Giới trẻ Hàn Quốc có quan tâm đến vấn đề thống nhất toàn bán đảo Triều Tiên?
kiến thức chung
Đối với những thế hệ trẻ của Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên từ lâu đã trở thành một nơi xa lạ. Sự cách biệt khiến cuộc sống hai miền Triều Tiên không còn giữ được mối liên hệ chung như tại những quốc gia thống nhất.
Những mối ràng buộc cá nhân lại đang phai nhạt dần. Những cuộc đoàn tụ các gia đình bị chia cắt trong cuộc chiến tranh Triều Tiên có thể là những “màn trình diễn” về sự hợp tác giữa hai miền, nhưng trên thực tế chỉ có một phần rất nhỏ số gia đình bị chia cắt có điều kiện tham gia những hoạt động được quảng cáo rầm rộ này.
Không còn người Hàn Quốc nào nuôi ảo tưởng về tình hình kinh tế của CHDCND Triều Tiên nữa – một nền kinh tế ốm yếu với một cơ sở hạ tầng yếu kém khó khăn không để nuôi sống người dân.
Và sự thật này đến trong bối cảnh các báo cáo từ Đức cho thấy việc thống nhất có thể khó khăn và tốn kém ra sao. Nền kinh tế Đức đã bị ảnh hưởng nặng nề dù những điều kiện thống nhất tại đây rõ ràng là thuận lợi hơn nhiều nếu so hai miền Triều Tiên.
Nhiều người Hàn Quốc nhận ra rằng thống nhất có thể đồng nghĩa với một thảm họa về kinh tế.
Giờ đây quan điểm của nhiều người dân Hàn Quốc có thể tóm tắt qua câu nói sau: “Là người con của dân tộc Triều Tiên tôi không thể nói rằng tôi chống lại việc thống nhất, nhưng tốt nhất là sự kiện tuyệt vời này không nên xảy ra khi tôi còn sống”.
Thế nhưng nếu nhìn sâu hơn vào tình hình hiện tại ở Hàn Quốc, còn có một nghịch lý khác. Dù quan điểm hoài nghi về việc thống nhất ngày càng trở nên phổ biến – ít nhất là trong giới trẻ, nhưng cho đến nay không hề có bất cứ đảng phái chính trị hay nhân vật tên tuổi nào lên tiếng bày tỏ sự lo ngại đó. Điều này có nghĩa là tình cảm chống lại việc thống nhất ngày càng phát triển mạnh lại không được thể hiện qua tiếng nói của các nhóm cánh tả và cánh hữu.
Thực tế là cả hai phe đều xem thống nhất như là một mục tiêu quốc gia to lớn bao trùm lên những vấn đề khác. Có thể giải thích lòng nhiệt thành này là sản phẩm của chủ nghĩa dân tộc vốn có ảnh hưởng sâu sắc đến quan điểm chính trị của bất cứ nhóm chính trị nào ở Hàn Quốc.
Chủ nghĩa dân tộc nói rằng người Triều Tiên không chỉ chia sẻ chung một ngôn ngữ và một nền văn hóa mà tất cả đều có chung dòng máu – và do đó phải cùng sống trong một quốc gia thống nhất.
Tại một đất nước mà ý thức hệ chính trị phân cực sâu sắc như Hàn Quốc, quan điểm về thống nhất cũng có khác biệt căn bản. Đối với phe cánh hữu thì Hàn Quốc là quốc gia duy nhất hợp pháp đại diện cho dân tộc Triều Tiên, và cần thống nhất để “giải phóng” người dân miền bắc.
Trong khi đó những người cánh tả lại mơ về viễn cảnh thống nhất bằng cách cải thiện quan hệ dần dần với miền bắc để tiến đến “sự đồng cảm” và “xóa bỏ những rào cản và thù hận”. Khác với phe hữu, họ không xem chính quyền CHDCND Triều Tiên như những kẻ phản bội dân tộc hay những tên độc tài, mà là một đối tác hợp pháp trong quá trình thống nhất tương lai.
Phe tả cũng cho rằng việc thống nhất sẽ giúp lấy lại thể diện cho Hàn Quốc, vốn đã phải chịu sự sỉ nhục khi thành con rối trong tay các cường quốc hồi thập kỷ 1940 và chế độ độc tài 1960-1980.
Rõ ràng tiếng nói của những người Hàn Quốc trẻ tuổi đã bị chìm lấp trong sự bất đồng giữa hai phe về vấn đề thống nhất. Chủ nghĩa dân tộc bám rễ quá sâu trong nền chính trị Hàn Quốc ngăn cản bất cứ tiếng nói nào chống lại thống nhất được cất lên.
Ở thời điểm hiện tại, một ý kiến hoài nghi về thống nhất có thể bị xem như một thứ “dị giáo” chính trị nghiêm trọng.
Với hoàn cảnh hiện tại của Hàn Quốc, sẽ chỉ là vấn đề thời gian trước khi một nhân vật nổi tiếng – có thể là một tính cách nổi loạn nào đó trong giới chính trị - dám đứng ra bày tỏ công khai những suy nghĩ thầm kín của nhiều người trẻ Hàn Quốc và bày tỏ sự hoài nghi về sự cần thiết của việc thống nhất.
Nội dung liên quan
Bích Khải Nga