Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn: Nói với con gái 20 lời của bà mẹ 30
(GDVN) – Hãy dành thời gian cho bản thân và chăm sóc cơ thể chu đáo, cẩn thận. Nếu con không thể yêu bản thân mình thì ai có thể yêu con?
LTS: Tiếp tục chia sẻ với bạn đọc những điều mình tâm đắc, tuần này, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng truyền cảm hứng đến các bạn trẻ qua bài viết thứ 47 – Nói với con gái 20 lời của bà mẹ 30.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả.
Alex Tú là bút danh của nhà văn, nhà doanh nghiệp Dương Thanh Tú. Hiện bà là Tổng Giám đốc của Công ty Acorn Startup, một công ty tư vấn khởi nghiệp.
Bà từng trở thành bà chủ khi mới 27 tuổi. Bà đã từng đến 50 quốc gia, chuyến đi gần nhất là tới Hoa Kỳ, Mexico, Cu Ba, Peru (năm 2015).
Bà là người khởi xướng và duy trì hoạt động của Quỹ xe đạp tặng học trò ngoan trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (AlexTu’s Foundation) từ năm 2014.
Bà từng tốt nghiệp Trường phổ thông trung học chuyên Lê Hồng Phong, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Singapore.
Bà là tác giả của các cuốn sách “Café book”,“Khởi nghiệp từ A tới Z đơn giản trên một chiếc khăn giấy”, “3 cách nhanh nhất để thành công và giàu có”, “Thích là nhích”.
Cuốn “Nói với con gái 20 lời của bà mẹ 30” được phát hành bởi Nhà xuất bản Phụ nữ năm 2016.
Cuốn sách “Nói với con gái 20 lời của bà mẹ 30” (Ảnh: tác giả cung cấp). |
– Con có thể đón nhận quan điểm của mẹ một cách cởi mở và giữ nguyên chính kiến của mình vì chúng ta đều có cuộc sống riêng và thời đại riêng của mỗi người. Mẹ rất thích điều đó.
– Khi bận rộn với cuộc sống, đôi khi chúng ta hay quên đi những điều cơ bản quan trọng nhất. Khi con đang hăng say vui chơi, học tập và lao động, con quên đi sức khoẻ là vốn quý cần phải bảo toàn.
– Con phải nhớ rằng đồ ăn, thức uống khi con đưa vào cơ thể là nguồn trực tiếp và thường xuyên có ảnh hưởng tới sức khoẻ của con.
– Cơ thể con thuộc sở hữu của con, nhưng điều đó không có nghĩa con được quyền hành hạ và bóc lột nó. Con hãy học cách lắng nghe cơ thể mình từ những biểu hiện tưởng chừng đơn giản nhất.
– Khi con chống lại cơn buồn ngủ, thực tế cho thấy con sẽ làm việc kém hiệu quả và giảm năng suất. Đấy là điều lãng phí. Ngủ tốt, suy nghĩ tốt.
– Khi chán nản con có chiều hướng buông xuôi, cùng với tác dụng của rượu bia, con sẽ bất cẩn. Sự bất cẩn là một điều nguy hiểm, vì nó có thể dẫn tới những hành vi tiêu cực và hậu quả bất lợi – không thể khắc phục.
– Hãy tập thể dục và vận động cơ thể. Sự vận động này làm tăng sức mạnh của trí não. Sức mạnh của trí não là sức mạnh trong tổng thể sức khoẻ mà con cần phải duy trì. Mục tiêu thể dục nhỏ hoặc vừa phải sẽ giúp con luôn cố gắng và nhìn thấy được đích đến của mình.
– Hãy giữ hình thể cân đối – đó là biểu hiện của sự cân bằng dinh dưỡng, là giúp con nhiều sự lựa chọn trong ăn mặc hơn, là giúp con vận động tốt hơn.
– Khuôn mặt được ví như mặt tiền, nó đáng được chăm só kỹ càng, nhất là vào độ tuổi dậy thì. Một hàm răng đều và đẹp sẽ làm nụ cười con rạng rỡ hơn. Một mái tóc khoẻ mạnh và bóng mượt là mơ ước của nhiều người, đặc biệt là phụ nữ. Con để kiểu nào cũng được, miễn là hợp với khuôn mặt của con và môi trường mà con gắn bó.
– Nếu con không yêu quý cơ thể của mình – tài sản quý giá nhất, người chị em sinh đôi của con thì con sẽ khó có thể cống hiến nhiều hơn cho cuộc sống.
– Mẹ rất tâm đắc với câu nói của Chanel: Thời trang không chỉ hiện hữu trong váy áo. Thời trang là ý tưởng, là cách chúng ta sống, là những gì đang diễn ra.
– Loại tài khoản mà con chỉ có thể rút ra mà không thể nộp thêm vào – đó chính là thời gian. Do đó hãy sử dụng nó một cách hiệu quả và khôn ngoan.
