[Giáo dục] Nói với con việc học, khi cha mẹ là tấm gương
Một mùa tựu trường lại về, kèm theo biết bao cung bậc cảm xúc từ các bậc phụ huynh và các em học sinh. Ngày đầu tiên trong năm học mới, những điều cha mẹ tâm sự cùng con sẽ cho con động lực bước đi trên đôi chân của chính mình.
Bé sắp đến trường
Nhoáng một cái, cô bé, cậu bé ngày nào đã bước vào lớp một. Lớp một là gì thì bé không biết. Chỉ biết rằng ông bà, cha mẹ, anh chị đều tất bật chuẩn bị cho ngày đầu tiên đi học ấy.
Bé được sắm cặp hình siêu nhân, được mua bút, vở in các nhân vật hoạt hình tuyệt đẹp, rồi bao nhiêu thứ mới lạ, hấp dẫn nữa. Bé thấy chuẩn bị cho ngày đi học thật tuyệt vời. Mặc dù vậy, cũng có bé khác hồi hộp, lo âu chỉ muốn trốn kĩ để cha mẹ đừng “bắt” đi học.
Ngày khai trường tưng bừng, náo nhiệt tạm làm vơi bớt sự lo âu của bé. Thế nhưng khi bóng cha mẹ cứ xa dần và nhỏ xíu lại, thì bé trở nên hốt hoảng. Bạn bè xung quanh bắt đầu thút thít, rồi có những tiếng òa khóc bung ra trong không khí.
Khi đó, bé cần cha mẹ, thầy cô nhẹ nhàng an ủi, vỗ về rằng bé đã lớn, đã đến tuổi đi học. Cũng chính những lời lẽ vào thời điểm quyết định ấy, sẽ giúp các cô bé, cậu bé vững bước trên con đường học tập. Không chỉ một ngày, mà lã mãi mãi.
Quá trình lâu dài nào cũng cần có sự chuẩn bị kĩ càng. Đôi khi, cuộc sống tất bật khiến cho chúng ta nghĩ rằng con trẻ chỉ cần làm theo người lớn là đủ, mà quên mất, các em cũng cần được giải thích về việc tại sao lại cần đến trường để học tập.
Trẻ em có quyền được biết rằng giáo dục là món quà quý giá nhất mà cha mẹ dành cho con cái. Để các em trân trọng cơ hội học tập và biết rằng chỉ có nỗ lực học tập, vươn lên thì mới giúp con người ta thực sự trưởng thành.
Hành trang cho con
Để giải thích cho trẻ em hiểu tại sao lại đi học thì cần bắt đầu từ cảm nhận của các em. Cha mẹ có thể cho các em biết rằng đi học thì được làm quen với những người bạn mới thú vị, những thầy cô giáo rất hiểu biết, ở một ngôi trường thật xinh xắn ngay cạnh một quán kem thật ngon.
Trong những tuần trước buổi lễ khai giảng, cha mẹ nên trực tiếp dẫn con đi mua sắm đồ dùng học tập. Đây là lúc để cả gia đình gần gũi bên nhau, cha hoặc mẹ cởi mở tâm sự với con những kỉ niệm của chính mình về ngày đầu tựu trường. Các bậc phụ huynh hãy để các con đặt câu hỏi thoải mái, rồi sẵn lòng trả lời những câu hỏi ấy sao cho thật dễ hiểu, thân thiện.
Chúng ta có trách nhiệm giúp các bạn nhỏ nhận thức đúng vai trò của học tập, dù có thể ấn tượng còn ban sơ và rất hồn nhiên như: Sau này con học giỏi con sẽ kiếm tiền nuôi bố mẹ, con học giỏi thì sẽ được điểm mười về mẹ thưởng kem, con học để sau này trở thành nhà bác học hay con học để được đi vòng quanh thế giới v.v…
Tiếp theo, gia đình cần truyền tải những thông điệp tích cực đến trẻ em về ngày tới lớp. Do đó, mắng nhiếc hay ép buộc con phải vào lớp ngay trong buổi đầu ở trường là điều không nên. Bởi người lớn có thể lãng quên hành động đó rất nhanh, song trẻ em sẽ nhớ kĩ ấn tượng tồi tệ ấy.
