Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn (36): Hồn nhiên trong thế giới đảo điên
(GDVN) – Khi hiểu rằng cảm xúc thật ra chỉ là một suy nghĩ, bạn sẽ dễ dàng bỏ qua suy nghĩ hiện tại để nắm bắt những suy nghĩ khác khiến bạn vui hơn.
LTS: Tiếp tục chia sẻ cùng với bạn đọc những điều mình tâm đắc, tuần này, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng truyền cảm hứng đến các bạn trẻ qua bài viết số 36 – Hồn nhiên trong thế giới đảo điên.
Tòa soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả.
Andy Cope, sinh 1966. Ông có bằng tiến sĩ ở Đại học Loughborough (Anh).
Andy đã phát triển khóa học Nghệ thuật Sáng chói, được chuyển giao cho nhiều doanh nghiệp và trường học trên khắp thế giới.
Andy và nhóm của mình cung cấp các bài phát biểu ở các hội thảo trên khắp thế giới. Tham vọng của ông là cần có được tâm lý tích cực trong các chương trình giảng dạy.
Nghiên cứu của Andy đã giúp ông có nội dung cho nhiều cuốn sách khác nhau về phát triển cá nhân.
Ông còn viết về các chủ đề lãnh đạo, hạnh phúc và kinh doanh.
Cuốn “Hồn nhiên trong thế giới điên đảo” của ông nguyên gốc là The little book of Emotional Intelligence (Cuốn sách nhỏ về Trí tuệ cảm xúc) với sự minh họa của Amy Bradley được phát hành bởi Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh và First News qua bản dịch của Hồ Thị Việt Hà.
Cuốn “Hồn nhiên trong thế giới điên đảo” của tác giả Andy Cope (Ảnh: theo Boldsky).
– Một đời người trung bình dài khoảng 4.000 tuần, tương đương với khoảng 28.000 ngày. Và điều đáng nói hơn nữa là rất có thể con số 4.000 đó đang trôi vụt qua một cách mù mờ.
– Cuộc đời tôi là một chuỗi ngày dài của hư không, hiếm hoi mới có một kỳ nghỉ tuyệt vời. Và khi nằm trên giường bệnh, tôi bị xâm chiếm bởi một cảm giác rằng cuộc đời tôi chỉ “ổn” mà thôi.
– Có lẽ cái chết hơi đáng sợ thật, nhất là cái cảm giác ngừng thở. Nhưng có lẽ chính nỗi sợ rằng chúng ta đã không sống một cuộc đời đủ vui, đủ sôi nổi mới là nguyên nhân khiến chúng ta đau khổ nhất.
– Sau khi phân loại xong người tốt và xấu, chỉ còn lại chúng ta mắc kẹt ở giữa. Và 4.000 tuần sống một cách tầm thường trên quả đất này quả thật là một quãng thời gian dài phí phạm kinh khủng.
– Bạn hãy nhớ: Sống và Tồn tại là hai điều hoàn toàn khác biệt. Tồn tại thì chỉ cần tim đập dẫn máu đi nuôi cơ thể, còn Sống đòi hỏi phải theo một cách mà tôi gọi là Sống thông thái, vốn cần đến cả Trái tim lẫn Bộ óc.
– Mỗi ngày, chúng ta lặp đi lặp lại cùng một suy nghĩ và sống cùng một cuộc sống, không thay đổi và cứ thế, tuần lại qua tuần, tháng lại qua tháng, cả cuộc đời thấm thoát trôi qua trong an toàn và tẻ nhạt.
– Việc thay đổi đòi hỏi bạn có đủ quyết tâm để bước ra mép vực của trí tuệ và đúng là việc ấy đáng sợ thật, tuy nhiên nó sẽ cho bạn cơ hội để học hỏi và trưởng thành.
– Bạn cũng thử nghĩ mà xem, trong những người đã từng thay đổi được thế giới, có ai thành công bằng cách hòa tan mình vào đám đông chưa?
– Trí tuệ cảm xúc tức là thấu hiểu con người, mà cụ thể nhất chính là bản thân bạn.
– Chỉ cần bạn thay đổi những thói quen của bản thân theo hướng tích cực hơn thì cả thế giới mới sẽ mở ra trước mắt bạn.
– Bân rộn chính là thủ phạm nội sinh nguy hiểm nhất tiêu diệt hạnh phúc của chúng ta. Cuộc sống của bạn bỗng hoá thành một nhiệm vụ phân bổ thời gian khắt khe.
– Từ thời xưa, đời sống của loài người chúng ta vẫn luôn khan hiếm thứ này thứ nọ, và ngày nay thứ mà chúng ta khan hiếm nhất chính là thời gian.
– Khi chúng ta lấp đầy kín mọi khoảnh khắc với mọi thứ, kết cục nhận được lại là con số không. Trái lại, khi ta bỏ trống chỉ một vài khoảnh khắc thôi, ta sẽ nhận được mọi thứ.
– Bận rộn quá lại chính là lười biếng. Chính sự lặp đi lặp lại công việc không cần tư duy đó thực ra lại dễ hơn việc bạn chủ động dừng chúng lại và nghĩ: Ủa, có gì đó thiêu thiếu ở đây. Nếu bạn cảm thấy đời mình thiêu thiếu điều gì thì điều đó chính là bản thân bạn.
– Khi thu nhập tăng lên, việc tạo ra hạnh phúc cũng sẽ ngày càng khó hơn. Món hàng mới mua sẽ mang lại nụ cười cho bạn, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn thôi. Khi cái thói quen cũ lại dâng lên, món đồ đã hết mới ấy sẽ dần mất đi vẻ quyến rũ ban đầu. Lúc đó bạn lại bắt đầu khao khát các món đồ khác. Chẳng trách sao bạn cháy cả túi tiền lẫn túi cảm xúc.
