[Giáo dục] Những lợi ích khi cho trẻ học võ thuật

  1. Giáo dục

Võ thuật giúp cơ thể trở nên khỏe mạnh, nhanh nhẹn và tráng kiện. Ở mỗi lứa tuổi khác nhau lại có những kỹ thuật và lưu ý khác nhau trong quá trình tập luyện. Đối với trẻ em, tập luyện võ thuật đúng cách từ nhỏ sẽ mang đến sức khỏe tốt, tinh thần minh mẫn và đức tính tự lập.


Ảnh minh họa (Internet)

Góc nhìn võ thuật

   Nhắc đến võ là nhắc đến những kỹ thuật tự vệ ra đời rất sớm trong lịch sử phát triển của con người. Do mục đích sinh tồn, võ thuật được hình thành để chống lại những mối đe dọa do các loại động vật hoặc chính con người gây nên. 

   Từ đó, kỹ thuật tự vệ sử dụng tay, chân cùng các bộ phận khác trên cơ thể như những vũ khí hiệu quả dần dần được đúc rút và truyền thụ lại, là tiền đề cơ bản hình thành nên hệ thống võ học. Qua thời gian, hệ thống ấy càng ngày càng được bồi đắp, chịu ảnh hưởng bởi những tộc người khác nhau, môi trường cảnh quan khác nhau và lịch sử khác nhau mà thành ra có vô vàn hệ phái: Trung Quốc nổi danh với Kungfu Thiếu Lâm, Nhật Bản có Karate, Thái Lan có quyền Thái, Indonesia có Pencak silat, Việt Nam có Võ cổ truyền, Nga có Sambo, Anh có quyền Anh, Israel có Krav maga… Về bản chất, võ thuật mang mục đích rèn luyện khả năng chiến đấu cho người tập luyện để họ có thể khuất phục đối thủ và giữ sinh mệnh cho bản thân. 

   Suy rộng ra, ở mỗi đất nước thì học văn là để dựng nước còn học võ là để giữ nước. Gắn liền với sự phát triển võ học là hàng loạt lĩnh vực khác như: y học, khí công, điện ảnh, văn chương, thể thao, xuất bản. Ngày nay, cùng sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, võ học vẫn chiếm một vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển an ninh quốc phòng và thể dục thể thao của mỗi quốc gia, bởi lợi ích về mặt sức khỏe và rèn luyện nhân cách. 

Lợi ích khi trẻ em tập võ

   Đối với trẻ em, tập võ không những góp phần nâng cao thể lực, giúp các em rời màn hình máy tính, điện thoại, giải tỏa áp lực sau quãng thời gian ngồi học liên tục mà còn mang lại lợi ích cụ thể:

Cải thiện sức khỏe: Trong quá trình luyện võ, trẻ em có cơ hội vận động nhiều hơn với các bài tập gia tăng sức mạnh và sự dẻo dai cũng như tập cân bằng cơ thể. Những động tác hữu ích trong một số môn võ như các bài quyền, các thế đứng tấn, các bước di chuyển không những góp phần tăng sức khỏe, mà còn giúp cơ thể phát triển cân đối. Ngoài ra, việc kiên trì tập luyện sẽ góp phần tăng sức đề kháng, tránh tình trạng đau ốm khi thời tiết thay đổi. 

Biết bảo vệ bản thân: Tập võ đồng nghĩa với việc trẻ em sẽ có khả năng tự vệ trong những tình huống cấp bách mà không kịp thời có sự giúp đỡ từ phía cha mẹ hay người thân. Điển hình như các hành vi quấy rối, xâm hại trẻ em hay bạo lực học đường, bị kẻ xấu đe dọa, bắt cóc. Trẻ em nếu được đào tạo võ thuật từ trước sẽ có đủ bình tĩnh và phản xạ tự vệ để kịp phát hiện những ý đồ xấu rồi thoát thân. 