Thay vào đó, hãy kiên nhẫn, dịu dàng để con dần dần thích nghi. Các bậc phụ huynh đừng quên, ngày đầu tới lớp của con chỉ có một lần. Cảm nhận từ lần đâu tiên ấy sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chặng đường học vấn sau này của các con.
Kết thúc ngày đầu tiên các con đến lớp, cha mẹ có thể ngồi lại để lắng nghe tâm tư, đồng thời giải đáp các khúc mắc cho con. Bằng tấm lòng chân thành, cha mẹ có thể nhắc lại cho con hiểu việc học là cần thiết. Bởi nếu chúng ta không học tập thì sẽ không mở mang được tư duy, hiểu biết. Nếu không có hiểu biết thì con người rất dễ bị những thói hư, tật xấu lôi kéo, không biết cách sửa chữa sai lầm và không bao giờ có khả năng đặt được mơ ước chính đáng của bản thân.
Cuộc trò chuyện này có thể sẽ cần phải lặp lại nhiều lần, ở nhiều mùa khai giảng kế tiếp. Tuy nhiên, trẻ em không phải mãi là trẻ em. Các em sẽ dần khôn lớn và hiểu được lời khuyên bảo của cha mẹ.
Đôi điều nhắn gửi
Tác phẩm kinh điển Khuyến học, tác giả Fukuzawa Yukichi đã viết:
“Đối với những vật thể bất động, hoàn toàn không có biện pháp nào để dẫn dắt chúng. Nhưng con người thì khác, con người vẫn đang hoạt động hàng ngày.
Để trở thành người dẫn đường chỉ lối, để đưa tinh thần của mọi người trong xã hội lên tầm cao hơn, để dạy được những điều hay trong học vấn cho mọi người, thì hơn hết thảy mọi việc nào khác, trước hết các bạn phải cố gắng phấn đấu trong sự nghiệp học tập.”
Lòng nhiệt thành học tập của các bậc cha mẹ giống với chiếc la bàn quý giá định hướng giúp con cái. Bởi bản thân cha mẹ luôn là hình mẫu các con noi theo trong sự nghiệp học hành. Rất khó để giáo huấn trẻ em chịu khó học, nếu bản thân người lớn lơ là việc học, khi cho rằng mình đã hết tuổi đến trường.
Việc học vốn dĩ không hề có tuổi tác, vì con người học chưa bao giờ là đủ.
Thật mâu thuẫn nếu cha mẹ thúc ép con cái học ngày, học đêm để đạt kết quả tốt, trong khi chính bản thân mình lại sa đà vào các thú vui. Mong rằng, khi bình tâm suy nghĩ lại, các bậc phụ huynh sẽ trở thành nguồn cảm hứng nuôi dưỡng tinh thần hiếu học của các con.
Chỉ cần cha mẹ duy trì thói quen học hỏi trong cuộc sống hàng ngày, thì con em cũng sẽ thích học và trở nên ham học hơn.
Hãy nói với con việc học, khi cha mẹ là tấm gương.
giáo dục
,khuyến học
,giáo dục trẻ em
,nguyễn phú hoàng nam
,giáo dục
Thay vì ép buộc thì phụ huynh nên mang đến cho con cảm hứng để học tập. Như vậy thì con trẻ mới hứng thú mà không bài xích trường học.
Lương Thiên Tâm
Thay vì ép buộc thì phụ huynh nên mang đến cho con cảm hứng để học tập. Như vậy thì con trẻ mới hứng thú mà không bài xích trường học.
Trần Thúy Nga
Con trẻ phải có hứng thú thì mới tốt được.
Hoàng Yến Chi
Đồng ý với bài của chị nè.