– Con cần phải có thói quen lập mục tiêu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Con nên bám theo danh sách các mục tiêu này và cố gắng thực hiện cho tốt.
– Trước khi bắt tay vào việc hãy lên kế hoạch và xác định thứ tự ưu tiên. Con phải luyện cho mình tuân theo đúng thứ tự ưu tiên để tránh trường hợp hết thời gian quy định mà việc cần phải làm vẫn chưa được hoàn thành.
– Con không nên phí hoài thời gian bằng sự trì hoãn thực hiện các công việc của mình. Hãy luôn hoàn thành nhiệm vụ trước thời hạn, vì nó cho con cảm giác làm chủ được thời gian, làm chủ được cuộc sống. Con người luôn muốn dù bận rộn nhưng vẫn duy trì được phong thái đĩnh đạc, thảnh thơi của mình.
– Con cần phải dành thời gian cho chính mình. Việc này giúp ích cho quá trình xác định được giá trị của bản thân cũng như định hướng cho chính cuộc đời con.
– Giá trị bản thân là những quan điểm và lý tưởng mà cá nhân lựa chọn để trân trọng, giữ gìn và làm kim chỉ nam cho cuộc sống của mình. Để thành công và sống hạnh phúc con nên có các giá trị cá nhân tốt đẹp, cần phải trân trọng cũng như đưa các giá trị cá nhân vào đời sống thường ngày của mình.
– Tất cả các phản ứng có ý thức của con đều là kết quả hoạt động của não bộ. Con không được nguỵ biện lấy lý do trái tim mách bảo những điều khác với lý trí để trì hoãn hoặc lảng tránh các quyết định quan trọng và cần phải thực hiện của đời mình.
– Trước khi phản ứng với một tình huống hay một vấn đề nào đó con hãy hít thở thật sâu và kiểm soát bản thân mình. Con không nên để cảm xúc chi phối dẫn tới phản ứng thái quá hay không đúng đắn.
– Con người không có đủ điều kiện và thời gian để trở nên hoàn hảo. Vì thế đừng tự dối lừa bản thân, vì như vậy, con tự trói buộc mình trong vòng luẩn quẩn do mình thêu dệt ra.
– Khi biết chấp nhận, con sẽ không đòi hỏi hoặc ít đòi hỏi những điều làm con sống không vui. Chẳng hạn như không đòi hỏi cuộc sống đối xử công bằng với con; không đòi hỏi người khác phải thông cảm cho con, không gán ghép cảm xúc phải đúng hay phải sai, vì cảm xúc là cảm xúc; không oán trách cuộc đời và mọi người quay lưng lại với mình; không đòi hỏi mọi người phải là bạn của con…
– Hành động do con thực hiện, quyết định do con đưa ra. Do đó, con là người chịu trách nhiệm trước chúng. Dũng cảm là dám đối diện với các trách nhiệm và nghĩa vụ của mình. Con có trách nhiệm và nghĩa vụ làm cuộc sống của con hạnh phúc.
– Nếu muốn được nghe thấy, muốn được hiểu thì phải lên tiếng. Không phải ai cũng đủ tinh ý để đoán biết con muốn gì, cần gì.
– Việc tự bản thân mong muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn thì khác với việc ghen ghét, đố kỵ với thành công và hạnh phúc của người khác.
– Nếu con cảm thấy không chấp nhận được một ai đó, đơn giản là con nên chấm dứt mối liên hệ đang làm con phiền não hoặc không giao du với người đó nữa. Đừng dã tràng xe cát để cố gắng thay đổi bản chất của người ấy.
– Có những sự việc và tình huống mà con sẽ gặp khi thấy con không phải là trung tâm để ai cũng phải chú ý, chăm sóc và quan tâm.
– Bất kể đồ vật nào, dù đắt đến mấy, cũng không quan trọng bằng con người. Con cần phải quý trọng con người hơn đồ vật, tài sản.
– Muốn lương tâm được thanh thản, không làm những điều tội lỗi.
– Một khi con tặc lưỡi cho qua một lần đối với các thói quen xấu, con có xu hướng dễ dàng để nó xảy ra lần thứ hai, thứ ba, thứ tư…Nó sẽ trở thành thói quen của con.
– Sống không có mục tiêu là một trong những cách hoang phí thời gian khủng khiếp nhất. Con không cần sự phê duyệt của ai để sống cuộc đời của mình, cho mình.
– Đừng xấu hổ với gốc gác của mình. Những gì thuộc về riêng cá nhân con, con có quyền giữ bí mật về điều ấy.
– Khi biết mình sai, hãy nói lời xin lỗi, bất kể họ là ai. Khi người khác làm gì cho con, hãy nói cảm ơn.
