FxPro: Đồng USD chịu áp lực khi thị trường đặt cược vào một Fed ôn hòa
Trong tuần qua, xác suất Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất vào tháng 5 đã tăng vọt từ 11% lên 47%, và thậm chí đạt gần 60% vào thứ Ba.
Về triển vọng đến cuối năm, thị trường hiện đang nghiêng về kịch bản giảm lãi suất 100 điểm cơ bản, đưa mức lãi suất về 3,25%–3,50% hoặc thấp hơn, với xác suất 75%. Trong khi đó, chỉ một tháng trước, xác suất này chỉ trên 25% một chút.
Đây có thể là một chuyển động kỹ thuật, phản ánh xu hướng chuyển dịch sang trái phiếu chính phủ ngắn hạn mang tính phòng thủ. Giả thuyết này được củng cố bởi lợi suất trái phiếu chính phủ dài hạn 10 năm và 30 năm tăng vọt, trong khi thông thường, chúng sẽ giảm theo lợi suất ngắn hạn.
Các biến động bất thường như vậy làm gia tăng tâm lý bi quan đối với thị trường chứng khoán, khiến hoạt động bán tháo các vị thế sử dụng margin (ký quỹ) có thể tiếp tục hoặc trở nên nghiêm trọng hơn.
Thông thường, điều này sẽ có lợi cho đồng USD. Tuy nhiên, hiện tại, đồng USD lại đang chịu áp lực do tình trạng bán tháo cổ phiếu và trái phiếu dài hạn tại Mỹ.
Về mặt kỹ thuật, chỉ số USD Index đã bước vào giai đoạn giảm điểm rõ rệt từ đầu tháng 4, khi phá vỡ mạnh vùng hỗ trợ thiết lập từ tháng 3. Đợt phục hồi hồi đầu tuần chỉ lấp khoảng trống giá chứ không thay đổi xu hướng, báo hiệu khả năng sẽ giảm tiếp về khu vực 99 điểm – tức giảm thêm gần 3% so với mức hiện tại.
Mặc dù các nền kinh tế lớn khác cũng được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh cắt giảm lãi suất, thị trường thường "phản ứng sớm" với các thay đổi tại Mỹ. Điều này đã từng khiến đồng USD tăng mạnh trước chu kỳ tăng lãi suất vào năm 2022, và giảm trước các đợt cắt giảm vào năm 2020 và 2024. Xét về mức độ căng thẳng và bất ổn, tình hình hiện tại gợi nhớ đến tháng 3 năm 2020.