Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Khiêm tốn nghĩa là trân trọng bản thân và người khác
TVTL - Khi có tri thức và hiểu biết thực sự, chúng ta sẽ tìm kiếm sự tôn trọng từ đáy lòng mình thay vì tìm kiếm nó ở những người xung quanh. Tuy nhiên, khiêm tốn quá mức thì lại dễ bị coi là nhu nhược. Bạn nghĩ sao?
GDVN- Khi chìm đắm trong nỗi nghi ngờ bạn sẽ không tin vào các giải pháp bất ngờ xuất hiện trong tâm trí bạn.
LTS: Tuần này, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng tiếp tục gửi đến độc giả bài viết số 134 trong loạt bài Đọc giùm bạn trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.
Trong bài viết này, Giáo sư chia sẻ những nội dung bổ ích trong cuốn “Dám thay đổi”.
Cuốn sách song ngữ “Dám thay đổi” với bản dịch của Phạm Thị Sen. (Ảnh: Firstnews.com.vn)
– Nếu bạn vẫn làm những gì bạn từng làm, bạn sẽ luôn nhận được những gì bạn từng có. Thói quen xấu giống như chiếc giường êm ái, dễ ngả lưng nhưng lại khó nhấc mình dậy. Để chuyển hóa thái độ tiêu cực, hãy giữ tinh thần thoải mái và khôi hài một chút.
– Nếu ai đó không sống theo kỳ vọng hay các quy định của bạn, bạn có giận không? Không phải tại ai đó hay điều gì đó, mà chính cách nghĩ của bạn đã làm cho bạn nóng giận. Vì vậy, để làm nguôi cơn giận, trước tiên bạn cần thay đổi hướng suy nghĩ của mình.
– Khi cảm thấy nhàm chán, ta không tìm cách khơi dậy lòng nhiệt tình, sôi nổi từ trong chính mình mà lại bắt đầu tìm đến những trò giải khuây.
Sự nhàm chán chỉ tạm thời nguôi ngoai trong khi ta mải mê với những trò tiêu khiển, nhưng khi dừng cuộc chơi, ta lại rơi vào cảm giác chán chường.
– Ta cảm thấy nhàm chán với những nhiệm vụ thường ngày, bởi vì rất nhiều việc chúng ta chỉ làm theo thói quen. Hãy làm những việc quen thuộc theo cách khác thử xem sao.
– Nếu bạn không ưa thích những gì mình đang làm, hãy lấy lại lòng nhiệt tình bằng cách thổi thêm sức hấp dẫn, lôi cuốn vào những công việc ấy.
– Thoát khỏi sự nhàm chán không có nghĩa là phải liên tục tìm những việc mới để làm, đổi chỗ ở hay làm một việc gì đó theo cách khác, mà hãy nhìn mọi việc với cái nhìn mới mẻ, với sự thấu hiểu và những triển vọng mới, cũng như làm một việc với lòng nhiệt tình.
– Nếu bạn không nói ra điều gì đó tích cực, xin đừng nói gì cả.
– Khi cứ mãi chăm chú vào cái sai, năng lượng và niềm hạnh phúc của ta suy giảm.
– Phàn nàn phá hỏng tâm trạng và triệt tiêu động lực của ta, cũng như của những người khác.
– Luôn có điều gì đó để ta trân trọng và biết ơn, chẳng hạn như một mái nhà che mưa che nắng hay một buổi bình minh tươi đẹp.
– Chỉ một chút nghi ngờ cũng có thể làm cho ước mơ và khát vọng của bạn tan thành mây khói. Nghi ngờ che khuất sự tự tin, bạn tự thuyết phục mình bỏ cuộc cho dù bạn vẫn chưa thử.
– Khi chìm đắm trong nỗi nghi ngờ bạn sẽ không tin vào các giải pháp bất ngờ xuất hiện trong tâm trí bạn.
– Đừng để những thất bại trong quá khứ khiến bạn hoài nghi về khả năng tương lai của mình. Nghi ngờ chỉ là một suy nghĩ. Vì vậy, hãy dừng suy nghĩ đó lại.
