Ghe Đục của người miền sông nước
Ghe đục xuất hiện nhiều ở An Giang, Đồng Tháp - 2 địa phương có diện tích nuôi cá tra lớn nhất vùng ĐBSCL. Chi phí đóng một chiếc ghe đục loại lớn (bằng gỗ sao) khoảng 1 tỉ đồng.
Khác với các loại ghe thường, ghe đục có thể đưa nước vào - ra để cá sống như ở môi trường sông, rạch hoặc trong bè nuôi nhờ 2 bên hông ghe được đục thủng 5 - 10 cái lổ vuông (rộng khoảng 40cm/lổ), bên ngoài chắn lại bằng lưới sắt. Nhờ đó, nước từ trong ghe và ngoài sông thông thương với nhau.
Ghe không chìm do phía trước và phía sau ghe được ngăn lại giống như cái phao giúp ghe nổi. Trung bình ghe đục chở từ 15 - 20 tấn cá tra. Với ghe đục, cá tra giống chở đi xa không bị thiếu ôxy, tuột nhớt. Còn đối với cá tra thương phẩm, chở bằng ghe đục giúp cá tươi sống trước khi đến nhà máy chế biến thủy sản…
Ghe đục là phương tiện quan trọng trong việc vận chuyển cá tra giống đến ao hầm hay cá tra thương phẩm từ ao nuôi đến nhà máy xuất khẩu. Nhìn chung, ghe đục cũng giống ghe thường, chỉ khác ở chỗ ghe này có nước chảy ra vô luân lưu để cá sống như ở sông rạch hoặc trong bè nuôi.