Giới thiệu về ngôn ngữ Rasna

  1. Ngoại ngữ

  2. Lịch sử

Đầu tiên mình sẽ giới thiệu rất ngắn về người Êtruscô, hay Rasna/Rasenna, để rồi mình tập trung giới thiệu ngôn ngữ của họ là chính (thông qua một số ví dụ cụ thể qua những chữ được khắc còn sót lại trên đồ vật). NB: Các ghi chú và giải thích trên các hình trong bài viết này là do chính mình thêm.

Người Rasna có nguồn gốc từ đâu thì có nhiều giả thuyết khác nhau. Những sử gia từ cổ đại và hiện đại không đồng ý với nhau về một câu trả lời nhất định. Chúng ta hãy tạm bỏ qua câu hỏi về nguồn gốc của họ; nhưng chúng ta biết rằng họ sống ở bán đảo Ý từ khoảng năm 900 TCN (hoặc sớm hơn), và họ bị La Mã chinh phục khoảng thế kỉ thứ III TCN, và bị dần đồng hóa trong vòng vài thế kỉ tiếp theo.

Ngôn ngữ của họ cũng bị thay đổi và chết dần vì mọi người chuyển qua dùng tiếng Latinh. Người cuối cùng mà chúng ta biết đến là có biết tiếng Rasna là hoàng đế La Mã

Claudius
. Ông rất hứng thú với văn hóa và ngôn ngữ của người Rasna. Ông còn viết sách về lịch sử người Rasna nữa. Không may thay, tất cả những tài liệu đó không còn nữa. Chính vì thế, những gì chúng ta biết được về tiếng Rasna, chúng ta phải phụ thuộc vào những chữ viết còn sót lại ở các bia đá, mộ, các đồ vật, vân vân. Tài liệu dài nhất bằng tiếng Rasna còn sót lại là cuốn Liber Linteus Zagrabiensis, một cuốn sách đã được dùng làm vải cuốn xác ướp tại Ai Cập (người Rasna đi biển và buôn bán giỏi, có thể đó là lý do nó lại lưu lạc tới Ai Cập (?) Tuy nhiên nó lại là một lịch liên quan đến tôn giáo, nên cũng có thể không phải liên quan đến buôn bán).

Trước đây các học giả đơn giản cho rằng tiếng Rasna là một ngôn ngữ tách biệt, tức là nó không có liên quan đến ngôn ngữ nào khác. Tuy nhiên, khoảng vài thập kỉ gần đây, giả thuyết được chuộng hơn cho rằng nó là một nhánh thuộc hệ ngữ Tyrseni, gồm có tiếng Rasna, tiếng Rhaetic, và tiếng Lemnos. Mình cũng đồng ý với giả thuyết này đơn giản vì sự tương đồng không thể chối đâu được về ngữ pháp, từ vựng, và cả chữ viết giữa 3 nhóm/ngôn ngữ trên.

Vì chữ viết Rasna chúng ta còn lại được tìm thấy trải dài trong khoảng thời gian xấp xỉ 8 thế kỉ, có nhiều sự thay đổi trong chữ viết theo thời gian. Ngoài ra, chữ viết (và phát âm) giữa các vùng miền của người Rasna cũng khác nhau. Dưới đây là tổng hợp về bảng chữ cái của Rex E. Wallace. Theo cá nhân mình, nếu ai không đọc được tiếng Ý thì cuốn Zikh Rasna của Rex E. Wallace (bằng tiếng Anh) là nguồn đáng tin cậy nhất để bắt đầu nghiên cứu cổ ngữ Rasna. Điều mình thích trong quy ước phiên dịch sang bảng chữ cái Latinh của Wallace là nó có tính hệ thống nhất quán; ngoài ra, hệ thống quy ước này phân biệt được nhiều âm khác nhau (ví dụ khi 1 chữ cái có thể có 2 âm khác nhau vì khác biệt vùng miền)

https://cdn.noron.vn/2020/09/30/87043128714670719-1601440975_1024.jpg

Như có thể thấy, một số chữ không có âm nào cả. Lý do là vì người Rasna lấy bảng chữ cái Euboea Hy Lạp. Vì hai ngôn ngữ có nhiều âm khác nhau, người Rasna phải thay đổi cách phát âm của một số chữ, cộng thêm, và bỏ đi những chữ không cần (beta, delta, samek, và omicron).

Ngoài ra, có thể bạn cũng nhận ra chữ cái của họ khá giống chữ cái La Mã, nhưng lật ngược lại! Họ chủ yếu viết từ

phải qua trái
(cũng có thời gian ngắn ở một số nơi viết từ trái qua phải, nhưng lại quay trở lại kiểu viết kia). Điều này có nghĩa là mỗi khi chiều chữ viết thay đổi, các chữ cũng đều phải lật! Dần dần khi ảnh hưởng của người La Mã lớn dần, một số nơi cũng có một số tài liệu lại chuyển qua viết từ trái qua phải như tiếng Latinh.

