FMCG và những điều cơ bản dân Marketing cần biết
FMCG là gì?
FMCG là thuật ngữ viết tắt của cụm từ Fast Moving Consumer Goods hay ngành hàng tiêu dùng nhanh chuyên cung cấp các sản phẩm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trong cuộc sống của con người. Các mặt hàng FMCG bao gồm các sản phẩm gia dụng, thực phẩm chức năng, hàng chăm sóc cá nhân, các sản phẩm dùng trong vệ sinh và giặt ủi,...
FMCG còn có cái tên khác là CPG - Consumer Packaged Goods hay hàng tiêu dùng đóng gói, bao gồm các sản phẩm tiêu dùng với sức bán lớn, số lượng tiêu dùng sản phẩm từ khách hàng cao. Thông thường, số lượng sản xuất sản phẩm tại các công ty FMCG rất lớn được người tiêu dùng sử dụng thường xuyên.
Sự đa dạng trong các mặt hàng FMCG dẫn tới việc đa dạng ngành hàng, đa dạng sản phẩm, mỗi sản phẩm có nhiều nhãn hàng dẫn tới sự cạnh tranh gay gắt giữa các dòng sản phẩm trên thị trường. Chỉ tính riêng ngành hàng nước giải khát, lại có rất nhiều sản phẩm từ nước tăng lực, nước ngọt có ga, nước khoáng,... Chỉ tính riêng lĩnh vực sữa tươi đã có tới rất nhiều sản phẩm như Vinamilk, Mộc Châu, Nestle,...
Các loại hình công việc trong FMCG
Có rất nhiều vai trò công việc khác nhau trong ngành công nghiệp FMCG Vietnam hiện nay bởi đây là ngành rất đa dạng và năng động. Một số vai trò chính của ngành hàng tiêu dùng nhanh bao gồm:
Quản lý sức khỏe và an toàn tiêu dùng
Các sản phẩm tiêu dùng được các công ty FMCG sản xuất có số lượng khách hàng sử dụng lớn và thường xuyên, vì thế việc đảm bảo sức khỏe và an toàn người tiêu dùng là vô cùng quan trọng. Chỉ những thương hiệu doanh nghiệp mạnh, mặt hàng được đánh giá là thân thiện và an toàn với người tiêu dùng mới có chỗ đứng trên thị trường.
Quản lý kinh doanh
Quản lý bán hàng và các mặt hàng FMCG là yêu cầu phát triển của các doanh nghiệp hiện nay và phát triển cơ sở khách hàng rộng lớn. Tìm hiểu nhu cầu sử dụng hàng hóa của doanh nghiệp để nâng cao chất lượng dịch vụ và sản phẩm, đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của khách hàng.
Phân tích mua sắm
Vai trò này được thiết lập cho những đội nhóm kinh doanh phụ trách vấn đề phân tích thị trường. Nhà phân tích cần đảm bảo có hiểu biết nhất định về thị trường và người tiêu dùng để đưa ra hướng phát triển cho doanh nghiệp theo nhóm sản phẩm của chính doanh nghiệp đó. Công tác này giúp kiểm soát hiệu quả kinh doanh doanh nghiệp và cung cấp những định hướng mới cho sự phát triển trong tương lai của các công ty FMCG.
Tìm nguồn cung ứng
Vai trò công việc này cần các cá nhân có những hoạch định chiến lược dài hạn cho doanh nghiệp với các chi phí thấp nhất. Tuy nhiên vẫn đảm bảo được tiêu chuẩn và chất lượng được thỏa thuận. Mục tiêu công việc này là duy trì lợi ích, tìm ra những nguồn cung ứng giúp giữ vững lợi thế cho các công ty FMCG trên thị trường. Các nguồn cung ứng tích cực giúp thúc đẩy nguồn cung và quản lý.
Vì sao nên chọn FMCG?
Chính vì sự phổ biến của các mặt hàng này và sức ảnh hưởng lên người tiêu dùng qua các hoạt động của công ty. Bạn sẽ cảm thấy công việc của mình có ích dù có trực tiếp làm ra sản phẩm hay không, vì công ty FMCG rất tập trung vào việc gia tăng các giá trị cuộc sống của khách hàng của họ.
Unilever là đại diện tiêu biểu cho những chương trình ủng hộ cộng đồng, phát triển bền vững rất thiết thực và có ích gắn liền với các nhãn hiệu của họ: “Bảo vệ nụ cười Việt Nam” với P/S – dự án tuyên truyền vệ sinh sức khỏe răng miệng cho trẻ em cấp 1, “Ngày thế giới rửa tay” của Lifebuoy cùng điệu nhảy rửa tay thần thánh đã viral khắp chốn năm qua.
Điều đáng chú ý ở đây là các doanh nghiệp khi hoạt động không phải ai cũng để ý tới tác động của mình tới môi trường, quốc gia mình đang gặt hái lợi nhuận từ đó (điển hình như vụ việc bột ngọt Vedan ngày trước), nhưng để vừa đạt được thành công kinh doanh, vừa mang lại lợi ich xã hội lớn lao thì những tập đoàn FMCG lớn là nơi đáng để bạn cân nhắc.
