[Giáo dục] Chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ: “Phòng hơn chữa”
Xã hội hiện đại với đầy đủ tiện nghi đang giúp trẻ em có đời sống vật chất đầy đủ, thuận lợi hơn. Tuy nhiên cha mẹ đừng quên để con phát triển lành mạnh thì cần đảm bảo sự hài hòa giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần.
Sức khỏe tinh thần là gì?
Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sức khỏe tinh thần là trạng thái mà trong đó con người nhận thức được khả năng của bản thân, có thể đối phó với những căng thẳng thông thường, vẫn làm việc hiệu quả và đóng góp cho cộng đồng.
Sau nỗi lo về sức khỏe thể chất trong đại dịch Covid-19, giờ đây các bậc phụ huynh và giáo viên lại đối mặt với nỗi lo về sức khỏe tinh thần của con trẻ. Nhiều em có những biểu hiện của các chứng rối loạn lo âu, rối loạn trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, rối loạn lo âu sợ xã hội, rối loạn căng thẳng sau chấn thương và tâm thần phân liệt.
Trong hầu hết các trường hợp, phụ huynh và giáo viên chỉ có thể nhận biết được đúng và đầy đủ điều gì đang xảy ra với sức khỏe tinh thần của con em mình khi đưa trẻ đến gặp các nhà tham vấn, nhà trị liệu và bác sĩ. Bởi thiếu quan tâm về sức khỏe tinh thần đã tạo nên một khoảng trống kiến thức tương đối lớn khi các bậc phụ huynh, giáo viên nhận thức khó khăn của trẻ. Thậm chí, sự thiếu hiểu biết này còn tạo nên những quan niệm sai lệch như: “trẻ con thì làm gì có vấn đề gì phải lo nghĩ”, “tuổi dậy thì nó vậy, sẽ tự hết”, “trẻ đang giả vờ để chống đối hoặc đòi hỏi”, “tất cả là do nghiện game” v.v.
Tác giả đã từng lắng nghe tâm sự từ các em đang có vấn đề về sức khỏe tinh thần và được các em chia sẻ như sau:
Em Đ (15 tuổi, Hà Nội) được bác sĩ chẩn đoán là trầm cảm nặng. Trên lớp em thường đeo tai nghe, thỉnh thoảng ngủ và ít khi tập trung vào giờ học. Tuy nhiên, một cô giáo vào lớp dạy thay khi thấy biểu hiện này của em đã có phản ứng mạnh mẽ bằng hành động và lời nói, khi cho rằng em đang “thách thức cô” trước tập thể lớp, khiến em bỏ về nhà ngay trong giờ học. Sau khi về nhà, em Đ cảm thấy tiêu cực khi nhớ đến hành động của cô và ánh nhìn của các bạn trong lớp, nên em đã có ý định tự tử. May mắn là em đã kịp thời bộc bạch ý định này với người cố vấn của em. Sau khi được lắng nghe em đã bình tĩnh lại.
Em M (9 tuổi, Hà Nội) mới gặp phải sang chấn tâm lý khi cuộc hôn nhân của cha mẹ tan vỡ. Cô độc và buồn khổ, em thu mình và dành phần lớn thời gian trò chuyện trên Internet để tìm kiếm sự đồng cảm cùng bạn bè. Mẹ em kiên quyết khẳng định rằng do em nghiện Internet nên bỏ bê học hành, không nghe lời mẹ. Cố vấn của em đã dành thời gian phân tích để mẹ em nhìn nhận lại tình huống, hiểu được vấn đề là không trẻ nào bỗng nhiên thích thú thế giới ảo hơn đời thực- trừ khi đó là nơi giúp các em trốn tránh, ẩn náu khỏi cảm giác đau khổ, bất mãn do hiện thực mang lại.
Ngoài ra, còn những trường hợp khác mà gia đình, nhà trường thường cho rằng các em gặp khó khăn về sức khỏe tinh thần hoàn toàn là do ảnh hưởng hậu Covid (ở nhà lâu ngày, học online). Đây là nguyên nhân đúng nhưng chưa đủ, vì đời sống tinh thần của các em đã và vẫn đang từ lâu tích lũy các ý nghĩ, thói quen tiêu cực do môi trường sống mang lại.
Thiếu hiểu biết, nhận định chưa thấu đáo là nguyên nhân chủ yếu khiến cho hoạt động chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ em còn nhiều thiếu sót, đôi khi còn khiến tình trạng của các em trầm trọng hơn.
Những lưu ý gửi đến các bậc phụ huynh
Nghiên cứu khoa học về “Sức khỏe tinh thần thời thơ ấu” của Trung tâm nghiên cứu Phát triển trẻ em của Đại học Harvard đã chỉ ra rằng: Nền tảng sức khỏe tinh thần lành mạnh của một con người được xây dựng từ những năm đầu đời, và những tổn thương, biến cố trong thời thơ ấu có rất nhiều ảnh hưởng đến khả năng học tập, làm việc, các mối quan hệ gần gũi và xã hội của các em trong suốt cuộc đời.
