Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn (31): Không diệt, Không sinh, Đừng sợ hãi
(GDVN) – Thật ra sống chết diễn ra trong cơ thể chúng ta suốt ngày đêm. Bất kỳ lúc nào cũng có nhiều tế bào chết, và nhiều tế bào mới ra đời. Tâm ta cũng vậy.
LTS: Tiếp tục đọc giùm bạn những kiến thức bổ ích, trong tuần này, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chia sẻ tới độc giả những ghi chép từ cuốn sách “Không diệt, Không sinh, Đừng sợ hãi” của thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả.
Thích Nhất Hạnh (Nguyễn Xuân Bảo), sinh ngày 11/10/1926. Ông là một thiền sư, giảng viên, nhà văn, nhà thơ, nhà khảo cứu, nhà hoạt động xã hội và người vận động cho hòa bình.
Ông sinh ra ở Thừa Thiên-Huế, xuất gia theo Thiền tông vào năm 16 tuổi, trở thành một nhà sư vào năm 1949.
Năm 1973 khi hiệp định Paris được ký kết, ông ở lại Pháp từ đó đến nay.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh (Ảnh: tác giả cung cấp).
Thích Nhất Hạnh là nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn thứ hai ở phương Tây chỉ sau Đạt-lại Lạt-ma.
Ông là người đưa ra khái niệm “Phật giáo dấn thân” (engaged Buddhism) trong cuốn sách Vietnam: Lotus in a Sea of Fire của ông.
Thích Nhất Hạnh đã viết hơn 100 cuốn sách, trong số đó hơn 40 cuốn bằng tiếng Anh.
Ông là người vận động cho phong trào hòa bình, với các giải pháp không bạo lực cho các mâu thuẫn.
Đây là cuốn “No Death, No Fear: Comforting Wisdom for Life” bản tiếng Việt do Nhà xuất bản Hội nhà văn và SaigonBooks phát hành qua phần dịch thuật của Chân Huyền.
Cuốn sách Không diệt, Không sinh, Đừng sợ hãi của thiền sư Thích Nhất Hạnh (Ảnh: tiki.vn).
Các bạn nên nhớ đây là chân lý của Phật giáo. Tin đến đâu là tùy tâm của mỗi chúng ta.
– Khi chúng ta hiểu rằng mình không bị huỷ diệt thì chúng ta không còn lo sợ. Đó là sự giải thoát. Chúng ta có thể an hưởng và thưởng thức đời sống một cách mới mẻ.
– Cho rằng có trên có dưới là sai. Cái gì ta nghĩ là phía dưới có thể ở phía trên của người khác, ở nơi khác.
– Bụt dạy rằng khi ta bị kẹt vào một ý niệm và coi đó là chân lý thì ta sẽ mất cơ hội để thấy được chân lý. Vậy nên khi bạn vướng vào một ý niệm về sự thật hay có ý niệm về các điều kiện của hạnh phúc thì hãy cẩn thận.
– Thế giới chúng ta đã chịu khổ đau quá nhiều vì các chủ thuyết giáo điều. Nếu ta bị kẹt vào các ý niệm, ta sẽ đau khổ và làm cho người thân đau khổ theo.
– Mọi sự, mọi vật đều không được sinh ra hay mất đi vì chúng luôn luôn ở trong tiến trình liên tục biểu hiện.
– Bạn cũng nhìn thấy thân thể mình là nền tảng của các thế hệ tương lai. Do đó chúng ta sẽ không làm hại thân mình, vì như thế là không tử tế với các thế hệ con cháu.
Ta sẽ không sử dụng ma túy và ăn uống những thứ có độc tố làm hại thân thể. Đó là do cái hiểu về sự biểu hiện, nó đã giúp chúng ta sống một cuộc đời lành mạnh, trong sáng và có trách nhiệm.
– Chúng ta không chỉ quan tâm đến những chuyện bình thường trong đời sống như danh vọng, lợi nhuận, địa vị xã hội, các dự án, mà chúng ta cũng quan niệm tới bản chất chân thật trong ta.
– Bạn sẽ có sự an bình thật sự, sẽ trở nên mạnh mẽ và vững vàng, có thể mỉm cười với mọi chuyện xảy ra cho mình. Sống như thế bạn có thể giúp được nhiều người chung quanh bạn.
– Nếu bạn nhìn sâu vào ý niệm sáng tạo với trí tuệ, hiểu rõ về sự biểu hiện, bạn sẽ khám phá được ý nghĩa sâu xa của chữ sáng tạo. Bạn sẽ thấy rằng không có gì sinh ra, không có gì mất đi, chúng chỉ biểu hiện mà thôi.
– Hầu như chúng ta nhiều lần đối xử với con cái như thể chúng sẽ sống cùng nhà với ta hoài hoài. Chúng ta không bao giờ nghĩ vài năm sau, chúng sẽ lấy chồng, lấy vợ và thành lập gia đình riêng của chúng. Vậy nên sao chúng ta không trân quý những giờ phút con trẻ còn ở nhà với chúng ta.
