GIÁO DỤC VIỆT NAM CÓ THỰC SỰ “LẤY NGƯỜI HỌC LÀM TRUNG TÂM?” (Qua thực tiễn giáo dục đại học ở Việt Nam)

  1. Giáo dục

  2. Văn hóa

Là một người công tác trong ngành giáo dục suốt 15 năm qua, tôi hiểu sâu sắc về những gì mà giáo dục Việt Nam đã và đang phải trải qua trong công cuộc đổi mới nhằm thích nghi với bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và xu thế hội nhập quốc tế. Nhiều vấn đề đang được đặt ra đối với hệ thống giáo dục Việt Nam nói chung và các trường đại học nói riêng với yêu cầu phải thay đổi một cách toàn diện và căn bản trên nhiều phương diện. Trong đó, phương châm “Giáo dục lấy người học làm trung tâm” được coi như là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, vấn đề then chốt của công cuộc đổi mới. Vậy giáo dục Việt Nam đã và đang thực hiện vấn đề này như thế nào? Những đổi mới trong chương trình đào tạo, nội dung dạy học, phương pháp dạy học, các hoạt động tổ chức học tập…hiện nay có thực sự giúp ích cho người học?

Trong bài viết này, tôi sẽ đưa ra một số phân tích về thực tiễn các hoạt động giáo dục đang được thực hiện nhằm hiện thực hóa quan điểm “Giáo dục lấy người học làm trung tâm” đã và đang được thực hiện ở các trường học ở Việt Nam hiện nay trên cơ sở những phân tích, đối sánh giữa vấn đề lý thuyết và thực tế triển khai. Bối cảnh phân tích của bài viết chủ yếu tập trung vào thực tiễn giáo dục đại học ở Việt Nam (từ môi trường tôi đang công tác), thông qua nội dung chương trình đào tạo; tổ chức đào tạo; vai trò, trách nhiệm, mối quan hệ giữa giảng viên và sinh viên trên lớp học và ngoài lớp học.

https://cdn.noron.vn/2021/08/02/9067999312012792-1627893493_1024.jpg

1.Về quan điểm “Giáo dục lấy người học làm trung tâm

Trước hết, để làm rõ vấn đề này, tôi sẽ phân tích, làm rõ quan điểm “giáo dục lấy người học làm trung tâm”.

Như chúng ta đã biết, bên cạnh kinh tế, chính trị, văn hóa thì giáo dục là một trong những khía cạnh được đề cập đến khá nhiều trong công cuộc phát triển, đổi mới đất nước. Thậm chí có ý kiến cho rằng, đầu tư vào giáo dục là một phương thức đúng đắn giúp Việt Nam nhanh chóng hội nhập quốc tế. Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, các chương trình đổi mới trong giáo dục đều hướng đến những thay đổi mang tính đột phá với quan điểm “lấy người học làm trung tâm”. Có lẽ, đây không phải là quan điểm hoàn toàn mới bởi nhìn từ góc độ tổ chức xã hội loài người nói chung thì mục tiêu căn bản của chúng ta là hoàn thiện và phát triển con người. Mọi hoạt động đều hướng đến phục vụ, đáp ứng nhu cầu của con người trong mỗi thời kỳ lịch sử, xã hội khác nhau, hướng đến xã hội văn minh, tốt đẹp hơn. Và trong các hoạt động đó giáo dục trở thành lĩnh vực đào tạo, hỗ trợ, thúc đẩy con người nâng cao về năng lực, trình độ kiến thức, hoàn thiện về nhân cách, phẩm chất đạo đức. Do đó, con người luôn là trung tâm của các hoạt động giáo dục. Việc đào tạo ra những con người, công dân tốt cho xã hội là nhiệm vụ của ngành giáo dục và những người làm việc trong lĩnh vực này (nghề thầy) được coi là “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”.

