[Giáo dục] Hiểu con để dạy con
Ngày nay, những khó khăn lớn nhất trong giáo dục con cái mà các bậc phụ huynh thường gặp phải chính là sự chống đối, xa lánh và từ chối lắng nghe. Việc cha mẹ dạy bảo con cái bằng tình thương và trách nhiệm là hoàn toàn đúng, tuy nhiên, còn phải hiểu rõ tính nết con trẻ thì mới có thể đủ.
Thương cho roi cho vọt
Không thể phủ nhận việc uốn nắn trẻ em là cần thiết. Quan niệm “Thương cho roi cho vọt” bấy lâu nay cũng khẳng định thêm tư tưởng ấy. Như vậy, trẻ sẽ bị phạt khi mắc lỗi và hình phạt là cách để buộc trẻ chấm dứt hành động mắc lỗi. Thế nhưng khi trẻ chưa ý thức được hành vi mắc lỗi của bản thân thì việc bị cha mẹ trách mắng, đòn roi có đem lại được hiệu quả?
Thử lấy ví dụ khi những em bé lười ăn, hoặc chót nói những từ ngữ không trong sáng. Nếu trong tình huống này, trẻ bị phạt hoặc bị đánh thì các em sẽ cảm thấy sợ hãi và sinh ra chống đối cha mẹ. Nguyên nhân bởi các em chưa đủ khả năng để nhận thức được hành động của mình là sai còn cha mẹ thì lại không đủ kiên nhẫn giải thích.
Trong một lần đến thăm nhà người quen, tôi gặp tình huống một cậu bé mở trang Youtube rồi xem một đoạn nhạc có một số ca từ thô tục trong khi cả nhà ăn cơm. Người cha ngay lập tức tỏ ra nóng giận và lớn tiếng cho rằng loại nhạc đó dành cho những kẻ trộm cắp, vô học. Cảm thấy lòng tự trọng bị tổn thương, cậu bé đã nhanh chóng phản ứng lại. Bữa cơm vì thế mà kéo theo không khí căng thẳng.
Rõ ràng nếu ý thức được việc xem đoạn nhạc đó là sai thì cậu bé đó sẽ không mở trước cả nhà. Đôi khi, do sự tò mò ở lứa tuổi vị thành niên nên cậu mới ấn vào video đó. Quan trọng hơn, người cha đã đánh mất cơ hội để lý giải, phân tích cho cậu con trai hiểu rõ đúng, sai.
Giáo dục không nên là khoảng trống
Khi chỉ bảo, phần đông cha mẹ mong muốn con cái sẽ hiểu ý, nghe lời và tiếp thu. Song thực tế không hề đơn giản như vậy. Do khác biệt về thời đại, lứa tuổi, đặc điểm tâm sinh lý nên các bạn trẻ sẽ có cách tư duy và tiếp cận vấn đề khác biệt không nhỏ so với người lớn.
Thậm chí, do sự tác động của nhiều nguồn thông tin khác nhau mà nhận thức của trẻ em ngày này trở nên phức tạp hơn so với trước đây rất nhiều. Đặc biệt giai đoạn tuổi dậy thì – tuổi nổi loạn, đã trở thành vấn đề không ít bậc phụ huynh đau đầu.
Con cái càng ngày càng ít muốn tiếp xúc, lắng nghe cha mẹ. Các em thích ở một mình trong phòng kín sau khi đi học về hoặc đi chơi thâu đêm suốt sáng với bè bạn, bỏ mặc cha mẹ chờ đợi. Khi bị nhắc nhở thì bộc lộ rõ thái độ chống đối, thậm chí có tỏ ra bất cần, nói năng thiếu lễ độ. Tuy nhiên, các em lại sẵn sàng nghe và tin theo bạn đồng trang lứa hoặc “thần tượng” của bản thân.
Nếu như phụ huynh cố gắng kiểm soát trong tình huống này thì sẽ không có kết quả như mong muốn, thậm chí còn khiến cho khoảng cách giữa cha mẹ và con cái ngày càng xa hơn.
Khác với những ngày còn nhỏ, những cô bé, cậu bé sẽ không khóc lóc xin tha khi bị đánh đòn nữa. Thay vào đó sẽ là những hình thức chống đối như nhịn ăn, không nói chuyện hoặc tệ hơn là bỏ nhà ra đi. Hơn ai hết, đau lòng nhất lúc này chính là các bậc làm cha làm mẹ.
Giáo dục mặc dù cần nghiêm khắc nhưng phải dựa trên tình thương và đúng nơi, đúng lúc.
Giáo dục là nghệ thuật
Để giáo dục con cái thì trước hết cần hiểu con cái. Người thợ lành nghề là người thợ đoán biết trước được những hư hỏng bên trong và kịp thời phòng ngừa, bảo dưỡng để đề phòng những trục trặc có thể xảy đến với máy móc. Bậc làm cha mẹ cũng nên như vậy.
Nếu cha mẹ chu cấp cho con tiền để ăn học thì mới chỉ làm tròn một nửa trách nhiệm nuôi dạy con cái. Cha mẹ cần dành thời gian trực tiếp chăm sóc con để hiểu rõ tâm tính con mình và từng chút dẫn dắt con. Giống như một tấm lưới, tuy mềm mại nhưng vẫn rất khó lọt.
Sự gắn bó ấy sẽ tạo nên cầu nối thực sự giữa cha mẹ và con cái để từ đó quá trình giáo dục được diễn ra thuận theo lẽ tự nhiên. Là người trưởng thành, từng trải, kiên nhẫn và điềm đạm hơn, cha mẹ hoàn toàn có thể chủ động trong quá trình giáo dục con mà không bắt buộc phải sử dụng đến những lời lẽ nặng nề hoặc những trận đòn nếu không thực sự cần thiết.
Trong quá trình trưởng thành, trẻ em rất cần sự bao dung và hiểu biết của người lớn nâng đỡ. Mọi hành vi sai lệch của các em phần nhiều đều xuất phát từ việc thiếu thốn sự quan tâm hoặc được nuông chiều thái quá.
Do đó, nếu muốn giáo dục con cái thì các bậc phụ huynh nên dành thời gian, công sức để hiểu về con cái mình. Nhất là trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, tâm tính con người thường dễ bị tác động và tiềm ẩn nhiều tư tưởng khó nhận biết.
giáo dục trẻ
,nuôi dạy con
,trẻ em
,giáo dục
Đôi lúc rất khó để có thể giao tiếp với con trẻ, có những đứa lầm lì bố mẹ nói gì cũng chỉ cúi đầu im lặng. Người ta bảo người lớn khó hiểu nhưng thực ra trẻ con cũng có thể khó hiểu không kém.
Lâm Thùy
Đôi lúc rất khó để có thể giao tiếp với con trẻ, có những đứa lầm lì bố mẹ nói gì cũng chỉ cúi đầu im lặng. Người ta bảo người lớn khó hiểu nhưng thực ra trẻ con cũng có thể khó hiểu không kém.