– Nếu không có sự nghiệp, cuộc đời con sẽ rất khó khăn và vô vị. Nhưng nếu chọn sự nghiệp làm cuộc sống, chẳng phải con sẽ phí hoài rất nhiều thú vị khác của cuộc sống hay sao?
– Cách con sử dụng một ngày là cách con sống cả cuộc đời của con. Không có việc lớn, việc nhỏ, chỉ có việc được ưu tiên trước và những việc có thể làm sau.
– Dành quá nhiều thời gian suy nghĩ sẽ làm giảm bớt thời gian hành động. Chỉ nói rất nhiều mà không hành động hoặc không có thành quả gì chỉ khiến con mất thời gian và con có thêm biệt danh là nổ.
– Làm đến nơi đến chốn là một nét quý vì nó giúp con cảm thấy tuyệt vời và tự hào về bản thân.
– Đừng chỉ trích người khác về những gì mà con không hiểu rõ.
– Than vãn liên tục là kết quả của việc kết hợp giữa suy nghĩ quá nhiều và nói nhiều làm ít một cách liên tục.
– Con người sinh ra không ai muốn bị xã hội đào thải theo nghĩa nhẹ nhàng nhất là không được trọng dụng. Cho nên vì sao con cần có những tấm bằng và chứng chỉ nhất định. Tuy nhiên cuộc sống không có kỳ thi đầu vào và kỳ thi tốt nghiệp như các khoá học thông thường khác.
Con phải tự nguyện dành cho bản thân sự giáo dục và trang bị kiến thức sau mỗi khoảng thời gian nhất định. Tái đầu tư bản thân sẽ giúp con có thêm nhiều cảm hứng, tiếp thêm sức mạnh cho bản thân.
– Ngoại ngữ là cầu nối, là chiếc chìa khoá vàng để mở cánh cửa ra thế giới bên ngoài, giúp con dễ dàng tiếp cận nhiều nguồn thông tin hữu ích, mở ra khả năng đi du học, đi du lịch, có khả năng được tuyển dụng cao hơn và có cái nhìn cuộc sống toàn diện hơn, khoan dung hơn.
– Con là tổng hợp của gen sinh học và các kinh nghiệm sống. Gen sinh học do bố mẹ cho con, còn kinh nghiệm sống do con tự tích luỹ. Con đừng ngạc nhiên khi con càng học và càng đi, con càng thấy mình hiểu biết ít hơn. Những người hiểu biết rộng thường nhận ra nghịch lý này và họ trở nên rất khiêm tốn.
– Không có nghề nghiệp nào cao quý hơn nghề nghiệp nào. Muốn thành công trong nghề nghiệp, hãy lắng nghe niềm đam mê của con. Đam mê lâu bền là đam mê từ trong con sản sinh ra, là điều con không thể vay mượn. Khi thực hiện các nhiệm vụ trong nghề nghiệp con đang làm, hãy hoàn thành thật chu đáo và hết sức mình. Việc giỏi một điều gì đó đòi hỏi cần có thời gian, nỗ lực, không có con đường tắt. Con đi làm và được trả công vì các kỹ năng của mình. Không có các kỹ năng thì con không thể thành công.
– Tiền mang ý nghĩa xấu hay tốt là do cách kiếm ra, cách sử dụng và mục đích sử dụng. Tiền không mua được hạnh phúc nhưng sẽ giúp con trong nhiều trường hợp. Để tiết kiệm con cần phân biệt rõ ràng giữa Cần và Muốn. Những chi tiêu lặt vặt do con không để ý, tưởng chúng vô hại, nhưng khi cộng dồn lại thì lại ra một khoản khá nhiều.
– Có một khoản tiền tiết kiệm cho những sự việc bất thường sẽ khiến con không phải lo lắng hay khủng hoảng tinh thần khi cuộc sống xảy ra việc không mong muốn.
– Cách sử dụng đồ đạc của con sẽ quyết định việc con có phải mua đồ đạc mới nhiều lần hay không? Không phải bất cứ khoản tiêu nào lớn cũng là lãng phí và không phải khoản nào vừa phải hay nhỏ cũng là hợp lý.
– Vay mượn để chi tiêu có thể coi như một thói quen xấu, vì con đã tiêu một số tiền mà con không chắc chắn sẽ kiếm được về sau. Cho vay tiền có những điều khó khăn là con sẽ phải đối diện với nguy cơ không đòi lại được hoặc hy sinh mối quan hệ của con với người đi vay.
– Thu nhập của con sẽ bằng tổng các nguồn thu nhập khác nhau. Thu nhập chủ động là thu nhập cần phải có sự tham gia lao động trực tiếp của bản thân con. Thu nhập thụ động, ví dụ như tiền cho thuê nhà, tiền lãi từ việc gửi ngân hàng, mua bán cổ phiếu… Việc có loại thu nhập nào là chủ yếu phụ thuộc vào điều kiện của từng cá nhân.
