Fast fashion là gì? Nó có phải là tác nhân gây ra các vấn đề bất ổn của môi trường?
Fast fashion là gì?
Là tên gọi lấy theo từ Fast food, ám chỉ "thời trang ăn liền". Các nhà mốt như Zara, H&M, Pull & Bear, F21,... bắt trend rất nhanh và chuẩn, họ hiểu khách hàng của mình sẽ cần gì, thích gì. Vòng đời của một chiếc áo, chiếc quần "fast fashion" diễn ra như thế này! Ý tưởng được lấy từ fashion show của các hãng thời trang danh tiếng. Sau đó được phác thảo, chuyển đến cho các cơ sở may mặc ở các nước đang phát triển để tiết kiệm nhân công. Và bùm, sau chỉ 3 tuần, các mẫu quần áo đầm váy trendy được treo lên kệ tại các cửa hàng thời trang trên toàn thế giới. Người ta đến thử, rồi mua, rồi mặc một vài tháng và bỏ, đơn giản vì món đồ đó đã "hết thời" và cũng vì chất lượng quần áo của các hãng này không bền lắm.
Nó là nguyên nhân gây ảnh hưởng xấu đến môi trường?
Theo EcoWatch năm 2015, ngành thời trang nhanh ô nhiễm thứ hai trên thế giới. 25% lượng chất hóa học được sử dụng trên thế giới thuộc về ngành dệt may. 10% lượng khí thải carbon của trên toàn cầu là sản phẩm thải ra của ngành may mặc. Ngành công nghiệp dệt tiêu thụ lượng nước nhiều hơn hết thẩy các ngành công nghiệp khác bên cạnh ngành nông nghiệp. Mất đến 2700 lít nước để sản xuất ra một chiếc áo thun, và 7000 lít nước chỉ để sản xuất một chiếc quần jeans (không phải 2,7 lít hay 7 lít mà là 2700 lít và 7000 lít). Nó nghiễm nhiên trở thành ngành công nghiệp gây ảnh hưởng tiêu cực rất lớn tới nguồn nước sạch toàn cầu. Trong khi có đến hơn 4,5 tỉ người dân sống thiếu nước.
Và fast fashion, với tính chất “ăn liền” của mình đã nhanh chóng bị buộc tội trở thành nguyên nhân chính biến ngành thời trang trở thành nền công nghiệp ô nhiễm. Có thể đấy, giờ đây, người ta thật dễ dàng để mặc đẹp - mặc hợp thời. Chỉ với mức giá chỉ bằng 1/100, thậm chí 1/1000, người ta có thể sở hữu ngay bộ trang phục gần giống những gì mình thấy ở một fashion show cách đây vài tuần. Từ năm 2000 đến 2014, sản phẩm may mặc tăng gấp đôi về số lượng, doanh số bán hàng từ 1 tỷ tỷ đô năm 2002 đã chạm mức 1,8 tỷ tỷ đô vào năm 2015 và được dự đoán là tăng lên đến 2,1 tỷ tỷ đô vào năm 2025. Tính trung bình ở thời điểm hiện tại hằng năm mỗi khách hàng mua sản phẩm may mặc tăng thêm 60% và sử dụng chúng chỉ bằng nửa thời gian so với 15 năm trước. Điều này cho thấy rằng, giờ đây mua sắm quần áo không còn là vấn đề "đủ ăn đủ mặc", nó đã trở thành thói quen, phương thức giải stress, thậm chí là hình thức gây nghiện. Fast fashion đã thay đổi thói quen mua sắm của người dùng.
Vâng, nó rất đáng trách, nhưng lỗi lầm không thuộc về một phía. Người tiêu dùng với tính cả thèm chóng chán của mình đã chung tay góp sức để các hãng thời trang bình dân ra sức cho ra những BST mới, ra sức phá huỷ môi trường. Để mua một món đồ mình thích không phải là điều khó khăn, để không mua nó mới là khó. Nhưng để trở thành người mua sắm thông minh, bạn nên mua ít đi và chỉ mua những thứ thật sự cần thiết. Bên cạnh đó, có thể tìm đến những thương hiệu thời trang nội địa để thay thế những sản phẩm kém chất lượng từ các hãng thời trang bình dân quốc tế. Hãy dành chút thời gian để chọn ra cho mình những local brand phù hợp, cũng như suy nghĩ kĩ càng cho những quyết định mua sắm quần áo của mình.