Giám đốc Anbooks Ngô Phương Thảo: Không phải ai cũng biết rõ cái độc giả cần

  1. Phong cách sống

  2. Văn hóa

  3. Sách

Gia nhập thị trường xuất bản từ năm 2015, nhưng Anbooks nhanh chóng tạo được vị trí của riêng mình. Sau 3 năm, đơn vị này đang được xem là “bà đỡ” mát tay cho các tác giả Việt, trong đó có những người chưa từng viết sách. Phóng viên Báo SGGP trò chuyện với bà Ngô Phương Thảo, Giám đốc Anbooks, để hiểu hơn về công việc làm sách.

Hạt đã gieo sẽ thành cây

– Bà NGÔ PHƯƠNG THẢO: Tôi chưa từng hối tiếc về quyết định dấn thân vào ngành sách ở thời điểm này ba năm trước. Trái lại, ngày qua ngày, tôi và gia đình mình đều biết ơn sự lựa chọn đó. Tôi không rõ những anh chị khác làm sách như thế nào, nhưng trường hợp của mình, tôi chưa thấy cơ hội giàu có xuất hiện. Tài sản lớn nhất sau ba năm tôi gặt hái được, có lẽ là sự trưởng thành của chính mình. Tôi biết khiêm nhường hơn, yêu thương trọn vẹn hơn, chú tâm vào chính mình nhiều hơn. Tôi đã biết bỏ những lao xao để tạo điều kiện cho mình được yên tĩnh khi cần thiết. Đó là một bước tiến lớn đối với tôi.

* Từ trước tới nay, hầu hết tác giả sẽ mang bản thảo “gõ cửa” các NXB, các công ty sách, nhưng với Anbooks thì ngược lại, chủ động tìm kiếm tác giả?

– Thực chất, Anbooks không phải là một đơn vị kinh doanh sách đơn thuần. Chúng tôi khởi sự công việc này bằng một triết lý đơn giản: Khơi những “hạt mầm” mạnh mẽ, hồn nhiên, đầy yêu thương đang ẩn khuất đâu đó để những “hạt mầm” này nứt thành cây, tỏa bóng mát cho đời. Công việc của chúng tôi là tìm những hạt mầm đó và xới đất, tưới nước.

Người giỏi trên thế gian này rất nhiều. Nhưng người mà chúng tôi tìm kiếm không chỉ là một người giỏi. Họ nên là những người đã từng trải để biết thương những đau đớn của người khác, nên là những người đã vấp ngã để biết canh chừng và thuần hóa cái “tôi” của mình, nên là những người có trái tim rộng mở để sẵn sàng bao dung và chở che cho nhiều người khác. Khi nào tôi tìm thấy người đó, tôi đề nghị họ viết sách…

https://cdn.noron.vn/2021/06/16/sggpsachaeja-1623816464_1024.jpg

Bà Ngô Phương Thảo, Giám đốc Anbooks

* Chị thường tìm kiếm và lựa chọn tác giả không phải là những cây bút tiếng tăm, thậm chí chưa từng viết sách trước đó. Đây được xem là một lựa chọn khôn ngoan hay liều lĩnh?

– Nói theo những thước đo thông thường thì có thể là liều lĩnh. Không có một bài toán khôn ngoan nào trong kinh doanh mà điểm hòa vốn kéo dài cả năm trời, trong khi dòng tiền diễn ra rất chậm (trung bình 4 – 6 tháng cho một sản phẩm bắt đầu thu được tiền). Muốn bán được sách của các tác giả không nhiều người biết tới, chúng tôi phải đầu tư thời gian, đội ngũ, tiền bạc, chất xám, tâm huyết trọn vẹn cho tác phẩm đó.

Không có công thức hay bài toán nào cho thấy là nếu đầu tư như vậy rồi thì sẽ thành công. Cũng không có bất kỳ cam kết nào cho thấy nếu đầu tư thành công rồi thì tác giả đó lại tiếp tục chỉ làm việc với mình mà không làm việc với người khác. Chúng tôi đều biết mình đang chọn cách làm liều lĩnh. Nhưng chúng tôi tin rằng hạt đã gieo, sẽ thành cây.

* Làm việc với những tác giả mới toanh có khiến chị hoang mang?

– Không hề, ngược lại rất thú vị. Họ có sự hồn nhiên của những người lần đầu tiên trải nghiệm chuyện này. Họ chân thành, cầu thị, nghiêm túc. Đương nhiên sẽ mất nhiều công sức hơn, nhiều thời gian và cần nhiều sự hỗ trợ hơn, nhưng chúng tôi cũng học được nhiều từ họ thông qua việc tương tác thường xuyên và kết nối chặt chẽ. Chúng tôi không chỉ là những đối tác thông thường, mà còn trở thành bạn bè, người thân, thậm chí là “chuyên viên tâm lý” của nhau.

