[Giáo dục] Câu chuyện nghề nghiệp bên chén trà đầu xuân

  1. Giáo dục

  2. Thấu Ngành Hiểu Nghề

“Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” là kinh nghiệm mà cha ông đúc kết qua thời gian vậy mà bàn vào thực tế hiện nay thì tư tưởng ấy cũng nhận được không ít bình luận trái chiều. Đặc biệt, khi các bậc làm cha làm mẹ định hướng nghề nghiệp cho con cái thì đó là một thử thách không đơn giản.

Một nghề cho chín

Đã là con người sinh ra thì ai cũng có những quyền lợi và trách nhiệm. Sự kết hợp điển hình giữa quyền lợi, trách nhiệm được thể hiện rõ nhất trong quá trình lao động. Nhờ vào lao động, con người ta hoàn thiện về thể chất, đạo đức cũng như tạo ra các tư liệu sống cho bản thân, gia đình. Dù có sự phân chia tương đối giữa các hình thức lao động giản đơn và lao động phức tạp nhưng điểm chung luôn nằm ở chỗ lao động nghề nghiệp có ích nào cũng đáng quý trọng.

Trong xã hội nông nghiệp ở nước ta trước đây, bức tranh nghề nghiệp được phác họa hết sức giản đơn thông qua hình ảnh tứ dân “Sĩ, Nông, Công, Thương”. Sĩ là tầng lớp đọc sách, theo đuổi con đường học hành khoa cử, nông chỉ tầng lớp cư dân làm nông nghiệp, công là tập hợp các thợ thủ công còn thương dùng để nhắc đến việc buôn bán, kinh doanh.

https://cdn.noron.vn/2021/02/14/509031669416438288-1613312937_1024.jpg

Đã chọn nghề nào, người ta sẽ theo nghề ấy và theo nghề, giữ nghề là niềm tự hào của gia đình, dòng tộc. Như vậy việc lựa chọn nghề nghiệp tương đối thuận lợi, phần nhiều có tâm lý cầu an, hoài bão lớn lắm thì mới dám đèn sách để nuôi mộng khoa bảng còn thông thường trẻ em sẽ làm công việc đồng áng, chăn nuôi giống cha mẹ hoặc chăm chỉ, khéo tay thì làm thợ thủ công. Số còn lại nhanh nhẹn hơn thì học đi buôn nay đây, mai đó. Ấy là thời kì một nghề cho chín, con người ta ít nhiều còn chưa băn khoăn quá nhiều về đổi thay nghề nghiệp.

Thì nay chín nghề…

Năm tháng trôi qua, khoảng cách giữa xưa và nay cứ ngày càng kéo dài ra mãi. Theo quy luật tất yếu của sự phát triển những công việc mới trong xã hội hiện đại đang ngày càng trở nên phong phú hơn, tỉ lệ thuận với chính những nhu cầu của con người trong thời đại văn minh. Đó cũng là lúc câu chuyện nghề nghiệp dần trở thành một chủ để được quan tâm, và càng được quan tâm thì lại càng nảy sinh ra nhiều ý kiến: Giữa kinh nghiệm từng trải của cha mẹ với sự đam mê nhiệt huyết của con cái.

Cha mẹ mong con cái đi theo công việc của mình để tiện bề chỉ bảo, nâng đỡ và tránh được những vấp ngã, trong đó cũng gửi gắm ít nhiều những hi vọng kế tục truyền thống gia đình. Hầu hết nghề nghiệp đều rõ ràng, ổn định như: Làm chủ một cơ sở sản xuất, cán bộ viên chức nhà nước, kinh doanh nhà hàng v.v… Ngược lại, con trẻ thường mong muốn được làm những công việc có tính chất tự do, thể hiện được cá tính và thu nhập cao như: Ca sĩ, diễn viên, hướng dẫn viên du lịch v.v… thậm chí trở thành Freelancer (Nghề tự do theo các hợp đồng, dự án).

Nghề nghiệp được quan tâm vì ngoài việc đem lại thu nhập còn mang đến các mối quan hệ xã hội, cũng bởi tính chất hệ trọng ấy mà đối mặt với lựa chọn, cả cha mẹ lẫn con cái đều không thể thờ ơ.

https://cdn.noron.vn/2021/02/14/509031669416438290-1613313045_1024.png

Mặc dù vậy, thực trạng làm cùng lúc nhiều nghề hay đến tuổi đi làm mà vẫn chưa biết mình nên làm nghề gì đôi khi vẫn là điều mà chúng ta hay bắt gặp ở những bạn trẻ. Tham vọng chứng tỏ bản thân thông qua việc cùng lúc làm nhiều nghề hay không có chút khát vọng nào khi không có dự định rõ ràng về nghề nghiệp mang ảnh hưởng đặc biệt đối với tương lai của mỗi con người.

Niềm vui trong công việc

Không phải ngẫu nhiên mà chữ nghề đứng trước, chữ nghiệp theo sau. Nghề nghiệp không chỉ là cách cá nhân mưu sinh mà còn là cách để lại giá trị và dấu ấn cho cuộc đời. Tiếc thay vì mải mê tìm lợi, tìm danh mà không ít số phận quên đi tìm niềm vui trong công việc. Một công việc lý tưởng là một công việc cá nhân có thể phát huy tối đa khả năng đảm bảo ích nước lợi nhà, có đóng góp được thể hiện rõ ràng thúc đẩy cho sự tiến bộ chung của xã hội. Khi được làm điều mình yêu thích thì tự khắc sẽ sinh ra thái độ lao động tự giác.

Bởi vậy, nếu các bậc phụ huynh biết cách giáo dục về giá trị của lao động và kịp thời nâng đỡ, phát huy năng khiếu của con cái từ thời điểm còn đang ngồi trên ghế nhà trường thì cũng chính là đang giúp đỡ thế hệ trẻ tìm đến nghề nghiệp phù hợp trong tương lai.

https://cdn.noron.vn/2021/02/14/73493199705958834-1613313087_1024.png

Trong những ngày đầu năm mới, bên chén trà nóng đầu xuân cha mẹ lắng nghe nguyện vọng của con cái cũng như con cái tiếp thu tâm tư của cha mẹ về định hướng nghề nghiệp của bản thân là một trải nghiệm ấm áp, tạo nên bầu không khí yêu thương, trân trọng. Quan trọng là mỗi nghề mỗi nét cao quý cũng như muôn hoa muôn vẻ tô điểm cho đất trời mùa xuân thêm rực rỡ.

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Gia đình & Trẻ em số 07, năm 2019.

Từ khóa: 

hướng nghiệp

,

gia đình

,

cha mẹ

,

trẻ em

,

nguyễn phú hoàng nam

,

giáo dục

,

thấu ngành hiểu nghề

Hay quá!

Trả lời

Hay quá!