[Giáo dục] Giúp con biết tự bảo vệ bản thân

  1. Giáo dục

Mùa hè, phần lớn là trẻ nghỉ ngơi ở nhà nhưng cũng có một số trẻ đã đến trường hoặc các trung tâm để tham gia các câu lạc bộ bồi dưỡng năng khiếu. Đây cũng là khoảng thời gian “vàng” cha mẹ cần quan tâm, hướng dẫn, trang bị các kiến thức/kỹ năng sống cho trẻ, giúp con nắm được kiến thức, kỹ năng, chủ động phòng ngừa và ứng phó trong mọi tình huống nguy hiểm.

https://cdn.noron.vn/2023/08/08/4413181877743252-1691480406.jpg

Môi trường tiềm ẩn sự nguy hiểm

Tôi đã chứng kiến những tình huống tiềm ẩn rủi ro như: Có trẻ để cửa nhà mở và chạy đi chơi với bạn. Có trẻ mở cửa nhưng hoàn toàn chú ý vào máy tính, người lạ vào nhà cũng không biết. Có trẻ khóa kín phòng bật điều hòa để ngủ trong khi điện thoại hết pin hoặc đặt chế độ im lặng, bố mẹ gọi không được. Có trẻ đi chơi nhưng không thông báo thời gian đi ra ngoài và lịch trình, điểm đến cụ thể cho người nhà biết. Có trẻ ở nơi đông người nhưng quá tập trung vào điện thoại không phát hiện có người lạ đến gần. Có trẻ khi có mâu thuẫn/bị đe dọa cũng không nói gì với cha mẹ. Có những trẻ còn có thói quen vừa sạc vừa dùng điện thoại, với ổ cắm điện đặt ngay cạnh chỗ ngủ. Có những em chưa có bằng lái xe máy nhưng đã tham gia giao thông và lái xe tốc độ cao, lạng lách, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định...

Trên các phương tiện thông tin đại chúng gần đây có nhiều bài báo về các vụ tại nạn thương tích dẫn đến tử vong trẻ em rất thương tâm. Ở thành phố, có em đi tắm ở bể bơi, đi công viên cùng người lớn cũng bị đuối nước. Mùa hè, ở vùng nông thôn, một số em không có người lớn quản lý, tự do đi chơi, đi tắm sông/suối/ao/hồ dẫn đến đuối nước. Có em đi tắm biển cùng người lớn nhưng vẫn bị sóng cuốn đi. Có em bị tai nạn thương tích do đi lại trên đường, cháy nhà, ong đốt, chó cắn, bị ngã… Thực trạng gia tăng trẻ em bị tai nạn thương tích dịp hè là hồi chuông cảnh báo về việc các em còn thiếu kiến thức, kỹ năng sống và sự ứng phó linh hoạt trong thực tế.

Trên môi trường mạng, các em dễ bị kẻ xấu lừa bán hàng hóa rồi chiếm đoạt tiền; lừa yêu đương rồi chiếm đoạt thân xác; có trường hợp các em bị dụ dỗ đi làm “việc nhẹ lương cao” rồi bị bán vào các quán karaoke/bán qua biên giới…

Ðến trường thì nỗi lo bạo lực học đường đối với các em vẫn còn tồn tại. Bộ GD&ÐT cho biết, trong một năm học cả nước có hơn 1.600 vụ học sinh đánh nhau. Trung bình có 5 vụ/1 ngày và cứ trên 5.200 học sinh lại có 1 học sinh đánh nhau. Ðiều mà nhiều người ngạc nhiên là bạo lực học đường không chỉ xảy ra ở nam mà còn xảy ra ở nữ với và độ tuổi chủ yếu từ 14 -17 tuổi. Thật đáng lo ngại khi khá nhiều vụ có nhiều trẻ cùng tham gia, quay cả clip phát tán lên mạng.

Việc các em phạm tội cũng rất đáng lo ngại. Theo Bộ Công an, mỗi tháng có hơn 1.000 thanh thiếu niên phạm tội. Nguyên nhân là do các em dùng chất kích thích; các chất gây nghiện như thuốc lá điện tử, bóng cười, ma túy; tranh giành bạn gái…

Những vụ việc, tai nạn thương tích như trên xảy ra chung quanh môi trường sống của các em đã cho chúng ta thấy được ý thức tự bảo vệ bản thân, cách phòng tránh nguy hiểm của các em còn nhiều hạn chế. Vậy nên, giáo dục ý thức tự vệ cho trẻ cần được thực hiện càng sớm càng tốt.