– Bạn phải nuôi dưỡng, chăm sóc thì tình yêu mới lớn lên được.
– Một cách tự nhiên, thân thể của ta được thừa kế từ gia đình huyết thống của ta. Ta cũng là di sản của môi trường ta sống.
– Bạn không nên dùng quan niệm của mình để chống lại quan niệm của người khác.
– Bạn có thể nhận ra rằng các điều kiện của hạnh phúc bạn đang có trong đời là đầy đủ rồi. Vậy là bạn có hạnh phúc ngay lập tức.
– Chúng ta đau đớn vì chúng ta không hiểu. Đám mây không mất đi đâu cả. Người thương của ta cũng vậy.
Đám mây hiện ra trong các hình tướng khác. Người thương của ta biểu hiện ra một cách khác. Khi hiểu được như vậy chúng ta bớt đau khổ đi nhiều.
– Thật ra sống chết diễn ra trong cơ thể chúng ta suốt ngày đêm. Bất kỳ lúc nào cũng có nhiều tế bào chết và nhiều tế bào mới ra đời. Tâm ta cũng vậy. Các ý nghĩ đến rồi đi. Các cảm xúc sinh ra rồi hoại diệt. Biểu hiện, ngừng biểu hiện, liên tục tiếp nối nhau. Không có sinh, không có diệt, chỉ có sự chuyển hóa tiếp tục mà thôi.
– Khi nào trong bạn còn có cái lo sợ thì hạnh phúc của bạn không được hoàn toàn. Thực tại là chân hư, không bị ảnh hưởng bởi sống – chết, tới – lui, có – không hay thêm – bớt, bẩn – sạch… Chúng ta đầy những khái niệm như thế, vì vướng vào các khái niệm như thế nên chúng ta đau khổ. Ta sẽ được giải thoát thật sự khi không vướng mắc vào các khái niệm đó.
– Nếu bạn có thể thở vào, thở ra và bước đi với tinh thần đã về – đã tới – bây giờ – ở đây thì bạn sẽ thấy mình vững chãi và tự do hơn ngay lập tức. Bạn đã đứng vững được trong hiện tại, ngay tại địa chỉ chính thức của bạn. Không có gì thúc đẩy bạn phải chạy hoặc sợ hãi.
Bạn được giải phóng khỏi những lo âu quá khứ. Bạn sẽ không còn bị bế tắc, nghĩ tới những gì chưa xảy ra và những gì bạn không kiểm soát được. Bạn được tự do, không còn mặc cảm phạm lỗi thời quá khứ và cũng không lo lắng về tương lai nữa.
– Vững chãi, thảnh thơi là những gì bạn cảm thấy, bạn trở thành khi bạn tới được chỗ bây giờ và ở đây. Bạn không chỉ nói với mình như thế mà bạn sẽ thấy, sẽ cảm nhận được như thế. Làm vậy bạn sẽ được bình an.
– Chúng ta mong sự khởi đầu và sự chấm dứt. Nhưng trong bình diện tuyệt đối không có những thứ đó. Không có khởi đầu hay chấm dứt, không trước cũng không sau. Bình diện tuyệt đối là nền tảng của thế giới hiện tượng. Đó là nguồn gốc, là cội rễ liên tục của chúng sinh.
– Nếu bạn mang theo nhiều buồn phiền, sợ hãi và tham đắm, thì bạn đi tới đâu cũng chỉ gặp thế giới đau khổ như địa ngục mà thôi. Nếu bạn mang theo lòng từ bi, hiểu biết và thanh thản, thì đi đâu bạn cũng sẽ gặp được thế giới của Chân như, vương quốc của Thượng đế.
– Chúng ta chạy đuổi ban ngày và chạy cả trong giấc ngủ. Chúng ta không biết cách ngừng lại. Nếu ta không học để dừng lại được thì ta không thể định tâm và nhìn sâu. Chúng ta sẽ không buông bỏ được sợ hãi vì ta không đủ mạnh, không đủ vững chãi để nhìn ra chân lý không đến, không đi.
– Hãy làm bó đuốc và đem ngọn lửa của bạn châm cho các bó đuốc khác.
– Chúng ta chỉ chấp nhận giáo pháp nào mà ta có thể đem ra thực tập, với sự tỉnh thức, hiểu biết của chính ta và thấy mình thực chứng được các lời giảng đó.
– Sáng nay bạn nói điều gì không dễ thương với con bạn. Với những lời lẽ khó thương đó, bạn đi vào trong con. Nay bạn hối tiếc những lời đó.
Vậy thì bạn có thể chuyển hóa những lời đó bằng cách nhận lỗi với con, còn nếu bạn không làm như vậy thì những lời khó thương kia sẽ ở với con bạn một thời gian dài.
