[Giáo dục] Giúp con phát triển trí thông minh cảm xúc

  1. Giáo dục

Những đứa con thông minh, khỏe mạnh và thành công luôn là mơ ước của các bậc cha mẹ. Mặc dù vậy, ngoài các yếu tố kể trên, trẻ còn thực sự cần đến hạnh phúc để biết yêu thương, trân trọng những gì bản thân đang có. Lắng nghe con, làm bạn với con để giúp con phát triển trí thông minh cảm xúc chính là cách chuẩn bị cho cuộc sống hài hòa giữa thành công và hạnh phúc của con trong tương lai.


 Trí thông minh cảm xúc là gì?

   Trong cuốn sách EQ - Trí Thông Minh Xúc Cảm Trong Công Việc, tác giả Justin Bariso có đưa ra nhận định: Mặc dù nhiều nhà nghiên cứu thích viết tắt “Trí tuệ xúc cảm” là EI (emotional intelligence) trong các bài báo học thuật và nghiên cứu, nhưng EQ (viết tắt của “emotional intelligence quotient” – chỉ số Trí tuệ xúc cảm) mới là thuật ngữ thông dụng, dễ bắt gặp trong nhiều ngôn ngữ khác nhau. Trí tuệ xúc cảm là khả năng khiến cảm xúc trợ giúp thay vì chống lại bạn. 

   Cần phân biệt một cách tương đối giữa IQ (Intelligence Quotient) và EQ (Emotional Quotient). Trong các bài kiểm tra đánh giá năng lực để phân loại học sinh, tuyển dụng việc làm, quyết định thăng chức, chỉ số IQ được sử dụng làm thước đo chính. 

   Qua các bài kiểm tra IQ, kết quả cuối cùng sẽ cho thấy tư duy logic, đánh giá và giải quyết vấn đề, sự hoạt động lý trí ở mức độ nào. 

   Ở phía còn lại, người có EQ cao được mô tả là có khả năng đồng cảm mạnh mẽ và tìm ra cách duy trì mối quan hệ tích cực với mọi người. Trên thực tế, cảm xúc chi phối đến hành động và suy nghĩ của con người ở mức độ thường xuyên hơn. Do đó, cảm xúc đóng vai trò rất lớn trong việc định hình nhân cách.

Nếu phải đối mặt với cảm xúc tiêu cực song lại không biết cách tự thoát ra, trẻ có thể thực hiện hành động thiếu suy nghĩ dẫn đến hậu quả lâu dài về sau. 

 

Các vấn đề về cảm xúc của trẻ

   Trẻ em cần học được cách thấu hiểu và định hướng cảm xúc cho chính mình. Những tình cảm như: vui, buồn, mừng, giận, sợ, lo lắng, ngạc nhiên… là phản xạ tự nhiên của cơ thể để đáp ứng lại các tác nhân kích thích từ bên ngoài, chúng đảm bảo cho sự vận hành bình thường của hệ thần kinh. 

   Tuy nhiên, đối với trẻ nhỏ, nếu các cảm xúc này lặp lại nhiều lần với cường độ kéo dài, trẻ dễ mắc phải các vấn đề về tâm lý mà người lớn khó nhận ra kịp thời. Các em có thể bị rối loạn phát triển ngôn ngữ, trầm cảm, ngại giao tiếp hoặc không nhận ra cảm giác của những người xung quanh. 

   Đối với trẻ vị thành niên đang trong độ tuổi có nhiều biến đổi về tâm sinh lý thì cảm xúc lại càng có tác động nhiều hơn. Thậm chí trong giai đoạn này, ý nghĩa cuộc sống của trẻ vị thành niên chủ yếu xoay quanh cảm xúc của chính các em: Khao khát chứng tỏ bản thân, rung động tình yêu đầu đời, sự bi quan khi thất bại trong học tập, bị bắt nạt ở trường lớp, không có bạn bè thân thiết, mất niềm tin vào cuộc sống, bị xâm hại - là một số lý do chủ yếu khiến các em đưa ra lựa chọn tích cực hoặc ngược lại. 

   Nếu phải đối mặt với cảm xúc tiêu cực song lại không biết cách tự thoát ra, trẻ có thể thực hiện hành động thiếu suy nghĩ dẫn đến hậu quả lâu dài về sau. 

   Có thể thấy, nếu như được giúp đỡ phát triển trí thông minh cảm xúc thì trẻ sẽ biết cách để vượt qua các ảnh hưởng do cảm xúc tiêu cực mang lại và đủ bình tĩnh để nhờ sự trợ giúp từ gia đình, thầy cô nếu cần thiết, thay vì tự mình âm thầm mang gánh nặng tâm lý. 

   Đồng thời, trí thông minh cảm xúc giúp trẻ học được cách đồng cảm với mọi người xung quanh - kỹ năng vô cùng cần thiết để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp trong xã hội và suy nghĩ lạc quan hơn.

Phương pháp phát triển trí thông minh cảm xúc 

   Trí thông minh cảm xúc là năng lực hoàn toàn có thể phát triển được nếu cha mẹ kiên trì rèn luyện cho con cái. Trước hết, vào những thời điểm nhất định trong ngày, cha mẹ nên tạm tắt các thiết bị công nghệ và dành thời gian trò chuyện, lắng nghe cảm nhận hàng ngày của con về thầy cô, bè bạn, trường lớp cũng như khuyến khích con kể về những điều con yêu thích. 

   Bên cạnh đó, hãy đồng hành và giúp đỡ con đọc sách. Việc đọc không chỉ có lợi cho tư duy ngôn ngữ, gia tăng vốn tri thức mà còn giúp trẻ hoàn thiện khả năng viết. Nếu phát triển được thói quen đọc và viết song hành thì trẻ sẽ có cơ hội được tiếp cận nhiều hơn với các nguồn cảm xúc. Tạo điều kiện cho con thử sức ở các hoạt động nghệ thuật như chơi nhạc cụ, vẽ tranh, ca hát, nhảy múa hoặc cùng con đến các nhà hát, rạp chiếu phim, bảo tàng, công viên. 

   Không phải ngẫu nhiên mà ở các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến như Phần Lan hay Nhật Bản đều rất coi trọng giáo dục nghệ thuật. Bởi nghệ thuật bồi dưỡng tâm hồn, và khi có tâm hồn lành mạnh thì con người mới phát triển được theo hướng chân – thiện – mỹ.

   Để giúp trẻ em có được trí tuệ cảm xúc thì những người giáo dục như cha mẹ, thầy cô cũng cần tự bồi đắp năng lực này. Bởi sự đồng cảm và thấu hiểu người lớn mang lại chính là cách tốt nhất nuôi dưỡng xúc cảm cho các em.

Từ khóa: 

giáo dục

,

trí thông minh cảm xúc

,

trẻ em

,

giáo dục

Cảm ơn bài viết chia sẻ hữu ích của bạn. Bé nhà mình cũng hiếu động và rất thích học hỏi, mỗi tội là bố mẹ đi làm bận quá không có thời gian nhiều để chơi cùng cháu.

Trả lời

Cảm ơn bài viết chia sẻ hữu ích của bạn. Bé nhà mình cũng hiếu động và rất thích học hỏi, mỗi tội là bố mẹ đi làm bận quá không có thời gian nhiều để chơi cùng cháu.