Khảo sát của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho thấy, số người từ 11 đến 24 tuổi ở nước ta đang gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần (lo âu, trầm cảm, cô đơn, giảm sự tập trung…) chiếm tới 8 - 29%. Tỷ lệ này có sự khác nhau giữa các nhóm tuổi, vùng miền, hoàn cảnh sống, nhưng tương đối giống nhau về biểu hiện và nguyên nhân. Theo UNICEF, ở cấp độ cá nhân, những người trẻ cô lập về cảm xúc, thiếu tự tin về hình thể, sử dụng quá nhiều thiết bị điện tử, mạng xã hội, thất bại trong tình cảm,… dễ gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần.
Trẻ em có sức khỏe tinh thần bất ổn thường xuất hiện các đặc điểm: gặp khó khăn khi thức dậy vào buổi sáng, hay thức khuya, thiếu sức sống và sự hào hứng với các hoạt động, thích ở một mình và ngại trò chuyện, dễ cảm thấy căng thẳng, dễ tổn thương, có xu hướng phản ứng mạnh (thậm chí có hành vi bạo lực) với những chuyện nhỏ, rối loạn giờ ăn giấc ngủ, thường xuyên cảm thấy buồn chán, mất phương hướng và thụ động, có thời gian sử dụng các thiết bị công nghệ quá nhiều (lạm dụng công nghệ).
Ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho rằng, Sức khỏe tâm thần trẻ em giải quyết phải tiếp cận theo 3 hướng. Trong đó, phòng ngừa là ưu tiên số 1. Tiếp theo là phát hiện rồi mới đến là can thiệp sớm. Những người phát hiện sớm, can thiệp sớm nhất không ai khác chính là giáo viên và cha mẹ. (nguồn: vov.vn)
Do đó, cha mẹ, giáo viên cần dành thời gian, sự quan tâm trực tiếp một cách thường xuyên, đều đặn đến các em để kịp thời phòng ngừa các vấn đề về sức khỏe tinh thần cho trẻ. Những biện pháp phòng ngừa này không khó, không tiêu tốn nhiều chi phí, thời gian và hoàn toàn có thể thực hiện hằng ngày:
- Xây dựng cho trẻ lối sống lành mạnh: Sinh hoạt của trẻ nên có thời gian ăn, ngủ, vệ sinh cá nhân, học tập và thư giãn cụ thể, phân chia rõ ràng, đủ lượng đủ chất. Cha mẹ nên hướng dẫn để giúp trẻ từng bước nuôi dưỡng ý thức tự quản lý bản thân ngay từ khi còn nhỏ.
- Có thói quen vận động, luyện tập thể thao: Trẻ cần được vận động để phát triển các chức năng của cơ thể. Tham gia các câu lạc bộ bơi lội, võ thuật, múa, bóng đá hoặc chỉ đơn giản là chơi cầu lông, bóng bàn, đá cầu v.v. sẽ mang lại ích lợi rất lớn với sức khỏe tinh thần và thể chất của trẻ.
- Có thời gian kết nối, trò chuyện với cha mẹ, bè bạn trong đời thực: Những khoảnh khắc được ở bên cha mẹ, bạn bè hay bất kì ai trẻ quý mến, tin tưởng và cảm thấy được lắng nghe sẽ góp phần đáng kể trong việc gia tăng cảm xúc tích cực của trẻ.
- Khám phá sở thích, niềm vui cá nhân: Trẻ cần biết bản thân thích gì và cha mẹ cần giúp trẻ nhận thức được sở thích ấy sẽ có ích lợi ra sao. Nếu sở thích của trẻ phù hợp với lứa tuổi, an toàn và không góp phần gây nên nhận thức lệch lạc hoặc tạo ra các thói quen xấu thì cha mẹ nên ủng hộ, tôn trọng niềm vui của con trẻ. Cha mẹ cũng có thể gợi ý cho con tìm đến niềm vui đọc sách.
- Xin tư vấn khi cần thiết: Khi nhận thấy con có dấu hiệu bất ổn về tinh thần, cha mẹ nên khuyến khích, đưa trẻ đến phòng tham vấn tâm lý học đường hoặc các trung tâm tham vấn tâm lý càng sớm càng tốt. Nên cân nhắc lựa chọn từ ngữ nhẹ nhàng, tế nhị để trẻ không có mặc cảm bản thân “bị bệnh”, bị ép “đi khám”. Chẩn đoán từ các chuyên gia có bằng cấp chuyên môn, kinh nghiệm lâm sàng sẽ giúp gia đình có phương hướng phù hợp để giúp đỡ trẻ.
Chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ cần luôn ghi nhớ quan trọng nhất là “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Nếu biết quan tâm đúng mức và chủ động phòng ngừa từ đầu, cha mẹ và giáo viên hoàn toàn có thể giúp đỡ các em có một môi trường sống tích cực, hướng đến hạnh phúc, thành công với nền tảng bền vững: kết hợp hài hòa giữa sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần.
* Nguồn ảnh: Unsplash.com