GIÁO DỤC THÁI LAN
kiến thức chung
Hệ thống giáo dục của Thái Lan
Hệ thống giáo dục của Thái Lan bao gồm 4 cấp học: giáo dục mẫu giáo, giáo dục tiểu học, giáo dục trung học và giáo dục cấp cao.
GIÁO DỤC MẪU GIÁO
Cấp học này dành cho trẻ em từ 3 đến 5 tuổi, với mục tiêu phát triển về cơ thể, trí não, tình cảm và xã hội cho các trẻ chưa vào học chương trình chính quy. Giáo dục mẫu giáo có thể được thực hiện qua nhiều hình thức như các trung tâm săn sóc trẻ em, các nhà trẻ và các trường mẫu giáo. Bộ Giáo dục đã đặt ở thủ phủ của mỗi tỉnh một trường mẫu giáo để làm mô hình mẫu cho các trường mẫu giáo tư thục. Vì cấp học này không bắt buộc nên bộ phận tư nhân đã giữ một vai trò năng động trong hoạt động này. Hầu hết các trường ở cấp mẫu giáo là trường tư thục và đặt ở Bangkok. Những trường này hoạt động dưới sự giám sát của Văn phòng Hội đồng Giáo dục Tư thục, trực thuộc Bộ Giáo dục.
GIÁO DỤC TIỂU HỌC
Chương trình ở cấp học này đặt trọng tâm vào kỹ năng đọc viết, kỹ năng tính toán, kỹ năng giao tiếp và những khả năng thích ứng với nghề nghiệp tương lai của học sinh. Ở cấp độ này việc đến trường là cưỡng bách và miễn phí, dành cho trẻ em từ 6 đến 11 tuổi. Nội dung chương trình là sự tổng hợp năm lĩnh vực học vấn: phát triển các kỹ năng cơ bản, kinh nghiệm sống, phát triển nhân cách, giáo dục hướng công việc và các kinh nghiệm đặc biệt. Lĩnh vực cuối cùng được triển khai vào năm lớp 5 và lớp 6 là hai năm cuối của bậc tiểu học. Vì quá trình học tập của học sinh ở những vùng khác nhau trong nước là không đồng nhất nên một chương trình cốt lõi được đưa ra với sự linh động cho phép tùy theo đặc điểm của từng địa phương. Giáo dục cấp tiểu học trực thuộc nhiều cơ quan khác nhau trong chính phủ. Hầu hết những trường tiểu học công lập trực thuộc Văn phòng Hội đồng Giáo dục Tiểu học Quốc gia của Bộ Giáo dục. Ngoài ra có những trường tiểu học sư phạm thực nghiệm gắn liền với các trường cao đẳng hoặc đại học sư phạm của nó; và các trường trong thành phố tự trị thì trực thuộc Bộ Nội vụ.
GIÁO DỤC TRUNG HỌC
Giáo dục trung học được chia thành hai cấp, mỗi cấp học trong 3 năm. Chương trình trung học cơ sở đặt trọng tâm vào tri thức đạo đức và các kỹ năng cơ bản. Chương trình này nhằm giúp cho học sinh tự khám phá về sở trường và sở thích của mình qua sự chọn lựa rộng rãi trong số các môn học cả về lý thuyết lẫn hướng nghiệp. Chương trình trung học phổ thông có mục tiêu cung cấp những kiến thức và kỹ năng phù hợp về lý thuyết và hướng nghiệp theo sở thích và sở trường của học sinh. Những kiến thức và kỹ năng này sẽ ích lợi cho học sinh để tiếp tục theo học chương trình cấp cao hoặc đi vào công việc lao động. Chương trình trung học bao gồm 5 lĩnh vực lớn: ngôn ngữ, khoa học và toán, xã hội, phát triển nhân cách và giáo dục việc làm: Trong chương trình này cũng có một phạm vi rộng gồm các môn học có tính chất thăm dò tiền hướng nghiệp. Ở cấp học này có cả trường công lập lẫn tư thục. Hầu hết các trường công lập trực thuộc Vụ Giáo dục Tổng hợp của Bộ Giáo dục.
GIÁO DỤC CẤP CAO
Giáo dục ở cấp này đặt mục tiêu là sự phát triển đầy đủ về tri thức và sự tiến bộ của tri thức và công nghệ. Ở cấp này có các trường cao đẳng, đại học, các học viện hoặc các chương trình đặc biệt. Giáo dục cấp cao được chia thành 3 mức độ: dưới cử nhân, cử nhân và trên cử nhân.
Mức độ dưới cử nhân có mục tiêu cung cấp cho người học những kiến thức và kỹ năng hướng nghiệp ở trình độ trung cấp, trong đó có năng lực để vào nghề và phát triển các cơ sở doanh nghiệp.
Mức độ cử nhân có mục tiêu phát triển kiến thức và những kỹ năng nghề nghiệp của sinh viên ở trình độ cao hơn với nhiều môn học khác nhau, đặc biệt là phát triển khả năng ứng dụng lý thuyết vào thực tiễn về cả mặt học thuật lẫn chuyên môn, khả năng gặt hái và quảng bá kiến thức, khả năng đóng góp vào sự phát triển của đất nước trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa và môi trường, và khả năng tăng cường vai trò của đất nước trong cộng đồng quốc tế.
Mức độ trên cử nhân có mục đích như phát triển những kiến thức và kỹ năng chuyên sâu của người học, phấn đấu cho sự tiến bộ và ưu việt trong học thuật, đặc biệt là trong học tập nghiên cứu và phát triển các kiến thức và công nghệ về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, và thúc đẩy sự vận dụng công nghệ hiện đại và tinh hoa tri thức của người Thái vào việc phát triển kinh tế và xã hội cho Thái Lan.
Nội dung liên quan
Nội dung sắp xếp theo thời gian
Ngọc Kim
Trần Hiền
Về cơ bản nền giáo dục ở Thái Lan vẫn có nét tương đồng với các nước Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Thái Lan cũng rất coi trọng việc giáo dục và đã có nhiều thành tựu trong lĩnh vực này. Tuy nhiên do hạn chế về địa hình và lịch sử, nền giáo dục Thái Lan còn gặp nhiều vấn đề nan giải