Trong những năm gần đây, quan điểm này ngày càng được nâng lên trở thành phương châm, khẩu hiệu trong ngành giáo dục. Điều này có lẽ xuất phát từ bối cảnh thực tế xã hội mà chúng ta cũng như nhiều nước khác nhau trên thế giới đang trải qua. Đó là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động toàn diện, sâu rộng và nhanh chóng, trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có giáo dục và đào tạo. “Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 được hình thành dựa trên nền tảng của cuộc cách mạng số, đặc biệt là việc sử dụng phổ biến internet. Nội dung của cuộc cách mạng là sự phát triển hệ thống liên kết thế giới thực và ảo trên cơ sở vạn vật kết nối internet (Internet of things - IOT) và các hệ thống kết nối internet (Internet of systems - IOS)” (Theo Huỳnh Mẫn Đạt, Tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đến các trường Đại học ở Việt Nam, Tạp chí VHNT số 405, tháng 3 – 2018, vhnt.org.vn). Ngày nay với sự phát triển đột phá của nhận thức tư duy con người đã và đang sáng tạo ra những máy móc hiện đại, robot, người máy có thể thay thế con người trong nhiều hoạt động. Theo các con số thống kê gần đây “20 năm tới đây, 70-75% những công việc đơn giản, thủ công trong các ngành nghề này có thể sẽ bị thay thế”. Điều đó đồng nghĩa với việc một số lượng lao động không nhỏ sẽ dần bị thay thế, mất việc nếu không đáp ứng được yêu cầu của thời đại. Vấn đề đặt ra đối với các trường đại học là định hướng đào tạo đáp ứng yêu cầu ngành nghề của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và đào tạo lại để thích ứng với ngành nghề mới. Do đó, mỗi nhà trường cần có sự thay đổi căn bản, toàn diện hệ thống giáo dục với mục tiêu “lấy người học làm trung tâm” của quá trình đào tạo.

Theo nhiều ý kiến, quan điểm “giáo dục lấy người học làm trung tâm” nghĩa là người học sẽ trở thành trung tâm cho mọi đường hướng, chính sách, hoạt động trong nhà trường. Mọi thay đổi trong nhà trường từ mục tiêu đào tạo, phương thức và phương pháp đào tạo, mô hình hoạt động dạy – học, bồi dưỡng cán bộ, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, vai trò và phương pháp giảng dạy của người thầy, nội dung chương trình dạy học… đều xoay quanh người học và hướng đến chất lượng người học. Hay nói cách khác, chất lượng người học sẽ trở thành tiêu chí đánh giá chất lượng của một trường đại học nói riêng và hệ thống giáo dục Việt Nam nói chung. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, yêu cầu đặt ra đối với giáo dục là cần đào tạo ra người học trình độ chuyên môn cao, có năng lực tư duy, sáng tạo, đổi mới, với nhiều kỹ năng thích ứng với thời đại công nghiệp như kỹ năng phân tích và tổng hợp thông tin, có khả năng làm việc độc lập và ra quyết định dựa trên cơ sở phân tích các chứng cứ và dữ liệu sẽ trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Điều đó là đúng nhưng chưa đủ đối với quan điểm “lấy người học làm trung tâm”. Theo tôi, quan điểm này cần được làm rõ hơn ở một khía cạnh khác. Đó là quá trình đào tạo cần phải hướng đến sự thấu hiểu người học trên cơ sở những mong muốn, nhu cầu, tính cách, đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi, môi trường sống…của người học, từ đó có sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời, khơi gợi được niềm đam mê, hứng thú, năng lực, nỗ lực và sự bứt phá của người học (theo phương pháp dạy học phân hóa đang được áp dụng hiện nay). Hay nói cách khác, việc “lấy người học làm trung tâm” còn cần phải có sự cá nhân hóa trong quá trình dạy học. Không thể là một nền giáo dục đại trà, đào tạo ồ ạt theo số lượng, thành tích, điểm số mà điều quan trọng là tạo ra những thay đổi trong nhận thức, tư duy con người. Muốn có được điều này đòi hỏi một sự thay đổi toàn diện trong hệ thống giáo dục Việt Nam mà dường như mô hình giáo dục truyền thống không thể đáp ứng được.

https://cdn.noron.vn/2021/08/02/9067999312012793-1627893528_1024.jpg

2. Thực tiễn quan điểm “Giáo dục lấy người học làm trung tâm” tại các trường đại học ở Việt Nam hiện nay

Với phương châm “lấy người học làm trung tâm” nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo của sinh viên, các trường đại học ở Việt Nam hiện nay đã nhanh chóng đổi từ hình thức đào tạo niên chế sang đào tạo tín chỉ (1). Đi cùng với quá trình này là những thay đổi trên nhiều phương diện: mục tiêu đào tạo, nội dung chương trình dạy học,quản trị nhà trường, phương thức và phương pháp đào tạo, mô hình hoạt động dạy – học trong đào tạo…Ở phần này, tôi sẽ tập trung vào một số vấn đề chính sau:

Xây dựng chương trình, nội dung đào tạo

Hiện nay, về cơ bản chương trình, nội dung các môn học ở các ngành học trong các trường đại học đều được xây dựng theo nhu cầu thực tiễn từ người học và xã hội. Các nhà giáo dục sẽ dựa trên quá trình khảo sát, điều tra thực tiễn, nắm bắt nhu cầu của xã hội, hỏi ý kiến chuyên gia để xây dựng chương trình đào tạo cho phù hợp với mong muốn của người học và đáp ứng nhu cầu xã hội. Ví dụ tài nhiều trường đại học hiện nay liên tục cập nhật và xây dựng thêm nhiều chuyên ngành mới theo đúng xu hướng của xã hội.

Ngoài ra, nội dung chương trình các môn học ngoài khung đề cương chung được xây dựng ngay từ đầu, luôn có sự mở rộng, cập nhật, biến đổi linh hoạt tùy thuộc vào đối tượng hoạt động (người dạy – người học), không gian, thời gian, mục tiêu, nội dung chương trình đào tạo và bối cảnh xã hội trong mỗi giai đoạn khác nhau. Môn học sẽ thường xuyên có sự trao đổi, thảo luận trong nhóm giảng viên giảng dạy môn học hoặc sinh hoạt tổ bộ môn. Thêm vào đó, các chương trình đào tạo sẽ được bổ sung, chỉnh sửa qua các năm (5 năm/lần thay đổi). Trong hệ thống các môn học của ngành học, ngoài các môn học bắt buộc, sinh viên có thể lựa chọn các môn học yêu thích. Và thường thì nội dung tự học của sinh viên sẽ gấp đôi thời gian học trên lớp (ví dụ môn 2 tín chỉ sinh viên sẽ có 30 giờ lên lớp và 60 giờ tự học, môn 3 tín chỉ sinh viên có 45 giờ lên lớp và 90 giờ tự học). Điều này cho thấy người học muốn đạt kết quả cao cần phát huy tính chủ động và dành thời gian cho việc tự học nhiều hơn thay bằng chỉ tiếp nhận kiến thức trên lớp.

*Tổ chức hoạt động đào tạo

Nếu như trước đây, trong hệ đào tạo niên chế (học theo năm định sẵn) sinh viên sẽ phải tham gia cùng nhau theo lớp, học theo thời khóa biểu định sẵn do phòng đào tạo xếp và sinh viên sẽ có số năm tốt nghiệp như nhau (4 năm hoặc hơn tùy trường đào tạo)…thì hiện nay sinh viên hoàn toàn có thể phát huy quyền làm chủ, chủ động trong việc học của mình: quyền lựa chọn và đăng ký môn học, chủ động sắp xếp thời gian học (thời gian theo học các môn, số lượng môn học các học kỳ, số năm học để tốt nghiệp), được quyền lựa chọn giảng viên giảng dạy…Ngoài ra, các trường sẽ thường xuyên tổ chức các chương trình đối thoại giữa nhà trường, giảng viên với sinh viên nhằm phát huy tính dân chủ, đáp ứng nhu cầu, mong muốn từ người học. Đồng thời thúc đẩy các chương trình ngoại khóa phát huy sự sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên.

Hoạt động dạy và học

Để thực hiện phương châm “lấy người học làm trung tâm” đòi hỏi người dạy phải thay đổi phương pháp dạy học: từ dạy học truyền thống mang tính chia sẻ, truyền thụ kiến thức sang phương pháp dạy học mang tính định hướng, khơi gợi sự tò mò, phát huy tính sáng tạo cho người học dần được thực hiện. Nhiều giảng viên đã nhanh chóng áp dụng các mô hình lớp học hiện đại như lớp học đảo ngược, dạy học theo dự án, tình huống, các hoạt động thảo luận, tương tác nhằm tạo tạo môi trường học tập năng động, thoải mái, phát huy tư duy phản biện ở người học. Giảng viên gia tăng thời gian tự học và thực hành cho sinh viên qua các bài tập thực hành, các dự án được thực hiện. Nhiều giảng viên trở thành “nhà giáo dục truyền cảm hứng”, thấu hiểu và luôn sẵn sàng hỗ trợ người học.