https://cdn.noron.vn/2023/08/08/4413181877743253-1691480421.jpg

Các biện pháp phòng ngừa

Ðể giúp trẻ biết tự bảo vệ bản thân, cha mẹ có thể tham khảo những gợi ý sau:

1. Thường xuyên trò chuyện với con

Cha mẹ cần chủ động trò chuyện với con để lắng nghe những điều con cảm nhận. Mối quan hệ gần gũi với cha mẹ sẽ giúp trẻ an tâm hơn khi chia sẻ những khó khăn, vấn đề trẻ đang gặp phải nhưng chưa biết cách giải quyết. Cha mẹ cũng nên quan sát biểu hiện, tâm tính thường ngày của con để kịp nhận ra những điều bất thường để từ đó giúp con tháo gỡ.

2. Giáo dục ý thức bảo vệ bản thân

Mọi điều trẻ học được chỉ có giá trị khi trẻ còn sống, mạnh khỏe và lành lặn. Do đó, cha mẹ không nên quá chú trọng đến việc bồi dưỡng các kiến thức phục vụ cho hoạt động học tập mà quên đi các kỹ năng sinh tồn như: võ thuật, bơi lội, sơ cấp cứu, giáo dục giới tính, ứng phó với kẻ xấu.

Hướng dẫn con các bước xử lý nếu trẻ đối mặt với các tình huống nguy hiểm, như: cần có tinh thần cảnh giác, phòng ngừa vấn đề từ xa. Nếu tính huống xấu xảy đến thì bình tĩnh suy nghĩ tìm hướng giải quyết, đồng thời nhanh chóng tìm sự trợ giúp và nhận thức được trách nhiệm tự cứu mình thay vì chỉ chờ được giải cứu. Sự chuẩn bị tốt về kiến thức và rèn luyện trước về kỹ năng sẽ giúp trẻ tự tin, bình tĩnh để kịp ứng phó trước những tình huống nguy hiểm.

3. Giúp con tạo dựng nếp sống lành mạnh, tích cực

Trẻ ở trạng thái thiếu ngủ, ăn uống thất thường và lạm dụng thiết bị công nghệ kéo dài thường không đủ tỉnh táo để nhận thức các nguy cơ trong thực tại. Vì thế, cha mẹ cần giúp con tạo dựng nếp sống lành mạnh: ăn ngủ, học tập, vui chơi, luyện tập thể dục thể thao có chừng mực, giờ giấc cụ thể.

Quan tâm chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ cũng rất quan trọng, bởi suy nghĩ tích cực sẽ giúp trẻ tránh được những hành vi gây tổn hại cho bản thân và những người xung quanh. Cha mẹ nên ủng hộ con có những sở thích lành mạnh, phù hợp với lứa tuổi và sàng lọc những bộ phim, sách truyện có nội dung tiêu cực, dễ gây ra ảo tưởng, lệch lạc.

4. Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động xã hội

Những trẻ sống thụ động, khép kín thường có khả năng thích nghi và ý chí sinh tồn thấp. Do đó, cha mẹ nên từng bước khuyến khích con tham gia các hoạt động xã hội như các câu lạc bộ sở thích, dự án dành cho giới trẻ, các hoạt động thiện nguyện, trại hè. Những trải nghiệm này sẽ nâng cao vốn sống và kỹ năng của trẻ, giúp trẻ chủ động và linh hoạt ứng biến trước khó khăn.

5. Cung cấp các thông tin, công cụ tự vệ

Cha mẹ nên cho trẻ biết vị trí cất đồ sơ cấp cứu tại nhà, lối thoát hiểm, bình chữa cháy, nơi để chìa khóa dự phòng, cách dùng các thiết bị như còi, đèn pin. Ngoài cha mẹ, địa chỉ liên hệ của những người đáng tin cậy cũng rất cần thiết đối với trẻ. Trẻ cũng nên được dạy về giới hạn của hành vi tự vệ chính đáng theo quy định của pháp luật để không quá lo sợ hoặc trở nên hung hăng quá mức khi tự vệ bản thân.

Các số điện thoại khẩn cấp mà trẻ cần nhớ: 111 là đường dây nóng bảo vệ trẻ em, 112 là số yêu cầu trợ giúp và tìm kiếm cứu nạn, 113 là số liên hệ cảnh sát, 114 là số liên hệ cơ quan phòng cháy chữa cháy, 115 là số gọi cấp cứu.

  • Bài đăng trên Ấn phẩm Vì Trẻ Em - Chuyên trang của Báo điện tử Dân Sinh.
Từ khóa: 

giáo dục

,

tự bảo vệ bản thân

,

trẻ em

,

cha mẹ

,

noron

,

giáo dục