Giới thiệu sơ như vậy có lẽ đã tạm đủ, hãy cùng phân tích chữ viết của họ qua một số đồ vật! Dưới đây là một cái gương. Người Rasna rất giỏi làm gương đồng. Cái gương này có viết tên của nhân vật CHALCHAS (Mình không dùng quy ước của Rex Wallace vì lý do mình đang đánh máy không đánh được các kí tự đặc biệt, lười đi cóp từng cái!). Đây là một tiên tri được nhắc đến nhiều trong văn học Hy Lạp cổ đại (ví dụ trong Iliad). Ở đây, tên ông được viết theo chiều từ trái qua phải như chữ Latinh bình thường. Chữ "psi" trong tiếng Rasna là chữ "chi" (đọc như "c" nhưng có hơi bật mạnh ra).

https://cdn.noron.vn/2020/09/30/9092944719049727-1601440850_1024.png

Tiếp theo, chúng ta hãy xem chữ viết trên một bức tượng trông cực kì “La Mã”, bởi chính nhân vật này cũng đã là công dân La Mã (mặc dù gốc gác Rasna): Avle Meteli (hoặc Aulus Metellus trong tiếng Latinh). Ở đây có thấy tên ông AVLESI METELIS (trước đây mình đọc giải thích nó là cách “pertinentivo”, tuy nhiên theo mình thì nó đơn giản là “dativo”). Chung quy, AVLESI METELIS nghĩa là cho Avle Meteli.

Đặc biệt, sau đó chúng ta đọc tiếp sẽ thấy tên cả bố cả mẹ (thuộc cách) đều được nhắc đến: "VE[LVS] VESIAL CLENSI" (con của Ve[l] và Vesi). Điều này phản ánh quyền phụ nữ trong xã hội Rasna cao hơn các nền văn minh cùng thời (ví dụ như Hy Lạp).

https://cdn.noron.vn/2020/09/30/87043128714670750-1601442563_1024.jpg

Nói đến quyền phụ nữ, chúng ta thấy có nhiều những hòm hoặc bình đựng di cốt có tượng phụ nữ ở trên. Đây là Fastia Velsi, vợ của Larza Velu

https://cdn.noron.vn/2020/09/30/9092944719049779-1601443367_1024.jpg

Dưới đây là một tấm cận để nhìn rõ hơn chữ viết tên hình trên. Chữ mà nhìn giống số 8 đó là chỉ âm/f/, một cải cách được đưa vào bảng chữ cái (như mình có nói trên đầu). Trước đây, để diễn tả âm này người ta phải dùng hai phụ âm heta và wau. Dĩ nhiên đây lại là chữ viết từ phải qua trái: FASTIA VELSI (tên riêng của cô) LARZL VELVS (thuộc cách của Larza Velu, nghĩa là "của Larza Velu"), còn một chữ nằm bên cạnh bên kia, hơi khó nhìn, là PVIA (vợ). Tuy nói rằng phụ nữ Rasna có khá nhiều quyền tự do, đây vẫn là một xã hội phụ quyền. Chúng ta thấy ABC là vợ của XYZ chứ không thấy ai khắc tên mình là chồng của ai cả. Thực tế thì chúng ta biết từ “vợ” nhưng không biết từ “chồng” trong tiếng Rasna. Tương tự, ta biết từ “anh/em” (ruva), nhưng không biết từ “chị/em”.

https://cdn.noron.vn/2020/09/30/87043128714670772-1601443620_1024.jpg

Tiếp đến, chúng ta hãy xem chữ viết trên một cái gương nữa. Đây là ba vị thần trong thần thoại Rasna, từ trái sang: APVLV, TINIA, và TVRMS. Apulu là phiên bản Rasna của Apollo. Tinia là Zeus/Iuppiter. Turms là Hermes/Mercurius. Lý do mình đưa ảnh này ra là để cho thấy trong cùng một hình, chiều chữ viết có thể thay đổi (Apulu từ trái sang, còn hai tên còn lại từ phải sang). Ngoài ra, ví dụ cụ thể này minh họa cho một điểm mình có nhắc đến ở trên: rằng tiếng Rasna không có âm tương tự như omicron (không phải Apollo mà Apulu). Hơn nữa, Apulu đôi khi còn được viết là Aplu, suy ra nguyên âm ở giữa là nguyên âm yếu (schwa). Ví dụ Rasenna trở thành Rasna. Còn rất nhiều bằng chứng khác cho chúng ta thấy rằng âm đầu là âm được nhấn (về các bằng chứng cụ thể để kết luận âm đầu được nhấn, Wallace trong cuốn Zikh Rasna có phân tích rõ từ mục 3.19-3.22).