– Bắt đầu tin tưởng vào bản thân. Và hành động với thái độ tin cậy. Cứ mỗi lần thực hiện được một hành động tích cực, bạn đang dần thành thạo hơn trong việc thách thức mối nghi ngờ của mình.
– Cảm nhân tốt về bản thân là điều quan trọng. Nhưng khi nghĩ mình là nhất – đó lại là cái tôi. Cái tôi thường khiến ta che giấu những yếu kém của mình và tuyên bố trước thế giới rằng ta toàn vẹn, chẳng hề kém cỏi.
– Việc bảo vệ ý tưởng biến thành hành động phòng thủ cho bản thân. Chính mong muốn được công nhận đã cản trở sự thể hiện của bạn. Cái tôi khiến ta phải trả giá đắt!
– Khiêm tốn nghĩa là trân trọng bản thân mình và người khác. Khi khiêm tốn bạn sẽ được nhiều hơn chứ không hề kém đi.
– Trân trọng những kỹ năng và thành tích của bạn – Không cần phải khoe khoang. Lắng nghe mọi ý tưởng bằng sự thích thú.
– Khi cần sự giúp đỡ, hãy khiêm nhường và yêu cầu được trợ giúp.
– Sợ hãi có sức tác động cực kỳ nhanh, nhưng chỉ khi bạn cho phép nó là như thế. Nỗi sợ cũng giống như một thỏi nam châm. Nếu cứ tập trung vào nỗi sợ mơ hồ nào đó, dù không chú ý thì bạn cũng sẽ hành động với nỗi sợ hãi, từ đó làm cho nó trở nên sống động đúng y như thế.
– Trái ngược với sợ hãi là hy vọng. Trong hy vọng không có chỗ cho nỗi sợ hãi. Hy vọng nghĩa là thấy được vấn đề, nhưng có thể vượt thoát khỏi vấn đề đó để hướng tới kết quả tốt đẹp.
– Tìm cách thỏa mãn lòng tham giống như đổ mãi vào một cái bình không đáy, nó chẳng bao giờ đầy. Càng đạt được bạn càng muốn có nhiều hơn. Giống như ta không thể có tất cả mọi thứ ta muốn, ta cũng khó có thể cảm thấy thỏa mãn khi đã được đáp ứng.
– Hãy lấp đầy khoảng trống của lòng tham bằng sự hào phóng. Chia sẻ những gì bạn có, nhất là những khía cạnh mà bạn cảm thấy mình còn tham lam. Làm theo bản năng tự nhiên của bạn là cho đi. Và có tình cảm tốt đẹp về tất cả mọi người.
– Hãy nén nỗi đau không phải là cách hiệu quả. Trút hết mọi cảm xúc lên người khác thì cũng chẳng hay. Chìm đắm trong đau khổ và rầu rĩ, tiếc nuối cho chính mình là hạ sách.
– Những tổn thương quá khứ cứ mãi dai dẳng bởi vì ta liên tục hồi tưởng về chúng. Chính bạn mới là người làm cho mình bị tổn thương.
– Không gợi lại ký ức đau buồn. Cứ để cho nỗi đau qua đi. Hãy lấy lại sức mạnh và bước tiếp.
– Nhớ đừng làm người khác tổn thương. Tinh nhậy và cẩn thận nhận ra những cảm xúc của người khác.
– Không một quyết định nào là hoàn hảo. Dám đưa ra quyết định là tốt lắm rồi.
– Tin tưởng tham khảo ý kiến của nhiều người để có thêm sự lựa chọn, nhưng hãy quyết đoán khi đưa ra quyết định.
– Hãy nhớ rằng không phải là điều ta lựa chọn, mà cách ta làm gì với những lựa chọn của mình mới là điều đáng quan tâm.
– Bạn ghen tỵ với người ta liệu có được cái mà bạn mong muốn không?
– Ghen tỵ thường xuất phát từ việc hạ thấp bản thân và so sánh. Do đó, hãy tạo dựng giá trị của bản thân và thôi so sánh. Vững tin vào bản thân và hiểu rằng mỗi người là duy nhất. Ấn tượng với những thành quả họ đạt được. Tập trung vào điều bạn muốn và cách bạn muốn đạt được điều đó.