Thúc đẩy ý chí tự lập: Tập luyện võ thuật là một quá trình lâu dài và gian khổ, vậy nên võ thuật sẽ tạo ý chí kiên cường, sự tự giác cho người tập. Nếu được tiếp cận võ thuật từ sớm, trẻ em sẽ hiểu được ý nghĩa của lòng kiên trì và quyết tâm theo đuổi đến cùng mục đích mà mình đã đề ra. Bên cạnh đó, nếu tìm được thầy giỏi, các em còn có cơ hội học được cách sống đạo đức, yêu chuộng công bằng, lẽ phải, làm người nhẫn nhịn và khiêm tốn.

Ảnh minh họa (Internet)

Lời khuyên với cha mẹ

 Thời đại công nghệ số với trang thiết bị tiện nghi, hiện đại mang đến cho trẻ em rất nhiều cơ hội học tập, phát triển. Song, nếu chỉ chú trọng đến rèn luyện não bộ mà không rèn luyện cơ thể thường xuyên thì trẻ em sẽ không đủ sức khỏe, nghị lực để làm chủ và thực hiện những ước mơ của mình. Vì vậy, lựa chọn cho trẻ em một số môn thể thao phù hợp là vô cùng quan trọng, đặc biệt là đối với trẻ em sống ở đô thị, thiếu không gian vui chơi, quỹ thời gian dành cho vận động tương đối eo hẹp. Khi cho trẻ em học võ, các bậc phụ huynh nên lưu ý một số điểm sau:

- Chọn thầy phù hợp và chọn môn võ phù hợp với lứa tuổi, thể trạng cũng như sở thích của trẻ. Trẻ em từ 6 tuổi trở lên là đã có thể bắt đầu học võ, thời gian tập luyện dưới 30 phút và tăng dần theo lứa tuổi cũng như khả năng.

- Cân bằng thời gian tập luyện và học tập, thường xuyên quan sát biểu hiện, cơ thể và tay chân của trẻ sau mỗi buổi tập. Không nên lo lắng thái quá nếu có những vết xước hay bầm tím nhỏ. 

- Chú ý vấn đề vệ sinh cá nhân, nhắc nhở các em tắm rửa sạch sẽ sau khi đi tập về. Đồng thời, chế độ dinh dưỡng cần bổ sung thêm vitamin, rau xanh, protein, hạn chế chất béo.

- Động viên các em kiên trì tập luyện vừa để cải thiện sức khỏe, vừa để làm đẹp cho bản thân. Có thể cùng các em xem một số bộ phim hoạt hình lấy đề tài võ thuật chính nghĩa để tạo cảm hứng (Ví dụ như: Kungfu Panda, Huyền thoại Muay Thái, Lý Tiểu Long…).

- Quan tâm, khen ngợi nếu trẻ em yêu thích và chăm chỉ tập luyện võ thuật.

   Qua câu nói “văn dĩ tải đạo, võ dĩ thành nhân”, chúng ta có thể thấy, võ thuật là hành trang quan trọng song song với học vấn để hoàn thiện nhân cách con người. Từ xưa đến nay, những bậc văn võ song toàn thường là những đấng anh hùng vì nước, vì dân, lập nên những công trạng hiển hách được lưu truyền, ca ngợi. 

Từ khóa: 

giáo dục

,

trẻ em

,

võ thuật

,

học võ

,

nguyễn phú hoàng nam

,

giáo dục

Cảm ơn bài viết của bạn. Mình muốn tìm địa chỉ học võ cho cháu nhà mình, đang cân nhắc giữa Judo và Vịnh Xuân. Không biết bạn có gợi ý gì không?

Trả lời

Cảm ơn bài viết của bạn. Mình muốn tìm địa chỉ học võ cho cháu nhà mình, đang cân nhắc giữa Judo và Vịnh Xuân. Không biết bạn có gợi ý gì không?