Tiếng Latinh cổ cũng có nhấn âm đầu, tương tự như tiếng Rasna.

https://cdn.noron.vn/2020/09/30/87043128714670783-1601444125_1024.jpg

Chúng ta đã nhắc đến các vị thần thì cũng nên nhắc cả các sinh vật trong thần thoại. Đây là con Chimera ở Arezzo (trong tiếng Rasna là Aritim). Mình thấy trong các sách giáo khoa lịch sử nghệ thuật đều nhắc đến kiệt tác này của nghệ thuật Rasna, nhưng hình như không nhắc đến chữ viết tiếng Rasna được khắc trên chân trước của nó! Đây là chữ TINSCVIL, nghĩa là quà tặng cho Tins. Tins chính là Tinia, vị thần của trời cao chúng ta vừa nhắc ở trên! Cvil được phần lớn học giả đồng ý có nghĩa là quà tặng.

https://cdn.noron.vn/2020/09/30/9092944719049804-1601444743_1024.jpg

Mình không uống rượu, nhưng chắc chắn sẽ mua Tinscvil nếu đến Ý;-)

https://cdn.noron.vn/2020/09/30/87043128714670822-1601446369_1024.jpg

Các ảnh dưới đây là một số ví dụ về các đồ được dùng để cúng người chết. SUTHINA nghĩa là để cho mộ, hoặc tính từ “của mộ”. SUTHI là mộ. Nếu bạn không nhớ được bất kì từ gì khác sau khi đọc bài viết này, mình rất khuyến khích bạn ít nhất biết từ này. Như có thể thấy, rất nhiều vật được khắc chữ này lên.

Một lần nữa, tất cả đều được viết từ phải qua trái. Chữ nhìn giống M là chữ s/sh (có thể tham khảo lại bảng chữ cái ở trên). Chữ nhìn giống omicron thật ra là theta. Chữ theta có thể được viết tròn như trong các hình dưới, hoặc có dấu chấm, hoặc "+" hoặc "x" ở giữa.

https://cdn.noron.vn/2020/09/30/87043128714670823-1601446419_1024.jpghttps://cdn.noron.vn/2020/09/30/9092944719049829-1601446423_1024.jpg

Mình có thể phân tích thêm nhiều hình khác chữ khác nhưng có lẽ một bài giới thiệu đến đây là đã đủ. Mong rằng bài viết trên có chút phần nào thú vị dù bạn có cuồng cổ ngữ hay không.

Ngoài ra, một trong những mục đích của mình là giới thiệu cho mọi người biết đến một ngôn ngữ đã chết đi, và nền văn minh của họ cũng vậy. Như Aule Meteli, người Rasna bị đồng hóa vào xã hội La Mã và dần bỏ đi chính ngôn ngữ của họ. Có một giáo sư của mình nhận xét rằng tượng Aule đẹp thật, nhưng là một cái đẹp buồn.

Với chút kiến thức về văn minh Rasna, bạn cũng sẽ hiểu hơn khi học về La Mã, vì chưng họ không cô độc. Các dân tộc khác nhau với những nền văn minh khác nhau cùng ngôn ngữ khác nhau tương tác và ảnh hưởng lẫn nhau. Ví dụ: ta thường hay nói rằng người La Mã lấy bảng chữ cái từ người Hy Lạp. Chính xác hơn, họ lấy từ người Rasna, và họ học thói quen viết từ người Rasna, họ từng gửi con đến các thành phố Rasna để học, họ bị ảnh hưởng bởi các lễ nghi quy tắc tôn giáo Rasna, vân vân. Vì vậy, bạn nên ghi nhớ trong đầu khi học về nền văn minh nào, bạn không thể không biết về các nên văn minh tương tác với họ.

Chúc vui!

https://cdn.noron.vn/2020/09/30/9092944719049852-1601447175_1024.jpg

Nguyễn Duy Thiên

30/9/2020

Từ khóa: 

rasna

,

etruscan

,

cổ ngữ

,

tử ngữ

,

ngôn ngữ

,

ngoại ngữ

,

lịch sử

Nguồn tham khảo thêm

Bonfante, Giuliano, and LarissaBonfante. The Etruscan Language: an Introduction. ManchesterUniversity Press, 2002.

Pittau, Massimo. DizionarioDella Lingua Etrusca. Sassari: Libreria Editrice Dessì, 2005.

Pittau, Massimo. La LinguaEtrusca: Grammatica e Lessico. Insula, 1997.

Wallace, Rex E. Zikh Rasna: aManual of the Etruscan Language and Inscriptions. Beech Stave Press, 2008.

Trả lời

Nguồn tham khảo thêm

Bonfante, Giuliano, and LarissaBonfante. The Etruscan Language: an Introduction. ManchesterUniversity Press, 2002.

Pittau, Massimo. DizionarioDella Lingua Etrusca. Sassari: Libreria Editrice Dessì, 2005.

Pittau, Massimo. La LinguaEtrusca: Grammatica e Lessico. Insula, 1997.

Wallace, Rex E. Zikh Rasna: aManual of the Etruscan Language and Inscriptions. Beech Stave Press, 2008.

Các hình trong bài viết có một số chú thích bằng tiếng Anh bởi vì đây là những hình mình dùng trong một bài giảng của mình về Rasna cho sinh viên nước ngoài

Hỏi thật là bạn học được khoảng mấy ngôn ngữ rồi thế?