– Am hiểu là tốt, nhưng cho mình là người biết tuốt thì không tốt chút nào. Chia sẻ những điều bạn biết nhưng đúng thời điểm và đúng chỗ. Biết dừng lại đúng lúc để người khác chia sẻ điều họ biết.
– Quan tâm đến ý kiến của người khác và thực sự thích thú với quan điểm của họ. Tinh thần ham học hỏi sẽ giúp bạn mở mang thêm kiến thức của mình. Luôn có rất nhiều điều để khám phá. Ta chính là học trò của trường đời. Chính những gì ta lĩnh hội được từ những điều ta nghe thấy thì mới có giá trị.
– Nguyên nhân dẫn đến sự cô đơn có thể là do bạn quá độc lập hoặc quá say mê với thế giới kỹ thuật số.
– Hãy bước ra kết bạn với mọi người. Chuyện trò thân mật với tất cả. Củng cố các mối quan hệ hiện có và xây dựng những mối quan hệ rộng lớn hơn.
– Bạn sẽ không bao giờ cô đơn nếu bạn thích chính bạn. Hãy gắn mình vào những hoạt động chỉ dành cho riêng mình, chẳng hạn như suy nghiệm, vẽ tranh, chơi đàn… Hãy thử làm một mình việc gì đó mà bạn vẫn thường làm chung với bè bạn.
– Tâm trạng có lúc buồn lúc vui. Nhưng nó không đại diện cho tình trạng cuộc đời bạn, dù thoạt nhìn có vẻ là như vậy.
– Hãy cởi bỏ vẻ mặt cau có, khó chịu và đặt vào đó một nụ cười rạng rỡ, xem cái gì đó vui nhộn và nghe những bản nhạc rộn ràng.
– Hãy nghĩ về những điều hạnh phúc. Chỉ bạn mới có thể làm cho mình hạnh phúc.
– Thờ ơ trước những điều quan trọng hay những điều dẫn đến thành công chính là một hành động tự hủy hoại bản thân.
– Bất kỳ điều gì bạn nuôi dưỡng đều sẽ phát triển lớn mạnh. Hãy hình dung về những lợi ích, làm cho nó trở nên thật hấp dẫn, đến nỗi chỉ nghĩ đến việc gạt chúng sang một bên thì thật là điên rồ. Hãy toàn tâm, toàn ý tập trung chăm sóc cho nó.
– Khi cảm thấy quá tải, ta sẽ không hoàn thành được nhiều việc, mặc dù có rất nhiều việc cần được thực hiện. Hãy ưu tiên những việc cần làm trước. Rồi chia nhiệm vụ thành từng bước nhỏ. Giữ bình tĩnh, đơn giản hóa mọi việc và bắt đầu thực hiện. Sau khi hoàn thành xong nhiệm vụ, cảm giác hoàn tất sẽ đẩy lùi cảm giác quá tải.
– Người bi quan nhìn cuộc sống với cái nhìn tiêu cực – chỉ thấy toàn khó khăn và những điều bất khả thi. Cách nhìn sự việc sẽ ảnh hưởng đến quyết định và hành động của bạn, từ đó ảnh hưởng đến kết quả sau cùng.
– Luôn có mặt tích cực ẩn chứa trong mọi điều. Hãy tập trung vào những cơ hội, những điều khả thi, rồi hành động. Cuộc đời thay đổi khi bạn thôi nhìn xuống và bắt đầu ngẩng mặt nhìn lên.
– Hãy ngừng lý sự. Lý sự chỉ làm tốn thời gian và cũng chẳng làm bạn trông thông minh hơn tý nào. Đừng mất công với những chuyện nhỏ nhặt không thực sự quan trọng.
– Hãy thể hiện bản thân với thái độ tôn trọng. Và tham gia thảo luận với tinh thần thiện chí.