– Đối với các thế hệ con cháu bạn sẽ hiện diện trong từng tế bào của chúng. Và bạn cũng hiện diện trong tâm thức của những người mà bạn đã tiếp xúc. Đây là sự thật, không phải chuyện tưởng tượng. Dưỡng dục thay đổi bản chất di truyền. Tâm linh và sự tu học của bạn, là một phần của đời sống hàng ngày, cũng có mặt trong từng tế bào của bạn.
– Nếu các hạt giống thiện được tưới tắm trong cuộc đời một người nào, đó là do may mắn và một phần do cố gắng. Những cái duyên trong đời sống có thể giúp ta gặp cơ hội tưới tắm những hạt giống kiên nhẫn, đại lượng, từ bi và yêu thương.
– Mỗi khi cái sợ nổi lên, bạn lại nhận diện và mỉm cười với nó, cái lo sợ sẽ mất đi một phần sức mạnh của nó. Khi nó trở lại tiềm thức của ta, nó trở thành một hạt giống nhỏ hơn trước.
– Hãy nhìn kỹ bạn sẽ thấy ở bất cứ đâu những con người cả nam lẫn nữ có lòng từ bi, đang làm mọi chuyện để giúp đỡ hay bảo vệ loài người. Họ có rất nhiều năng lượng và thương yêu và chúng ta sẽ được hưởng khi tới gần họ.
– Khi chúng ta có thể hiểu được nỗi đau của người khác và thương họ là chúng ta tiếp xúc được với Bồ tát Đại trí.
– Sự nghiệp duy nhất của Bồ tát là trí tuệ. Các sự nghiệp khác đều không đáng theo đuổi. Không có danh vọng nào bằng được tuệ giác ta đạt tới khi ta thực tập dừng lại và nhìn sâu vào bản chất của sự vật. Khi nhờ hiểu biết mà ta không còn giận dữ, đó là ta đã có hạt giống trí tuệ rồi.
– Lối sống của ta có ảnh hưởng trên mọi chuyện. Vậy chúng ta nên suy nghĩ: Chúng ta đã sống ra sao?
– Tất cả các khổ não của thế gian là của chúng ta. Chúng ta phải nhìn mình là họ và họ là mình. Khi ta nhìn thấy họ khổ đau, một mũi tên của hiểu biết và thương yêu xuyên vào tim ta. Ta có thể thương họ và tìm cách giúp họ.
– Bạn đã làm gì với đời bạn? Bạn có thực sự tạo được phúc lợi cho bạn, cho người thương và cho các chúng sinh chưa?
– Khi chúng ta có hạnh nguyện của Bồ tát, chúng ta có thể bỏ qua được tất cả những chuyện vô nghĩa đã hấp dẫn ta trước đây. Ta có thể bỏ qua danh vọng và lợi lộc. Khi đã quyết tâm thì những chuyện đó rất dễ bỏ qua. Bụt có trong ta, ta có trong Bụt. Ta có thể trở thành Bụt, ta có thể giác ngộ được như Ngài.
– Sống hạnh phúc, chết bình an là chuyện có thể làm được. Ta sẽ được như thế khi ta thấy mình tiếp tục biểu hiện trong các hình thức khác. Bao nhiêu người trong chúng ta có nỗi sợ mình sẽ biến thành hư vô.
Vì sợ hãi mà ta rất đau khổ. Vì vậy mà ta cần giúp đỡ người sắp chết hiểu được cái chân lý này: Ta chỉ là sự nối tiếp trong nhiều biểu hiện.
Như vậy, ta sẽ không bị chuyện sống chết làm cho ta hoảng sợ, vì ta hiểu đó chỉ là những khái niệm mà thôi. Đó là một cái nhìn rất quan trọng giúp cho ta hết sợ hãi.
– Hãy học cách sống hạnh phúc, bình an và sung sướng ngay hôm nay. Hãy tập nhìn sâu để hiểu được bản chất thật của sinh tử, như vậy bạn sẽ được chết bình an, không sợ hãi. Đấy là điều ai cũng có thể làm được.
– Bạn không cần mất thì giờ để làm những chuyện vô ích và tầm thường. Bạn không cần giàu có, không cần có danh vọng hay quyền hành. Điều bạn cần là tự do, vững chãi, bình an và hạnh phúc. Bạn cần có thời giờ và năng lực để có thể chia sẻ những thứ đó với người khác.
– Ta dùng thời giờ cho sự tu học để làm cho đời sống ta có phẩm chất hơn. Đó là món quà quý nhất ta có thể tặng cho con cháu ta. Đó là những tinh túy ta có thể chia sẻ với bạn bè.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng
Nguồn: https://giaoduc.net.vn/van-hoa/giao-su-nguyen-lan-dung-doc-gium-ban-31-khong-diet-khong-sinh-dung-so-hai-post189145.gd