Có thể nói, những cố gắng trên từ phía các trường đại học đã phần nào đem đến sự thay đổi bước đầu ở người học:

(1) Thoát khỏi tính khuôn mẫu của một chương trình định sẵn.

(2) Làm chủ được việc học của bản thân thông qua quyền được lựa chọn môn học, hình thức, và thời gian học phù hợp.

(3) Hình thành được sự tự tin, cởi mở trong việc bộc lộ quan điểm và xây dựng, đào sâu vấn đề.

(4) Từ đó trở nên chủ động trong quá trình tìm kiếm tri thức và rèn luyện kĩ năng bản thân dưới sự hỗ trợ, hướng dẫn của người thầy.

Tuy nhiên, sự thay đổi này vẫn còn hạn chế ở một số lượng nhỏ sinh viên, theo quan sát của tôi.

3. Những vấn đề bất cập trong việc triển khai quan điểm “Giáo dục lấy người học làm trung tâm” trong thực tiễn

Mặc dù bước đầu có thay đổi nhưng tôi cho rằng quan điểm “Lấy người học làm trung tâm” trong giáo dục ở Việt Nam hiện nay mới chỉ dừng lại ở những thay đổi mang tính bề nổi chứ chưa đi vào bản chất của vấn đề.

Có một thực tế hiện nay là trong chương trình đào tạo của nhiều trường, các môn học còn mang nặng tính lý thuyết xa vời, trong khi các học phần chuyên ngành, thực hành không tương xứng với khối kiến thức và kỹ năng cần trang bị cho sinh viên. Trong khi đó mục tiêu phải đào tạo ra những công dân toàn cầu có năng lực tư duy đổi mới và sáng tạo, có đủ tố chất để lĩnh hội các kỹ thuật tiên tiến trong kỷ nguyên cách mạng số này. Các học phần bắt buộc chiếm số lượng quá nhiều so với học phần được lựa chọn để học.

Mặt khác khi chuyển sang hình thức học tín chỉ, sinh viên được cắt giảm thời gian lên lớp và dành nhiều thời gian hơn cho việc tự học. Tuy nhiên, sự thay đổi này không đi kèm với một hệ thống tiêu chí đánh giá rõ ràng, khoa học, cũng như thiếu hụt các hoạt động thực hành hỗ trợ cho quá trình tự học của sinh viên. Do đó, trên thực tế thì sinh viên hiện nay có nhiều thời gian hơn để đi làm thêm, tham gia các hoạt động giao lưu, giải trí bên ngoài. Phần lớn sinh viên vẫn học một cách thụ động, ít có sự sáng tạo, mở rộng những kiến thức được tiếp thu trên lớp. Tâm lý coi trọng điểm số, học để qua môn, coi việc học là nghĩa vụ, trách nhiệm phải hoàn thành, “phải đi học” để tích lũy đủ số tín chỉ ra trường là suy nghĩ của rất nhiều bạn sinh viên hiện nay. Hơn nữa trong thời đại số 4.0, nhiều bạn sinh viên chủ yếu sử dụng mạng Internet vì mục đích giải trí thay vì khai thác các lợi ích giáo dục của nó. Kỹ năng giao tiếp, phản biện, tư duy sáng tạo, kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng mềm…còn kém và lúng túng khi đi kiến tập, thực tập tại các cơ quan, công sở, doanh nghiệp.Do đó dẫn đến những vấn đề như sau:

(1) Sinh viên tận dụng thời gian chủ yếu để đi làm thêm, tham gia các hoạt động giao lưu, giải trí.

(2) Phần lớn còn học một cách thụ động, thể hiện ít tính sáng tạo và chủ động mở rộng kiến thức.

(3) Tâm lý coi trọng điểm số, coi việc học là một sự bắt buộc còn phổ biến.

(4) Chưa khai thác được giá trị giáo dục trên các nền tảng số, chủ yếu sử dụng với mục đích giải trí.

(5) Chưa xây dựng và phát triển được nền tảng kỹ năng mềm như kỹ năng tư duy phản biện, sáng tạo, kỹ năng giao tiếp, v.v.