– Bất luận bạn có bao nhiêu tiền trong túi, bao nhiêu mối giao thiệp, lúc nào cũng sẽ có một thứ gì đó bạn muốn mua nhưng ngoài tầm với.
– Giây phút chúng ta cảm thấy bằng lòng tức là chúng ta đã có đủ. Chìa khoá nằm ở chỗ trước tiên chúng ta phải học cách bằng lòng.
– Chỉ cần suy nghĩ tích cực chúng ta sẽ đạt được những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
– Nếu bạn mỉm cười và có thái độ vui tươi, những người tiếp xúc trực tiếp với bạn cũng sẽ cảm thấy vui lây và phấn khích tinh thần thêm.
– Về mặt cốt lõi, tất cả mọi cảm xúc đều là tiếng gọi dẫn đến một hành động nào đó.
– Hạnh phúc là điều tiên quyết mà chúng ta mong muốn con cháu mình có được. Bản thân hạnh phúc không phải là một thành quả đạt được, mà là hiệu quả đi kèm của những trải nghiệm trong cuộc sống. Hạnh phúc giống như một hành trình hơn là đích đến.
– Hạnh phúc không đến từ thành công, nó là cội nguồn của thành công.
– Cội nguồn hạnh phúc của một công ty nằm ở ba yếu tố cơ bản là trao quyền, cống hiến và sáng tạo. Niềm vui là để các nhân viên cống hiến và dấn thân nhiều hơn vào công việc. Điều đó đồng nghĩa với việc nhân viên sẽ làm việc hiệu quả hơn, từ đó mang lại cho họ nhiều lợi nhuận hơn.
– Rõ ràng, trở thành người có thể mang lại niềm vui và là nguồn cảm hứng cho mọi người xung quanh là một hành vi mà chúng ta phải học hỏi mới có được.
– Cống hiến nghĩa là tự cảm thấy có trách nhiệm, dấn thân vì công việc để đạt được thành quả lao động vượt trội. Khi con người biết sử dụng thế mạnh của bản thân, chúng ta sẽ trở nên tràn đầy năng lượng và luôn tận tuỵ cống hiến.
– Nhiệm vụ trọng đại của các bậc cha mẹ là phải giúp con mình nuôi dưỡng được cách tư duy trưởng thành, chín chắn. Hành vi cưỡng bách (như trừng phạt hay vạch tội) chỉ tạo cho con trẻ thói quen bám víu vào những gì an toàn cho bản thân, chúng chỉ tập trung vào việc làm thế nào để không phạm phải sai lầm. Hãy khen con trẻ vì chúng đã nỗ lực chứ không phải vì chúng có tài năng.
Đừng bao giờ trả công khi con bạn làm việc nhà hay đạt kết quả tốt. Con của bạn cần học cách sử dụng tiền, hãy dạy cho trẻ biết tiết kiệm chi phí trong nhà. Hãy trò chuyện nhiều hơn với con cái bất cứ khi nào có thể.
– Bạn không nên tự hỏi mình muốn đạt được những gì, mà thay vào đó, hãy tự hỏi mình sẽ phải trả giá những gì để đạt được điều đó.
– Hạnh phúc của bạn được quyết định bởi những gì mà bạn chú tâm đến. Chính suy nghĩ của bạn tạo nên cuộc sống của bạn. Những gì bạn chọn lựa để tập trung sự chú ý của mình vào chính là cái tạo nên cuộc sống của bạn.
– Trở ngại lớn nhất của sự khám phá không phải là sự vô tri mà chính là ảo tưởng cho rằng mình đã hiểu biết.
– Khi hiểu rằng cảm xúc thật ra chỉ là một suy nghĩ, bạn sẽ dễ dàng bỏ qua suy nghĩ hiện tại để nắm bắt những suy nghĩ khác khiến bạn vui hơn. Điểm quan trọng không phải là suy nghĩ trong đầu bạn mà là: bạn chính là người suy nghĩ.
– Nếu bạn hoàn toàn có thể tạo ra thực tế cuộc sống của mình, thế thì tốt hơn cả là bạn nên tạo ra cuộc sống tốt đẹp hơn cái hiện tại.
Hãy tưởng tượng luồng suy nghĩ của bạn như đang tuôn chảy trong một đường ống, vậy đường ống đó có thể sạch sẽ, thông thoáng với những ý tưởng tích cực, lòng biết ơn, hay tắc nghẽn bởi những suy nghĩ tiêu cực chẳng khác gì cọng rác.
– Nếu bạn đồng tình với ý nghĩ rằng bản thân mình chỉ cách hạnh phúc có một suy nghĩ thôi, thì đồng thời bạn cũng phải chấp nhận rằng nỗi buồn, sự giận dữ hay tuyệt vọng, sự ghen tỵ và cơn thịnh nộ cũng chỉ cách bạn có một suy nghĩ mà thôi. Bạn chỉ có thể chạm đến nỗi buồn hay niềm vui thông qua suy nghĩ mà thôi.
– Một khi đã hiểu rằng chính suy nghĩ tạo ra cuộc sống của mình, chúng ta sẽ bắt đầu phân tích suy nghĩ của bản thân, thách đố nó và tìm cách hoán đổi những suy nghĩ tiêu cực bằng các suy nghĩ tích cực.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng
Nguồn: https://giaoduc.net.vn/van-hoa/giao-su-nguyen-lan-dung-doc-gium-ban-36-hon-nhien-trong-the-gioi-dao-dien-post190057.gd