Một số công ty FMCG ở Việt Nam
1.Unilever
Unilever là một công ty đa quốc gia của Anh và Hà Lan... Đối thủ cạnh tranh chủ yếu của Unilever là hãng Procter & Gamble, Nestlé, Kraft Foods, Mars Incorporated, Reckitt Benckiser và Henkel.
Công ty này sở hữu nhiều công ty có quy mô lớn sản xuất hàng tiêu dùng, thực phẩm, sản phẩm giặt tẩy, mỹ phẩm của thế giới. Unilever có hơn 400 nhãn hàng, trong số các sản phẩm nổi tiếng nhất có thể kể đến OMO, Surf, Lux, Dove, Knorr, Comfort, Vaseline, Ponds, P/S, Signal, Close Up, AXE, Rexona, Vim, Cif (Jif), Sunsilk, Sunlight,..
2. P&G
P&G là từ viết tắt của Procter & Gamble, một tập đoàn hàng tiêu dùng đa quốc gia của Mỹ nằm trong danh sách Fotune 500 do tạp chí Fortune của Mỹ bình chọn hàng năm dưa trên tổng thu nhập và mức đóng góp vào ngân sách quốc gia qua các loại thuế. P&G có trụ sở tại quận trung tâm Cincinnati, Ohio và chuyên sản xuất các mặt hàng tiêu dùng rất đa dạng. P&G được xếp thứ 5 trong danh sách Những công ty đáng ngưỡng mộ nhất của tạp chí Fortune năm 2011. P&G nổi tiếng về nhiều sáng kiến kinh doanh bao gồm quản trị thương hiệu và quảng cáo sản phẩm qua truyền thanh - truyền hình.
3. Kirin Vietnam
Công ty TNHH nước giải khát Kirin là công ty con của tập đoàn chuyên về nước giải khát Kirin Japan. Kirin hợp tác với Interfood, công ty đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong thị trường Việt Nam và nổi tiếng với thương hiệu Wonderfarm, mở ra hai nhà máy ở Đồng Nai và Bình Dương, mong muốn sẽ làm hài lòng khách hàng với sản phẩm tốt nhất. Hiện tại, dòng sản phẩm của Kirin, ICE+, Latte và Wonderfarm, đã được phân phối toàn khắp các siêu thị ở Việt Nam, trở thành một nhãn hiệu quen thuộc với người tiêu dùng.
4.Vina Acecook
Thành lập năm 1995, công ty cổ phần Acecook Việt Nam (Vina Acecook) là một nhà phân phối thực phẩm, chủ yếu mì gói. Với mục tiêu là mang đến cho khách hàng những sản phẩm chất lượng và an toàn, Acecook không ngừng học hỏi và áp dụng công nghệ hiện đại Nhật Bản vào hệ thống. Đạt được những giải thưởng danh giá như ISO 9001: 2000, ISO 14001: 2004…, Vina Acecook trở thành một trong những sự chọn lựa ưa thích của khách hàng. Càng nhiều sản phẩm như mì Hảo Hảo, Lẩu Thái, Kim Chi…được bán ra cả thị trường trong và ngoài nước, góp phần làm tăng lợi nhuận của Vina Acecook.
5.Vinamilk
Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam, tên khác: Vinamilk, là một công ty sản xuất, kinh doanh sữa và các sản phẩm từ sữa cũng như thiết bị máy móc liên quan tại Việt Nam. Là doanh nghiệp hàng đầu của ngành công nghiệp chế biến sữa, hiện chiếm lĩnh 54,5% thị phần sữa nước, 40,6% thị phần sữa bột, 33,9% thị phần sữa chua uống, 84,5% thị phần sữa chua ăn và 79,7% thị phần sữa đặc trên toàn quốc. Ngoài việc phân phối mạnh trong nước với mạng lưới hơn 220.000 điểm bán hàng phủ đều 63 tỉnh thành, sản phẩm Vinamilk còn được xuất khẩu sang 43 quốc gia trên thế giới như Mỹ, Pháp, Canada, Ba Lan, Đức, khu vực Trung Đông, Đông Nam Á... Sau hơn 40 năm ra mắt người tiêu dùng, đến nay Vinamilk đã xây dựng được 14 nhà máy sản xuất, 2 xí nghiệp kho vận, 3 chi nhánh văn phòng bán hàng, một nhà máy sữa tại Cambodia (Angkormilk) và một văn phòng đại diện tại Thái Lan.
Vậy là chúng ta đã cùng tìm hiểu xem FMCG là gì? Những loại hình công việc trong FMCG? vì sao bạn nên chọn FMCG cũng như đôi nét về các công ty FMCG ở Việt Nam. Hy vọng những thông tin từ bài viết sẽ giúp ích cho bạn!
Nguồn ảnh: Internet
Tham khảo: Wiki