– Tuân thủ theo kế hoạch chi tiêu giúp con giữ được thế chủ động của mình về tài chính và giảm thiểu các lo lắng tài chính không đáng có. Nếu con không có trí nhớ quá tốt thì hãy ghi vào sổ những khoản con đã chi.
– Độc lập cá nhân một phần bắt nguồn từ độc lập tài chính. Nguồn thu nhập do tự mình lao động kiếm ra được và muốn chi tiêu gì tuỳ mình. Độc lập tài chính giúp người khác tôn trọng mình, giúp tự chủ chi tiêu trong khả năng của mình, có nhiều cơ hội để giúp đỡ người khác.
– Cá tính là tập hợp những phẩm chất mà mình có và khác với những người xung quanh. Cá tính mạnh mẽ nhằm giữ vững quan điểm và lập trường của mình, không có nghĩa là cứng đầu, ngạo mạn.
– Niềm vui cho chính con, bắt nguồn từ sở thích cá nhân, là một yếu tố quan trọng để sống hạnh phúc.
– Gia đình là nơi tiếp sức, động viên con những lúc khó khăn, giống như con động viên những người còn lại. Gia đình là mái ấm, chốn thanh bình, giúp con khi con bế tắc và mất niềm tin với cuộc sống.
– Tình yêu như cây đũa thần, có đủ phép màu nhiệm nếu con là một phù thuỷ tốt, khôn ngoan, đủ hiểu biết để sử dụng nó. Trái lại, tình yêu có thể làm con bị tổn thương và thế giới của con điên đảo, nếu con không đủ tỉnh táo để kiểm soát bản thân và thấy rõ mục đích của tình yêu là làm cuộc sống của cả hai tốt đẹp hơn. Những điều mẹ chia sẻ sau đây mong rằng giúp con phần nào trong việc vun đắp, bảo vệ tình yêu của mình:
* Hãy dành thời gian cho bản thân và chăm sóc cơ thể chu đáo, cẩn thận. Nếu con không thể yêu bản thân mình thì ai có thể yêu con?
* Từ bỏ cuộc sống riêng của mình là từ bỏ đi những gì tạo nên con người riêng của con và mong đợi vào sự đền đáp của đối phương. Khi không được thoả mãn con sẽ cảm thấy thất vọng.
* Tình yêu và sự nghiệp là hai điều không loại trừ nhau mà phải là chiến hữu của nhau, cái này bổ trợ cho cái kia.
* Khi bị tổn thương hay phản bội con buộc phải vượt qua. Con hãy học từ những sai lầm của con và người khác, nếu con có thể.
* Hãy chung thuỷ và tôn trọng sự chung thuỷ của người khác. Hãy suy nghĩ thận trọng và đừng làm điều gì khiến con cảm thấy tội lỗi.
* Thái độ của con về bản thân khiến chàng trai điều chỉnh thái độ và cách đối xử với con.
* Đem mình để so sánh với những cô gái khác là một việc làm vô nghĩa, vì nó tự sản sinh ra những suy nghĩ tự ty, tiêu cực về bản thân con.
* Tình yêu bền vững cần phải là một mối quan hệ song phương.
* Nữ tính luôn là vũ khí để con được bảo vệ và sự mạnh mẽ khiến con được tin tưởng. Có thể mạnh mẽ nhưng cũng mềm mại và nữ tính.
* Sự không lệ thuộc vào đối tượng tình cảm sẽ mang lại cảm giác thích thú của kẻ đi chinh phục con.
* Luôn luôn cho chàng không gian riêng và tôn trọng sự riêng tư.
* Luôn vui vẻ, hài lòng với cuộc sống, không cần cầu xin để được yêu, chàng trai sẽ cảm thấy may mắn vì theo đuổi con.
* Độc lập về tư tưởng, cảm xúc và tài chính là thế mạnh của con
* Khiếu hài hước giúp chàng trai thấy thoải mái và con thấy nhẹ nhõm.
* Hạnh phúc của riêng con xuất phát từ con, chứ không xuất phát từ hạnh phúc của riêng chàng trai.
* Thoả hiệp để cả hai cùng chia ngọt sẻ bùi chứ không phải là hy sinh.
* Cần quan sát hành động và thái độ chứ đừng chỉ nghe và tin lời nói của chàng trai.
* Quan hệ tình dục khi đủ tuổi, khi cảm thấy sẵn sàng và phải quan hệ tình dục an toàn.
* Không nên níu kéo khi chàng trai đã hết yêu con.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng
Nguồn: https://giaoduc.net.vn/van-hoa/giao-su-nguyen-lan-dung-doc-gium-ban-47-noi-voi-con-gai-20-loi-cua-ba-me-30-post192044.gd