– Những tổn thương trong quá khứ cứ mãi dai dẳng bởi vì ta liên tục hồi tưởng về chúng. Hãy hiểu rằng mọi việc xảy ra đều có lý do và bạn luôn có thể học được điều gì đó. Hãy biến sự hối tiếc thành cơ hội: Tôi cần cải thiện điều gì ở bản thân để mang lại kết quả tốt hơn? Và bây giờ hãy cho qua đi cảm giác hối tiếc.
– Sống hời hợt nghĩa là tập trung vào bề nổi, chứ không phải những gì ẩn sâu bên dưới; để mắt đến những tài sản sở hữu, ngoại hình, đời tư của người khác…; không sống từ chiều sâu nội tâm.
– Hãy chiêm nghiệm để khám phá và trải nghiệm về con người thật sự của bạn.
– Hãy tập trung và sống đúng như con người thật của bạn. Chân thật trong mọi điều bạn làm. Nhìn ra điều sâu sắc ẩn chứa trong tất cả mọi người và mọi điều.
– Hãy xóa tan mỏi mệt bằng cách ăn đúng, uống đủ nước, ngủ đủ giấc và luyện tập thân thể.
– Để tràn đầy năng lượng và sức sống: Hãy thức dậy và chào đón ngày mới đang đến; Dừng lại một phút mỗi tiếng trong ngày; Hít thở sâu, căng duỗi cơ thể hoặc thư giãn đầu óc; Thoát khỏi các thiết bị công nghệ vào cuối ngày; Ngưng mọi việc lại, giảm nhịp độ và tăng thư giãn; Vào cuối tuần, chắc chắn phải nghỉ ngơi để phục hồi sức lực.
– Bừa bộn cũng là một biểu hiện quá rõ của tính chần chừ. Mọi thứ đều có nơi có chỗ hẳn hoi, hãy đặt chúng vào đúng vị trí.
– Đừng quá săm soi, xét nét để rồi làm hỏng cả mối quan hệ chỉ vì một cái cốc bẩn.
– Môi trường sống bên ngoài là hình ảnh phản chiếu của môi trường tinh thần bên trong. Hãy dành thời gian dọn dẹp mỗi tuần, kết hợp với tổng vệ sinh hai lần mỗi năm. Hãy năng dọn sạch tâm trí bạn mỗi ngày.
– Lo lắng cảnh báo bạn về những điều có vẻ như không ổn để bạn lên kế hoạch và chuẩn bị trước. Nhưng lo lắng chẳng giúp cải thiện được tình hình, mà chỉ khiến bạn thêm bối rối.
– Đừng lo lắng. Hãy tích cực, hãy suy nghĩ thấu đáo. Cần hiểu rõ những gì bạn không thể kiểm soát. Hãy chấp nhận rằng chẳng có gì là chắc chắn. Khi sự việc diễn ra theo chiều hướng xấu, chỉ cần biết rằng đến lúc phải xử lý rồi.
– Tập trung vào điều bạn có thể kiểm soát và cách mà bạn có thể cải thiện tình hình. Thay thế nỗi lo lắng bằng những suy nghĩ mang tính xây dựng, từ đó ảnh hưởng tích cực đến kết quả sau cùng.
– Nhìn sự việc đúng như thực tế. Nhấn mạnh, làm nổi bật chứ đừng phóng đại. Hãy nhân rộng những điều tốt đẹp nhất. Phóng đại quá mức, quá thường xuyên sẽ làm mọi người ít tin tưởng bạn hơn và bạn mất đi sự tín nhiệm.
– Lời nói gói bạc. Hãy chấm dứt những cuộc tán gẫu không cần thiết. Hãy mời mọi người tham gia trao đổi, tạo cơ hội cho người khác nói. Giao tiếp là dòng chảy có tính hai chiều. Nghe để hiểu và nói để được hiểu.
– Trong khi người khác nói, ta nên ngừng huyên thuyên trong tâm trí mình. Hạn chế ngắt lời. Chú tâm hoàn toàn và lắng nghe.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng
Nguồn: https://giaoduc.net.vn/van-hoa/giao-su-nguyen-lan-dung-khiem-ton-nghia-la-tran-trong-ban-than-va-nguoi-khac-post217148.gd