Giảng viên gặp nhiều khó khăn, rào cản khi thực hành quan điểm trên: số lượng lớp dạy/năm học quá nhiều; hệ số lớp đông nên khó khăn trong việc thấu hiểu, hỗ trợ người học; những áp lực về thành tích, điểm số và các thủ tục hành chính; thiếu các chương trình hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy giảng viên. Hay giảng viên muốn áp dụng, đổi mới phương pháp giảng dạy mới nhưng khó thực hiện do thiếu các trang thiết bị cần thiết hoặc đã hư hỏng như máy chiếu, máy tính, âm thanh, ánh sáng, kết nối mạng wifi… Thêm vào đó, hiện nay đa phần không gian lớp học trong các giảng đường của nhiều trường vẫn được bố trí theo hình thức truyền thống, trong đó thầy đứng trên bục giảng ở vị trí cao hơn còn trò sẽ ngồi tập trung ở dưới. Điều này vô hình chung đã tạo ra khoảng cách nhất định giữa thầy và trò (có những giảng viên gần như đến lớp chỉ đứng yên trên bục giảng mà không có sự giao lưu với sinh viên), thiếu sự kết nối. Hơn nữa nhiều giảng viên thiếu sự cập nhật, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, hay đổi mới, sáng tạo trong phương pháp giảng dạy. Tư tưởng về vị thế, thứ bậc cao của người thầy, sự tuyệt đối hóa về kiến thức, tâm lý thực dụng, coi trọng quyền lực, địa vị vẫn khá phổ biến.

Hiện nay, có khá nhiều phương pháp dạy học hiện đại được áp dụng trong các giờ học. Bên cạnh các phương pháp dạy học truyền thống người dạy đã sử dụng các phương pháp dạy học nêu vấn đề, thảo luận nhóm... song chúng ta cần nhìn vào hai mặt của vấn đề. Các phương pháp dạy học mới đem lại nhiều lợi ích cho người học: giúp phát huy tính tích cực, chủ động, rèn luyện nhiều kỹ năng học tập hiệu quả đồng thời tạo hấp dẫn, lôi cuốn trong quá trình truyền tải kiến thức của người dạy. Nhưng nếu lạm dụng và sử dụng không đúng cách những phương pháp dạy học mới sẽ dẫn đến tình trạng giáo viên chỉ nêu câu hỏi, yêu cầu học viên tự nghiên cứu và tình bày, thiếu đi sự hướng dẫn, gợi mở, phân tích, giảng giải cần thiết từ giáo viên khiến người học khó nắm bắt. Quan trọng hơn là làm cho người học không tiếp nhận được khối lượng kiến thức cần thiết từ người thầy trong mỗi bài học và qua từng môn học để áp dụng vào công tác thực tiễn sau khi tốt nghiệp.

https://cdn.noron.vn/2021/08/02/9067999312012795-1627893559_1024.jpg

Nhìn chung, các hoạt động đổi mới ở nhiều trường đại học ở Việt Nam hiện nay còn mang nặng tính hình thức, chưa đi sâu vào thực chất nội dung, đôi khi còn giảm chất lượng đào tạo. Ví dụ hiện nay tại nhiều trường đại học sinh viên đa phần vẫn phải học theo các môn trong chương trình, không được lựa chọn giảng viên (lý do là nhà trường thiếu cơ sở vật chất để bố trí cho sinh viên học hoặc nguồn giảng viên chưa đủ để sinh viên có quyền lựa chọn (trường hợp một giảng viên/môn học hoặc nhiều giảng viên dạy nhiều môn học vẫn khá phổ biến). Do đó, để thực hiện được quan điểm “Giáo dục lấy người học làm trung tâm” thiết nghĩ, các cơ quan ban ngành trong hệ thống giáo dục Việt Nam nói chung và các trường đại học nói riêng trước hết cần nhận thức đúng, rõ, thấu đáo về quan điểm này: thực sự tôn trọng nhu cầu, mong muốn và thấu hiểu người học; chất lượng người học là một trong những mục tiêu hàng đầu; tôn trọng sự khác biệt ở người học…Trên cơ sở đó tạo ra sự thay đổi một cách hệ thống, toàn diện các phương diện liên quan trong hệ thống tổ chức, quản lý giáo dục tại mỗi trường đại học, hướng đến việc xây dựng các chương trình đào tạo, các hoạt động dạy học phù hợp với nhu cầu, mong muốn, năng lực của người học, thúc đẩy sự tích cực, sáng tạo, xây dựng môi trường văn hóa thân thiện, cởi mở…

