Giao thông đường thủy ở Bắc Bộ thời xưa

  1. Lịch sử

Ở Bắc Bộ nước ta xưa kia, đường thủy đóng vai trò rất quan trọng trong việc đi lại từ đồng bằng sông Hồng sang các vùng miền lân cận hay ra nước ngoài. Ngoài đường bộ Gia Lâm-Lạng Sơn (tương đương quốc lộ 1A ngày nay) dùng để đi sứ Trung Hoa ra, các tuyến đường huyết mạch còn lại hầu như gắn liền với các sông lớn. Với triều đình trung ương ở Thăng Long thời bấy giờ, những con sông này đóng vai trò rất quan trọng trong vận tải, liên lạc và thương mại giữa kinh đô và các địa phương. Đồng thời, chúng cũng là những lộ trình chính để di chuyển quân đội vào thời chiến. Chỉ từ thời thuộc Pháp thì đường bộ mới thực sự được phát triển và thay thế vai trò của đường thủy ở khu vực này.
Các sông có thể kể đến là:
- Sông Thao: Kết nối Bắc Bộ với Tây Bắc Bộ và xa hơn nữa là vùng Vân Nam. Trong lịch sử từng có hai thế lực nước ngoài dùng đường này để xâm lược nước ta là Mông Cổ năm 1258 và Minh năm 1406. Người Pháp sau này dòm ngó đến Bắc Kỳ một phần cũng vì con đường thông sang Trung Quốc này.
- Sông Tuyên: Tức sông Lô ngày nay, kết nối với vùng núi Tuyên Quang (ít nhất đến khoảng thời Trần-Hồ sông này vẫn được gọi là “sông Tuyên”, còn tên gọi “sông Lô” đương thời dùng để chỉ đoạn sông Hồng từ Bạch Hạc đến Thăng Long).
- Sông Cầu: Còn gọi là sông Phú Lương, kết nối với vùng Thái Nguyên.
- Hệ thống sông Đuống và sông Thái Bình: Cửa ngõ chính ở miền đông đồng bằng sông Hồng, kết nối Thăng Long với vùng biển đông bắc. Đối với tàu thuyền bè Trung Hoa xuất phát từ Quảng Tây, cửa biển Bạch Đằng là con đường nhanh nhất để đi vào nội địa nước ta (thế nên không phải ngẫu nhiên mà các đội quân xâm lược Nam Hán, Tống và Nguyên đều từng dùng lối này). Đến thời Lê trung hưng, tàu buôn châu Âu chủ yếu vào từ cửa chính sông Thái Bình (ở vùng Tiên Lãng, Hải Phòng ngày nay).
- Hệ thống sông Đáy: Do sự bồi tụ phù sa của sông Hồng, cửa biển Ba Lạt (xưa còn gọi là cửa Muộn hay cửa Giao Thủy) có luồng lạch khá hiểm trở. Thế nên hai cửa Đại An, Thần Phù của sông Đáy mới là con đường chính để đi lại giữa Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Sau khi vào cửa biển, thuyền bè có thể theo các sông nhánh như sông Nam Định để chuyển sang sông Hồng, hoặc đi ngược dòng chính của sông Đáy lên thẳng thượng lưu (bấy giờ vẫn nối liền với sông Hồng ở Hát Môn). Lịch sử đã chứng kiến rất nhiều đội quân sử dụng con đường này, cả từ bắc đánh vào nam lẫn từ nam đánh ra bắc, như trong xung đột Việt-Chăm, khởi nghĩa Lam Sơn, chiến tranh Lê-Mạc, Nguyễn Huệ năm 1786,…
https://cdn.noron.vn/2024/04/15/5115113750137-1713175101.jpg
Từ khóa: 

lịch sử