[Giáo dục] Tự học để không hờ hững với kiến thức

  1. Giáo dục

Khối lượng kiến thức ở trường lớp càng nhiều thì trẻ em lại càng có ít thời gian để theo đuổi những lĩnh vực mà bản thân thực sự hứng thú. Bên cạnh đó, đi học nhiều hơn không có nghĩa là sẽ tiếp thu được nhiều kiến thức hơn. Để việc học thực sự mang lại hiệu quả, thì các bậc phụ huynh nên rèn ý thức tự học cho con ngay từ khi con còn nhỏ.

 

Hờ hững với kiến thức

   Bàn về quá trình lĩnh hội kiến thức, triết gia đặt nền móng cho triết học phương Tây, Socrate (470 TCN – 399 TCN) đã từng có câu nói nổi tiếng: “Tôi chẳng dạy được cho ai điều gì, tôi chỉ có thể khiến họ suy nghĩ”. Bản chất của việc học cũng nằm ở suy nghĩ thay vì ghi nhớ. Bởi khi con người suy nghĩ, họ có thể thay đổi, còn nếu chỉ ghi nhớ đơn thuần thì sẽ không có thay đổi nào xảy ra. Học tập chỉ mang lại hiệu quả khi chúng ta suy nghĩ, tức là chỉ hiệu quả khi chúng ta thực sự chủ động tiếp thu và lĩnh hội kiến thức ấy bằng nhận thức riêng. 

   Thời đại bùng nổ thông tin mà xã hội hiện đại đang trải qua đã tạo ra ảnh hưởng không nhỏ đến năng lực học tập của trẻ em. Trước hết, trẻ em phải cùng lúc tiếp thu nhiều bài vở từ các lớp học chính khóa, lớp học thêm, lớp năng khiếu và phải xử lý các bài kiểm tra, các kì thi. Điều này khiến các em không muốn phân tích rõ ràng về những điều mình được học mà chỉ muốn ghi nhớ để “trả bài” sao cho được điểm tốt. Kế đến, lượng thông tin đồ sộ từ mạng Internet ập đến khi các em tiếp xúc với các thiết bị công nghệ làm cho não bộ lúc nào cũng phải tiếp nhận thêm, dù cho nó chưa đủ khả năng xử lí hết các dữ liệu trước đó. Hệ quả là các em dần mất đi hứng thú và động lực học tập cũng như không còn khả năng tập trung để suy nghĩ về những điều mình tiếp thu được từ xung quanh. Đó là khởi đầu của sự hờ hững với kiến thức và với tương lai của chính mình.


Ý thức tự học

   Trong cuộc sống, không khó để bắt gặp hình ảnh giáo viên ở trên viết bảng còn học sinh ở dưới lớp mất trật tự; giảng viên say sưa thuyết trình trong khi sinh viên nhìn ra ngoài cửa lớp; bố mẹ đăng kí lớp học thêm còn con cái khăng khăng từ chối. Chẳng rõ từ bao giờ mà việc học và người học đã bị biến thành hai chiến tuyến đối lập nhau theo cách này. 

   Trẻ em không còn cảm thấy sự hào hứng do việc học mang lại, mà chỉ cảm thấy nỗi chản nản khi bị ép buộc. Với một tâm thế như vậy, các em không thể hình thành ý thức tự học và bị đẩy sang hình thức học thụ động để rồi học chỉ để thi, thi xong lại quên hết giống với câu ca dao: 

 

“Học thầy chữ lại trả thầy

Bút trả hàng xén, giấy nay phất diều”.

 

   Trẻ luôn có nhu cầu học hỏi, thế nhưng, nếu nhu cầu ấy bị lạm dụng để khiến trẻ học những điều cha mẹ muốn thay vì những điều các em thực sự hứng thú thì sẽ không có quá trình tự học nào diễn ra. Ngược lại, nếu được chủ động lựa chọn tìm hiểu nội dung mình yêu thích, trẻ sẽ bắt đầu hào hứng với việc học.  Các em sẽ chủ động đặt câu hỏi, đọc sách, tìm kiếm thông tin từ các nguồn, chú tâm suy nghĩ vấn đề theo nhiều hướng khác nhau cho đến khi giải quyết được thách thức. Khi đam mê và lòng kiên nhẫn xuất hiện thì kèm theo đó, quá trình tự học cũng xuất hiện. Không còn cảnh cha mẹ, thầy cô phải thúc giục trong khi con trẻ thì loay hoay tìm cách đối phó với việc học nữa. Trẻ em sẽ tiến bộ rất nhanh trong lĩnh vực mà mình đã lựa chọn bởi đã có ý thức chủ động trong việc học. 

   Hàng loạt vĩ nhân như Thomas Edison, Albert Einstein, Issac Newton… đều thành công khi đi theo con đường mình đã chủ động lựa chọn. Ngoài trí thông minh và nỗ lực, điểm chung ở họ là đều có một ý thức tự học đáng khâm phục.


 

  Tự học để có trí tuệ thực sự

   Ý thức tự học không phải là tài sản đột nhiên xuất hiện, đặc biệt khi nhà giáo dục hoặc các bậc phụ huynh chỉ muốn con em mình tiếp thu kiến thức thật nhanh song lại chưa quan tâm đến việc bản thân trẻ có cảm thấy hứng thú với kiến thức đó hay không?

   Trẻ cần được hướng dẫn nhưng cũng nên được phép tự khám phá thế giới theo lựa chọn của mình - đó là bước đầu để vun đắp đam mê. Sau đó, trẻ cần được tạo dựng thói quen kiên trì từ những hoạt động rất nhỏ thường ngày như đánh cờ, ghép hình, trồng cây, chăm sóc động vật, tự gấp quần áo, dọn dẹp nhà cửa - đó là bước tiếp theo để rèn luyện lòng kiên nhẫn. 

   Không cần thiết phải cho trẻ học quá sớm hay quá nhiều, bởi điều này sẽ gây nên ấn tượng không tốt của trẻ đối với việc học và triệt tiêu ý thức chủ động trong học tập. Đồng thời, cha mẹ nên tránh để con tiếp xúc và lệ thuộc vào các thiết bị công nghệ, để suy nghĩ của trẻ không bị rơi vào trạng thái thụ động.


   Qua thời gian, sự chuẩn bị công phu này dần tạo nên được một tinh thần khao khát học hỏi và kiên trì mang tên: Ý thức tự học.

   Thời điểm trẻ bắt đầu có ý thức tự học cũng là lúc có thể định hướng cho trẻ tiếp cận những kiến thức quan trọng và để trẻ tự do lựa chọn lĩnh vực phù hợp. Điều giá trị nhất mà ý thức tự học mang lại không phải là điểm số, mà là những con người có trí tuệ thật sự.

Từ khóa: 

giáo dục

,

tự học

,

trẻ em

,

giáo dục

Tầm quan trọng của việc tự học không thể nào diễn tả hết được bằng lời. Chúng ta lĩnh ngộ tri thức nhanh và sâu hơn khi tự học. Khi ta tự học tức là đã rèn được cho mình sự chủ động và tư duy độc lập.

Trả lời

Tầm quan trọng của việc tự học không thể nào diễn tả hết được bằng lời. Chúng ta lĩnh ngộ tri thức nhanh và sâu hơn khi tự học. Khi ta tự học tức là đã rèn được cho mình sự chủ động và tư duy độc lập.