Tìm cách bảo vệ thành quả lao động của tác giả

* Một trong những điểm yếu của các tác giả Việt là không biết làm truyền thông cho cuốn sách của mình. Chị nghĩ sao về điều này?

– Năng lực truyền thông cho sản phẩm nên được cập nhật cho tất cả các ngành nghề tại Việt Nam, không riêng ngành sách. Tôi vẫn nói với các bạn trong đội ngũ mình rằng, cái chính không phải là mình truyền thông giỏi, mà là mình biết rõ, hiểu rõ về sản phẩm của mình. Tại sao phải làm cuốn sách này? Cuốn sách này giải quyết vấn đề gì cho từng cá nhân, cho cộng đồng, cho xã hội? Ai sẽ là người cần nó? Họ sẽ tiếp cận nó như thế nào? Tận dụng nó ra sao? Tất cả những câu hỏi này phải được làm rõ ngay từ khi bắt tay vào làm sách. Khi trả lời được hết rồi, thì bắt đầu tìm kiếm các kênh thông tin để truyền đạt nó. Việc thực hiện các “tour” giao lưu để kết nối tác giả và độc giả trên toàn quốc được thực hiện bằng tinh thần như vậy.

* Thực trạng chung ở Việt Nam là rất hiếm tác giả có thể sống được bằng ngòi bút của mình. Khi làm việc với các tác giả, chị phải “ăn nói” sao với họ về chuyện này?

– Chúng tôi thẳng thắn trao đổi với tác giả về việc đó. Nguyên tắc làm việc của chúng tôi là minh bạch, rõ ràng, chân thành và trung thực. Nhưng việc “nói” thôi chưa đủ, chúng tôi phải tìm kiếm những giải pháp giúp tác giả yên tâm với sản phẩm trí tuệ của họ. Có thể cái khó chung của ngành sách còn rất lâu mới khắc phục được, nhưng ít nhất chúng tôi cũng cố gắng khắc phục quy trình của mình tốt hơn mỗi ngày.

* Chị có lần bày tỏ mong muốn sách và tác giả phải thể hiện được triết lý và định hướng của NXB. Thực tế từ trước tới nay, ngành sách luôn… chạy theo thị hiếu của độc giả?

– Không phải ai cũng biết rõ cái độc giả cần. Điều mà chúng tôi tập trung vào giải quyết, đó chính là tìm kiếm các giá trị có thể mang đến một đời sống vững chãi, tự do cho độc giả của mình. Đương nhiên, lội ngược dòng là lựa chọn khó khăn, nhưng chúng tôi tin vào độc giả. Họ chính là người nâng đỡ chúng tôi.

Các đầu sách của Anbooks tính đến giữa năm 2018

* Vì sao chị chỉ đầu tư vào các tác giả Việt và sách Việt; trong khi, sách dịch mới đem lại doanh thu đáng kể?

– Tác giả Việt có lợi thế là họ hiểu và thương yêu người Việt. Khi đã hiểu và thương yêu, bạn sẽ biết cách mang lại giá trị cho người mình thương.

* So với các tác giả nước ngoài, các tác giả Việt đang có những hạn chế gì, thưa chị?

– Việt Nam chưa có một hệ sinh thái đầy đủ cho việc phát triển các tác giả chuyên nghiệp, do đó, tác giả Việt Nam khá cô đơn. Trong khi sách chính là tài sản tinh thần của một quốc gia, thì tác giả Việt hầu như đơn độc trong việc xây dựng tài sản ấy. Chúng tôi tự đặt cho mình một vai trò đối với tác giả: chia sẻ phần khó khăn đó với họ bằng việc giúp họ khảo sát nhu cầu của bạn đọc một cách nghiêm túc theo phương pháp xã hội học; đưa ra những định tính định lượng ngay trước khi tác giả viết sách, đối với những tác giả thật sự cần.

Chúng tôi cũng hỗ trợ tác giả liên kết với các nguồn tư liệu, các đối tác khác, các nhân vật khác; đồng hành cùng tác giả trong quá trình xác định đề cương, phân bổ thông điệp, làm tròn các thông điệp. Chúng tôi hy vọng có thể mang lại trải nghiệm thú vị hơn nữa cho tác giả khi làm việc với Anbooks.

Theo Quỳnh Yên, Sài Gòn Giải Phóng

Bài viết đăng trên:

http://www.anbooks.vn/giam-doc-anbooks-ngo-phuong-thao-khong-phai-ai-cung-biet-ro-cai-doc-gia-can/

Từ khóa: 

sách anbooks

,

giám đốc ngô phương thảo

,

xuất bản

,

tác giả

,

độc giả

,

phong cách sống

,

văn hóa

,

sách

Xin chúc Anbooks phát triển bền vững để lan tỏa những giá trị tích cực đến cộng đồng :)

Trả lời

Xin chúc Anbooks phát triển bền vững để lan tỏa những giá trị tích cực đến cộng đồng :)

Anbooks có những cuốn sách nào hay bán chạy vậy?