đồn Cây Mai qua con đường hơi xấu, đi vòng quanh đồn, dẫn đến một cái cổng không lấy gì đồ sộ cho lắm". Lò nằm bên một con rạch, đây là đường thủy để ghe thuyền vào chở hàng đã làm ra đi bán khắp nơi. Lò Cây Mai sản xuất đôn, rồng, lân, các con vật hoang đường khác và đủ các loại lu, hũ, bình, lọ... Lò Cây Mai được khen thưởng một huy chương bạc ở cuộc triển lãm năm 1880 tại Nam kỳ. Gốm Cây Mai nổi tiếng ở Nam kỳ và nước ngoài, nhất là tại thị trường Pháp.
Đầu thế kỷ XX, ở Biên Hòa chủ yếu sản xuất lu hũ và chén bát, còn việc đồ sành Cây Mai bị gián đoạn vì "theo một thỏa thuận với người Hoa ở Chợ Lớn, những người làm gốm ở Biên Hòa không được sản xuất loại sản phẩm Cây Mai". Còn theo Địa phương chí Thủ Dầu Một thì đầu thế kỷ XX, trong 40 lò gốm ở đây có một số lò sản xuất "loại gốm Cây Mai", nhưng chất lượng kém hơn đồ gốm Cây Mai chính hiệu. Chúng ta có nhiều bằng chứng cho thấy rằng các nghệ nhân gốm, sành - men màu Cây Mai là những thầy giáo dạy về gốm đầu tiên của trường Mỹ thuật Biên Hòa (lập năm 1903); và gốm Cây Mai là một trong các nhân tố góp phần tạo nên loại đồ gốm Biên Hòa đặc trưng của trường Mỹ nghệ thực hành Biên Hòa nổi tiếng (từ năm 1925 về sau). Còn ở Lái Thiêu (Bình Dương), các loại sản phẩm "hậu Cây Mai" cũng được sản xuất với số lượng đáng kể và đạt được trình độ kỹ thuật lẫn mỹ thuật đáng chú ý.
Trong hơn 200 năm tồn tại, từ gạch, ngói, lu, hũ, đôn, chậu… của xóm Lò Gốm "Chơn vò vò Bàn Cổ xây trời" đến những sản phẩm sành men màu "Đề Ngạn/Mai khư", các lò gốm ở vùng đất Sài Gòn xưa (tức Chợ Lớn sau này) đã tạo nên được một danh mục sản phẩm gốm phong phú. Gốm sành men màu Cây Mai đã xuất hiện trong lịch sử gốm mỹ thuật Nam Kỳ như những kẻ tiên phong. Chính vì vậy, bản thân nghề thủ công này và những thành tựu của nó có giá trị lịch sử đáng kể. Riêng ở lĩnh vực mỹ thuật, gốm Cây Mai đã cống hiến một loại gốm sành cứng men màu đặc trưng mà ảnh hưởng của nó đối với gốm sành xốp men màu thời sau là rất quan trọng.
nghệ thuật
,lịch sử
,văn hóa
,sách
Một cuốn sách ảnh rất tâm huyết và công phu, cuốn này có giá bìa là bao nhiêu thế ạ?^^
Thư Viện Tự Lập
Một cuốn sách ảnh rất tâm huyết và công phu, cuốn này có giá bìa là bao nhiêu thế ạ?^^
Huy Hay Hỏi
Mình cứ tưởng có mỗi gốm Bát Tràng với gốm Chu Đậu không ngờ có cả loại này
Nguyenphuhoang Nam
Nhờ bài viết của bạn mình mới biết đến Gốm Cây Mai, bạn thích loại gốm này ở điểm nào vậy?