“Giáo dục lấy người học làm trung tâm” là quan điểm đúng đắn, phù hợp với mục tiêu, bản chất của giáo dục. Để làm được điều này, đòi hỏi giáo dục Việt Nam nói chung và giáo dục đại học nói riêng cần có sự dũng cảm, đối diện với những vấn đề bất cập, phân tích, nhìn nhận và lựa chọn hướng đi phù hợp. Trong đó, điều cần nhất đối với các nhà giáo dục là sự tận tâm, nhiệt huyết với nghề, yêu thương học trò và thực sự mong muốn tạo ra sự thay đổi ở người học trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng.

(1) Chú thích:

- Đào tạo niên chế (học theo năm định sẵn): sinh viên sẽ phải tham gia cùng nhau theo lớp, học theo thời khóa biểu định sẵn do phòng đào tạo xếp và sinh viên sẽ có số năm tốt nghiệp như nhau (4 năm hoặc hơn tùy trường đào tạo).

- Đào tạo tín chỉ: sinh viên phải tích lũy, hoàn thành chương trình học theo số tín chỉ quy định, không phải lên lớp theo từng học kỳ, từng năm học như trước đây. Do đó, sinh viên sẽ chủ động tự chọn đăng ký môn học theo cấu trúc chương trình đào tạo, theo kế hoạch học tập, nhu cầu của bản thân.

Từ khóa: 

giáo dục

,

giáo dục việt nam

,

giáo dục đại học

,

giảng viên

,

sinh viên

,

giáo dục

,

văn hóa

Em nghĩ rằng để giáo dục lấy người học làm trung tâm đi vào thực tế thì cần đến những giáo viên, giảng viên không những có trí tuệ của người thầy mà còn có trái tim của người thầy nữa, cô ạ.

Trả lời

Em nghĩ rằng để giáo dục lấy người học làm trung tâm đi vào thực tế thì cần đến những giáo viên, giảng viên không những có trí tuệ của người thầy mà còn có trái tim của người thầy nữa, cô ạ.

Nhìn qua cách học môn ngữ văn và lịch sử là biết có lấy người học làm trung tâm k ấy mà

em thì thấy giáo dục Việt Nam nói chung và các trường công lập nói riêng là chưa quan tâm đến trải nghiệm của người học mấy đâu, toàn là hướng người học theo chuyên sâu nghiên cứu hàn lâm chứ ít có thực tiễn, sinh viên ra trường lương lậu bèo bọt vì doanh nghiệp họ phỏng vấn xong thì thấy phải đào tạo nhân viên từ đầu, cầm tay chỉ việc. giáo viên lâu năm lên lớp với tâm thế luôn muốn được học sinh sinh viên nhìn mình như Idol, lãnh tụ, nói gì cũng phải nghe, không cởi mở tư duy tranh biện. Bộ Giáo Dục nên mở cửa hơn nữa cho hệ thống đào tạo của trường học Tư Nhân. việc dạy học cũng nên được phát triển theo hướng Cung - Cầu. không chỉ học sinh sinh viên mà những người làm trong ngành Giáo Dục cũng nên tự đặt ra câu hỏi: "ngành nghề nào đang hot? xe điện? tôi phải đào tạo/học tập ở môi trường nào mới đáp ứng được nhu cầu về trình độ nhân lực của ngành nghề này? tham vấn cùng lãnh đạo doanh nghiệp, từ đó đưa ra phương hướng đào tạo."
mong rằng giáo dục Việt Nam sẽ sớm có một "ngôi sao" hoặc "kỳ lân" nào đó để làm hình mẫu mà phát triển, giúp nâng tầm nguồn nhân lực Đại học, Cao đẳng, học nghề của Việt Nam so với thế giới.
Có lẽ phải nghĩ cách nào đó cho bọn học sinh sinh viên nó nhiễm covid xong rùi nó mới nhận ra tầm quan trọng của vaccine, gần như tất cả bọn chúng phải vậy mới được.hi
Tôi nghĩ các thầy các cô nên mắc trước đi rùi lây sang bọn chúng.hi